Anna Karenina

Quyển 7 - Chương 31




Một tiếng chuông vang lên; mấy thanh niên xấu xí trơ tráo đi qua trước mặt Anna, vừa vội vã, lại vừa để ý xem mọi người có thán phục mình hay không. Petr co ro trong bộ quần áo dấu và đôi ghệt, đi qua phòng đợi và lại gần với bộ mặt ngờ nghệch để đưa nàng lên tàu. Bọn thanh niên đang ồn ào trên sân ga, thấy nàng đi qua bèn im bặt và một gã ghé tai bạn nói nhỏ câu gì, chắc là một nhận xét thô tục về nàng. Nàng trèo lên bậc toa xe, vào buồng toa trống không và ngồi xuống một chiếc ghế đệm dài trước kia màu trắng, giờ đầy vết bẩn. Cái xắc nhỏ nẩy trên lò xo ghế đệm rồi nằm im. Sau cửa sổ, Petr nhấc cái mũ lưỡi trai vành viến chào nàng, một nụ cười khờ khạo trên môi; người soát vé thô lỗ sập cửa đành sầm một cái. Một bà xấu như ma lem mặc váy phồng (Anna hình dung bà ta khoả thân mà phát kinh) cùng mấy em gái cười rúc rích chạy trên sân ga.

- Ecaterina Andreievna có đủ cả đấy, cô ạ! - một cô bé trong bọn kêu lên.

"Bé bằng tí thế mà đã điệu bộ và méo mó", Anna thầm nghĩ. Nàng vội đứng dậy và ngồi sang phía bên kia toa, gần cửa sổ để khỏi nhìn thấy ai. Một gã mugich bé nhỏ gớm guốc bẩn thỉu, tóc bù xù xổ cả ra ngoài mũ lưỡi trai, đi ngang qua cửa sổ và cúi xuống chỗ bánh xe. "Gã mugich xấu xí này làm mình nhớ tới cái gì nhỉ", Anna nghĩ. Giấc chiêm bao liền trở lại trong trí nhớ; run lên vì sợ hãi, nàng nép bên cánh cửa. Người soát vé mở cửa cho một ông và một bà bước vào.

- Bà muốn xuống?

Anna không trả lời. Cả người soát vé, những người vừa lên tàu đều không nhận thấy vẻ mặt hối hoảng của nàng lấp sau tấm mạng nhỏ. Nàng trở lại ngồi vào trong góc. Cặp vợ chồng ngồi sau hàng ghế đối diện, kín đáo nhưng chăm chú ngắm y phục nàng. Nàng thấy ghê tởm cả ông chồng lẫn bà vợ. Người chồng xin phép nàng được hút thuốc: rõ ràng ông ta muốn kiếm cớ bắt chuyện. Được Anna đồng ý, ông ta nói bằng tiếng Pháp với vợ là ông chẳng muốn nói chuyện cũng chẳng muốn hút thuốc nữa. Họ nói năng ngớ ngẩn, bộ điệu kiểu cách, nhằm mục đích duy nhất là làm Anna phải chú ý. Nàng thấy họ chán nhau và ghét nhau. Với lại, làm sao mà không ghét những con quái vật thiểu não như vậy?

