Bác Sĩ Zhivago

Chương 149




Vào mùa thu du kích đóng căn cứ ở Mõm Cáo, một khu rừng nhỏ nằm trên một quả đồi. Dưới chân đồi, từ ba phía có một dòng sông chảy siết sủi bọt tráng xoá cứ xói mãi vào bờ thành các ổ lõm.

Trước khi du kích đến, bọn bạch vệ dưới quyền tướng Kappen đã đóng doanh trại mùa đông ở đây. Bằng sức lực của chúng và huy động dân cư quanh vùng, chúng đã dựng lên các đồn lũy trong rừng, đến mùa xuân thì chúng bỏ đi. Bây giờ du kích tận dụng các căn hầm, công sự và hào giao thông còn nguyên vẹn.

Liveri và bác sĩ Zhivago ở cùng một căn hầm. Đã hai đêm nay anh ta luôn miệng trò chuyện với chàng khiến chàng mất cả ngủ.

- Ước gì tôi biết hiện giờ cái ông già đáng kính của tôi, cha tôi ấy mà, đang làm gì.

"Lạy Chúa, sao mình ghét cái giọng nói trò hề ấy thế không biết. - Zhivago nghĩ thầm. - Trông hắn giống cha như đúc!"

- Căn cứ vào các buổi trao đổi trước đây của chúng ta, tôi kết luận rằng bác sĩ biết khá rõ về lão già ấy. Và tôi có cảm tưởng bác sĩ nghĩ tương đối tốt về lão. Phải vậy không, thưa quý ngài đốc-tờ?

- Ông Liveri, ngày mai chúng ta phải họp bàn về bầu cử ở trên ngọn gò trong rừng thưa. Ngoài ra, sắp phải lập phiên toà xét xử mấy cậu y tá nấu rượu trái phép. Tôi và Laiot chưa chuẩn bị xong hồ sơ tài liệu về vụ đó. Sáng mai, hai chúng tôi sẽ họp bàn với nhau. Thế mà hai đêm nay tôi không ngủ được. Ta hãy gác việc nói chuyện lại vào dịp khác. Mong ông làm ơn cho tôi nhờ.

- Không, dầu sao ta cũng trở lại chuyện lão Miculisyn cái đã. Bác sĩ có nhận xét gì về lão khọm già ấy?

- Ông Liveri, cha ông còn trẻ lắm mà. Tôi không hiểu tại sao ông lại gọi cha mình như thế. Còn bây giờ thì tôi xin trả lời câu hỏi của ông. Tôi vẫn thường bảo ông, rằng tôi không thông thạo các đặc trưng riêng biệt của chủ nghĩa xã hội, nên tôi không thấy có sự dị biệt giữa những người Bolsevich với những nhà xã hội khác. Cha của ông nằm trong số những người làm cho nước Nga lâm cảnh nhiễu nhương rối loạn trong mấy năm qua. Cha của ông là một típ người có tính cách mạng. Cả hai cha con ông đều đại diện cho đặc điểm phân rã của dân Nga.

- Đó là lời khen ngợi hay chê trách đấy?

- Một lần nữa tôi dề nghị gác cuộc tranh luận vào dịp khác thuận tiện hơn ngoài ra, tôi lưu ý ông về món cocain mà ông lại cứ đem ra hít ngửi vô điều độ. Ông cứ tự tiện lấy cocain trong tủ thuốc dự trữ mà tôi có trách nhiệm bảo quản. Chúng ta cần dùng nó vào các mục đích khác, đấy là chưa nói đến chuyện nó là một thứ độc dược và tôi phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của ông.

- Hôm qua bác sĩ lại không dự lớp huấn luyện. Bác sĩ mắc căn bệnh suy dinh dưỡng ý thức - xã hội y như các mụ nhà quê thất học và bọn tiểu thị dân lạc hậu. Trong khi ngài lại là bác sĩ, một người uyên bác và thậm chí hình như còn viết sách nữa. Bác sĩ hãy giải thích xem, tại sao hai chuyện đó lại có thể đi đôi với nhau nào?

- Tôi không biết tại sao. Chắc hai chuyện đó không thể đi đôi với nhau, nhưng biết làm thế nào được. Hoàn cảnh tôi thật đáng thương.

- Nhẫn nhục còn tệ hơn cả kiêu căng. Bác sĩ chớ nên cười giễu cợt theo kiểu đó, mà hãy nghiên cứu chương trình huấn luyện của chúng tôi, thì sẽ thấy ngay sự kiêu căng của bác sĩ là không đúng chỗ chút nào.

