Bắc Tống Phong Lưu

Chương 1309-1: Tài năng xuất chúng (1)




Không hổ là nữ nhân của Lý Kỳ, lời nói ra luôn khiến người khác không tự chủ được muốn nghe tiếp. Trong lòng Triệu Giai thầm cảm thán một tiếng, cười nói:

- Từ khi trẫm biết đọc biết viết tới nay, đã từng nghe đến dân là gốc của nước, cũng nghe qua đất đai là căn bản của một nước, nhưng việc sản xuất là gốc rễ của quốc gia này thì là lần đầu tiên được nghe.

Trên trán Bạch Thiển Dạ đã rịn ra bao nhiêu mồ hôi, nàng bình tĩnh hít thở hai hơi rồi mới chậm rãi nói:

- Thật ra lời hoàng thượng nói không sai, nhưng dân chúng không chỉ là gốc rễ của quốc gia, mà còn là gốc rễ của cả thiên hạ, không có dân chúng thì mọi chuyện cũng không cần bàn bạc nữa, cách nói này quá chung chung. Còn về đất đai, vi thần cho rằng đó chỉ là thứ yếu.

Quần thần kinh ngạc liếc mắt nhìn, bọn họ cũng là lần đầu tiên nghe thấy việc xếp đất đai là thứ yếu.

Một người lên tiếng hỏi:

- Vậy chẳng hay Kinh tế sử cho rằng cái gì mới là trên hết.

Bạch Thiển Dạ đáp:

- Đối với Kinh Tế Sứ mà nói, đương nhiên là lợi nhuận lên đầu.

Nàng cũng là người đọc sách, tất nhiên hiểu rõ tâm lý của người đọc sách, vì thế mà đối với Kinh Tế Sử mà nói, Kinh Tế Sử cai quản việc kinh tế, cả ngày làm bạn với lợi nhuận, nên dĩ nhiên là lợi nhuận đứng hàng đầu rồi.

Triệu Giai cười nói:

- Nói đến chữ lợi này, trẫm nhớ đến Xu Mật Sứ đã từng nói, tất cả tham vọng đều là để thúc đẩy lợi nhuận, nói cách khác, mọi thứ mà con người nghĩ đến đều là lợi nhuận, bất kể là tư tưởng hay vật chất, đất đai hẳn cũng thuộc về lợi nhuận.

Ý ngươi là cái gì đây, lúc luận bàn đạo đức thì không nói đến ta, nói chuyện vì lợi nhuận mà cái gì cũng làm này thì lại lôi ta ra, ức hiếp người quá đáng rồi, lão tử không thèm quan tâm đến các người nữa. Lý Kỳ tủi thân vô cùng, cúi đầu không thèm nói năng gì.

Bạch Thiển Dạ lắc đầu nói:

- Hoàng thượng cũng nói rồi, tất cả những thứ con người muốn đạt được mới có thể gọi là lợi nhuận, một miếng đất đơn thuần, không có lợi nhuận, mà sau khi chúng ta định cho nó một cái giá nó mới trở thành lợi nhuận.

Lời này có chút trừu tượng khiến không ít đại thần đều bị Bạch Thiển Dạ làm cho mơ hồ, may mà đầu óc Triệu Giai thông minh, chần chừ một lát liền hiểu ngay ra, ha ha nói:

- Nghe ngươi nói vậy, hình như đúng là như vậy.

Bạch Thiển Dạ tiếp tục nói:

- Cùng lý mà nói, ở đời vốn dĩ không có lợi nhuận gì, tất cả lợi nhuận đều xuất phát từ tham vọng của con người, tham vọng lại khiến con người đi thu lợi, giống như gieo trồng lương thực, may vá quần áo, đây cũng là tạo ra lợi nhuận. Lợi nhuận đã là việc có thể tạo ra, không phải việc trời sinh ra đã có, nếu trong thời khắc này, người trong thiện hạ đều dừng lại không làm gì, thì lợi nhuận cũng theo đó mà tan biến, chỉ có cần cù vất vả lao động mới làm ra được càng nhiều của cải, đem lại càng nhiều lợi nhuận, nói cách khác, của cải chính là từ không mà có, từ tư tưởng trở thành vật chất thực. Tư tưởng đã là vô tận, vậy của cải đáng ra cũng là vô tận.

