Thành Hắc Thủy Tây Hạ, cũng chính là nơi nằm trong sa mạc Gobi hoang vắng về phía đông nam cách trấn Đạt Lai Hô Bố sau này khoảng hai mươi nhăm cây số. Thời kỳ bắt đầu xây dựng Tây Hạ, quân đội trấn thủ nơi này lại chính là Yến Quân Ti trấn Hắc Thủy, một trong số mười hai giám quân ti của Tây Hạ.
Thành Hắc Thủy lúc này không phải là vùng sa mạc Gobi hoang vắng mà là một vùng ốc đảo. Trồng trọt chăn nuôi rất phát triển. Đồng cỏ tươi tốt, sông hồ chằng chịt, cây rừng rậm rạp. Hơn nữa đây còn là một trong những vùng đất khởi nguồn của nền văn minh Trung Hoa.
Bởi vì thành Hắc Thủy là tuyến đường mật thiết nối từ Hà Tây đi khuếch qua Mạc Bắc và là đầu mối giao thông then chốt cho nên nơi đây trở thành vị trí chiến lược cực kỳ trọng yếu. Bằng không Tây Hạ cũng sẽ không đem Yến Quân ti trấn Hắc Thủy bố trí ở nơi đây.
Thành Hắc Thủy chẳng những là một tòa trấn quân sự trọng yếu của Tây Hạ mà hơn nữa còn là một tòa trấn kinh tế quan trọng, tương tự với Hàng Châu của Đại Tống. Thành Hắc Thủy đã không còn là một tòa thành quân sự đơn thuần nữa. Dân cư, cửa tiệm, trạm dịch, chùa chiền Phật giáo cho đến ấn chế kinh Phật, xưởng chế tạo các loại công cụ phân bố ở khắp thành. Thật là một cảnh tượng phồn vinh, hưng thịnh.
Đương thời, khi Hoàn Nhan Tông Vọng thống lĩnh binh lính chinh phạt về phía tây, vương triều Tây Hạ thập phần lo sợ Hoàn Nhan Tông Vọng sẽ đột ngột tấn công thành Hắc Thủy cho nên đã điều động một lực lượng quân đội hùng hậu trấn giữ nơi này. Nhưng Hoàn Nhan Tông Vọng không có dự định xuôi Nam mà trực tiếp đánh thẳng xuống Cao Xương Hồi Cốt. Việc này khiến cho vương triều Tây Hạ thở phào nhẹ nhõm. Vương triều Tây Hạ cũng không hy vọng thành Hắc Thủy phải gánh chịu bất cứ sự công kích nào.
Thế nhưng, sau khi Hoàn Nhan Tông Vọng đóng quân ở Cao Xương Hồi Cốt, vương triều Tây Hạ lại vội vàng đem một bộ phận người ngựa ở thành Hắc Thủy di dời đến phía cuối hành lang Hà Tây trấn thủ ở đó.
Song, về sau Hoàn Nhan Tông Vọng đánh chiếm Sa Châu. Tây Hạ liền dồn toàn bộ lực chú ý vào phía Tây, không ngừng điều binh khiển tướng đi cứu viện trước. Đồng thời lại điều động ba vạn đại quân từ thành Hắc Thủy chạy tới Qua Châu.
Nhưng chính vào lúc này, mấy vạn quân Kim bỗng nhiên từ Mạc Bắc tràn xuống đáp úp thành Hắc Thủy.
Thống soái của đội quân này chính là Hoàn Nhan Hi Doãn giảo hoạt, bắt đầu cho một cuộc chiến không báo trước và cũng chỉ có gã mới làm ra được chuyện này.
Hoàn Nhan Hi Doãn vốn là phụng lệnh từ Mạc Bắc đánh chiếm tất cả các bộ tộc của Mông Cổ. Nói là đánh chiếm nhưng thực ra dùng du thuyết là chính. Bởi vì các bộ tộc Mông Cổ nằm ở cuối phía nam Mạc Bắc trước đây đều quy thuận nước Liêu cả. Nơi đó cũng là lãnh thổ của Liêu quốc. Sau này, khi nước Liêu bị tiêu diệt, những bộ tộc này trở nên rối loạn. Hoàn Nhan Hi Doãn lần này đến đây chủ yếu là làm cho khu vực Mông Cổ biết đến Đại Kim.
Gã còn học tập Lý Kỳ du thuyết về kinh tế. Chỉ cần các ngươi quy thuận chúng ta, Liêu quốc sẽ cho các ngươi, Đại Kim chúng ta đủ điều kiện để cho các ngươi mọi thứ. Không chỉ như thế, chúng ta sẽ giúp đỡ các ngươi tiêu thụ bò dê ngựa và còn giúp các ngươi mua tơ lụa và các loại nhu yếu phẩm từ Trung Nguyên
Nói tóm lại là cứ tiền tài mà tiến công.
Tất nhiên, gã còn hòa giải mọi vấn đề tranh đấu giữa các bộ lạc.
Tuy là gã học tập Lý Kỳ đó nhưng không thể không nói, đây là lần ngoại giao đầu tiên mà lại vô cùng xuất sắc như thế. Gã thuyết phục không ít bộ lạc quy thuận Đại Kim, ổn định được trật tự của vùng đất này.
