Khi đã trưởng thành, Khổng Lập Thanh bỗng trở nên hoài cổ, thường hay nhớ lại những chuyện xa xưa, chuyện thời thanh xuân, chuyện thời niên
thiếu…
Câu chuyện đời cô bắt đầu từ một buổi tối nóng nực.
Lúc đó đang là tháng Bảy, tháng nóng nhất trong năm, đã mấy ngày liền nhiệt độ lên đến ba mươi tám độ, tưởng như cả thành phố sắp bị thiêu
chết đến nơi. Cũng may sau mấy ngày nóng nực cuối cùng ông trời cũng ban cho một trận mưa to. Mưa mùa hè rào rào trút xuống nhưng cũng tạnh
nhanh, qua mười phút ào ào, sấm ngừng, nước ngớt, mọi thứ trở lại bình
thường.
Mưa tạnh cũng là lúc trời bắt đầu nhá nhem, hơn tám giờ tối Khổng Lập Thanh xách túi đồ ra khỏi siêu thị dưới cổng khu nhà. Vừa qua cơn mưa
rào, không khí dường như lành hơn, nhưng nhiệt độ thì không vì thế mà
giảm đi, cái nóng vẫn hầm hập như cũ.
Từ quán ven đường vọng đến tiếng hát, là ba cô gái đang cùng biểu
diễn một bài nhạc nhẹ hay đến rung động lòng người, giọng hát rất trong
và vang, giai điệu không phải vui tươi mà như đang chầm chậm kể về một
thời thiếu nữ đẹp nhưng buồn man mác.
“Hoa tử đằng ngày đêm đón gió tâm tình, càng muốn dũng cảm để vui vẻ, tiếng cười càng nghẹn lại.” Khổng Lập Thanh chầm chậm đi trên vỉa hè
chăm chú lắng nghe.
“Hoa tử đằng, mang lòng mình gửi theo vòng xoay ngựa gỗ, xoay xoay
xoay xoay, nhưng vẫn chẳng thể nào quên được mối tình si.” Có chút không giống như giọng nữ, nhịp hát nhanh nên người nghe thấy bi mà chẳng
thương. Nghe xong Khổng Lập Thanh hơi cảm động, tâm tư cô theo lời hát
bay về một thời xa xôi, cảnh vật xung quanh bỗng chốc hóa hư ảo. Tay
xách túi đồ vừa mua, bước chân Khổng Lập Thanh hoảng hốt dừng lại khi
phía sau truyền đến một tiếng “phựt”, sau đó là hai tiếng “bịch bịch”
vang lên. Cô sực tỉnh mới phát hiện trên mặt đất đã vương vãi đầy đồ
mình vừa mới mua.
Sữa bột cho trẻ em, kem đánh răng, xà phòng, giấy vệ sinh vì một bên
quai túi đựng bị đứt đã rơi hết xuống đất. Khổng Lập Thanh ngẩn ngơ nhìn đám đồ vương vãi dưới chân, lát sau khẽ thở dài.
Khổng Lập Thanh không phải người may mắn. Phải nói trong hai mươi bảy năm cuộc đời, cô luôn là người xui xẻo, làm việc gì cũng không được
thuận lợi như người khác. Người bình thường cứ tàng tàng là có thể xong
mọi việc, nhưng Khổng Lập Thanh luôn trải qua rất nhiều trở ngại mới có
thể cán đích. Sớm đã quen cảnh những việc bình thường chẳng có gì to tát cũng có thể bị hỏng bét vào phút cuối, cho nên “tai nạn” này đối với cô mà nói chẳng nhằm nhò gì.
Đám đồ rơi xuống mặt đường ướt nước mưa, bị bẩn cả, may mà đều được
đóng gói trong bao bì, lau sạch bùn vẫn có thể dùng được. Khổng Lập
Thanh xách theo hộp sữa bột đáng giá nhất quay người bước về phía siêu
thị mua túi đựng mới.
