Bác Sĩ Zhivago

Chương 211




- Con sông này tên là gì nhỉ?

- Mình chả biết. Mình không hỏi. Chắc là sông Dusa.

- Không phải Dusa. Một dòng sông gì đấy.

- Thế thì xin chịu.

- Bởi vì chính trên sông Dusa đã xảy ra tất cả chuyện đó.

- Chuyện cô Khristina ấy mà.

- Phải, nhưng chắc ở khúc khác. Phía hạ lưu kia. Người ta bảo giáo hội đã phong thánh cho cô ấy.

- Ở đấy có một cái nhà xây bằng đá, gọi là "Chuồng Ngựa". Quả là một cái chuồng ngựa của nông trường quốc doanh nuôi ngựa giống, và cái tên riêng đã trở thành lịch sử. Cái chuồng ngựa ấy tường rất dày, xây từ ngày xưa. Bọn Đức đã làm cho kiên cố thêm và biến thành một pháo đài vững chắc. Cả vùng bị đặt trong tầm súng từ đó bắn ra, cản trở cuộc tấn công của quân ta. Cần phải chiếm cho được cái chuồng ngựa ấy. Với lòng dũng cảm vô song và trí thông minh tuyệt vời, Khristina đã lọt vào và đánh mìn nổ tung chuồng ngựa. Quân Đức bắt được cô ấy và đem treo cổ.

- Tại sao lại gọi cô ấy là Khristina Orlesova, chứ không gọi là Khnstina Dudova?

- Bởi vì hai chúng tôi chưa cưới nhau. Mùa hè năm bốn mươi mốt, bọn tôi đã giao ước sẽ kết hôn khi nào chiến tranh kết thúc. Rồi mình theo đơn vị di chuyển nay đây mai đó. Đơn vị của mình cứ bị điều đi liên tục, do vậy mình bị mất liên lạc với cô ấy Từ đấy mình không được gặp cô ấy lần nào nữa. Về chiến công và cái chết anh dũng của cô ấy, mình cũng chỉ biết như tất cả mọi người, qua báo chí và lệnh của trung đoàn. Nghe đâu người ta dự định dựng đài kỷ niệm nàng ở vùng này. Mình nghe nói tướng Epgrap, em trai của Zhivago, đang đi thăm vùng này và thu thập tài liệu về cô ấy.

- Xin lỗi cậu, mình đã gợi lại chuyện Khristina. Chắc điều đó khiến cậu đau khổ lắm.

- Không sao. Nhưng ta đã nói quá nhiều rồi. Mình không muốn làm phiền cậu. Cởi quần áo ra, nhảy xuống nước mà tắm mát đi. Mình sẽ nằm dài trên bờ, nhấm vài cọng cỏ mà suy nghĩ, có khi ngủ thiếp đi một lát cũng nên.

Lát sau, câu chuyện lại tiếp tục.

- Cậu học ở đâu mà giặt quần áo khéo thế?

- Khó khăn dạy cả đấy. Bọn mình thật không may. Từ trại cải tạo, bọn mình bị đưa đến một trại giam khủng khiếp nhất. Hiếm người còn sống sót. Bắt đầu từ lúc mới đến nơi. Đoàn tù chúng mình bị lùa từ trên xe lửa xuống. Trước mắt là cả một sa mạc tuyết. Xa xa có khu rừng. Lính áp giải lăm lăm súng trong tay. Mấy con chó cảnh sát. Cũng khoảng giờ đó, những toán khác cũng bị lùa đến. Tất cả bị dồn thành một hình đa giác trên cánh đồng, lưng quay vào trong để không được thấy mặt nhau. Người ta bắt bọn mình quỳ xuống và cấm quay ngang quay ngửa, nếu không sẽ bị bắn bỏ ngay tức thì, thế rồi bắt đầu thủ tục điểm danh kéo dài nhiều giờ nhục nhã.

Điểm danh xong mới cho đứng dậy, các toán khác bị dẫn đi, còn toán chúng mình, họ bảo: "Đây là trại của các người. Làm thế nào thu xếp được chỗ ở thì làm". Cả một bãi tuyết trống trải, ở giữa cắm một cây cột có tấm biển "Trại cải tạo 92 IA N 90", có thế thôi.

- Vậy thì tình hình ở trại giam bọn mình dễ chịu hơn. Bọn mình gặp may. Vì đó là lần thứ hai mình ngồi tù, theo sau vụ thứ nhất. Lần thứ hai ấy, mình bị kết án theo điều mục khác, trong điều kiện khác. Khi được thả, mình lại được khôi phục như sau lần thứ nhất, lại được phép trở lại giảng dạy ở đại học. Mình được lệnh động viên ra mặt trận với hàm thiếu tá, chứ không phải với tư cách một phạm nhân như cậu lúc đầu.

