Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Quyển 2 - Chương 19




Không khí trong xe bọc thép nóng nực, bà Nam Phương, một tay gỡ bỏ khăn trùm trên đầu từ lúc rời khỏi trường dòng, một tay giữ chặt trên đầu gối hai con nhỏ tuổi nhất. Ngồi trước mặt là Bảo Long cũng đang ôm chặt em gái. Chiếc xe trinh sát bọc thép scout-car cùng chiếc xe gắn súng máy chở lính Pháp đi sau hộ vệ, bỏ đường cái lớn thường lệ, theo lối tắt, cắt ngang qua sân trường Thiên Hựu, một vị trí cố thủ của quân Pháp. Như thế, vừa nhanh chóng ra khỏi nơi nguy hiểm, vừa ra ngoài tầm bắn của pháo binh đối phương. Chiếc Humber vào số, tăng tốc độ để lại phía sau những ô cửa kính các căn nhà trong khu phố Tây.

Trời tối, xe đi nhanh nên không một ai nhìn thấy người đi trong xe là mẹ con bà hoàng. Nhưng nếu ai nhận ra thì họ sẽ suy nghĩ bàn tán ra sao nhỉ? Bà Nam Phương tưởng tượng ra những nụ cười giễu cợt hay những tiếng la hét thù địch. Nhưng may là không có gì xảy ra hết. Các ngôi nhà đóng kín cửa, bên ngoài đắp luỹ che chắn. Trời tối mịt như mong muốn của trung tá Costes. Các tay súng bắn tỉa của đối phương không thể phát hiện mục tiêu. Đường vắng lặng. Chỉ có tiếng động cơ gầm gừ của chiếc ôtô gắn súng máy đi sàu hộ vệ như tiếng chó săn thở dốc chạy theo chủ.

Mẹ con bà hoàng thế là đã chạy sang bên kia chiến tuyến. Như vậy có phải là phản quốc không? Bà tự nhủ: Không. Bà không phản bội tổ quốc, không chống lại nhân dân. Bà chỉ mong có một nơi an toàn cho các con bà. Mấy hôm trước các sĩ quan Pháp đã bắn tin cho bà biết từ nhiều ngày nay, Việt Minh tăng cường trinh sát dường như sắp tiến công trường dòng đến nơi để thu hẹp khu vực cố thủ của Pháp. Trường dòng Cứu thế sẽ bị kẹt giữa hai luồng đạn sẽ nguy hiểm đến tính mạng mẹ con bà. Bảo Long có thể bị bắt làm con tin… Như vậy thì dứt khoát là phải đi khỏi nơi đầu sóng ngọn gió nầy, không còn có cách nào khác.

Đoạn đường nầy chỉ đi mấy phút là đến một nơi mà bà Nam Phương biết quá rõ. Đó là chi nhánh Nhà băng Đông Dương tại thành phố Huế, nơi vợ chồng bà gửi một phần tài sản gửi tiền và vàng vào tài khoản, chính xác hơn là đến căn hầm dưới nhà băng. Hơn các thành phố khác, Huế có nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều cung điện nguy nga tráng lệ, là nơi tập trung lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn, ẩn hiện dưới tán lá, lùm cây, trầm mặc trong không gian tĩnh lặng làm xúc động lòng người. Huế lại có nhiều nhà cửa dinh thự của chính quyền bảo hộ cũ, xây bằng gạch, đá tượng trưng cho quyền lực của kẻ bảo hộ từ châu Âu đến. Đẹp nhất, đồ sộ nhất, sang trọng nhất và chắc chắn là được bảo vệ tốt nhất vẫn là những toà nhà của Nhà băng Đông Dương lừng danh.

Đó là một thế lực, một quyền uy, gần như một nhà nước, cung cấp tài chính cho các thuộc địa Pháp, gián tiếp chỉ huy nền kinh tế của hàng chục quốc gia, giữ hầu bao của vài ngàn khách hàng. Trong các hội sở Ngân hàng, an ninh được đặt hàng đầu. Những hàng cột ốp đá hoa cương, những chùm đèn thuỷ tinh trắng sữa, những quầy bằng gỗ quý. Có những két sắt đựng tiền chắc chắn với những cánh cửa thép vừa to, vừa dày chuyển động trên những bánh xe thép nhẵn bóng mỗi khi cần đóng kín.

