Bạn Gái Máy In Tiền Của Tôi

Chương 45: Hừ




Mặc dù không bị trọng thương nhưng làm xong biên bản, Trình Bạch vẫn theo Thượng Phỉ đến bệnh viện để tiêu độc khử trùng băng bó vết thương. Thượng Phỉ đau la trời. Vì chuyện lần này dù có nói kiểu gì thì cũng là “bị tấn công”, nếu không phải Trình Bạch kịp thời ra tay thì với chiều dài con dao cũng như tư thế tấn công của Trịnh Hưng Nghĩa, hoàn toàn có khả năng gây ra án mạng, cho nên trên đường tới bệnh viện, Trình Bạch đã gọi điện về báo cho người nhà Thượng Phỉ.

Băng bó gần xong xuôi thì người nhà cũng tới.

Nãy giờ Thượng Phỉ đang la trời oai oái, thoắt cái liền biến thành đại hội ăn chửi.

Cô Thượng, chú Thượng tối mù tối mịt vốn đang ngồi nhà xem ti-vi, còn nấu sẵn canh lê đường phèn chờ con về ăn, kết quả lại nhận được điện thoại, sợ quá, không kịp thay quần áo, tất tả chạy tới bệnh viện.

Thấy cánh tay thương binh của Thượng Phỉ, cô Thượng suýt thì xỉu.

Xót con gái một hồi xong liền mắng: “Con xem con đó, hồi xưa con chọn chuyên ngành này là mẹ đã không đồng ý rồi, học kinh tế gì đó chẳng tốt hay sao lại đòi đi học luật! Học luật thì thôi, con lại còn đòi làm thẩm phán! Con xem Trình Bạch đi kìa, làm luật sư chẳng tốt quá đi à? Con muốn chọc cho mẹ tức chết đây mà!”

Thượng Phỉ ai oán liếc Trình Bạch đứng thẳng tắp bên cạnh, trong lòng không phục, lẩm bẩm lí nhí trong miệng: “Lúc cậu ấy bị chửi thê thảm hơn con mẹ chưa thấy đó thôi…”

“Con còn dám cãi nữa hả?!”

Năm nay cô Thượng mới ngoài năm mươi, thường ngày chăm rèn luyện sức khỏe, tai vẫn còn nghe rõ lắm, nghe không sót một chữ nào, bực mình chọc chọc ngón tay dí đầu con gái.

“Suýt mất cả mạng rồi kia kìa, không nhờ có Trình Bạch thì giờ không phải mẹ đến bệnh viện thăm con đâu mà là phải đến nhà xác nhìn mặt con đó! Còn dám làm thẩm phán nữa hay không hả?”

“Nhà xác nọ nhà xác kia gì chứ, xùy xùy, mẹ không thể nói gì đó nghe may mắn chút được sao? Không phải con vẫn còn đang nhảy nhót tưng bừng sống sờ sờ ra đây thôi?” Thượng Phỉ ôm đầu, bắt đầu mặt dày giả vờ đáng thương để trốn bị mắng, “Ôi chao ôi chao, mẹ đừng chọc đầu còn nữa, ôi tay của con, ôi cánh tay già của con ôi…”

Cô Thượng lập tức sốt ruột hỏi: “Ôi, có động phải chỗ nào không? Đau không con? Mau bỏ tay xuống đi, đừng có đong đưa lung tung…”

Tiết mục phê bình lập tức chuyển thành tiết mục tình mẹ con thắm thiết.

Trình Bạch đứng xem bất giác nở nụ cười, đầu hơi cúi xuống, nụ cười dần phai, mặt mày nhuốm hơi lạnh tịch liêu của đêm đông.

Cô lặng lẽ đi ra ngoài.

Chú Thượng chững chạc hơn hai mẹ con nhiều, liếc nhìn thấy liền đi theo ra gọi cô: “Trình Bạch à, lần này may mà có cháu đấy.”

“Không có gì đâu ạ.” Trình Bạch đứng lại, sắc mặt nhẹ nhõm, “Chuyện lần này rất bất ngờ mà xác suất xảy ra cũng khá nhỏ, chú nhớ nói cô đừng quá lo.”