Mất ba đồng mua túi, Khổng Lập Thanh vội vã quay lại bên đường nhặt
đám đồ bị rơi còn nguyên đó. Lúc này cô cũng chẳng còn sức để than thở
thêm gì nữa, chỉ nhanh chóng xách túi đồ đi về nhà. Khổng Lập Thanh vừa
đi vừa lẩm bẩm trong miệng: “Tài khoản chỉ còn hai vạn, mỗi tháng trả
góp ngân hàng hai nghìn tiền mua nhà, chi phí cho con trai hàng tháng
một nghìn hai, sinh hoạt phí, điện nước, gas một nghìn rưỡi, phí đi lại
tìm việc khoảng bốn trăm tệ, sơ sơ chỗ đó đã là năm nghìn một trăm tệ,
như vậy hai vạn kia cùng lắm cũng chỉ đủ trang trải hơn ba tháng.” Nhẩm
tính đến đây thì dừng lại, Khổng Lập Thanh ngẩng đầu nhìn lên bầu trời
đêm, thở dài buồn bã: “Nhỡ con trai bị ốm thì phải làm thế nào đây?”
Đầu óc Khổng Lập Thanh hơi tê dại, cô dường như đắm chìm vào dòng suy nghĩ mà quên hết mọi thứ xung quanh. Cô vừa đi vừa lẩm bẩm, tự nói tự
nghe giống người bệnh tâm thần khiến cho những người xung quanh tỏ ra
hơi nghi ngại.
Khổng Lập Thanh bước vào khu nhà, sau cơn mưa, người già ở những tầng trên đi xuống sân chung hóng gió, ngắm hoa. Hình ảnh cô vừa đi vừa lẩm
bẩm một mình không quan tâm xung quanh, vai buông thõng xuống có chút
chán nản quả nhiên thu hút nhiều ánh nhìn.
Hai năm trước, Khổng Lập Thanh tới thành phố B mua căn hộ cô đang ở
hiện nay. Căn hộ diện tích bảy mươi mét vuông, giá tám mươi tư vạn nhân
dân tệ, cô lúc đó chỉ có hơn ba mươi vạn tệ, đủ thanh toán đợt đầu, hơn
năm mươi vạn tệ còn thiếu cô vay ngân hàng trả góp trong hai mươi lăm
năm.
Khổng Lập Thanh năm nay hai mươi bảy tuổi, qua nửa đời thấp hèn, bản
tính thành ra tự ti, hoặc giả bao năm qua chuyên bị đè nén khiến cô đặc
biệt thích ở nơi cao. Lúc đầu mua căn hộ này, khu nhà mới có tầng trệt,
diện tích sử dụng rộng hơn một chút. Nhưng cô cho rằng trong lòng đã
muốn mua phòng ở tầng cao, thì nhất định phải mua tầng cao. Cuối cùng cô chọn căn hộ trên tầng hai mươi tám, tầng cao nhất của tòa nhà.
Thang máy không có người, không gian nhỏ hẹp sáng trưng dưới ánh đèn, nhưng trong mắt Khổng Lập Thanh lại là một màu trắng lóa, cô không
thích cảm nhận này.
Không gian khép kín chốc chốc lại truyền tới tiếng thang máy chuyển
động lên cao “kẹt kẹt”. Mũi mơ hồ ngửi thấy mùi máu tanh tanh, nhìn kỹ
khoảng rộng hai mét vuông nền thang máy dưới ánh đèn, Khổng Lập Thanh
phát hiện hai dấu máu mờ mờ, mắt dừng lại ở đó một chút, sau đó bản tính lãnh đạm trở lại, cô ngẩng đầu nhìn bảng báo thang máy liên tục nhảy
số, trong đầu lại nghĩ chuyện tiền nong, trên mặt liền hiện ra vẻ buồn
bã.
Thang máy đã dừng lại ở tầng cao nhất, nơi này chỉ có hai căn hộ, căn hộ đối diện nhà cô diện tích lớn gấp đôi, chủ hộ đó Khổng Lập Thanh
cũng gặp qua mấy lần, còn nhớ đó là một cô gái rất đẹp, làm tiếp viên
hàng không.
Trong khi bước từ thang máy ra, mắt Khổng Lập Thanh tùy tiện nhìn
quanh, vô tình dừng lại trước cửa nhà hàng xóm, lại thấy mấy vết máu. Cô ngây ra một chút rồi lại điềm nhiên tìm chìa khóa mở cửa.
