Bạn Gái Máy In Tiền Của Tôi

Chương 5: Máy in tiền và máy in tiền




Nói thật, ngay tại thời điểm đó Chu Dị thực sự rất muốn đánh người: Anh ta đã bảo sao thái độ tay này bỗng quay ngoắt một trăm tám mươi độ rồi mà, hóa ra là vì vé xem kịch!

Trình Bạch cũng hoàn toàn không còn gì để nói.

Đồ đã vứt vào thùng rác rồi còn có người hỏi xin?

Lại còn là một đại tác gia.

Nếu lát nữa cô nói cho Phí Tĩnh biết thần tượng của anh ấy nhặt vé xem kịch trong thùng rác, liệu Phí Tĩnh có ngừng hâm mộ không?

Đương nhiên đây chỉ là một ý tưởng thoáng qua.

Vé đó vốn mua vì Tạ Lê, giờ đã chia tay rồi, tất nhiên cô không ngại gì không cho.

*

Lúc ra khỏi văn phòng của Trình Bạch, tâm trạng Biên Tà tốt tới độ tựa như bầu trời xanh trong vắt bên ngoài.

Cầm tấm vé xem kịch trong tay như thể nhặt được tiền triệu ngoài đường.

Anh cố ý đợi ký hợp đồng xong mới hỏi xin vé, trước lúc đấy phải làm tăng thiện cảm với đối phương thì xin mới dễ.

Đã là đối tác với nhau rồi, hai tấm vé xem kịch có là gì?

Trình Bạch, đúng như anh dự đoán, nhìn anh một chút rồi cho anh ngay.

Mặc dù không lớn không nhỏ nhưng cũng coi là đàm phán hợp tác thành công nên theo lệ cũ, Chu Dị mời Trình Bạch cùng ăn một bữa cơm với nhau. Không ngờ tối nay cô có hẹn nên phải hoãn sang tối ngày mai.

Lúc ra về, Biên Tà còn nhón thêm hai cái bánh đậu xanh dưới gầm bàn nước.

Giờ đang giấu trong túi. Hạnh phúc.

“Tốt xấu gì cũng coi là một người có tiếng tăm, Biên đại tác gia, anh chẳng có chút ý thức giữ gìn hình tượng chút nào sao?” Chu Dị đứng đằng trước chờ thang máy, cảm tưởng như mình đã già đi ít nhất mười tuổi, “Đi bàn hợp đồng, ăn đã đành, anh lại còn vừa ăn vừa lấy mang về! Cẩu độc thân như anh, lấy của người ta hai tấm vé xem kịch, anh tính đi xem với ma à?”

“Tôi…”

Biên Tà bị Chu Dị nói làm cho tức nghẹn lời.

Anh nghiến răng đáp trả: “Một mình tôi ngồi hai ghế không được chắc? Ngồi bên trái một lúc rồi ngồi bên phải một lúc, cậu cấm được tôi chắc?”

Được thôi.

Không cấm nổi.

Chu Dị không thèm nói lại cái loại cãi cùn như vậy, anh ta nhìn số tầng thang máy đang nhảy xuống từng số từng số lại hỏi: “Còn lời xin lỗi nãy bàn thì sao?”

“Tôi nói là xem tình hình mà. Có điều…”

Anh thoáng dừng lời.

Biên Tà nhướn mày, hồi tưởng lại cuộc tiếp xúc ngắn ngủi vừa rồi, đắn đo câu từ: “Cô ấy không giống như tôi tưởng.”

Chu Dị xùy khẽ một tiếng: “Anh tưởng thế nào?”

“Chí ít thì trong cốc giữ nhiệt không ngâm cẩu kỷ.”

Biên Tà lắc đầu, không nói suy nghĩ thật của bản thân. Không phải do khó nói mà thực sự là sợ nói ra sẽ bị người đại diện nhà anh hành hung.

Anh ngẫm nghĩ một hồi, chợt nổi hứng.

“Ôi, lão Chu, cậu thấy quyển tiếp theo tôi viết về luật sư có được không?”

“Đừng.”

