Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Quyển 1 - Chương 6




Ngài đại sứ kéo chiếc cổ áo rộng của tấm áo khoác để che kín cổ. Tháng ba rồi mà ở Rome tiết trời vẫn còn se lạnh. Cuối cùng xe ông cũng đến đỗ xịch trước mặt.

Ông chui ngay vào xe. Tức điên người. Xe đã thong thả lượn quanh đồi Quirinal mà ông vẫn chưa nguôi giận. Hôm nay ông không cất tiếng chào người chỉ huy cảnh vệ Thuỵ Sĩ như mọi lần khi anh ta ra lệnh mở cổng.

Đến lúc này Đức Giáo hoàng vẫn từ chối? Thật là quá lắm!

Ngài đại sứ Cộng hoà Pháp Charles Roux nổi khùng vì đã mất mặt, chỉ vì một chuyện cỏn con này. Vào lúc cánh hữu và đảng áo đen đang ngoi lên chiếm ưu thế trên chính trường nước ý, ngài đại sứ bên cạnh Toà Thánh La Mã thấy rằng còn có việc khác phải làm hơn là đi thương lượng về một đám cưới ở cái xứ thuộc địa xa xôi ở châu Á. Đáng lẽ chỉ là một thủ tục đơn giản thôi mà Toà Thánh vẫn khăng khăng không chịu. Bởi lẽ tình yêu và dự định của Vua Bảo Đại xin kết nghĩa trăm năm với một cô gái Nam Kỳ theo đạo Thiên chúa đang gặp bế tắc. Ông đại sứ dùng từ hơi nặng nề khi ông nhớ lại những sự kiện xảy ra gần đây nhưng ông không thấy trong đó có những chuyện khác để hiểu được hơn mối liên quan với các câu chuyện ông vừa mới nói với các vị hồng y theo dõi vấn đề này.

Cô Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan, mới 20 tuổi, trẻ và đẹp đến mức Bảo Đại không ngần ngại bỏ qua các điều ngăn cản của tập tục cũ. Cô là con gái út một gia đình giàu có, có thế lực và ngoan đạo, dòng dõi các đấng tử vì đạo. Không nói đến chuyện khác nhau về tôn giáo tín ngưỡng, cặp giai nhân tài tử này thật là đẹp đôi, có nhiều nét tương đồng. Cũng như Bảo Đại, cô cũng được ăn học lâu năm ở Pháp, tại một trường nội trú rất có nền nếp là trường nữ tu Les Oiseaux ở Neuilly(1). Chuyện tình của họ đẹp đẽ như trong chuyện thần tiên. Sống trong một gia đình ngoan đạo, thừa hưởng từ một nền giáo dục công giáo từ tổ tiên, cha cô cũng đã từng theo học chủng viện Sài Gòn. Cô Nguyễn Hữu Thị Lan là một cô gái có thể nói là quá giữ gìn ý tứ, quá ư nghiêm khắc. Nhưng không phải thế, nhìn vào các tấm ảnh dù nhỏ nhất đã úa vàng người ta vẫn thấy sáng lên một nét duyên dáng hiếm có. Phóng viên báoMonde colonial(Thế giới thuộc địa) thời đó phải thốt lên: "Với dáng thanh lịch của riêng mình chứng tỏ một thị hiếu tinh tế và vững vàng, với chiếc áo dài dạ hội có những đường nét thuần khiết, màu sắc thanh nhã mà hoà hợp, chiếc áo nịt trong vừa khít với người, nàng xinh đẹp như một bông hoa quý". Khi Nam Phương xuất hiện trong phòng khách của Toà Khâm sứ, trông bà còn xinh đẹp hơn nữa. Báo Thế giới thuộc địacòn miêu tả: "Cả hai người đều mặc áo màu vàng, chít khăn vàng, quần lụa trắng, đi giày cườm thêu vàng, thật là đẹp đôi như một bức tranh sáng ngời về tuổi thanh xuân lộng lẫy. Hình bóng đôi uyên ương vàng rực uy nghi tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ làm say đắm người hoạ sĩ. Hoàng hậu Nam Phương xuất hiện rực rỡ trong nét duyên dáng tinh tế của tuổi trẻ như một huyền thoại".

Nam Phương có nghĩa là Hương thơm miền Nam. Ai đã đặt cái tên đệm giàu ý nghĩa như vậy? Chắc là Bảo Đại. Khi bà sinh ra, cha cố đã đặt cho bà một cái tên giản dị là Marie-Thérèse, khi đi học trường Les Oiseaux thì tên rút gọn thành Mariette. Bà là một phụ nữ xinh đẹp giàu có, cực kỳ giàu có. Một số người xì xào không phải của cải là sức quyến rũ cuối cùng đối với Nhà vua. Cha mẹ bà là những điền chủ cỡ bự của xứ Nam Kỳ nơi những con chiên ngoan đạo đã bỏ tiền xây nhiều công trình bằng đá ở nhiều nơi để tôn vinh Đức Chúa Vạn năng.