Sau tiếng chuông thứ hai, là tiếng ồn ào cười thét xen lẫn tiếng hành lí mang lên tàu. Anna tin chắc chẳng ai có lí do gì vui thú cả, cho nên tiếng cười nọ làm nàng bực bội đến mức đau đớn; nàng muốn bịt tai để khỏi nghe thấy. Cuối cùng, tiếng chuông vang lên lần thứ ba; có tiếng còi tàu, rồi tiếng rền rĩ của đầu máy; đoàn tàu chuyển động và ông chồng nọ làm dấu thánh giá. "Giá hỏi thử xem hắn cho cử chỉ ấy có ý nghĩa gì, kể cũng hay đấy", Anna tự nhủ và hằn học đưa mắt nhìn ông ta. Nàng nhìn qua cửa sổ phía trên người đàn bà, nhìn đám người ra tiễn giờ đây như đang lùi dần, đứng sững trên sân ga. Toa xe Anna ngồi đều đặn rung lên ở mỗi chỗ "gioăng" đường ray, đi dọc sân ga, vượt qua bức tường gạch, cột tín hiệu rồi những toa xe khác; bánh xe lăn mỗi lúc một nhanh hơn trên đường sắt, trong tiếng kim khí khẽ va nhau. Mặt trời xế bóng chiếu những tia nắng chói qua cửa sổ và một làn gió nhẹ thổi bay màn cửa lên. Anna quên hẳn những hành khách ngồi bên cạnh, và lắc lư nhè nhẹ theo nhụp tàu, nàng lại vừa tiếp tục nghĩ, vừa hít thở không khí mát dịu.

"Ừ, mình nghĩ đến đâu rồi nhỉ; đến chỗ không sao hình dung nổi một cảnh ngộ nào trong đó cuộc đời thôi không còn là cực hình đối với mình. Tất cả chúng ta sinh ra đều để chịu đau khổ, tất cả đều biết thế nhưng lại tìm cách tự dối mình. Nhưng khi nhìn ra chân lí thì phải làm gì?"

- Con người ta được ban cho lí trí là để tự giải thoát khỏi những gì làm mình lo phiền, - bà khách nói bằng tiếng Pháp, rõ ràng hài lòng với điều vừa thốt ra.

Câu nói như trả lời đúng ý nghĩ của Anna.

"Tự giải thoát khỏi những cái gì làm mình lo phiền, Anna nhắc lại. Và nhìn ông khách má đỏ phây phây cùng bà vợ gầy còm, nàng đoán người phụ nữ ốm yếu này cho là đời không ai hiểu nổi mình, còn ông chồng thì đánh lừa bà bằng cách cứ để mặc cho bà tự đánh giá như vậy. Nàng tưởng nhìn thấy tất cả lai lịch của họ, bằng cách đem luồng ánh sáng kia soi vào mọi ngóc ngách bí mật của tâm hồn họ. Nhưng trường hợp của họ chẳng có gì lí thú nên nàng lại quay về dòng suy nghĩ của mình:

"Phải, mình có nhiều điều lo phiền và cũng có đủ lí trí để tự giải thoát; vậy mình phải tự giải thoát khỏi những lo phiền đó. Tại sao không tắt hết ánh sáng đi khi không còn gì để nhìn nữa, khi đối với ta mọi chuyện đều trở nên bỉ ổi? Nhưng biết làm thế nào đây? Tại sao bác nhân viên này cứ chạy dọc theo bậc lên xuống? Tại sao những thanh niên nọ cứ gào mãi lên ở toa bên cạnh? Họ cần nói cần cười để làm gì vậy? Đâu đâu cũng giả dối, lừa đảo, gian trá, xấu xa hết!".

Khi tàu dừng lại ở ga, Anna đi xuống theo đám đông hành khách, và tránh họ như tránh hủi, nàng đứng mãi trên sân ga cố nhớ xem tại sao mình đến đây và đến để làm gì. Mọi chuyện trước đây nàng cho là làm được, giờ đây trở nên rất khó thực hiện, nhất là ở giữa đám đông ồn ào những người ghê tởm này, không lúc nào để nàng tĩnh trí. Khi thì phu khuân vác chạy đến xin mang hành lí, khi là bọn trai trẻ cứ nhìn nàng từ đầu đến chân, nói năng ầm ĩ và nện gót giày xuống sàn gỗ nhà ga, khi thì những người đi ngược lại lúng túng va phải nàng. Chợt nhớ mình định đi xa nữa nếu không có thư trả lời, nàng bèn giữ một người phu khuân vác lại hỏi xem có thấy anh xà ích nào đem thư đến cho bá tước Vronxki không.

- Bá tước Vronxki à? Vừa đây có người đến nhà ông ta, đón quận chúa Xrôkina và con gái đi rồi. Gã xà ích ấy người thế nào?