Tìm đâu được chỗ tốt để ẩn nấp, để không bị bén lửa cháy, tránh được đạn pháo và súng máy, hơn là hầm ngầm hay hầm mộ. Nhà băng còn hơn thế. Nếu quân Pháp phải rút thì đây là sẽ là nơi cố thủ cuối cùng. Hơn thế nữa, nhà băng còn có những hầm ngẩm được gia cố kỹ, thiêng liêng hơn mọi chỗ thiêng liêng, là trái tim của toà nhà, đó là phòng để các két sắt.

Chiếc scout-car bọc thép qua ngã tư đại lộ Jules Ferry, quặt sang trái, chạy tiếp một quãng trên đại lộ Clémenceau dọc bờ sông Hương, rồi vượt qua cổng vào sân. Xe gắn súng máy đỗ ngoài đường đợi. Bọn lính đi bảo vệ nhìn chăm chăm về phía thành nội bên kia sông, nơi tập trung lực lượng Việt Minh, cũng là nơi xuất phát các cuộc tiến công vào các vị trí Pháp ở bên nầy sông.

Trong sân, chiếc scout-car lăn bánh chầm chậm trên sỏi đến một nền cao, xây kín ba mặt nằm giữa nhà băng và dãy nhà phụ đằng sau, xa đường, bên ngoài không nhìn thấy. Nhưng xe vừa dựng thì người lái thay đổi ý kiến, lùi xe và dừng lại trước lối vào chính, chân cầu thang lớn, nơi ông Fafard, giám đốc nhà băng đang đứng đợi.

Nam Phương biết ông nầy từ lâu. Hai năm trước đây, khi ông mới đến nhậm chức bà đã gặp hôm ông vào bệ kiến Nhà vua. Bữa nay bà thấy ông có vẻ khô khan, nghiêm nghị hơn thường lệ, trong ánh sáng lờ mờ lọt qua cửa trên gác lửng rọi xuống bậc tam cấp. Bà Nam Phương chủ ý đưa mắt tìm bà Fafard nhưng chỉ thấy một mình ông đứng đó. Còn cả gia đình đang ở trên gác nấp sau cánh cửa chớp đóng kín. Các con ông bà Fafard vẫn quần áo chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng theo đúng tác phong của một gia đình công chức Pháp phải đối phó với tình huống bất hạnh. Cử chỉ gần như anh hùng mà không biết. Sẵn sàng được giới thiệu khi bà Hoàng hậu tới trú ẩn trong nhà băng.

Suốt chiều nay, khi được biết gia đình cựu Hoàng đế đến ẩn náu trong nhà mình các cô gái đã tập các cử chỉ đón chào sao cho cung kính, lễ phép. Chúng tập nhún chân khi nghiêng mình chào khách, ôn lại cách đi đứng, chào hỏi cho đúng phép tắc. Dù đang lúc chiến sự diễn ra ác liệt, các quả đạn trái phá 75 ly từ hoàng thành bên kia sông bắn qua đầu sang phía trường Thiên Hựu, các cô gái vẫn hớn hở rối rít chờ đón sự có mặt của gia đình Nhà vua trong nhà mình. Những người trong gia đình ông chủ nhà băng Đông Dương ở Huế vẫn coi việc mẹ con bà hoàng đến lánh nạn ở nhà mình là một vinh dự đặc biệt. Đối với họ, coi như không có chuyện Nhà vua thoái vị. Ông Fafard thuộc phái ủng hộ chính phủ Vichy thân Đức, ông còn là bạn thân của toàn quyền Decoux, không thể một sớm một chiều quên ngay hình ảnh về chế độ quân chủ cũ.

Nam Phương bước ra khỏi xe đầu tiên. Cử chỉ rất đàng hoàng, dáng vẻ oai vệ. Theo sau là cô hầu phòng từ xe vận tải bọc thép bước ra, từ nay cô sẽ chăm sóc anh em Bảo Long. Bà hoàng bận chiếc áo dài trắng nên tuy trời tối bóng dáng bà vẫn nổi bật. Từ khi chồng thoái vị bà không được phép mặc áo vàng chỉ dành cho đương kim Hoàng đế và Hoàng hậu. Bà nói to, kiểu nói của người nặng tai, cất tiếng chào ông chủ nhà băng, đưa mắt chăm chú nhìn những bức tường từ nay sẽ che chở gia đình bà.