Hai ông bà còn khai khẩn hàng nghìn hecta đất ở Nam Kỳ tạo nên những cánh đồng lúa phẳng lỳ, thẳng cánh cò bay, trong tay điều khiển cả một đám công nhân nông nghiệp và nông dân cần mẫn bì bõm dưới ruộng. Bà Nam Phương kiêu hãnh về ông bà, cha mẹ đã góp phần làm đồng bằng Cửu Long trở nên giàu mạnh. Một vùng lúa rộng như biển cả. Một trong những miền phì nhiêu nhất trên thế giới. Ông ngoại của bà có tên là Lê Văn Sỹ còn được gọi là Huyện Sỹ (hàm tri huyện chứ không phải là tri huyện tại chức). Dân gian còn gọi là Nhất Sỹ, có nghĩa là giàu có nhất. Ngày nay người ta còn nói ông ta thuộc lớp đầu tiên đã tiếp tay cho người Pháp. Cuộc chinh phục thuộc địa đã quét sạch luật lệ phong kiến. Đất đai không còn là của Nhà vua. Chiến tranh đã làm nông dân lưu tán khắp nơi. Không thể để ruộng đồng hoang hoá. Phải chia lại ruộng đất. Chính quyền thuộc địa lập lại sổ địa chính đem bán đất hoang cho những người có tiền với giá cực rẻ: mườifranc vàng một hecta(2). Nhất Sỹ ngay từ đầu đã quan tâm đến việc kinh doanh lúa gạo, cung cấp lương thực cho quân đội thuộc địa, chẳng mấy chốc đã làm chủ một vùng đất trải rộng từ phía nam Sài Gòn đến Đồng Tháp Mười. Nhờ Sở Công chính Pháp giúp đỡ vùng đất bùn lầy đó trở thành những cánh đồng phì nhiêu nhất nước. Và những người được mua đất rẻ qua đấu giá thành những điền chủ gặp may và giàu có.

Ông ngoại của bà Nam Phương đã gả con gái cho một chàng thanh niên công giáo nghèo nhưng ngoan đạo, học sinh một chủng viện nhỏ. Đó chính là cha đẻ của Nam Phương.

Gia đình Nam Phương còn xây nhiều nhà thờ bằng đá và thạch cao để hiến cho thế hệ sau. Một nhà thờ ở Chợ Lớn, một khu phố người Hoa gần Sài Gòn, một nhà thờ khác ở ngoại ô gần đó ngày nay chung quanh có nhiều nhà máy sợi. Cả hai nhà thờ nay vẫn còn khiến các con chiên nhớ đến lòng sùng kính đối với đức tin của gia đình bà. Gia đình bà còn xây hai nhà lớn ở trung tâm Sài Gòn. Tất cả đều đẹp và rộng. Một toà nhà giống như một cung điện nhỏ, rất thoáng đãng, một toà nhà khác trong khu thợ dệt được nhiều khách đến thăm trầm trồ khen ngợi là tiêu biêu cho kiến trúc thuộc địa của những năm 30. Nhưng người hâm mộ chú ý các toà nhà đó có một khoảng không bên dưới sàn nhà cách ly với mặt đất. Một sáng kiến kỹ thuật xây dựng ở Việt Nam thời đó và rất tiện dụng. Người Pháp và sau này là quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng không đó như một căn hầm để giam giữ những người bị bắt. Bây giờ ngôi nhà đó được dùng làm trụ sở của Uỷ ban nhân dân nhưng tầng hầm để không.

Những công trình xây dựng của gia đình Nam Phương để lại đẹp như khải hoàn môn, không đổ nát, không hư hỏng vì thời tiết và chiến tranh còn mang dấu ấn của gia đình. Nhất là Chợ Đủi. Đó là tên của nhà thờ Sài Gòn. Một nhà thờ mang tầm cỡ khu phố nhưng có dáng dấp nhà thờ lớn khi ánh mặt trời rọi vào các ô kính màu. Nhà thờ này còn vượt trội hẳn lên, to ra nhờ những công trình kiến trúc ở bên cạnh: một cái động trên vách đóng những thẻ nguyện tạ ơn và xa hơn một chút là một cây thánh giá to. Phía trong cùng gian giữa, đằng sau chỗ đứng của dàn đồng ca, nay bị bỏ quên, làm chỗ chứa lộn xộn những ghế tựa và đồ trang trí hỏng là hai bức tượng nằm bằng đá hoa cương che chở di cốt của ông bà ngoại Nam Phương chôn bên dưới.