Tật xấu thâm căn cố đế của đám nhà văn là bị cuốn hút bởi những con người mang trong mình những trải nghiệm độc đáo.

Đoán cái là biết ngay, tay Biên Tà này lại tìm được cảm hứng từ chuyến đi đến đây ngày hôm nay rồi. Song, Chu Dị không cần nghe hết đã bác bỏ thẳng thừng ý tưởng của anh.

“Đề tài pháp luật luôn rất nhạy cảm, những chuyện liên quan đến hình sự hay lên tòa về cơ bản không thể qua được vòng xét duyệt. Tình hình thị trường phim điện ảnh và truyền hình dạo này rất khó khăn, anh có viết cũng chưa chắc tôi đã bán được đâu.”

“Xì!”

Nghe Chu Dị nói vậy, Biên Tà không vui.

Nếu như trước mặt anh hiện giờ mà có một chiếc bàn to thì nhất định anh phải đập bàn nói câu này: “Bán biếc gì, Biên Tà tôi là loại người chỉ viết sách vì tiền thôi sao?!”

Có điều vừa nói xong, anh lại nghĩ ngay đến một chuyện: “Ôi, sách mới của tôi đã bán được ba ngày rồi nhỉ, lượng tiêu thụ được bao nhiêu rồi? Có phá kỷ lục không? Đã bàn chuyện tái bản chưa? Phần trăm nhuận bút có tăng được chút nào không?”

Chu Dị nhìn anh một cái đầy ý nhị: “Nãy bên xuất bản có gọi điện, phá kỷ lục rồi, tới đây sẽ bàn đến chuyện in thêm.”

Biên Tà gật đầu: “Nâng giá lên, khỏi phải khách khí với bọn họ.”

Chà.

Biên Tà viết sách vì thích.

Hình tượng vững chắc từ xưa tới giờ không thay đổi.

Chỉ có điều, viết xong rồi thì sẽ “cam tiền”.

Chu Dị mệt mỏi, không muốn nói năng, lê bộ âu phục xám đứng lặng trước thang máy, coi như không quen biết cái tay đứng bên cạnh mình.

Thang máy đi xuống vẫn chưa tới thì có thang máy đi lên.

“Ting” một tiếng, cửa thang máy mở.

Vì đứng gần nên Biên Tà bất giác quay qua nhìn thành thử lại thấy một chuyện làm anh phải ngạc nhiên.

Người trong thang máy không phải thành phần trí thức ưu tú mặc âu phục đi giày da, cũng không phải ông chủ giàu có đầu hói bụng phệ mà là một ông cụ ăn mặc giản dị thậm chí có phần nghèo túng.

Áo khoác màu xám hẳn đã được giặt rất nhiều lần, gấu áo đã xù vải; chiếc quần màu đen mặc không vừa người, ống quần phải xắn cao lên một gang tay; đi đôi giày bata được giặt sạch sẽ, tuy đã rất cũ nhưng không hề dính chút đất bẩn nào.

Tóc bạc hoa râm, mặt đầy nếp nhăn.

Cặp mắt đục, khóe mắt đỏ, ông hít sâu một hơi như thể để lấy can đảm rồi mới ra khỏi thang máy, đi về phía quầy tiếp tân của hãng luật Thiên Chí.

Biên Tà có thiên phú hơn người về khả năng quan sát đánh giá con người, quá trình sáng tác lâu dài đã tôi luyện thiên phú này thuần thục thành một loại bản năng.

Gần như ngay khoảnh khắc nhìn thấy ông cụ, anh đã tò mò ngay.

Anh lặng lẽ đưa mắt nhìn theo, dỏng tai lên nghe ngóng.

“Chào ông, xin hỏi ông là?”

Nhân viên lễ tân vẫn là cô gái đã tiếp Biên Tà lúc nãy, gương mặt được trang điểm cẩn thận ngẩn ra một thoáng khi nhìn thấy ông cụ rồi mới chủ động hỏi.

Ông cụ hơi sợ, giọng run run, mấp máy môi mấy lượt mới nói ra mục đích mình đến đây: “Tôi, tôi muốn hỏi, luật, luật sư Trình làm việc ở đây phải không?”