Viện kiểm sát đâu dễ chọc.

Đến thẩm phán mà cũng dám tấn công, tay đó vố này khá chắc là phải lĩnh đủ.

Chú Thượng thở dài: “Cũng chỉ còn biết khuyên mẹ nó chớ lo thôi. Con bé Phỉ Phỉ này từ nhỏ đã chẳng chịu làm gì cho đàng hoàng nghiêm túc rồi, chỉ có mỗi nghề thẩm phán này là thấy nó làm tử tế. Dù cha mẹ có thấy không tốt mà con cái đã quyết vậy rồi thì cũng đành chịu. Cơ mà Trình Bạch này, mãi bữa rồi chú mới biết cháu về lại Thượng Hải đó, hôm nay thật không khéo, bữa sau nhớ phải qua nhà chú ăn cơm nhé, cô của cháu dạo này mới học được mấy món mới đấy!”

“Dạ được, cháu chắc chắn sẽ qua ạ.”

Trình Bạch cười tít mắt, gật đầu nhận lời.

Trò chuyện thêm với chú Thượng mấy câu, Trình Bạch xin phép về.

Tay Trịnh Hưng Nghĩa kia cũng được đưa tới bệnh viện này.

Một bác sĩ và hai y tá đi về phía này.

Bác sĩ đeo kính mắt gọng vàng nhã nhặn, nhíu chặt chân mày: “Xách dao đi đâm người ta lại suýt bị người ta đạp tàn phế, thời buổi giờ lưu manh kiểu gì kém cỏi quá. Loại này còn mang tới bệnh viện làm cái gì, đúng là…”

Họ bước vội đi ngang qua Trình Bạch.

Cô liếc thấy người mặc áo bờ lu trắng đeo biển tên là Chử Hiền Văn.

Chắc là đang nói Trịnh Hưng Nghĩa nhỉ?

Cô ngẫm nghĩ, đi ra khỏi bệnh viện, hồi tưởng lại trong đầu từng cảnh nãy thấy trong phòng bệnh.

Bỗng thấy ngẩn ngơ.

Mở cửa.

Lên xe.

Đóng cửa.

Nổ máy.

Lái xe.

Cuộc sống luôn có rất nhiều những thao tác máy móc lặp đi lặp lại.

Rời khỏi bệnh viện, cứ thế cho xe chạy tàng tàng, cảnh vật vụt qua cửa kính dần dần trở nên quen thuộc. Lúc tới đầu đường dẫn vào ngõ cũ với hàng cây ngô đồng nước Pháp đã rụng trơ trọi lá, Trình Bạch dừng xe, ngồi im trong xe một lúc lâu.

Cho đến khi có xe chạy qua, đèn xe chiếu vào mắt, cô mới hoàn hồn.

Nhìn giờ, 11 giờ rưỡi tối.

Tắt máy, xuống xe, gió lạnh thổi thốc vào mặt, buốt như thể ngấm vào được tận xương.

Trình Bạch dửng dưng khóa xe, đi vào trong ngõ.

Con ngõ tối như mực.

Đế giày cao gót nện lên mặt đường cũ kỹ vang lên những tiếng rời rạc như tiếng bi rơi tạo ra những tiếng vọng tịch mịch vào đêm tối.

Ngoài chúng ra, chỉ còn lại tiếng hít thở.

Ngay cả tiếng ồn ào từ một ngôi nhà nào đó gần đây cũng trở nên xa xôi.

Như thể đang đi trong hang sâu, không rõ mình đang đi về đâu hay con đường phía trước là gì, cũng rất khó đoán định tiếng hít thở gần trong gang tấc này là của mình hay ai khác, thậm chí không biết liệu tiếng bước chân có thể nào làm dã thú biết đâu đó đang lặng lẽ ẩn mình quanh đây chú ý hay không.

Nhưng Trình Bạch nghĩ, bất kể trong bóng đêm này có nhảy ra ai hay con gì, cô đều sẽ bóp chặt cổ họng nó rồi ghìm chặt xuống đất…

Bởi vì cô chỉ có một mình.

Lúc con người ta yếu ớt nhất thường cũng chính là lúc mạnh mẽ nhất.