Cửa nhà không lớn, nhưng cũng may phòng khách còn có một cửa sổ sát
nền, những ngày trời quang, ánh nắng chiếu vào phòng qua ô cửa sổ đó rất đẹp, Khổng Lập Thanh rất thích.
Căn nhà thiết kế và bài trí đơn giản, phòng bếp là cơi nới thêm, chỗ
cửa thông với phòng khách đặt một bàn ăn nhỏ với bốn chiếc ghế dựa gỗ,
tạm coi như phòng ăn, ti vi LCD 32 inch kê gần cửa sổ, một bộ sofa không to lắm và một bàn trà kính chịu nhiệt bày bên cạnh.
Nhà ít đồ đạc nhưng gọn gàng sạch sẽ, lúc Khổng Lập Thanh bước vào,
Khổng Vạn Tường đang ngồi trên sofa, tay ôm con khỉ vải, chăm chú xem
SpongeBob[1], đôi chân nhỏ lơ lửng đung đưa không chạm đất, nhưng bên
trên lại ngồi rất ngay ngắn.
[1] SpongeBob: Series phim hoạt hình nổi tiếng của kênh Nickelodeon.
Nghe thấy tiếng Khổng Lập Thanh mở cửa, Khổng Vạn Tường ngẩng đầu lên nhìn, nhưng vẫn ngồi nguyên, chào một tiếng: “Mẹ.”
Khổng Lập Thanh khẽ đáp lại, khom người tháo giày, sau đó vào nhà tắm lấy ra chiếc khăn lau, nhặt từng món đồ bị rơi bẩn lúc nãy lên lau sạch sẽ.
“Túi đựng lại bị thủng ạ?” Bên tai Khổng Lập Thanh truyền tới giọng trẻ con non nớt.
Cô dừng tay một lát, quay đầu nhìn về phía khuôn mặt trắng như trứng
gà bóc không chút biểu cảm của Khổng Vạn Tường, cảm thấy hơi xấu hổ nói: “Lần sau mẹ phải mang túi vải đi mới được, túi vải sẽ bền.”
Khổng Vạn Tường hơi chau mày nhưng không nói gì, quay lại tiếp tục xem ti vi.
Khổng Lập Thanh cũng chau mày, cô thật không thể hiểu, Khổng Vạn
Tường nhỏ như thế, mới có năm tuổi, sao không thấy giống trẻ con chút
nào. Theo quan niệm của cô, trẻ con tuổi này phải hiếu động nhảy nhót
như con cá bơi lội tung tăng trong bể cảnh chứ không phải cả ngày yên
lặng trong phòng như tượng đất thế này.
Thời thơ ấu và thành niên của Khổng Lập Thanh quá buồn thảm. Trong
hồi ức, cả quãng thời gian dài đó cô đều bị đánh đập, chửi mắng, tinh
thần và thể xác đều bị thương tổn, một cơn ác mộng dài trong cuộc đời
Khổng Lập Thanh. Cô đã nếm đủ mùi cay đắng, cho nên nhất định che chở
chăm sóc Khổng Vạn Tường, để cậu bé không phải trải qua tuổi thơ khắc
nghiệt của mình. Nhưng hiện tại tuy Khổng Vạn Tường không tự ti và rụt
rè như cô năm đó, nhưng biểu hiện của thằng bé cũng không giống những
đứa trẻ đồng trang lứa, nó quá lặng lẽ, cũng quá hiểu chuyện.
Đôi lúc Khổng Lập Thanh không kìm được nghĩ rằng, lẽ nào Vạn Tường
cũng có một tuổi thơ dữ dội, những chuyện không vui đó cậu bé đều ghi
nhớ? Nhưng Khổng Lập Thanh cũng rõ ràng một điều, lúc Khổng Vạn Tường
đến ở với mình, cậu bé còn chưa qua sinh nhật lần thứ ba, theo lý mà
nói, tuổi đó trẻ con chưa thể có hồi ức.
Khổng Vạn Tường kỳ thực không phải con của Khổng Lập Thanh, nói đúng
ra thằng bé với cô là chị em cùng cha khác mẹ. Bản thân Khổng Lập Thanh
sinh ra đã là đứa trẻ bất hạnh, cuộc đời gặp rất nhiều chuyện éo le.