“Luật sư Trình nào ạ?”

Mặc dù hãng luật Thiên Chí không thuộc Hồng giới sở nhưng cũng có trên một trăm tới gần hai trăm người, không chỉ một người họ Trình. Nhân viên lễ tân phải hỏi lại ông.

Tay ông cụ run run, móc trong túi trong của áo khoác ra một tấm danh thiếp được gói trong khăn tay, đưa cho nhân viên lễ tân: “Là, là vị luật sư Trình này, cô ấy có ở đây không?”

Bàn tay cháy nắng đen đúa.

Mu bàn tay rúm ró lác đác đốm đồi mồi của người già, mạch máu ngoằn ngoèo nom như những dòng sông nằm ngay dưới lớp da và ngón tay đầy những vết chai sạn.

Nhân viên lễ tân nhận lấy xem tấm danh thiếp, không khỏi giật mình.

Vì đây không phải danh thiếp của luật sư Thiên Chí.

Trên đó viết là…

Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Trình Bạch.

Dựa vào vết ố trên danh thiếp, có thể nhận thấy tấm danh thiếp này đã được giữ rất nhiều năm nhưng vẫn còn đọc được.

Nhân viên lễ tân nghi là trùng tên, ông cụ đi nhầm chỗ.

Nhưng kiểm tra phương thức liên lạc trên đó thì đúng là vị cộng sự mới bỗng đâu tới của hãng.

Nhân viên lễ tân hơi do dự, không đoán được lai lịch của ông cụ nên chỉ nói: “Chắc là ông không có hẹn trước phải không ạ? Ông chờ một chút, cháu hỏi giúp ông xem.”

“Được, được, cảm ơn, cảm ơn.”

Ông cụ chắp tay trước ngực, cảm ơn luôn miệng.

Cách quá xa nên Biên Tà không đọc được trên danh thiếp đó viết gì nhưng nghe cuộc thoại thì cũng đoán được đại khái, anh nhìn đăm đăm, lòng dội lên cảm xúc khó tả, quay qua hỏi Chu Dị một câu: “Nãy Trình Bạch nói phí tư vấn của cô ấy rất đắt, là bao nhiêu thế?”

Chu Dị liếc anh một cái: “Một đồng.”

“Rẻ vậy!”

Biên Tà ngạc nhiên.

Nhưng Chu Dị lại đế thêm vào một câu: “Một giây.”

“…”

Một đồng một giây.

Được lắm.

Một lần nữa, Biên Tà lại bị người đại diện nhà mình làm tức nghẹn lời, mất một lúc mới xuôi, anh liếc nhìn: “Tâng bốc cô ấy là máy in tiền, tôi còn tưởng kiếm được nhiều lắm, hóa ra cũng chẳng có gì đặc biệt. Một chữ của tôi một trăm đồng, cao hơn cô ấy nhiều.”

Nói vớ vẩn.

Trong nghề này, “máy in tiền” là in tiền cho người khác, kiếm tiền cho khách hàng. Đâu giống như Biên Tà kiếm tiền cho mình.

“Trình Bạch dù sao cũng xứng với cái giá này.”

Biên Tà nhíu mày, lập tức cảm nhận được ý bảo vệ trong câu từ của Chu Dị, trong đầu bỗng lóe lên một suy nghĩ: “Này, tôi bảo, cô ấy là đàn chị của cậu, hai người đã quen biết nhau từ trước, hôm nay cậu như vậy… hẳn là thầm mến người ta phải không?”

Chu Dị cau mày, bộ âu phục thẳng thớm làm anh ta trông có vẻ lạnh lùng, anh ta quay qua nhìn Biên Tà: “Vậy thì sao?”

Không phản bác luôn kìa!

Biên Tà thầm ôi chao trong lòng.

Tinh thần hóng hớt lập tức bùng cháy, anh khều tay Chu Dị: “Vậy sao cậu còn không mau mau theo đuổi đi?”

Chu Dị bình tĩnh đáp: “Cô ấy có bạn trai rồi.”

