Bà Nhóc Già Nhà Tử Thần

Chương 34: Con đường cầu vồng




Trường của các ông bà lão bắt đầu học từ 8 giờ rưỡi sáng, trùng với khung giờ của trường đại học bên cạnh.

Người già thường hay dậy sớm. Các ông bà ở ký túc xá cơ bản mới 6 giờ đã thức dậy nên nhân viên nhà trường phối hợp với thời gian của họ, cung cấp bữa sáng lúc 6 giờ rưỡi. Lúc 8 giờ, ông lão cảnh sát thường hay chạy bộ để rèn luyện sức khỏe, sau đó còn luyện võ nữa. Những người khác tụ trong phòng học trò chuyện hoặc xem những bộ phim trước kia.

Nhưng hôm nay thì khác, ông lão cảnh sát không ở ngoài tập thể dục, cũng không có trong phòng.

Ông lão bác sĩ tâm lý nghe tiếng của bà cụ Hồ bèn vội vã trả lời: “Hôm qua bạn ấy bị cảm nên đi bệnh viện rồi.” Ai bị cảm là không dám ở lại đây, sợ lây cho những người khác.

Bà cụ Hồ nghe vậy, nghĩ ngợi rồi nói: “Vậy chắc chắn là phải tiêm thuốc rồi.”

Bị cảm là phải tiêm thuốc. Bà cụ nhận thức như vậy.

Bà cụ Hồ từng bị cảm. Tuy tiêm thuốc rất đau nhưng lại nhanh chóng được về nhà. Bà đợi ông lão cảnh sát trở lại để cùng chạy bộ.

Giờ học bắt đầu. Mọi người lập tức yên lặng nghe giảng bài. Tuy nhiên chỉ vài phút sau, quá nửa trong số họ đã bắt đầu ngủ gật, chỉ có bà cụ Hồ là nghiêm túc lắng nghe. Sống lưng bà rất thẳng, hai tay đặt trên bàn, mắt nhìn cô giáo, miệng ê a đọc theo trông rất có tinh thần.

Bà lão bác sĩ và những người khác đều tự nhận mình là học sinh lười biếng. Lúc đầu họ còn lo hiệu trưởng muốn họ phải chăm chỉ học tập, nói không chừng còn thi cử gì nữa. Sự lo lắng của họ là rất bình thường. Dù gì tuổi của họ cũng đã cao, trí nhớ không tốt, học tập như thế là làm khó cho họ quá. Sau này họ phát hiện hiệu trưởng không quan tâm mình có học hay không nên lên lớp bắt đầu len lén ngủ gật, làm bài tập trở thành copy bài tập.

Bà lão bác sĩ vẫn rất ngưỡng mộ tinh thần của bà cụ Hồ, hàng ngày bà đều nghiêm túc học tập, hôm nay lại còn rất phấn chấn nữa.

Vừa hết tiết học, bà lão bác sĩ không nhịn được, hỏi: “Sao hôm nay em hưng phấn thế?”

Bà cụ Hồ nheo mắt lại, lắc lư người, đắc ý nói: “Ba em nói đứa trẻ chăm chỉ học tập mới là công chúa đích thực, vì thế mỗi ngày em phải chăm chỉ học tập.”

Bà lão bác sĩ nhớ đến con đường cầu vồng bên ngoài. Hôm nay lúc thức dậy, bà nghe những người khác nói về nó. Thế là bà mặc bộ quần áo đẹp nhất, cố tình ra ngoài để đi trên con đường ấy.

Thế mà bây giờ người sở hữu tòa lâu đài công chúa, sở hữu con đường cầu vồng, sở hữu cả cái trường này lại nói với bà rằng: “Chăm chỉ học tập mới là công chúa đích thực.”

Bà lão bác sĩ ngoài mặt cười hì hì đồng tình nhưng trong lòng đang tự an ủi mình: Mình không phải công chúa đích thực là vì mình không nghiêm túc học tập chứ không phải vì không có lâu đài, không có con đường cầu vồng, không có trường học.

