Bác Sĩ Zhivago

Chương 136




Ý định đầu tiên của Zhivago là đứng dậy và lại chỗ nàng. Nhưng cảm giác thiếu thoải mái và ngại rắc rối, vốn rất xa lạ với chàng, song lại hình thành từ lâu trong quan hệ của chàng đối với Lara, đã ngăn giữ chàng. Chàng quyết định không quấy rầy nàng và cũng không làm gián đoạn công việc của chính mình. Để chống lại sự cám dỗ nhìn về phía nàng, chàng xoay chéo chiếc ghế so với cái bàn, gần như quay lưng về phía các độc giả khác, và chàng vùi đầu vào đọc với một cuốn sách cầm tay, một cuốn để mở trên đầu gối.

Song ý nghĩ của chàng cứ phiêu đãng tận đâu đâu, chẳng dính dáng gì đến những điều chàng đọc. Đột nhiên, chàng hiểu rằng cái tiếng nói mà chàng nghe thấy trong giấc mơ ở Varykino vào một đêm đông, chính là giọng của Lara. Chàng ngạc nhiên trước phát hiện đó, bèn xoay chiếc ghế về vị trí cũ, - Vội vàng đến mức khiến mấy người xung quanh phải để ý, - sao cho có thể nhìn rõ Lara, và chàng bắt đầu ngắm nàng.

Chàng thấy nàng từ phía sau lưng, hơi nghiêng nghiêng. Nàng mặc, chiếc áo blu kẻ ô, màu sáng, có dây thắt lưng, nàng đọc mải mê, quên cả mình, y như trẻ con, đầu hơi nghiêng sang bên vai phải. Đôi lúc nàng đăm chiêu ngước mắt nhìn lên trần nhà hoặc nheo nheo đâu đó phía trước, sau đó lại một tay chống cằm, tay kia cầm bút chì ghi rất nhanh các đoạn trích vào một cuốn vở.

Zhivago kiểm chứng lại những nhận xét của chàng hồi ở thị trấn Meliuzev. Chàng nghĩ. "Nàng chả thiết làm mê lòng người, chẳng thiết đẹp để quyến rũ ai. Nàng coi thường cái phương tiện đó của bản tính đàn bà và hình như nàng đang muốn trừng trị bản thân mình vì mình quá xinh đẹp như vậy. Và cái sự thù ghét kiêu hãnh đối với chính bản thân ấy lại càng làm cho nàng hấp dẫn hơn bội phần. Tất cả những gì nàng đang làm mới đẹp làm sao. Nàng đọc sách, mà coi đó như không phải là hoạt động cao quý nhất của con người, tựa hồ đấy chỉ là một việc hết sức giản đơn, loài vật cũng làm được. Hệt như nàng gánh nước hay gọt khoai".

Những suy tưởng ấy khiến Zhivago yên tâm. Một sự bình yên hiếm có thâm nhập tâm hồn chàng. Các ý nghĩ của chàng không còn chạy loạn lên nữa. Bất giác chàng mỉm cười. Sự hiện diện của Lara tác động đến chàng hệt như đến cô thủ thư cau có kia.

Chàng chẳng để ý đến vị trí chiếc ghế của mình nữa, cũng không sợ bị quấy nhiễu hay đãng trí, chàng làm việc chừng hơn một tiếng đồng hồ, còn miệt mài và chăm chú hơn ca trước khi Lara đến. Chàng đã xem lướt hết cả đống sách cao trước mặt, chọn ra những điều cần thiết nhất, thậm chí còn kịp ngốn xong hai bài báo quan trọng trong số đó. Chàng quyết định hôm nay làm được như vậy là tốt, chàng bắt đầu thu dọn sách để đem trả. Mọi tư tưởng xa lạ quấy nhiễu ý thức chàng đều tiêu tan. Với lương tâm thanh thản và không một chút ẩn ý xấu, chàng nghĩ rằng sau vài giờ làm việc chăm chỉ, chàng có quyền gặp lại người quen cũ và cho phép mình hưởng niềm vui đó một cách chính đáng. Nhưng khi chàng đứng dậy đưa mắt nhìn khắp phòng, thì Lara đã chẳng còn ở đây nữa.

Trên cái bục, chỗ Zhivago đem sách đến trả, số sách Lara đã trả vẫn chưa được cất đi, toàn là những tài liệu hướng dẫn về chủ nghĩa Mac. Chắc nàng lại được bổ nhiệm làm giáo viên như cũ và đang tự lực cánh sinh học tập chính trị tại nhà.

Các phiếu yêu cầu của Lara vẫn gài trong các cuốn sách, đầu phiếu thò ra ngoài, có ghi địa chỉ của nàng, rất dễ đọc.

Zhivago bèn ghi địa chỉ ấy và ngạc nhiên về tên gọi của nó.

"Phố Thương Gia, đối diện nhà có tượng".

Zhivago bèn hỏi một độc giả và được biết rằng cái lối nói "nhà có tượng" ở Yuratin này cũng phổ biến như cách gọi các phố theo tên nhà thờ xứ của Moskva hoặc cái tên "cạnh nhà ngũ giác" ở Petersburg.

Toà "nhà có tượng" là một ngôi nhà u tối, màu xám thép, có các trụ đỡ hình người và tượng các vị thần nghệ thuật cố đại tay cầm trống, đan lia và mặt nạ. Một thương gia từ thế kỷ trước đã xây nó làm nhà hát riêng, tại gia. Người thừa kế của ông ta đã bán toà nhà cho Nghiệp đoàn Thương gia. Vì thế cái phố mang tên đó. Người ta dùng tên toà nhà để chỉ toàn bộ khu vực lân cận. Hiện nay, "nhà có tượng", là trụ sở Thành uỷ, và trên bức tường của cái nền nhà nghiêng nghiêng, dốc ra phố, nơi trước kia vẫn dán la liệt các tờ quảng cáo kịch và xiếc, bây giờ treo các sắc lệnh và nghị định của Chính phủ.