Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Quyển 2 - Chương 35




Hàng rào dây kẽm gai kéo dài mãi, rất xa. Đó là phòng tuyến “cái bừa” dài 320km đầy chướng ngại bằng dây kẽm và mìn. Bốn mét chiều ngang, hai mét chiều cao. Giữa các hàng rào là bức tường gồm mười một hàng dây dẫn điện cao thế từ 5 đến 7 nghìn vôn.

Phía sau xa xa là xứ Tunisie, đất khô cằn hoặc đôi khi có những cây ôliu. Phòng tuyến “La Herse (Cái bừa)” hay còn gọi là phòng tuyến Morice – lấy tên của vị bộ trưởng Chiến tranh có nhiệm kỳ ngắn ngủi, người đã đề xướng và chỉ đạo việc xây dựng nó. Phòng tuyến nầy khoá chặt Algérie theo dọc chiều dài biên giới. Phòng tuyến nầy kéo dài đến sa mạc. Nơi nầy không có chỗ ẩn nấp, những vết chân đi trên cát ngăn cản không cho quân đội bí mật đi qua. Đó là một sự khám phá, lúc đầu chỉ được coi là một vật lạ mắt, đơn giản nhưng sau nầy tỏ ra là một bộ máy đáng sợ. Nó sẽ làm thay đổi số phận của các vũ khí.

***

Những xe trinh sát bọc thép (EBR) của trung đội tiến thẳng về phía nam. Chúng chạy nhanh, tốc độ trên 60 km một giờ. Tám bánh xe nhả bụi. Từng quãng một dọc theo hàng rào thép lại có những hầm tác chiến.

Đêm qua tín hiệu báo động đã phát ra từ những hầm nầy. Lực lượng du kích fellagha của Algérie đã nhổ bức tường thép, mang đầy súng đạn trong người, bất chấp radar, mìn sát thương, nhất là dây thép mang điện thế hàng nghìn vôn, tìm cách vượt qua phòng tuyến. Lần nầy họ dùng những dụng cụ đơn giản và thô sơ nhất. Đó là kìm cắt bằng thép, những chiếc kéo cắt nặng nề sản xuất tại Đức. Họ dũng mãnh xông lên, chọc thủng phòng tuyến, hoặc phủ những nệm cao su cách điện lên trên dây thép gai có điện hoặc còn chui vào các cống ngầm luồn dưới hàng rào dây kẽm gai – công trình cổ của người La Mã xưa kia và chỉ có người dân địa phương mới biết. Lần nầy, họ đã coi thường thuốc nổ để đi qua phòng tuyến một cách cổ điển nhất vì vậy các đồn bốt Pháp đã phát tín hiệu báo động.

Bảo Long vươn nửa người ra khỏi tháp xe bọc thép. Mặt trời vừa lên. Theo một kịch bản đã hiệu chỉnh kỹ, đơn vị tuẩn tiễu lê dương đã xác định một cách chính xác vị trí cửa mở và chuyển dịch vị trí ước định của quân du kích. Sáng ra, tiểu đoàn xe bọc thép được lệnh bịt chặt những nơi nghi có địch đi qua. Bảo Long chỉ huy trung đội xe bọc thép thi hành nhiệm vụ nầy.