“Có khỉ gì mà có!”

Biên Tà suýt thì bật cười.

“Cho dù từng có thì chắc chắn hiện tại đã chia tay rồi.”

Chu Dị không hiểu: “Là sao?”

Biên Tà khoác áo khoác dài quấn khăn quàng cổ, ngón tay kẹp cặp vé xem kịch vẩy qua vẩy lại vừa ranh mãnh vừa lịch lãm: “Đồng chí à, động não đi! Nếu đang tốt đẹp thì liệu có tùy tiện vứt cặp vé xem kịch này đi không?”

*

Trong văn phòng, Trình Bạch nhìn hợp đồng đã ký trên bàn rồi lại nhìn hai chữ “Biên Tà” uốn éo như chó bò trên giấy, gần như không thể đoán được đường đi của nét bút, cô bỗng hiểu ra vì sao vị Biên đại tác gia này chưa từng ký sách.

Mà ký cái chữ ký này vào sách thì ắt hẳn không bán nổi.

Chỉ được mỗi chữ “tà” đưa nét hất lên là trông còn hơi khí khái một chút, nét hất rất dài, trông như thể một thanh kiếm sắc, lộ ra sự sắc sảo mạnh mẽ không che giấu hết được.

Đã sắp bốn giờ chiều.

Trình Bạch vô thức sờ tay sang bên định rút một điếu thuốc trong hộp nhưng thứ lấy được lại là một viên kẹo bạc hà.

Cô ngơ ngác một thoáng rồi bật cười.

Quên mất, đang cai thuốc mà.

Trình Bạch bỗng thấy buồn tẻ, cô day trán, lật chiếc điện thoại úp mặt xuống bàn cả buổi lên.

Phí Tĩnh đã ngừng khóc lóc.

Tin nhắn cuối cùng là: Hừ, cùng lắm thì để sau tôi tự đi xin!

Quẹt tắt khung chat, trở về giao diện danh sách bạn bè thì thấy tin nhắn của Ngũ Cầm: “Trình Nhi, bảy giờ tối nay gặp ở chỗ cũ nhé.”

Trình Bạch nhắn lại một tiếng: “Được.”

Vừa nhắn xong thì điện thoại nội bộ trên bàn làm việc reo, nhân viên lễ tân gọi.

Trình Bạch kề ống nghe lên tai.

Giọng nói ngọt ngào của lễ tân mang theo đôi chút chần chừ truyền tới qua ống nghe: “Luật sư Trình, ngoài này có một vị khách muốn gặp chị…”

Cô nàng lễ tân nhỏ tiếng thuật lại cơ bản tình hình.

Trình Bạch nghe xong liền biết là ai.

Cô nhìn chằm chằm mấy chữ “Bảo hiểm tài sản An Hòa – Ngũ Cầm” trên giao diện điện thoại, im lặng một lúc mới thong thả đáp: “Hôm nay không có thời gian rảnh, mời ông ấy về đi.”

“Ồ, được.”

Rõ ràng là nhân viên lễ tân ở đầu dây bên kia không hiểu có chuyện gì ở đây nhưng Trình Bạch đã nói vậy rồi thì cũng phải vâng dạ cúp điện thoại.

Ông nghe lập tức báo âm bận.

Trình Bạch thất thần một hồi lâu.

Đã qua thu phân, ngày ngắn đêm dài, mặt trời tà tà ngả về tây chìm vào trong đám mây xám xịt mịt mùng. Nhìn ra ngoài cửa sổ, cảm tưởng như sương mù đang bủa vây thành phố.

Lúc thu tầm mắt về, cô nhìn thấy tờ giấy chứng nhận mà Biên đại tác gia đã có “lòng tốt” dựng lên cho cô, dòng chữ “mười luật sư trẻ tiêu biểu” như đang giễu cợt, đường viền vàng hình cán cân thật chói mắt.

“Phương Nhượng…”

Cánh môi mượt mà của Trình Bạch mấp máy thì thầm gọi một tiếng, cuối cùng cô vẫn với tay, “ụp” một tiếng, úp ngược khung bằng khen xuống giá sách.