- Phải, tất cả chỉ có thế. Một cây cột với cái biển đề "Trại cải tạo 92 IA N 90". Thoạt đầu, với hai bàn tay không, giữa trời băng giá, bọn mình phải bẻ cành cây làm lều. Thế rồi dần dần, cậu có tin được không, bọn mình cũng thu xếp ổn thoả. Nào đốn cây để cất nhà giam, dựng hàng rào, nào làm phòng biệt giam, chòi canh gác, tất cả do bọn mình tự tay dựng nên. Rồi bọn mình bắt đầu khai thác gỗ. Chặt cây. Hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Cứ tám người kéo một xe chở gỗ, hoặc khiêng cây trên vai, tuyết ngập đến thắt lưng. Rất lâu vẫn không biết rằng chiến tranh đã bùng nổ. Người ta giấu bọn mình. Đột nhiên một hôm họ đề nghị: những phạm nhân nào tình nguyện ra trận, mà còn sống sót sau một loạt trận đánh liên tiếp, sẽ được trả lại tự do. Sau đó là những đợt tấn công, tấn công liên tiếp, những hàng rào kẽm gai truyền điện, bom đạn, những tháng ngày ròng rã trong cơn bão lửa. Chẳng phải tự dưng ở các đại đội người ta gọi bọn mình là tử binh. Lưỡi hái của thần chết không tha một tử binh nào. Nhưng cậu hiểu không, toàn bộ cái địa ngục đẫm máu ấy vẫn còn là hạnh phúc so với những cảnh ghê sợ của trại cải tạo, và hoàn toàn không phải là về những điều kiện cay cực, mà là vì một lý do khác.

- Ừ, thế thì cậu khổ sở thật đấy.

- Biết giặt quần áo thì đã thấm gì. Sống trong cảnh ấy, người ta học được cách làm tất cả mọi việc.

- Kể cũng lạ thật. Không phải chỉ nguyên đối với thân phận tù khổ sai của cậu, mà còn đối với toàn bộ cuộc sống trước đó trong những năm ba mươi, kể cả khi được tự do, được yên ổn dạy đại học, có tiền tiêu, có sách đọc, có tiện nghi, chiến tranh đã tới giống như một cơn bão tẩy rửa, một luồng không khí trong lành, một cơn gió giải thoát.

Mình cho rằng công cuộc tập thể hoá là một biện pháp sai lầm, thất bại mà họ không dám thừa nhận. Để che giấu thất bại, họ đã sử dụng mọi phương tiện đe dọa khiến mọi người hoảng sợ, làm cho người ta phải nhìn thấy những cái không hề có và chứng minh những cái trái ngược với sự thật hiển nhiên.

Do đó đã dẫn tới sự khủng bố tàn bạo thời Ezhov(1), tới việc công bố một hiến pháp bánh vẽ và tổ chức những cuộc bầu cử không dựa trên các nguyên tắc tự do lựa chọn.

Và khi chiến tranh bùng nổ, những cảnh khủng khiếp có thực của nó, nỗi nguy hiểm có thực và cái chết thực sự đe dọa mọi người đã là một ân phúc so với cái sự cai trị vô nhân đạo của bịa đặt, đã khiến người ta dễ thở hơn, bởi vì chúng đã hạn chế cái sức mạnh huyễn hoặc của những chữ nghĩa không có hồn.

Không riêng những người bị tù đày như cậu, mà là hết thảy mọi người, cả ở hậu phương lẫn ngoài mặt trận, đều được hít thở tự do hơn, được say sưa hít căng lồng ngực và cảm thấy thực sự hạnh phúc khi lao vào lò lửa chiến tranh chứa đựng sự chết chóc và sự cứu rỗi.

- Chiến tranh là một mắt xích đặc biệt trong chuỗi các thập niên cách mạng. Tác động của những nguyên nhân trực tiếp, nằm trong bản chất của cách mạng, đã không còn nữa. Những kết quả gián tiếp, những kết quả của kết quả, hậu quả của hậu quả, bắt đầu phát huy tác dụng. Những tai họa đã rèn luyện nên tính cách, làm cho các thế hệ có sức chịu đựng, lòng dũng cảm và sẵn sàng thực hiện một sự nghiệp lớn lao, phi thường, liều lĩnh. Các phẩm chất kỳ lạ, chưa từng thấy ấy hợp thành màu sắc tinh thần của thế hệ.

Các nhận xét ấy làm cho tâm hồn mình tràn trề cảm giác hạnh phúc, mặc dù sự tuẫn tiết của Khristina, mặc dù các vết thương của mình, các mất mát của chúng ta, mặc dù cái giá đẫm máu của chiến tranh. Điều giúp mình chịu đựng nỗi đau khổ cái chết của Khristina chính là ánh hào quang của đức hy sinh đang rọi sáng cả cái chết của cô ấy, lẫn cuộc sống của mỗi chúng ta.