Những lời này khiến Triệu Giai trầm tư. Khẽ gật đầu nói:

- Trẫm rất tán đồng quan điểm của cải vô tận của ngươi, rất tốt, ngươi nói tiếp đi.

- Vâng

Bạch Thiển Dạ nói:

- Tư Mã Thiên từng nói “Người trong thiên hạ đều đổ xô về phía có lợi nhuận, vì lợi nhuân mà đi theo con đường của riêng mình mình. Mọi việc người trong thiên hạ làm đều là vì một chữ lợi, bao gồm cả việc xấu, khi của cải ít đi, không thỏa mãn được phần đông dân chúng, lúc này những việc xấu sẽ tăng lên, nhưng khi của cải tăng lên, việc xấu cũng theo đó mà thuyên giảm, như vậy, muốn giảm bớt việc xấu thì bắt buộc phải tạo ra số của cải đủ nhiều, cho nên, một quốc gia có cường thịnh yên bình hay không, nguyên do đều nằm ở lợi nhuận, và ngược lại.

Bởi vậy có thể thấy rằng, việc làm ra của cải mới là gốc rễ, chứ không phải việc phân phối của cải, quá trình tạo ra của cải chính là sản xuất. Đây chính là việc vi thần nói lúc trước sản xuất mới là gốc rễ của quốc gia, triều đình nên tập trung chú ý vào phương diện sản xuất, nâng cao sản xuất, tranh thủ làm ra càng nhiều của cải, có như vậy, sự thay đổi luật pháp mới sẽ nên nhuần nhuyễn thành thục hơn.

Triệu Giai nói:

- Ngươi nói rất đúng, nhưng phải làm sao để nâng cao sản xuất đây?

Bạch Thiển Dạ đáp:

- Nguồn gốc tạo ra của cải chính là con người, cho nên, con người mới chính là mấu chốt của việc nâng cao sản xuất, muốn nâng cao sản xuất, trước tiên, phải chấm dứt những cách làm chẳng khác nào giết gà lấy trứng, mà tất cả sưu cao thuế nặng các thời trước triều đại ta đều mắc phải, điều đó không nghi ngờ gì nữa chính là phương pháp mổ gà lấy trứng, chẳng có lợi nhuận gì cho việc nâng cao sản xuất, vì thế, vi thần cho rằng điều trước tiên mà triều đình phải làm chính là miễn trừ hết thảy sưu cao thuế nặng.

Nàng vòng một đường vòng lớn như vậy, chính là muốn nói rõ việc giảm bớt gánh nặng cho dân chúng.

Triệu Giai khẽ cười nói:

- Ý nghĩ của ngươi và trẫm không hẹn mà gặp, gần đây trẫm cũng đang suy nghĩ đến việc dẹp bỏ một số loại thuế phụ thu, nhưng ngươi phải biết rõ, triều đình là dựa vào việc thu thuế mà chống đỡ, nếu như tất cả đều loại bỏ, thì ai phát bổng lộc cho các ngươi, ai ban quân lương cho binh lính.

Bạch Thiển Dạ đáp:

- Thần hiểu rõ, nhưng thần cho rằng việc thu thuế này không nên cướp lấy từ miếng ăn của dân chúng hay áp bức mồ hôi xương máu của dân chúng, mà nên lấy từ một bộ phận của cải mà dân chúng làm ra, hoặc ít nhiều gì thì cũng phải dựa vào số của cải làm ra mà quyết định, giống như chế độ thu thuế Tần Thiếu tể đã nói khi nãy, người ta thường nói, dẫn binh ra trận phải có nguyên do, thu thuế cũng phải có lý do chính đáng chứ không được tùy tiện thêm thắt. Nếu thiên tai nhân họa làm giảm thiểu của cải, triều đình cũng nên tự giảm bớt các khoản chi, chứ đừng chuyển sang cho dân chúng.

Triệu Giai ngay lập tức nói:

- Nói rất hay, của cải trong thiện hạ nếu vì thiên thời địa lợi mà giảm sút, mà không phải là do lỗi của dân chúng thì sao lại có thể để dân chúng tự mình gánh chịu, triều đình ắt phải gánh chịu cùng dân chúng, sáng lập ra một bộ thuế pháp hợp lý cũng là việc vô cùng cấp bách.