Cô ra đời trong một thôn sơn hẻo lánh của cao nguyên Vân Quý miền
Trung Trung Quốc. Khổng Kiến Huy, cha cô, hồi thanh niên là một anh
chàng khá đẹp mã. Bà nội Khổng Lập Thanh vốn là một mỹ nhân nức tiếng xa gần, bà sinh được chín người con, duy có cha Khổng Lập Thanh là thừa kế trọn vẹn vẻ đẹp của bà, trở thành trang thiếu niên anh tuấn.
Ông nội Khổng Lập Thanh lúc đó làm chức thư ký thôn, Trung Quốc cuối
những năm Bảy mươi, quân nhân rất có tương lai, nhân lúc quân đội tuyển
quân tại thôn nhà, ông đã tận dụng mối quan hệ của mình, đưa con trai
Khổng Kiến Huy nhập ngũ. Kể từ đó, vận mệnh của Khổng Kiến Huy đã thay
đổi.
Khổng Kiến Huy sau mấy năm đi lính nghĩa vụ được chuyển sang bộ đội
chuyên nghiệp, nhưng vốn ham kinh doanh nên ông vẫn xuất ngũ chuyển tới
làm cho một doanh nghiệp nhà nước ở thành phố B.
Khổng Kiến Huy trụ ở thành phố này, mặc dù tháo vát chịu khó nhưng
không có tiền, cũng không có người nâng đỡ nên làm mấy năm rồi vẫn chỉ
là công nhân, tuổi cũng đã nhiều mà vẫn một mình, chưa lấy vợ. Một lần
Khổng Kiến Huy về thăm quê, mẹ ông giới thiệu cho một cô giáo trong
thôn, hai người kết hôn. Kết hôn xong, Khổng Kiến Huy quay lại thành phố B, để vợ ở nhà với mẹ. Mỗi người một nơi như vậy nên hai năm sau mẹ
Khổng Lập Thanh mới sinh được cô. Lúc đó thông tin liên lạc còn kém phát triển, mẹ Khổng Lập Thanh viết thư cho chồng báo tin đã sinh con, lại
không nói rõ sinh trai hay gái.
Khổng Kiến Huy sống ở thành phố nhiều năm nhưng còn mang nặng tư
tưởng tiểu nông, vẫn hy vọng mình có con trai nối dõi tông đường. Trong
tiềm thức ông luôn đinh ninh mình có con trai, do đó Khổng Lập Thanh là
con gái nhưng lại mang tên đàn ông là do vậy.
Cho đến trước bảy tuổi, Khổng Lập Thanh chưa một lần gặp cha mình. Khổng Kiến Huy sau khi có con cũng chưa từng về qua nhà.
Cuộc sống bảy năm của cô chỉ cùng mẹ bươn trải trong sơn thôn hẻo
lánh, quãng đời thơ ấu này vốn không có nhiều biến động. Trong hồi ức
của mình, Khổng Lập Thanh còn nhớ, mẹ cô không phải người phụ nữ xinh
đẹp nhưng lại rất đảm đang, bà nấu ăn rất ngon. Nhiều năm sau nghĩ về
mẹ, Khổng Lập Thanh vẫn cảm thấy, điểm đáng nhớ nhất là bà chưa bao giờ
đánh đòn cô.
Năm Khổng Lập Thanh bảy tuổi, lần đầu tiên gặp cha mình, lại nghe nói ông về để ly hôn với mẹ cô. Lúc đó Khổng Lập Thanh còn nhỏ, chưa hiểu
được thế nào là ly hôn, chỉ biết đó là một chuyện động trời, phải rất
lâu sau cô mới hiểu rõ căn nguyên của câu chuyện hôm ấy.
Những năm Tám mươi, ly hôn còn là chuyện cấm kỵ, nhất là ở những vùng quê hẻo lánh, Khổng Kiến Huy đề nghị bù đắp sau ly hôn bằng cách nhận
nuôi Khổng Lập Thanh.
Vậy là Khổng Lập Thanh được cha mang đến thành phố ông đang sống.