Toà nhà không có vẻ một công sự kiên cố. Bà hoàng chỉ thấy ngôi nhà nhỏ bé, yếu ớt không được vững chắc, oai vệ như hình ảnh được lưu lại trong trí nhớ của bà.

Theo đánh giá của những chuyên viên bất động sản thì đó là một ngôi nhà lớn, bình dị của các nhà kiến trúc bậc thẩy. Ngôi nhà hai tầng hình hộp, mỗi bề mười lăm mét, xây cất kỹ càng, khỏe khoắn nhưng không có tính cách nào hợp với thời chiến.

Tầng trệt chật ních người lánh nạn. Khi bà hoàng bước qua chiếc cửa sắt, những con mắt tò mò nhìn theo, bà nhận ra nhiều khuôn mặt quen thuộc. Tự nhiên bà cảm thấy khó chịu, ngượng nghịu thật sự, một tâm trạng lạ lẫm trước đây chưa hề có. Quanh bà là những người đang sống chen chúc trong không khí ngột ngạt của các phòng làm việc của nhà băng nay biến thành những căn hầm cố thủ. Tất cả đều là người da trắng, không có ai là người Việt, trừ một thiếu phụ, vợ không chính thức của một người quê đảo Corse theo anh ta đến đây trú ẩn.

Ông chủ nhà băng đi trước dẫn mẹ con bà hoàng qua một cầu thang rộng lên tầng trên đã được dọn dẹp gọn ghẽ để dành cho gia đình “quý tộc” nầy gồm hai người lớn và năm đứa trẻ, hai trai ba gái, ở cùng một tầng với gia đình nhà chủ. Nhưng sau đó có ý kiến của một sĩ quan nhà binh Pháp, ông bà Fafard đã phải thu xếp chỗ ngủ dưới tầng hầm cho an toàn còn ban ngày có thể ở tạm trên gác nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng để khi có tiếng đạn pháo rít qua thì xuống ngay tầng dưới tránh đạn, mặc dù các con ông bà Fafard cũng đã biết cách phòng tránh mỗi khi bị pháo kích. Chúng nhanh chóng ra khỏi phòng và nấp trong hành lang, luôn luôn mang theo nệm để chống mảnh đạn.

Khi đi qua tầng dưới để xuống tầng hầm, bà hoàng gặp lại những ánh mắt không mấy thiện cảm, đôi lúc rõ ràng là thù nghịch của đám người Âu chen chúc ở tầng dưới. Một số người đang ở tầng hầm phải chuyển chỗ, nhường chỗ cho mẹ con bà hoàng. Một người có thái độ quá khích đã phản kháng lên ông Fafard. Chính là anh người quê đảo Corse, một nhân viên thuế quan Huế. Luận điệu của anh ta là tại sao người Pháp lại phải nhường chỗ cho một mụ đàn bà quý tộc người Việt đã đi theo Việt Minh, mấy hôm trước còn báng bổ nước Pháp trong lúc chồng mụ đang cùng với Hồ Chí Minh chỉ huy những tên hiếu sát đang làm khổ người Pháp ở đây. Sao mà yếu đuối nhu nhược kỳ lạ vậy.

Ông Fafard vốn tính điềm đạm phải dùng quyền uy của mình mới dẹp được cơn thịnh nộ của những người phải chuyển chỗ đến giữa phòng, xa các cửa sổ lớn ở tầng trệt của những người bị đuổi. Những người nầy phải tìm một nơi trú ẩn ở giữa những cửa sổ cao của tầng trệt đằng sau những bàn giấy đủ kiểu chất đầy hồ sơ. Anh chàng nhân viên thuế quan người Corse không nén nổi cơn giận dũ, vùng vằng ra khỏi nhà băng đi thẳng về nhà mình đào hào đắp ụ để tự phòng vệ.

Trong số trẻ con đang trú ẩn ở đây với bố mẹ, Bảo Long nhận ra một số bạn học ngồi cạnh mình trước khi xảy ra chiến sự.