Động cơ gầm rú, những khối thép đồ sộ lúc lắc di chuyển trong đống đá vụn câm lặng. Anh nói: “Quanh đây 10 km người ta nghe được tiếng động cơ của chúng ta đang di chuyển”. Chàng thanh niên mảnh dẻ, kế vị ngôi báu An Nam đã đi được một quãng xa. Trong đoàn quân không ai là không biết anh là ai, từ đâu đến. Đầu đội chiếc mũ sắt nặng sụp gần ngang tầm mắt, anh hô khẩu lệnh. Ngắn gọn và đanh thép. Để binh sĩ dưới quyền phải tuân lệnh, không trù trừ, do dự. Như đã thành quen. Như một công việc thông thạo. Ở Saint-Cyr trong một cuộc diễn tập người ta đã dạy anh biết cách chỉ huy một đơn vị di chuyển ở cự ly 50 hoặc 60 m. Trung đội lao lên theo anh. Bảo Long biết đọc bản đồ. Những tấm bản đồ rộng, in trên giấy kẻ millimét của Viện Địa lý quốc gia (IGN). Nhiều chỉ huy đơn vị không đọc được, nhất là các hạ sĩ quan thường bị lạc giữa sa mạc đầy sỏi đá xung quanh Batna hoặc Tebessa. Anh đọc thạo hơn những người khác, đây là chuyên môn của anh. Như có khiếu trời ban. Anh nổi tiếng vì thế, như một thánh nhân hay thầy bói. Đi với anh thì đoàn xe bọc thép không bao giờ bị lạc. Phía trước đơn vị tiên phong đã gặp địch. Cuộc chạm súng bắt đẩu. Chỉ thấy bụi mù hất lên từng quãng, ánh chớp của đạn pháo. Trên cao, những chiếc máy bay bắn phá xối xả vào đối phương bị bao vây. Gần như một việc đã thành nếp. Từ nhiều năm nay cuộc sống của anh ở đây là như thế. Hành quân trên đường, lần theo dấu vết, săn đuổi du kích. Trong năm ngày thì bốn ngày như vậy. Một cuộc sống rượt đuổi dưới ánh nắng mặt trời và bụi bám đầy mặt. Nhưng ít ra anh cũng được tự do hít thở không khí ngoài trời. Các bạn anh cùng đi trong xe, hai người lái, một thợ máy, mình đẫm mồ hôi. Chiến tranh là như vậy. Không hề có tiếp xúc với dân chúng, ít được nghỉ ngơi, chỉ có rượt đuổi theo dấu chân, lại còn bụi bặm và xa xa là hình ảnh các cuộc giao chiến. Dễ dàng, nhanh chóng hay gay go, ác liệt như trận Aurès. Cả một đại đội của trung đoàn 4 khinh binh lê dương bị quân kháng chiến Algérie phản công và dồn xuống vực sâu.

Lần nầy quân đổ bộ đường không đã chạm súng với địch. Du kích chọc thủng phòng tuyến bao giờ cũng nhằm mục đích tiếp tế vũ khí đạn được cho lực lượng wilayas ở nội địa. Chính vì thế mà họ xuất phát từ các căn cứ đặt ở Tunisie, đương đầu với dây thép gai dẫn điện 5.000 vôn, những trái mìn, những trung đoàn lê dương, bộ binh và xe bọc thép truy đuổi họ. Được trang bị tốt và khi tập hợp lại, họ tiến hành các trận đánh ác liệt. Bao nhiêu người chết, bao nhiêu xác người bị phanh thây dưới ánh mặt trời chói chang? Hàng nghìn. Tháng 4 năm 1958, quân giải phóng dân tộc Algérie (FNL) ỷ vào quân số đông 900 người, liều lĩnh chọc thủng phòng tuyến điện qua hai điểm khác nhau. 300, chỉ có 300 người vượt qua an toàn. Và cuộc truy kích bắt đầu. Cuối cùng chỉ còn 30 người sống sót. 30 trên 900, phòng tuyến điện giết người quả là hiệu nghiệm. Hơn là một bước tường ngăn, chỉ như một vạch thẳng lạnh lùng, phòng tuyến điện đem lại hy vọng cho các nhà chiến lược Pháp. Cuộc kháng chiến Algérie thu hẹp dần, tàn lụi rồi tắt ngấm vì không có lương thực, không có chỗ dựa về các nguồn dự trữ đặt ở Tunisie. Những điều đó quân lê dương biết cả. Trong nhiều năm sau đó họ xông vào các đơn vị du kích bị bao vây và tiêu diệt hết.

Chiến xa của Bảo Long bắn đầu tiên. Chính anh đã tọng viên đạn dài vào cơ bẩm của pháo. Đó là vai trò của anh. Anh hạ lệnh khai hoả. Tuy nhiên còn xa mới đến chỗ hai bên giao chiến. Anh thoáng thấy tiền quân của quân đội Pháp đã xung trận, đồng đội của anh trong xe hét lên. Bằng tiếng Đức. Họ đều là người Đức, phần đông biết vài tiếng Pháp. Trong trận chiến họ không cần tìm hiểu tiếng của nhau.