- Ông muốn nói sao tùy ông! Sao lại có chuyện kiêu căng ở đây? Tôi rất khâm phục công tác giáo dục của các ông. Tôi có đọc bản đề cương tóm tắt những vấn đề được đem ra thảo luận hàng ngày. Những tư tưởng của ông về sự phát triển tinh thần của binh sĩ, tôi biết cả. Tôi rất khâm phục. Tất cả những điều ông nói về thái độ của người chiến sĩ quân đội nhân dân đối với các đồng chí, đối với những kẻ yếu đuối, những kẻ không được ai che chở, đối với phụ nữ, đạo đức và danh dự trong sáng, - tất cả gần giống như những gì đã tạo nên công xã Dukhobo(1). Đó là một kiểu học thuyết Tolstoy, đó là mơ ước về một cuộc sống xứng đáng. Tuổi niên thiếu của tôi đã được nuôi dưỡng bằng tất cả những quan điểm ấy. Tại sao tôi lại đi giễu cợt nó kia chứ?

Nhưng trước hết, những tư tưởng về sự hoàn thiện toàn bộ, theo như quan niệm từ sau Cách mạng tháng Mười đến nay, không khích lệ được tôi. Thứ đến, tất cả những dluyện đó còn lâu mới được thực hiện, và mới chỉ là những lời nói suông về chuyện đó mà người ta đã phải trả bằng hàng biển máu, khiến tôi thấy có lẽ mục tiêu không biện minh được cho phương tiện. Cuối cùng, và cũng là điểm chủ yếu, khi tôi nghe nhắc đến việc cải tạo đời sống thì tôi không còn làm chủ bản thân được nữa và đâm ra thất vọng.

Cải tạo đời sống! Những người lập luận kiểu đó có thể là những người rất từng trải, nhưng lại chưa lần nào biết rõ cuộc sống, chưa cảm nhận được tinh thần của nó, linh hồn của nó. Đối với họ, cuộc sống chỉ là một cục nguyên thô, chưa được bàn tay họ đẽo gọt cho đẹp đẽ, cần phải được họ chế biến. Song đời sống chẳng bao giờ là nguyên liệu hay vật liệu cả. Cuộc sống ông nên nhớ, luôn luôn tự đổi mới bản thân nó, luôn luôn và mãi mãi chế biến căn nguyên, luôn luôn và mãi mãi tự cải tạo và tái hiện, tự nó cao hơn mọi thứ lý luận nhu muội của chúng tôi và của các ông.

- Dẫu vậy, tôi dám góp ý với bác sĩ, rằng việc tham dự các buổi họp và tiếp xúc với những con người kỳ diệu của chúng tôi sẽ nâng cao tinh thần cho bác sĩ Bác sĩ sẽ không sa vào tâm trạng sầu muộn như thế. Tôi biết vì sao bác sĩ có tâm trạng ấy.

Bác sĩ buồn phiền vì cảnh chúng ta bị đánh tới tấp và không thấy le lói tia hy vọng nào chứ gì. Nhưng ông bạn ơi, đừng bao giờ hoảng sợ cả: Tôi còn biết nhiều chuyện kinh khủng hơn gấp bội, có liên quan trực tiếp đến tôi - tạm thời tôi chưa công bố, dẫu thế tôi đâu có bối rối. Thất bại của chúng ta chỉ mang tính chất tạm thời. Tên Konchak ắt phải chết. Bác sĩ hãy nhớ lời tôi. Rồi bác sĩ sẽ thấy. Chúng tôi nhất định thắng. Xin cứ yên tâm đi!

"Thế này thì quái lạ thật? - Zhivago nghĩ thầm. - Thật là trẻ con! Thật là thiển cận! Mình luôn miệng khẳng định với hắn rằng quan điểm của chúng ta đối lập nhau, hắn dùng sức mạnh bắt cóc mình và cầm chân mình ở bên hắn, thế mà hắn lại cứ tưởng rằng các thất bại của hắn khiến mình buồn phiền, rằng các dự tính và hy vọng của hắn sẽ truyền nhuệ khí cho mình. Thật là mù quáng! Đối vớỉ hắn, lợi ích của cách mạng với sự tồn tại của hệ thống mặt trời chỉ là một".

Zhivago tức sôi máu. Chàng không trả lời, chỉ nhún vai, cũng chẳng thèm giấu rằng sự ngây thơ của Liveri đã vượt quá sức chịu đựng của chàng đang phải cố kìm mình lại. Thái độ đó không lọt khỏi mắt của Liveri.

- Nổi nóng là đuối lý đấy, ông Thiên Lôi ạ, - Liveri nói.

- Ông nên hiểu, ông cần hiểu rằng tất cả những thứ đó chẳng có nghĩa lý gì đối với tôi cả "Thiên Lôi", "đừng bao giờ hoảng sợ", "đã nói thì nói cho trót", "Moa đã làm xong việc của nó, Moa có thể ra đi", - tất cả những lối nói tầm thường ấy đều vô nghĩa lý đối với tôi. Tôi sẽ nói, nhưng sẽ không nói cho trót, dù ông có uất lên cũng mặc ông. Tôi cứ giả dụ các ông là cây đuốc sáng, là những người giải phóng của nước Nga, rằng không có các ông thì nước Nga sẽ bị diệt vong, bị rơi vào vũng bùn cơ cực và tăm tối, thì tôi cũng vẫn bất cần các ông, tôi không thích các ông và cuối cùng các ông hãy biến đi đâu thì đi.