Trên sân trước nhà thờ, sừng sững một pho tượng mới dựng gần đây, có cái nhìn lạnh lùng như khinh bỉ kẻ qua đường. Đó là tượng Mathieu Lê Văn Gấm, cụ tổ của bà Nam Phương đã được phong thánh. Một ngày đẹp trời năm 1847 Mathieu Lê Văn Gấm đã tử vì đạo, do chính vua Tự Đức - cụ của Bảo Đại - xử giảo vì không chịu bỏ đạo. Nói rằng dự định kết hôn của Bảo Đại kết cục có hậu thì cũng có thể nói rằng chỉ sau khi có ý kiến của giáo hoàng thì việc hôn nhân mới thành.

Hàng ngày trước các bậc lên dẫn đến cửa nhà thờ hàng chục cụ già da nhăn nheo, đàm đạo với nhau giọng nhỏ nhẹ thỉnh thoảng lại cất tiếng cười. Nếu có ai hỏi vị nào hảo tâm đã xây dựng nhà thờ này, một cụ chỉ tay mơ hồ về phía trung tâm Sài Gòn. Trước đây nhà vị hảo tâm ở đó. Các cụ khác không biết. Một vài cụ biết rõ tên tuổi nhà hảo tâm nhưng chỉ thong thả gật đầu chứng tỏ đó là một nhân vật quan trọng nhưng không nói gì hơn. Thế con gái của nhà hảo tâm? Có phải là bà Hoàng hậu xinh đẹp và dịu dàng. Họ còn nhớ rõ, và ca ngợi sắc đẹp nhất là tấm lòng trung thực của bà. Người ta kể rằng bà hoàng không như người khác, chỉ tìm cách moi tiền của triều đình để tiêu xài hoang phí nhưng bà đáng tôn vinh ở cử chỉ tiêu xài bằng tiền riêng của mình do gia đình cho. Một thói quen hiếm có và theo các cụ già tụ tập ở nhà thờ kể lại thì việc đó càng làm cho mọi người kính trọng.

Với dòng dõi một gia đình ngoan đạo như thế, người con gái đó đáng lẽ phải là tu sĩ mới phải, nhưng cô đã chọn và chính quyền Pháp cũng đã chọn cho cô là Hoàng hậu tương lai kết hôn với vị Hoàng đế trẻ tuổi.

Người con gái hoàn toàn hướng về Chúa quan niệm hôn nhân như một hành động truyền giáo. Cô khá kiên quyết làm cho người khác cũng phải theo tín ngưỡng của mình. Trước hết là các con của cô, sau đó là người chồng và tại sao không, nhân dân cả nước. Như vậy biết đâu nước An Nam có thể trở thành vương quốc công giáo đầu tiên ở châu Á.

Theo lệ xưa nay, mỗi khi Hoàng đế tuyển phi, triều đình thường dâng lên Hoàng đế bản danh sách những cô gái phần lớn là con nhà đại thần. Nhưng nhiều khi dâng lên vua cha trước. Vua cha sẽ chọn trong số danh sách đưa lên những người xứng đôi vừa lứa với con trai mình. Như một khế ước với Trời, ông phải chọn ưu tiên những cô con gái nết na, dòng dõi trâm anh thế phiệt, sùng kính thần thánh, tôn trọng các lời dạy của Khổng tử và dĩ nhiên cả thờ Phật. Tổng hoà các tín ngưỡng đó tạo ra một thứ tôn giáo của đa số người Việt. Hơn là một tôn giáo, đó là dấu ấn của một nền văn minh khác biệt khá rõ với các tục lệ Trung Quốc hay Nhật Bản. Chạm đến quy tắc này coi như không có Nhà nước.

Năm năm về trước, tờ báoSaigon républicain(Sài Gòn cộng hoà) đã đưa tin Bảo Đại có thể xin được rửa tội theo công giáo. Người đứng đầu hoàng tộc (Tôn nhơn phủ) yêu cầu tờ báo cải chính. Một lần nữa chính Toàn quyền Đông Dương phải lên tiếng đe doạ thậm chí kiểm duyệt mọi bài báo ám chỉ việc thay đổi tín ngưỡng của Bảo Đại. Chính quyền bảo hộ cần có một Nhà vua được toàn thể nhân dân chấp nhận. Vậy không thể để ai tưởng tượng rằng Nhà vua có thể theo một tôn giáo của một thiểu số nhân dân(3).