Bà bỗng nhiên nhớ đến cha mẹ mình. Nếu họ còn sống, chắc chắn mình cũng là một công chúa thực thụ, có thể không vẻ vang thế này nhưng ít nhất trong khoảnh khắc đó, bà có thể cảm thấy mình là trẻ con.

Bà lão bác sĩ nghĩ đến đây, không nhịn được thở dài một hơi, nói: “Em Chúc Chúc, người lớn tuổi nhất trong nhà em là ai?”

Tất cả mọi người đều biết sở dĩ bà cụ Hồ có được cuộc sống như hiện nay là vì cha của bà là một tỷ phú có tên trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes. Nhưng ký ức của bà cụ Hồ bị rối loạn, bà luôn nghĩ mình là một đứa trẻ nên cứ gọi một chàng trai trẻ là ba, mọi người càng nghiêng về hướng suy đoán anh ta là người được cha của bà thuê hơn.

Họ đều là những người có con cháu, nếu anh ta là con cháu của bà thì chắc chắn không kiên nhẫn như vậy được, dù có hiếu thảo đến đâu cũng không làm được như vậy.

Tuổi tác của mọi người sàn sàn nhau nhưng chỉ có bà cụ Hồ là còn có cha, hơn nữa cha của bà yêu thương bà như vậy nên họ sẽ ít nhiều nhắc nhở bà phải hiếu thảo với cha mình, nhưng dường như bà cụ Hồ không ý thức được cha của mình thật sự là ai.

Hôm nay bà lão bác sĩ thật sự rất xúc động. Bà cụ Hồ chỉ hứng lên muốn chạy bộ là cha bà lập tức tìm người lót đường. Vì thế bà nghiêm túc hỏi: “Em Chúc Chúc, người lớn tuổi nhất trong nhà em là ai?”

Bà cụ Hồ không hiểu sao bạn mình lại hỏi thế nên quay đầu qua, vô cùng hãnh diện trả lời: “Ba em chứ ai.” Giống như tuổi của ba lớn hơn những người khác là chuyện đáng để tự hào lắm vậy.

Bà lão bác sĩ vốn đã quen với tình hình này, tiếp tục hỏi: “Vậy ba em là người rất rất già đúng không?”

Thế giới quan của bà cụ Hồ vốn đã bị thay đổi. Trước khi đi học bà còn có những thường thức cơ bản nhưng sau khi học chung với nhóm ông bà lão này, thỉnh thoảng khi phát bệnh họ lại cảm thấy mình là người trẻ tuổi, mà bà cụ Hồ lại có tư duy của trẻ con, chưa biết hoài nghi sao tự nhiên mọi người lúc thế này thế kia, sao mới đó mà đã đi bán bảo hiểm… Bà tiếp nhận tất cả những điều này, và cũng bị cuốn theo nó.

Theo thời gian, bà dần dần không còn có sự nhạy cảm với tuổi tác nữa. Có một dạo các bạn bảo bà rằng ba bà là một người rất lớn tuổi, nhất định phải chú ý sức khỏe. Bà lão bác sĩ không biết rằng từ đó về sau, trong mắt bà cụ Hồ ba mình là người rất rất già rồi.

Nghe bà lão bác sĩ hỏi có phải là ba rất rất già không, bà cụ Hồ lập tức gật đầu.

Bà lão bác sĩ nhìn bà cụ Hồ, có lẽ vì cha mẹ đã qua đời nên bà rất hy vọng bà cụ Hồ có thể hiểu và trân trọng tình yêu thương to lớn mà ông lão tuổi đã cao kia dành cho con gái mình nên bèn nói: “Ba em quả là yêu thương em.”

Bà cụ Hồ lập tức gật đầu, nói với vẻ mặt đầy hạnh phúc: “Đúng vậy, ba em nói ông ấy thương em nhất!”

Ông cụ Hồ: “…” Không sao, bây giờ vợ ông chỉ là đứa trẻ bốn năm tuổi, trong mắt đứa trẻ bốn năm tuổi, ba mẹ luôn chiếm vị trí quan trọng nhất, người yêu thương nhất luôn luôn là ba mẹ.

