Bác Sĩ Zhivago

Chương 74




Bác sĩ Zhivago cảm thấy mệt lử vì những chuyện xảy ra tuần trước, vì những xúc cảm trước ngày ra đi, vì đã phải sửa soạn cho cuộc hành trình và đã phải ngồi suốt từ sáng ở hàng lang trên chuyến tàu trước. Chàng tưởng rằng có chỗ nằm tử tế là sẽ ngủ được ngay. Nhưng cái mệt quá độ đã làm cho chàng mất ngủ. Mãi đến gần sáng mới thiếp đi được.

Bao nhiêu tư tưởng chen chúc trong tâm trí của chàng, suốt mấy tiếng đồng hồ ròng rã ấy là cả một mớ lộn xộn, song, như người ta nói, vẫn có thể sắp xếp thành hai vòng tròn, hoặc hai mớ dây lúc cuốn vào, lúc lại bung ra.

Vòng thứ nhất là các ý nghĩ của chàng về Tonia, về ngôi nhà và về cuộc sống hoà thuận trước kia, trong đó mọi sự, cho đến từng chi hết nhỏ nhất, đều toát ra chất thơ, đều thấm đượm tấm tình tha thiết và sự trong sáng. Bác sĩ lo sợ cho cuộc sống đó, mong nó được hoàn toàn nguyên vẹn, và nằm trên chuyến tàu tốc hành đêm nay, chàng nóng lòng trở lại với nó sau hơn hai năm xa cách.

Lòng trung thành và sự thánh phục của chàng đối với cách mạng cũng nằm trong cái vòng thứ nhất này. Đó là một cuộc cách mạng theo ý nghĩa mà các tầng lớp trung lưu chấp nhận, và theo như quan niệm của đám thanh niên học sinh năm 1905, là tầng lớp vốn ngưỡng mộ nhà thơ Blok.

Nằm trong cái vòng thân quen này còn có cả những dấu hiệu của cái mới, những lời hứa hẹn và những điềm báo từng xuất hiện ở chân trời dạo trước chiến tranh, giữa khoảng 1912 và 1914, trong lĩnh vực tư tưởng, nghệ thuật và vận mệnh của nước Nga, trong vận mệnh của toàn thể dân tộc Nga và trong số phận riêng của chàng, của Zhivago.

Sau chiến tranh, chàng mong tìm về và làm sống lại bầu không khí tinh thần đó, cũng thiết tha như người ta muốn trở về mái nhà xưa sau bao năm xa cách.

Đối tượng suy nghĩ của vòng thứ hai cũng là cái mới, nhưng là cái mới khác trước, hoàn toàn khác! Đây không phải là cái mới của chàng, vốn quen thuộc với chàng, hoặc được chuẩn bị bởi cái cũ, mà là cái mới ngẫu nhiên, không thể xoá bỏ, do thực tại định trước và đột ngột như một cơn chấn động.

Cái mới ấy là chiến tranh, với máu lửa và những nỗi kinh hoàng, cảnh bơ vơ và sự man rợ của nó. Đó là những thử thách của chiến tranh và lối sống khôn ngoan mà nó dạy cho người ta biết. Cái mới ấy là những thành phố và thị trấn hẻo lánh mà chiến tranh đưa đẩy chàng tới và những con người mà nó buộc chàng phải tiếp xúc. Cái mới ấy là cuộc cách mạng, không phải thứ cách mạng được lý tưởng hoá bởi tầng lớp trí thức đại học trước năm 1905, mà là cuộc cách mạng hiện thời, nảy sinh từ chiến tranh, đẫm máu, một cuộc cách mạng của binh lính, bất chấp mọi sự, do những người am hiểu tình thế này, những người bolsevich, lãnh đạo.

Cái mới ấy là nữ y tá Lara Antipova, bị chiến tranh ném đi có trời biết tới những nơi đâu, với một cuộc đời hoàn toàn bí ẩn đối với chàng: nàng không trách móc bất cứ ai điều gì, sự nín lặng của nàng gần như một tiếng kêu than, nàng ít nói đến mức huyền bí và nàng mạnh mẽ biết mấy nhờ sự trầm lặng ấy.

Cái mới ấy là những cố gắng chân thành và tận sức của Zhivago để khỏi yêu nàng, cũng hệt như suốt đời chàng từng cố gắng yêu thương hết thảy mọi người, chứ không riêng gia đình và những người thân thuộc.

Đoàn tàu phóng hết tốc lực. Gió thổi lồng lộng ngược chiều tàu chạy, lọt qua khe cửa sổ để hở, tạt bụi vào mặt và làm bay bay mái tóc chàng. Ở các ga tàu đỗ ban đêm, cảnh tượng lại diễn ra y hệt lúc ban ngày: đám đông ồn ào sôi sục và những cây đoạn xào xạc. Thỉnh thoảng từ trong bóng đêm thăm thẳm có những chiếc xe ngựa chạy tới ga. Tiếng người nói và tiếng bánh xe lọc cọc hoà lẫn với tiếng lào xào của cây lá.

Những phút ấy tưởng như có thể thấu hiểu điều gì đã buộc các bóng đêm kia rì rầm chụm đầu vào nhau và thì thầm với nhau những gì bằng cách khẽ lay động những chiếc lá nặng trru ngái ngủ, trông như những cái lưỡi dính bết, dơn dớt. Đó cũng chính là điều Zhivago ngẫm nghĩ trong lúc nằm trăn trở ở ngăn giường trên, ấy là cái tin nói rằng nước Nga đang dâng lên những đợt sóng ngày một lan rộng, rằng cuộc cách mạng đang bùng nổ với giờ phút khó khăn, kinh khủng của nó, chắc chắn nó sẽ đi tới kết cục vĩ đại.