Chính khi cậu đang phải chịu đựng vô số cực hình, thật tội nghiệp cho cậu, thì mình được phóng thích. Khristina vừa vào học khoa Sử. Đề tài nghiên cứu khoa học của cô ấy là do mình hướng dẫn. Từ lâu, sau lần bị đưa đi tập trung cải tạo lần thứ nhất, mình đã để ý đến cô bé kỳ diệu ấy. Cậu nhớ không, hồi Zhivago còn sống, mình đã mấy lần kể về cô ấy. Nghĩa là bây giờ, sau khi mình đi cải tạo lần thứ hai về, Khristina trở thành một trong số các sinh viên của mình.

Dạo đó, bắt đầu có cái phong trào học trò phê phán thầy giáo. Khristina tham gia hết sức hăng say. Có trời mới biết tại sao cô ấy lại công kích mình dữ dội đến thế. Cô ấy phê phán mình một cách dai dẳng, hung hăng và bất công đến nỗi các sinh viên khác đôi khi cũng phải khó chịu, lên tiếng bênh vực mình. Cô ấy có óc hài hước lạ lùng. Cô ấy viết báo tường châm biếm, chế giễu thoả thích một nhân vật do cô ấy bịa ra, nhưng ai cũng biết chính là mình. Bỗng nhiên, vì một sự tình cờ hoàn toàn, mình được biết rằng sự thù ghét ghê gớm ấy là một cách che giấu cái tình yêu trẻ dại, bền chắc, kín đáo đã ấp ủ từ lâu. Và mình đã luôn luôn đáp lại cô ấy bằng tình cảm tương tự.

Hai đứa chúng tôi đã qua một mùa hè kỳ lạ năm bốn mươi mốt, ngay trước chiến tranh và thời gian ít lâu sau khi nó xảy ra. Một số thanh niên, nam nữ sinh viên, trong đó có cô ấy, đến sống ở khu nhà nghỉ tại ngoại ô Moskva, nơi đóng quân sau đó của đơn vị mình. Tình bạn thân thiết giữa hai đứa mình bắt đầu và diễn ra trong hoàn cảnh huấn luyện quân sự cho nhóm thanh niên ấy, thành lập các trung đội dân quân ở vùng ngoại ô, việc tập nhảy dù của Khristina, các đêm trực trên mái nhà thành phố để chống trả những đợt oanh tạc đầu tiên của máy bay Đức. Mình đã nói với cậu, rằng tại đó bọn mình đã ăn mừng lễ đính hôn giữa hai đứa, rồi ít lâu sau hai đứa phải chia tay nhau vì đơn vị của mình chuyển đi nơi khác. Từ đó, mình không được gặp lại cô ấy.

Khi chiến sự đi vào bước ngoặt có lợi cho quân ta, và lính Đức bắt đầu đầu hàng từng loạt hàng ngàn tên, sau hai lần mình bị thương và hai lần nằm viện, mình được thuyên chuyển từ bộ đội pháo phòng không sang Phòng Bảy của ban tham mưu, nơi đang cần những người biết ngoại ngữ ở đó, mình đã nằn nì đề nghị họ đưa cả cậu về nữa, sau khi mình tìm được cậu y như mò kim dưới đáy biển.

- Cô Tania giữ quần áo biết rất rõ về Khristina. Hai cô gặp nhau ngoài mặt trận và trở thành bạn thân. Tania thường kể về Khristina. Tania có kiểu cười hết cả mặt, hệt như Zhivago ngày trước, cậu có thấy thế không? Lúc cô ấy cười, người ta quên hẳn cái mũi hếch, hai gò má hơi nhô cao của cô ấy khuôn mặt cô ấy trở nên dễ thương và rất có duyên. Hệt như khuôn mặt Zhivago, một khuôn mặt rất hay gặp ở xứ ta.

- Mình biết cậu định nói gì. Rất có thể. Mình đã không để ý đến.

- Tên họ của cô ấy thật là quái ác, Tania Bezocheredeva(2). Chả có cái họ nào như thế, chắc là bịa ra hoặc bị đọc chệch đi. Cậu nghĩ sao?

- Thì cô ấy đã giải thích rồi mà. Cô ấy bị bỏ rơi từ bé, không biết cha mẹ là ai. Chắc ở một vùng xa xôi hẻo lánh nào đó của nước Nga, nơi ngôn ngữ chưa bị pha tạp, người ta gọi cô ấy là Bezocheva(3), nghĩa là cô bé không cha. Dân chúng ngoài đường không hiểu ý nghĩa của biệt danh ấy, thường chỉ nghe loáng thoáng và nhắc lại không đúng, đã đọc chệch đi theo cách nói quen thuộc của dân vỉa hê đó thôi.

Chú thích:(1) Ezhov, nguyên Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô trong những năm ba mươi, sau đợt thanh trừng lớn 1937-1938 đã bị bắt vào đầu năm 1939 và bị án tử hình.

(2) Bezocheredeva: không xếp hàng chờ đợi.

(3) Bezocheva: không cha.