Một hoàng tử người Việt làm gì đây trên một chiến xa do người Đức lái, một chiến xa chạy hết tốc độ để đi giết những người yêu nước Algérie?

Trong khi hành quân, Bảo Long không đặt ra câu hỏi nầy nhưng khi tiếng va chạm của vũ khí lắng xuống anh lại bị ám ảnh về điều phi lý của tình cảnh.

Mấy tháng sau, chiếc xe của Bảo Long nổ tung do đè phải quả mìn khi trung đội xe bọc thép vượt qua một “khu trắng” phân cách hàng rào dây thép gai và biên giới. Dây thép gai dẫn điện lẫn vào đất ở những chỗ thuận tiện nhất và đôi khi đi xa khỏi đường phân cách. Các chiến xa đến bờ một con sông phải vượt qua, ở đó có một trái mìn chôn dưới đất. Một trái mìn – một cỗ máy giết người cổ xưa – quân du kích đã đoạt lại của người Ai Cập trước đây do quân Anh gài xung quanh kênh đào Suez. Rất may là trái mìn nổ dưới gầm xe nên sức ép hình chữ V chỉ lật nhào chiếc xe bọc thép và hất anh ra khỏi xe. Bất tỉnh… Anh không nhớ sau đó thế nào. Mọi người kể lại họ đã tưởng anh hoá điên, loạn trí, hét lên những mệnh lệnh rời rạc, làm tê liệt mọi liên lạc vô tuyến. Những người khác đã chết trong những trường hợp tương tự. Trong những năm anh phục vụ ở Algérie ba mươi xe bọc thép đã nổ tung như vậy, gần chiến luỹ Herse. Một chuẩn uý trong đại đội anh đã chết, xác tan từng mảnh trong hoàn cảnh tương tự. Anh ta nhảy ra khỏi xe và đã bị những mảnh sắt của chiếc xe trúng mìn phạt cụt đầu. Thế nghĩa là cái chết rút cục cũng chỉ là cái chết! Bảo Long chẳng đến đây vì thế sao? Để gặp cái chết nhanh gọn và vinh quang. Nhưng không. Anh không chết, cũng không điên. Anh tỉnh lại sau sáu tiếng đồng hồ sau, hoàn toàn không ý thức được cái gì đã xảy ra. Hai ngày nằm viện, xét nghiệm đủ thứ… Chẳng làm sao cả. Anh trở về doanh trại. Gặp lại tháp xe của mình. Lại những công việc đã thành nếp trong thời chiến. Cũng như trước đây anh quyết định đăng lính lê dương mà không hỏi ý kiến ai, lần nầy, đánh trận bị thương trở về anh không hé răng nửa lời. Khi được về phép gặp lại cha mẹ những ngày sau đó, anh cũng không nói gì về chuyện trái mìn.

Mãi sáu tháng sau, cha mẹ anh mới biết tin. Qua báo chí. Một nhóm phóng viên đến thăm tiểu đoàn của anh biết chuyện đã loan tin đó. Khi tin được công bố, trung uý Bảo Long đang nghỉ ở Cannes.

Đó là một sĩ quan lê dương kỳ quặc, trầm lặng, luôn luôn dè dặt, ý tứ. Ham thích đánh cờ, anh làm cho các bạn đồng ngũ cũng say mê không kém. Anh thắng họ dễ dàng. Để làm cho ván cờ thêm thú vị, anh làm như người khiếm thị đánh cờ. Không nhìn vào bàn cờ, anh chỉ báo trước nước đi bằng các con số. Anh đều đặn nhận được sách từ một cửa hàng sách cực tả ở Paris. Cửa hàng nầy gửi cho anh những ấn phẩm khoa học viễn tưởng hoặc những tác phẩm siêu thực bằng tiếng Anh.