Việc Bảo Đại đã lựa chọn cô gái Nam Kỳ gặp ở Đà Lạt làm vợ đã đảo lộn một phong tục tập quán cũ. Ai đã quyết định việc này. Bản thân Nhà vua hay Paris?

Chính quyền Pháp đã ấp ủ vun đắp cuộc tình duyên này và nhìn với con mắt thiện cảm việc một cô gái xuất thân từ một trong những gia đình thân Pháp nhất ở miền Nam. Ông Charles hẳn phải nghĩ rằng người phụ nữ đoan trang này sẽ có sức nặng trong bộ óc của vị quân vương trẻ tuổi.

Cuối cùng và trên hết cặp uyên ương hài lòng thấy ước nguyện của họ đã đạt. Tình yêu của họ đối với nhau là có thực, chắc chắn quan trọng hơn những tính toán chính trị.

Một chuyện tình đẹp đẽ không đi đôi với những tiền lệ. Vị Hoàng đế trẻ tuổi không phải là không biết tục lệ truyền thống nhưng ông tự dành cho mình quyền được cải tổ tập quán cũ và trong số những quyền lực hiếm hoi còn lại trong tay ông ta, có quyền định ra những nghi thức mới.

Tin đám cưới có thể thành sự thật làm cho giới thân cận Hoàng đế ngỡ ngàng và choáng váng. Tại Huế, nhiều mưu tính dự định từ lâu tắt ngấm, nhiều số phận bị chao đảo. Ví như số phận nhiều cô gái nhiều năm nay đã được chuẩn bị để làm Hoàng hậu. Trong số này có hai cô được tách khỏi gia đình ngay từ thời thơ ấu để tập làm đẹp, học cách giữ gìn ý tứ. Các cô thiếu nữ đã được dạy dỗ và học cách trang điểm để trở thành vợ vua(4), phải mất nhiều năm học mới thuộc được hết những lề thói và phép tắc trong cung, học cách chăm sóc và chiều chuộng cả những ham thích của vua. Tất nhiên các cô gái còn phải học thuộc những lời giáo huấn của Đức Phật. Trong số đó có người là con một vị thượng toạ trong một ngôi chùa ở Huế.

Đạo Thiên chúa của Nam Phương là một trở ngại lớn đối với hôn nhân, gây công phẫn trong hoàng gia đến mức vấp phải sự phản đối quyết liệt. Một tờ báo quốc ngữ ra ngày 22 tháng 2 năm 1934 là tờ báo đầu tiên đã liều lĩnh nêu lên lễ cưới của Bảo Đại với Nam Phương có thể diễn ra và đưa cả tin Tôn nhơn phủ đã phủ quyết. Tờ báo nói rõ: Tôn nhơn phủ đã quở trách Nhà vua một cách nghiêm khắc nhưng tôn kính. Tờ báo thạo tin còn cho biết Bảo Đại đã bỏ ngoài tai hết thảy.

Lễ cưới vẫn sẽ cử hành nhưng chỉ trong phạm vi thân tình nhất. Như vậy là một lần nữa trái với thông lệ của triều đình.

Tôn Thất Đàn, cựu thượng thư bộ Hình định thảo một kiến nghị có chữ ký của các đại thần đứng đầu các Bộ và các nha phủ quan trọng trong triều yêu cầu Nhà vua nên từ hôn với Nam Phương. Bản thân ông và bạn bè còn nghĩ đến buộc Nam Phương bỏ công giáo theo đạo Phật pha trộn với đạo Lão đang thịnh hành ở Việt Nam nếu cứ lấy Bảo Đại. Vị cựu thượng thư còn nói thêm có một vài vị quan quyền cao đức trọng tỏ ý thà chết còn hơn được thấy việc hôn nhân này vi phạm những nguyên tắc của nhà nước quân chủ.

Cũng giống như triều đình, cha mẹ cô gái lo lắng. Họ quyết định nhờ Toà thánh can thiệp. Nhận thấy đây là một gia đình ngoan đạo, gương mẫu và có vai vế trong xã hội, Giáo hoàng đích thân phán bảo. Con chiên ngoan đạo Mariette có thể kết hôn với Hoàng đế một nước theo Phật giáo không?

Đại diện Toà thánh ở Đông Dương đã đặt vấn đề lên Giáo hoàng và ít lâu sau chính nước Pháp qua đại sứ Pháp tại La Mã đã có những cuộc vận động ráo riết với Vatican.

Ngài đại sứ Charles Roux đã nhận được một bức thư dài của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier giải thích rõ lý do cần thiết để bênh vực cuộc hôn nhân này và phải tích cực đề nghị Toà thánh can thiệp.