Ông tính toán, dựa theo sự phát triển tâm lý của bà, chừng mười mấy năm nữa là ông sẽ có danh phận chính thức.

Bà lão bác sĩ không hề hay biết tâm trạng phức tạp của ông cụ Hồ bên cạnh, nói: “Em có biết con đường cầu vồng bên ngoài là của ai không?”

Bà cụ Hồ nghĩ ngợi. Bà không biết thật. Với bà, nó là thứ từ trên trời rơi xuống, cho nên bà đường hoàng nói: “Chắc chắn là của công chúa bảo mấy chú lùn làm ra.”

Bà lão bác sĩ đáp: “Là ba em bảo người ta làm đấy. Ba em quả là tốt với em. Trên thế giới này sẽ không ai tốt với em như cha mẹ đâu, em phải biết trân trọng cha mẹ nha.”

Ông cụ Hồ vẫn đang nghe họ nói chuyện: “…” Ông cần tự vấn lại mình một chút, phải chăng ông còn chưa đủ tốt với bà.

Ông nghĩ ngợi một lát, ở bên cạnh bà bao năm nay, không có tòa lâu đài, không có con đường cầu vồng, khó khăn lắm mới có đứa con, ai dè nó…

Suýt nữa là ông cụ Hồ hoài nghi cuộc đời mình. Tư duy của ông đúng là không bì được với tư duy của Kim Sân, chẳng hạn như ông không thể nào nghĩ ra chuyện trải thảm thành con đường cầu vồng được. Nhưng ông đột nhiên ý thức được một chuyện: không sao, tuy không thể cho vợ cuộc sống của một công chúa nhưng ông cũng đã thành công đưa người cha quốc vương về đây rồi.

Ông lão gật đầu, tự khẳng định mình. May quá, ông vẫn không tệ, chẳng qua những người này không biết mà thôi.

Bà cụ Hồ nghe bà lão bác sĩ nói, biết con đường cầu vồng là do ba làm bên lập tức gọi điện thoại cho ba mình. “Ba ơi ba, con đường cầu vồng là do ba làm à?” Bà nói chuyện như một đứa trẻ, vui vẻ bảo: “Ba lợi hại quá đi. Con cảm ơn ba nhiều!”

Bà lại không ngừng tíu tít: “Có phải bây giờ ba đang làm việc không? Công việc có vất vả không ạ? Phải mặc ấm một chút nha.”

Bà lão bác sĩ không nghe bên kia nói gì, chỉ nghe bà cụ Hồ trịnh trọng nói: “Ba là tuyệt vời nhất! Lát nữa lúc ăn cơm con sẽ lấy cho ba một miếng bánh kem, như thế tối nay về nhà chúng ta sẽ có banh kem ăn rồi.”

Bà cụ Hồ nghiêm túc cầm điện thoại nói chuyện, đúng lúc thấy ông lão cảnh sát mang khẩu trang đi vào phòng học nên bèn nói: “Ba đi làm việc đi, bạn Lý Phong trở về rồi, con phải đi chạy bộ đây. Khi nào con chạy nhanh rồi, lỡ gặp phải kẻ xấu, ba có việc không đến kịp thì con cũng có thể tự chạy được.”

Bà lão bác sĩ nghe thế ngay lập tức hiểu ra cớ sự. Thì ra tiểu công chúa này muốn chạy bộ không phải vì nhất thời hứng chí mà vì lúc trò chuyện với họ, nghe Lý Phong kể do có việc không đến kịp, không đón con gái được mà ân hận cả đời này.

Bà lão bác sĩ đột nhiên ý thức được mình không phải là công chúa không phải vì không có một người cha lắm tiền yêu thương mình mà vì bà không có được thứ tình cảm yêu thương quấn quýt thuần khiết này như bà cụ Hồ.

Bà lão bác sĩ chống cằm nghe bà cụ Hồ nói chuyện với ba, không nén được suy nghĩ mình chọn không kết hôn sinh con, không cống hiến cho sự sinh sôi của nhân loại phải chăng là đã để lỡ cơ hội có một đứa con gái yêu thương mình thế này?