Có người sợ bóng tối, có người lại thấy bóng tối mang lại cảm giác an toàn. Chỉ có lúc trời đêm tĩnh mịch thế này, khi chẳng có thể bị ai nhìn thấy được thì con người ta mới có thể giải phóng ra con người thực của mình.

Cô không biết mình là loại trước hay loại sau.

Hoặc là có cả hai loại.

Cứ đi đi mãi, Trình Bạch bắt đầu thấy lạnh thật, hơi lạnh ùa vào qua cổ và ống tay áo, ngón tay lạnh cóng lại.

Cô bước thêm một bước về trước, trong màn đêm có ánh đèn đỏ của máy cảm ứng lóe lên, con đường tối đen như mực bỗng sáng bừng.

Trình Bạch nheo mắt.

Bắt đầu từ chiếc gần cô nhất, một chiếc hai chiếc ba chiếc…

Là đèn đường của hàng xóm phú ông, đèn sáng lên liên tiếp.

Soi sáng cả những ngóc ngách hẻo lánh mọc rêu xanh trong con ngõ.

Dây thường xuân khô quắt vào những ngày đông lẳng lặng nép mình lên mặt tường thô ráp như một đứa trẻ tô tô vẽ vẽ lên trang giấy ra một gốc đại thụ sum xuê.

Lại loáng thoáng nghe thấy tiếng nhạc bay ra từ ô cửa sổ không khép chặt của ngôi biệt thự nhà bên, giờ Trình Bạch đã rất quen với chuyện này.

Ukulele.

Twinkle twinkle little stars, how I wonder where you are.

Cô thất thần nhìn ba ngon đèn tường một hồi lâu mới nở một nụ cười mang nhiều tâm trạng lẫn lộn.

Có lẽ có một hàng xóm như thế này phải chăng cũng không phải là chuyện xấu?

Cô bất giác cười một tiếng, bước đi trên con ngõ được thắp đèn sáng trưng, lấy chìa khóa mở cửa, bật đèn, đi lên tầng, đi đút cho con rùa đá nằm úp mình uể oải ngoài ban công trước rồi mới ngả người ra giường, lấy điện thoại ra xem.

Ba tin nhắn Biên Tà gửi và “hướng dẫn khiếu nại hàng xóm” vẫn còn nằm ở đó trong Wechat.

Trình Bạch nhìn chằm chằm, ngẫm nghĩ, cuối cùng vẫn nhắn lại.

Chỉ một chữ: Ừ.

Tiếng Ukelele loáng thoáng của phú ông nhà bên bỗng dừng.

Thoắt cái, không ngờ Biên Tà lại nhắn lại.

Tuyết rơi bung dù: Ừ.

Biên mỗ nhân: Hừ

Một chữ “hừ” không có dấu chấm câu, quả thực toát lên mười ngàn điểm kiêu kỳ lạnh lùng và bất mãn.

Thế nhưng mà…

Người thực sự kiêu kỳ lạnh lùng chẳng bao giờ có chuyện trả lời tin nhắn ngay lập tức.

Trình Bạch đọc xong bật cười thành tiếng. Cả đêm tâm trạng trồi sụt lên xuống, không hiểu sao bỗng trở nên tươi tỉnh.

Cô thấy mình đúng thật là xấu tính quá.

Sao có thể xây dựng niềm vui của mình trên sự bất mãn của người khác được chứ?

Ăn năn xong, cô vô cùng vui vẻ để điện thoại qua một bên, lại một lần nữa cố ý không trả lời tin nhắn, ngay cả hỏi một câu tại sao “hừ” cũng không. Rửa mặt xong, quấn chăn, trong lòng nhẹ nhàng chẳng chút tội lỗi, nhắm mắt ngủ.

Một vị đại tác gia nào đó ở biệt thự kế bên nhìm chằm chằm màn hình điện thoại của mình tựa như nhìn kẻ thù cho tới khuya cuối cùng rút ra một kết luận đáng buồn: Trình Bạch cặn bã này, rất có thể là do ông trời đặc phái xuống đây để trị anh…

Tác giả có lời muốn nói:

Hai ngày nợ 6000 chữ.

Không cười nổi.

Thêm tạm trước chừng này đã.