Những vị điều khiển tư tưởng của các ông mắc cái tội tưng ra hàng đống câu cách ngôn, nhưng lại quên mất điều chủ yếu là không thể ép duyên nhau nên họ nhiễm cái thói quen đem lại tự do và hạnh phúc cho người khác, đặc biệt cho những người không hề xin xỏ họ hai thứ ấy. Chắc các ông tưởng rằng không còn chỗ nào tốt hơn cho tôi bằng cái căn cứ của ông và các chiến hữu của ông. Chắc tôi phải cảm ơn và cầu chúc cho ông vì được giam chân ở đây, vì ông đã giải phóng tôi khỏi gia đình tôi, khỏi con trai tôi, khỏi ngôi nhà, công việc và tất cả những gì thân thiết đối với tôi, những gì hợp thành cuộc sống của tôi.

Người ta dồn đến tận đây rằng có một đơn vị lạ mặt, không phải người Nga đã đột kích vào Varykino. Nghe đâu mọi thứ đều bị triệt hạ và cướp phá. Kamenodvoski không phủ nhận tin ấy. Hình như người nhà của tôi và của ông đều may mắn chạy thoát. Một lũ người mắt xếch, mặc áo bông chần và mũ lông cao, trong một hôm thời tiết rét buốt khủng khiếp, đã vượt sông Ryva đóng băng và lạnh lùng, không thèm nói nửa lời đã bắn chết mọi sinh vật ở khu trại, rồi rút lui cũng bí ẩn như khi xuất hiện. Ông có biết gì về vụ đó không? Có thật vậy không?

- Chuyện bịa đặt nhảm nhí. Chuyện ngồi li đôi mách vô căn cứ.

- Nếu ông tử tế và độ lượng như trong những bài lên lớp của ông về giáo dục đạo đức cho binh sĩ, thì ông hãy thả tôi ra. Tôi sẽ đi tìm gia quyến, những người thậm chí tôi chả còn biết sống chết ra sao và đang ở đâu. Bằng không, xin ông im đi và hãy để tôi yên, bởi vì ngoài cái đó ra, tôi chẳng thiết gì hết, và tôi không chịu trách nhiệm về việc mình sẽ làm. Cuối cùng thì, mẹ kiếp, tôi cũng hoàn toàn có quyền buồn ngủ chứ!

Zhivago nằm sấp xuống giường, gục mặt vào gối. Chàng cố tìm cách không nghe Liveri thanh minh và tiếp tục an ủi chàng, rằng sang xuân bọn bạch vệ chắc chắn sẽ bị đập tan. Cuộc nội chiến sẽ chấm dứt, mọi người sẽ được hưởng tự do, hạnh phúc và hoà bình. Bấy giờ không ai dám giữ chân bác sĩ nữa. Nhưng từ nay đến đó cần cố gắng chịu đựng một chút. Sau ngần ấy thử thách, hy sinh và chờ mong, thì chờ thêm vài tháng nữa nào có sá gì. Vả bây giờ bác sĩ đi đâu được kia chứ. Chính vì lợi ích của chàng, mà hiện nay không thể để chàng di một mình tới bất cứ nơi nào.

"Thật đúng như cái đĩa hát, đồ quỷ sứ! Hắn lại ba hoa đấy! Sao hắn không biết ngượng mồm, cứ nhai đi nhai lại một luận điệu suốt ngần ấy năm nhỉ?" - Zhivago thở dài và thầm tức giận. - "Hắn say sưa với chính lời lẽ của hắn, cái thằng cha bẻm mép nghiện côcain bất hạn này. Hắn bất chấp ngày hay đêm, cấm để cho người ta ngủ yên thân với hắn, quân khốn khiếp ôi sao mình căm ghét hắn đến thế! Có Chúa chứng giám, thể nào cũng có ngày mình giết hắn! Ôi Tonia tội nghiệp của anh! Em còn sống hay không? Giờ em ở đâu? Lạy Chúa, hẳn em phải qua kỳ sinh nở từ lâu rồi! Em sinh nở ra sao? Em sinh con trai hay con gái? Hỡi những người thân yêu của tôi, tất cả mọi người hiện giờ ra sao? Tonia ơi, anh có lỗi và đáng trách với em biết chừng nào!

Và em, Lara ơi, anh không dám gọi tên em để khỏi tan nát lòng anh. Lạy Chúa! Lạy Chúa! Sao con quái vật đáng ghét, không có cảm xúc kia vẫn đang diễn thuyết luôn miệng đó! Ôi, một ngày kia không chịu nổi nữa, ta sẽ giết hắn, giết chết hắn!

Chú thích:

(1) Một giáo phái xuất hiện ở Nga nửa sau thế kỷ 18, bác bỏ các nghi lễ thần bí của chính thống giáo, thần thánh hoá những người thủ lĩnh công xã. Bị Sa hoàng đàn áp vì không tuân phục chính quyền. Cuối thế kỷ XIX di chuyển sang Cannada.