Trong ký ức của Khổng Lập Thanh, người cha này luôn lạnh lùng và dễ nổi
cáu. Những năm tháng ấy Khổng Lập Thanh mãi mãi không quên được. Khổng
Kiến Huy lần đầu gặp con cũng lần đầu biết con mình là con gái, đứa con
gái mà ông ta chỉ nhìn cũng thấy ngứa mắt. Mấy ngày di chuyển từ quê nhà lên thành phố, Khổng Lập Thanh luôn phải đối mặt với cái nhìn lạnh lùng pha sự ghét bỏ của người cha, cô thực sự còn nghĩ ông sẽ vứt bỏ mình
trên đường đi.
Nhưng phải tới khi đến thành phố, chuỗi ngày đau khổ của Khổng Lập
Thanh mới thực sự bắt đầu. Khổng Kiến Huy trong mắt người ngoài là một
người đàn ông hòa nhã lịch sự, chỉ có với người nhà ông ta mới tỏ ra cục cằn, thô lỗ mà thôi.
Trong ấn tượng của Khổng Lập Thanh, cha cô là một kẻ đạo đức giả,
trước mắt người khác thì làm bộ quan tâm chăm sóc cô, nhưng khi không có người ngoài, ông ta liền coi cơ thể cô là nơi trút giận. Khổng Kiến Huy đánh con mà chẳng cần có lý do gì, chỉ là do ngứa mắt. Khổng Lập Thanh
còn nhớ, suốt những năm ở cùng cha, cô chưa một lần dám mặc quần áo
ngắn, bởi lẽ chân tay chỗ nào cũng có dấu tích bị đòn.
Khi còn ở quê, Khổng Lập Thanh là một đứa trẻ hiếu động, thế nhưng
chỉ sau mấy tháng chuyển về thành phố, cô bỗng nhiên biến thành đứa bé
lặng lẽ, chậm chạp và lầm lì. Những trận đòn oan hàng ngày khiến cô biến thành nhút nhát, sợ sệt, chỉ muốn thu mình lại để được yên ổn mà thôi.
Năm Khổng Lập Thanh mười tuổi, Khổng Kiến Huy cha cô tái hôn, đối
tượng tái hôn lần này là con gái phó giám đốc một nhà máy gần đấy. Bà ta cũng mới ly hôn, có một đứa con gái riêng trạc tuổi Khổng Lập Thanh.
Cha tái hôn với một người phụ nữ quyền lực hơn, không cần nói cũng biết
Khổng Lập Thanh sẽ càng thảm thế nào.
Suốt thời niên thiếu, cô đều bị ghẻ lạnh, cha ruột ghét bỏ, người
ngoài không ai quan tâm, bị tổn thương sâu sắc, mặt dần in hằn nỗi đau
đớn, buồn bã.
Khổng Lập Thanh bắt đầu hiểu chuyện từ năm cô mười bốn tuổi. Khi đó
nhà đã rất giàu nhưng cô lại không có được một bộ đồ cho ra dáng, một
tuần mới được tắm gội một lần, người ngợm nhớp nháp, đầu tóc bẩn thỉu
khiến Khổng Lập Thanh không có nổi một người bạn, cô luôn thu mình trong góc lớp, càng biến thành đứa trẻ khiến người ta ghét bỏ.
Năm Khổng Lập Thanh mười bốn tuổi cũng xảy ra một chuyện trở thành
bước ngoặt cuộc đời, chuyện đó liên quan đến một người đàn ông. Cô nhớ,
lần đầu tiên mình gặp người đàn ông đó là một ngày nắng ráo, nhiều năm
qua đi, cô thậm chí đã quên mất tên người ấy, nhưng lại mãi mãi ghi nhớ
hình ảnh người ấy đứng trên bục giảng, thân hình cao lớn chìm trong ánh
nắng, tay áo sơ mi trắng xắn tới khuỷu, nghiêm nghị đứng đó, mắt nhìn
thẳng vào học trò, nói dõng dạc: “Bạn có cảm thấy cuộc đời không công
bằng không? Bạn có cảm thấy cuộc sống không như ý không? Lúc này bạn có
lý tưởng nào muốn theo đuổi không? Nếu vậy hãy đọc sách, hãy đối xử tốt
với cuốn sách giáo khoa trong tay bạn, nó sẽ cho bạn những hồi đáp tuyệt vời.”