Anh làm gì trong bộ quân phục nầy? Trong cuộc chiến tranh nầy? Chắc chắn là anh đã tự đặt cho mình câu hỏi nầy và chắc đã trao đổi với duy nhất một người có thể gọi là chỗ thân tình. Tên anh ta là Morillon, cũng là học sinh quân Saint-Cyr như anh, sau nầy trở thành người chỉ huy nổi tiếng của lực lượng can thiệp quốc tế làm nhiệm vụ ngăn cách hai phe đối lập ở Bosnie, thuộc Liên bang Nam Tư (cũ)…

Anh chán chường, ghê tởm mọi thứ, trong suốt cuộc chiến tranh Algérie, một cuộc chiến tranh thuộc địa, đối xứng với cuộc chiến tranh Đông Dương đã đày đoạ đất nước anh..

Trong trung đội do anh chỉ huy, phần lớn binh sĩ dưới quyền là người Đức. Đó là những con người dễ chỉ huy, biết vâng lời, biết kính trọng. Nhưng đó là những lính đánh thuê không cùng chia sẻ những lo toan của đội quân họ đang phục vụ. Nước Algérie thuộc Pháp không phải là mục đích chiến đấu của họ. Họ thường phát biểu: Đó là những vấn đề của người Pháp. Bảo Long nhất trí với họ: “Điều khủng khiếp không phải là nhìn thấy máu đổ ra hay biết có bao nhiêu người chết mà là tâm trạng thảm hại, tinh thần suy sụp của quân đội, là tính phi nghĩa của cuộc chiến, đã nhìn thấy trước là sẽ thất bại… Trường hợp của đất nước tôi trước đây cũng thế”(1).

Chung quanh anh, vầng hào quang đế chế vẫn chưa tắt. Là sĩ quan trong quân đội lê dương, vẫn được hưởng đặc quyền có một phòng riêng, có sĩ quan hầu cận người Việt nguyên là sĩ quan cũ ngự lâm quân trong khi Bảo Long mới mang quân hàm đại tá. Một hôm nhìn thấy một con bọ cạp bò lại gần Bảo Long anh ta liền thò tay chộp ngay lấy. Bảo Long hỏi tại sao phải làm như thế, anh ta đáp, tự nhiên: “Tôi làm thế vì đất nước tôi, ngài là Hoàng tử kế vị…”. Một lần khác, một chiến xa sắp nổ vì chập điện, Bảo Long lao vào xe để ngắt điện. Nhưng một người lính Việt Nam lao lên trước, xô bật anh ra, đẩy anh ra xa và tự mình nhảy vào xe.

Hình ảnh đế chế còn trỗi đậy khi Bảo Long gặp người cháu của Hàm Nghi, vị Hoàng dế trẻ tuổi bị phế truất cuối thế kỷ trước vì hoạt động chống Pháp. Anh ta cũng là sĩ quan lê dương. Hai người làm quen với nhau và trò chuyện. Cũng là một việc éo le: Cả hai hậu duệ của các ông vua triều Nguyễn nay cùng chiến đấu chung dưới một bóng cờ để giữ một thuộc địa lớn, cuối cùng cho nước Pháp.

Tại phòng ăn của sĩ quan – Bảo Long ít khi tới đó – bỗng nhiên anh nhận ra bộ mặt được che giấu của cuộc chiến tranh bẩn thỉu nầy. Nhưng người của phía đối phương bị bắt đều bị tra tấn một cách hệ thống. Viên đại tá cùng ăn không hiểu tại sao anh ngồi im lặng và xin cáo biệt, viện cớ khó ở.

Sự phát hiện nầy sau ba năm trong quân ngũ, thoạt tiên là trong trận chiến Aurès, rồi trên phòng tuyến La Herse, khiến anh xin chuyển khỏi đơn vị về một lớp tu nghiệp của kỵ binh – thiết giáp.

Thời gian phục vụ ở Algérie đã để lại trong anh một dư vị cay đắng. Một cảm giác ghê tởm. Đạo quân anh đã lầm lạc phục vụ suốt mười năm, không để lại cho anh một kỷ niệm nào tốt đẹp. Anh đã mất thăng bằng về tinh thần và không tìm được chút hơi ấm tình người anh vẫn đòi hỏi một cách tuyệt vọng (2).

Chú thích:

(1) Hỏi chuyện Thái tử Bảo Long, Paris, tháng 9 năm 1994.

(2) Kết thúc chiến dịch, Bảo Long được tặng thưởng huân chương “Quân công (valeur militaire)” với nhiều ngôi sao: đỏ, bạc, đồng.