- Hoàng thượng thánh minh.

Triệu Giai không thích nghe những lời này, y phẩy tay, nói với Bạch Thiển Dạ:

- Kinh Tế Sử, ngươi nói tiếp đi, trẫm rất muốn nghe ý kiến của ngươi.

Đôi mắt Bạch Thiển Dạ lóe lên một nét vui mừng, lòng tự tin dần dần tăng cao, nói:

- Miễn trừ sưu cao thuế nặng chỉ là việc cơ bản, dựa trên cơ sở này, triều đình nên tìm cách giúp đỡ dân chúng nâng cao kĩ thuật sản xuất, Xu Mật Sứ thường nhắc đến việc tăng cao lợi nhuận, vậy thì kĩ thuật chính là căn nguyên khiến giá trị được tăng cao.Vốn dĩ 1 con cá chỉ bán được 10 văn tiền, nhưng qua tay của đầu bếp, giá trị liền tăng lên hơn gấp đôi, đây chính là sự thay đổi lớn nhất về mặt giá trị, ngoài ra, sự có mặt của rượu, điểm tâm cũng khiến giá trị của lương thực thay đổi lớn, kĩ thuật là điều không đòi hỏi quá nhiều chi phí, nó là biểu hiện của trí tuệ, nhưng lại có thế mang lại sự đáp trả hậu hĩnh.

Thái Sư Học viện chính là nơi truyền đạt lại các loại kĩ thuật và kinh nghiệm để có thể tăng cường lợi nhuận cho đời sau.Vậy nên thần cho rằng, nên mở một số học viện giống như Thái Sư học viện, mở rộng phổ cập kĩ thuật, tăng cường lợi nhuận. Mặt khác còn có thế chiêu mộ những chí sĩ có tài, nhắm vào từng loại kĩ thuật mà tiến hành nâng cao, hoặc nâng cao một chút ít là có thể khiến dân chúng và triều đình thu được số của cải khó mà lường được. Ví dụ như Thiên Hạ Vô Song của Túy Tiên Cư, cá nóc của Phàn Lâu, Liên Minh đá bóng, sòng bạc Hồng Vạn, cho tới vũ khí là niềm tự hào lớn nhất của Đại Tống ta.

Quần thần đều gật gù, nhưng ánh mắt bọn họ phần nhiều đều đồ dồn vào Lý Kỳ đang trầm mặc không lên tiếng, bọn họ đều cho rằng tất cả những điều này đều là do Lý Kỳ truyền dạy cho Bạch Thiển Dạ.

- Hay cho câu tăng cường lợi nhuận

Triệu Giai cười ha ha, tỏ ra vô cùng hưng phấn, nói:

- Dựa vào kĩ thuật tiên tiến, tạo ra thêm nhiều tài sản, triều đình nên đặc biệt coi trọng vấn đề này, trẫm sẽ không ngại bất kì giá nào, tìm cách nâng cao các loại kĩ thuật, các ngươi cũng phải chuẩn bị sẵn sàng đi.

- Thần tuân mệnh.

Triệu Giai lại nói với Bạch Thiển Dạ:

- Ngươi nói nhiều như vậy, nhưng vẫn chưa nói đến việc sản xuất và dư thừa binh sĩ có liên quan gì với nhau?

Bạch Thiển Dạ đáp:

- Binh sĩ dư thừa căn nguyên là do triều đình ta vì muốn cắt giảm số lượng lưu dân, liền tuyển một lượng lớn lưu dân vào quân đội, theo tháng ngày, những người mới không ngừng gia nhập, mà những người già lại không rời đi, dẫn đến việc càng lâu thì số lượng càng nhiều, hình thành hiện tượng dư thừa binh sĩ, vi thần cho rằng việc này quả chẳng khác nào xem việc quốc gia như trò đùa, binh lính phải bảo vệ cho tổ quốc, bảo vệ dân chúng, sự an nguy của thiên hạ đều nằm trong tay bọn họ, sao lại có thể tùy tiện tuyển người như vậy, chính vì sự tồn tại của những người như thế mà khiến quân đội Đại Tống ta không ngừng nhận lấy nỗi hổ thẹn. Cách làm như vậy thực sự là khiến đầu đuôi lẫn lộn.