Lúc này Khổng Lập Thanh nhớ lại quãng thời gian đó, cũng hiểu ra năm
ấy mình đã gặp được một thầy giáo ngữ văn trẻ tuổi giàu nhiệt huyết.
Cũng nhờ thế mà cô lạc quan hơn, thế giới tăm tối cô đang sống vì những
lời nói của người thầy ấy mà trở nên tươi sáng hơn.
Từ năm mười bốn tuổi đó Khổng Lập Thanh đã có mục tiêu để phấn đấu,
cô không thông minh nhưng là người một khi đã tìm thấy lối ra cho vận
mệnh thì sẽ sống chết theo đuổi.
Cô nỗ lực như vậy tròn bốn năm, mọi cực nhọc chỉ mình cô biết, mười
tám tuổi thi đỗ vào khoa Chuẩn đoán lâm sàng của Đại học Bắc Kinh. Khoa
Chuẩn đoán lâm sàng của đại học Bắc Kinh mỗi năm chỉ tuyển bốn mươi đến
sáu mươi chỉ tiêu trên toàn quốc. Sau cả khóa học, số người cuối cùng có thể nhận bằng tốt nghiệp chỉ còn khoảng hai phần ba tổng số sinh viên
theo học.
Khổng Lập Thanh không chỉ thi đỗ mà còn tốt nghiệp ra trường đúng
hạn. Trong bảy năm cô học ở Đại học Bắc Kinh, bố cô chỉ cho cô tiền học
phí, tiền sinh hoạt phí cô phải nai lưng làm thuê kiếm lấy.
Bảy năm khổ cực vừa học vừa làm cuối cùng cũng qua, tốt nghiệp đại
học là có thể thoát ly gia đình tự lập bên ngoài. Nhưng chẳng ai ngờ,
Khổng Lập Thanh tốt nghiệp hôm trước thì hôm sau bố cô vào tù.
Khổng Kiến Huy sau khi tái hôn có thể nói là một bước lên mây, cũng
là người thức thời nên lúc này ông ta liền tự học kiếm chút chữ nghĩa,
văn bằng, sau đó được bố vợ nâng đỡ, dần dần từng bước thăng lên làm
quản lý nhà máy. Cho dù thời kỳ đó nền kinh tế quốc doanh khá ảm đạm,
nhưng nhà máy của họ trực thuộc trung ương, được ưu ái nên hoạt động vẫn rất hiệu quả. Vì vậy Khổng Kiến Huy được thể càng phô trương, có ngày
vào tù như hôm nay cũng là do năm xưa quá huênh hoang khiến kẻ khác ngứa mắt.
Khổng Kiến Huy suốt thời thanh niên sống trong cảnh bất đắc chí,
nhưng bản chất ông ta lại là người rất có dã tâm, cũng rất chuyên quyền. Sau này đổi đời được nắm quyền sinh quyền sát trong tay, những tính
cách trên mới bộc phát. Suốt thời gian đương chức ông ta đã mạo phạm tới rất nhiều người. Lần đi tù này là do bị tố cáo tham nhũng, kỳ thực số
tiền không lớn, chưa tới mười vạn tệ nhưng người tố cáo có chứng cứ xác
đáng. Khổng Kiến Huy gần đây đối xử với vợ hai không tốt, lâm nạn không
một ai muốn giơ tay cứu vớt ông ta, bị người người dồn vào chân tường,
Khổng Kiến Huy cuối cùng hoàn toàn sụp đổ.
Khổng Lập Thanh bất đắc dĩ phải gặp cha mình trong tù. Ở phòng tiếp
thân nhân của nhà tù đó, xung quanh đều là người đi thăm tù, tiếng khóc
than ồn ào, chỉ có bàn của cha con họ không khí đông cứng không một
tiếng động. Khổng Kiến Huy hôm đó tinh thần rệu rã, mệt mỏi, qua một đêm tóc đã bạc trắng, tưởng như già đi một giáp.