Nhưng vào lúc này, Hoàn Nhan Tông Vọng đột nhiên gửi thư đến, đem tình hình của Sơ Lặc nói cho gã biết. Hoàn Nhan Hi Doãn liền lập tức hồi đáp cho Hoàn Nhan Tông Vọng. Không cần phải suy nghĩ đến Tây Vực nữa, khoảng cách quá xa. Chúng ta xung quanh đều chưa kiên cố. Ngươi chạy đến Tây Vực chỉ làm hao binh tổn tướng, không hề có chút ích lợi gì. Nếu như có thể chen tay vào Thổ Phiên, tiến vào chiếm giữ Thổ Phiên thì sẽ phá hoại sự thống trị của Đại Tống đối với Thổ Phiên. Nếu như không thể thì chúng ta nên tập trung mục tiêu vào Tây Hạ. Chỉ cần Tây Hạ diệt vong thì lúc đó chúng ta có thể hai mặt giáp công Đại Tống.
Từ đó mà đề xuất rằng trước hết phải tiêu diệt Tây Hạ rồi mới tiến hành chiến lược đánh chiếm Đại Tống.
Đồng thời, Hoàn Nhan Hi Doãn còn thay Hoàn Nhan Tông Vọng bày mưu tính kế. Ngươi trước hết phải tấn công Sa Châu, Qua Châu, để đem toàn bộ sức chú ý của Tây Hạ đặt vào phía Tây. Ngươi lặng lẽ tụ tập binh lính ở Mạc Bắc chỉ cần ngươi thành công chiếm được phía tây thì Tây Hạ khẳng định sẽ điều động lực lượng ở thành Hắc Thủy đến cứu viện. Đến lúc đó ta thừa cơ xuôi nam, chiếm lấy thành Hắc Thủy. Chúng ta từ hai phía Tây, Bắc tấn công thì nhất định có thể đại phá Tây Hạ.
Hoàn Nhan Tông Vọng sau khi nhận được hồi âm của Hoàn Nhan Hi Doãn liền lập tức áp dụng sách lược của hắn, sau đó xuất binh đánh Tây Hạ.
Đúng như dự đoán. Sau khi Hoàn Nhan Tông Vọng chiếm được Sa Châu, triều đình Tây Hạ sợ đến chối chết. Cho rằng toàn bộ lực lượng quân Kim đều dồn vào phía sau mình cho nên điều binh ở thành Hắc Thủy phía Bắc đến trấn thủ. Tây Hạ không dám điều binh từ phủ Hưng Khánh bởi vì quân đội chủ lực của Hoàn Nhan Tông Hàn đều tập trung ở bên này, lúc nào cũng có thể tấn công. Tây Hạ phải phòng thủ cả hai mặt đông tây.
Đúng như Hoàn Nhan Hi Doãn dự liệu. Thành Hắc Thủy phái quân đi cứu viện. Viện binh của Qua Châu vừa đi chưa được bao lâu, Hoàn Nhan Hi Doãn liền lệnh cho Hoàn Nhan Ngân Thuật Khả thống lĩnh ba vạn đại quân, chia thành ba đường tấn công thành Hắc Thủy.
Quân Kim như nước triều dâng, từ trên cao đổ ập xuống thành Hắc Thủy.
Yến Quân ti trấn Hắc Thủy vốn có bảy vạn người ngựa nhưng lại vừa mới điều đi ba vạn, số quân ở lại trấn thủ chỉ còn bốn vạn. So với quân Kim còn nhiều hơn một vạn nhân mã, đó là còn chưa kể bách tính tại địa phương. Hơn nữa Tây Hạ vốn đã tốn không ít công phu để bố trí phòng tuyến ở Hắc Thủy. Nhưng vấn đề vốn là nằm ở chỗ hệ thống phòng ngự này cần phải có bảy vạn người ngựa. Ngươi bỗng nhiên điều động đi mất ba vạn, vậy thì toàn bộ hệ thống phòng ngự chắc chắn sẽ xuất hiện một lỗ hổng lớn. Hệ thống phòng bị ở thành Hắc Thủy chưa kịp chấn chỉnh một lần nữa thì quân Kim đã đánh tới.
Hơn nữa, Hoàn Nhan Hi Doãn ở Mạc Bắc còn lấy được một lượng lớn ngựa Mông Cổ. Mỗi một tên lính có đến hai ba con chiến mã, vả lại nơi này còn là bình nguyên. Đây quả thật là người như hổ, ngựa như rồng, lên núi như vượn, xuống nước như rái cá, thế vững như Thái Sơn, Hắc Thủy như chồng trứng sắp đổ.
Không nói đến Hoàn Nhan Hi Doãn, người tên Hoàn Nhan Ngân Thuật Khả ở Kim quốc cũng là đại tướng hàng đầu. Ba hướng binh mã cùng lúc đánh vào hệ thống phòng ngự kém nhất của thành Hắc Thủy. Tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt từng cứ điểm của Hắc Quân ti trấn Hắc Thủy, thật dễ như bẻ gãy cành khô. Quân lính trấn thủ thành Hắc Thủy đều bị đánh đến hồ đồ, mệt mỏi điều động binh lính. Ngươi vừa lấp người vào lỗ hổng này thì quân Kim liền công kích vào vị trí khác.