Lúc mới nhìn thấy cha mình, Khổng Lập Thanh thực sự có chút thờ ơ,
nói không rõ được là đang thương hại hay đồng cảm. Cô đã đi một chặng
đường đời dài chẳng ai người quan tâm cho nên trưởng thành cũng không
phải người mềm yếu. Nhưng đối mặt với người đàn ông đã gây cho mình bao
vết thương lòng này cô cũng không có ý hận, chỉ thấy dửng dưng. Khổng
Lập Thanh ngồi đối diện Khổng Kiến Huy, yên lặng không biết nói gì. Kỳ
thực trong thâm tâm cô rất sợ người đàn ông này, nỗi sợ càng sau càng
lớn, đã trở thành một bóng đen ám ảnh trong tâm trí cô.
Khổng Kiến Huy chán nản gục xuống trước mặt Khổng Lập Thanh, giữa
tiếng ồn ã xung quanh, thì thầm: “Trong nhà cũ ta còn có một thứ, con
phải đến mang nó đi.”
Khổng Lập Thanh nhìn lại Khổng Kiến Huy có chút không hiểu. Khổng
Kiến Huy đành nói tiếp, ông ta không dám nhìn thẳng vào cô, quay đầu
nhìn vào góc tường: “Con còn có một đứa em trai, cho dù xưa nay ta không tốt với con, nhưng xin con hãy chăm sóc cho nó. Nó là người nối dõi của ta, con hãy nuôi dưỡng nó coi như trả cho ta ơn dưỡng dục. Nó mới có ba tuổi, coi như con nể tình ta là cha con, đừng để nó lại cho mẹ nó, bà
ta không phải người mẹ tốt.”
Khổng Lập Thanh yên lặng, sau đó khẽ gật đầu, xem như là đồng ý.
Mẹ của Khổng Vạn Tường vốn là gái nhảy, trước đây làm việc ở hộp đêm, sau được Khổng Kiến Huy để mắt tới, bao nuôi, sau cùng thì sinh con cho ông ta.
Khổng Lập Thanh theo địa chỉ Khổng Kiến Huy nói, đến khu chung cư cao cấp của thành phố T tìm mẹ con Khổng Vạn Tường. Lúc đó cuộc sống của mẹ con họ rất bấp bênh, tòa án sớm muộn cũng tìm đến niêm phong căn hộ này của Khổng Kiến Huy. Mẹ Khổng Vạn Tường rất trẻ, so với Khổng Lập Thanh
còn kém mấy tuổi, mới chỉ khoảng hai mươi. Bình thường cô ta đã quen
sung sướng, sau khi Khổng Kiến Huy vào tù, không gửi tiền nữa, cuộc sống của hai mẹ con trở nên khó khăn chưa từng thấy. Khi trông thấy Khổng
Lập Thanh, cô ta lập tức kích động, ngẩng phắt khuôn mặt trang điểm cầu
kỳ lớn tiếng mắng chửi, nguyền rủa tất cả những gì cô ta có thể nhớ ra.
Cô ta chửi chính quyền, mắng Khổng Kiến Huy, cuối cùng quay sang chửi
mắng đứa con là đồ ngu si đần độn.
Khổng Lập Thanh cuối cùng cũng tìm thấy Khổng Vạn Tường đang trốn
dưới gầm bàn ăn. Lúc đó thằng bé còn chưa đến ba tuổi, mặt mũi ngây ngô, ánh mắt đờ đẫn, chân tay lộ đầy những vết bầm tím. Khổng Lập Thanh bèn
ôm nó lên, khi rời xa mẹ, thẳng bé không khóc cũng không làm ồn, ngoan
ngoãn để Khổng Lập Thanh bế đi.
Cô đưa Khổng Vạn Tường đến căn phòng Khổng Kiến Huy và mình ở trước
khi ông tái hôn trong thành phố T, tìm được số tiền ba mươi vạn Khổng
Kiến Huy cất giấu, dùng số tiền đó đóng tiền đặt cọc mua căn hộ trả góp ở thành phố B mà hiện cô và Khổng Vạn Tường đang ở.
Khổng Lập Thanh không biết lúc nhỏ Khổng Vạn Tường đã gặp những
chuyện gì. Hai năm nuôi dưỡng thằng bé, Khổng Lập Thanh luôn kiên trì
giúp Khổng Vạn Tường hòa nhập cuộc sống mới, nhưng dường như kết quả
không như ý. Phần lớn thời gian thằng bé đều yên lặng như này, không hề
giống một đứa trẻ năm tuổi chút nào.