Nàng đang nói chuyện với người phu khuân vác, thì thấy gã xà ích Mikhain, mặt mày đỏ ửng và hớn hở, mặc áo bành tô xanh sẫm và đeo dây đồng hồ, kiêu hãnh ra mặt vì đã làm tròn nhiệm vụ, lại gần và đưa cho nàng một lá thư. Nàng bóc ra và tim nàng thắt lại từ trước khi đọc.

"Anh rất tiếc thư em đến khi anh không có ở Moskva. Đến mười giờ anh về", Vronxki viết. Chữ viết nghuệch ngoạc bằng một bàn tay trễ nải.

"Thế đấy! Mình vẫn chờ đợi như vậy mà!" - nàng tự nhủ với một nụ cười hiểm độc.

- Được rồi, cho anh về, - nàng quay lại khẽ bảo Mikhain. Nàng nói khẽ vì tim đập dồn dập không thở được.

"Không, ta không cho phép người làm ta đau đớn đến thế này đâu", nàng thầm nghĩ. Lời đe doạ ấy không phải nói với nàng mà với người làm nàng đau khổ. Và nàng tiếp tục đi dạo trên sân ga. Hai mụ hầu phòng rảo bước trên sân ga quay đầu lại nhìn và lớn tiếng nhận xét y phục của nàng: "Hàng thật đấy nhé", họ nói về những hàng ren nàng mặc. Bọn thanh niên không để nàng yên. Họ lại đi qua cạnh nàng lần nữa, ngó vào tận mặt nàng và kêu lên một câu kệch cỡm. Viên xếp ga hỏi nàng có đi tàu không… Một thằng bé bán rượu kvat không rời mắt khỏi nàng. "Lạy Chúa, ta đi đâu bây giờ?", nàng vừa nghĩ vừa lảng ra xa. Đến đầu sân ga, nàng dừng lại. Một tốp đàn bà và trẻ con đến đón một ông đeo kính, đang cười nói ầm ĩ, thấy nàng tới bèn im bặt nhìn nàng. Nàng rảo bước tránh xa bọn họ và tới đứng ở rìa sân ga. Một chuyến tàu hàng tiến đến. Sân ga rung lên và nàng lại có cảm tưởng như ngồi trên một con tàu đang chạy.

Đột nhiên nàng nhớ đến người đàn ông chết chẹt tàu hôm nàng gặp Vronxki lần đầu tiên và nàng bỗng hiểu ra giờ đây mình phải làm gì. Nàng bước nhẹ nhàng thoăn thoắt xuống những bậc thang dẫn từ vòi lấy nước ra đường sắt và dừng lại gần con tàu đang vào ga. Tàu gần như chạm vào người nàng. Nàng nhìn kĩ xuống gầm toa, nào đinh ốc, xích sắt, nào bánh xe lớn bằng gang của các toa đầu đang từ từ tiến lại. Nàng thử đo bằng mắt khoảng cách giữa hàng bánh xe trước và hàng bánh xe sau, tính toán xem nên lao vào lúc nào để lọt đúng giữa khoảng cách đó.

"Chỗ kia kìa! Nàng tự nhủ, nhìn vào chỗ cát hoà lẫn bụi than phủ lên những thanh tà vẹt dưới bóng toa tàu, chính đấy, đúng giữa chỗ ấy; ta sẽ trừng phạt anh ta và sẽ thoát khỏi mọi người, thoát khỏi bản thân ta".

Nàng định nhảy vào gầm toa đầu tiên, nhưng chiếc xắc đỏ chưa kịp tháo ra khỏi cánh tay làm nàng lỡ dịp. Phải đợi toa sau. Nàng chợt có cảm giác giống như trước khi gieo mình xuống nước và làm dấu thánh giá. Cử chỉ quen thuộc đó khiến những kỉ niệm thời thơ ấu và tuổi thanh xuân ùa vào tâm hồn như một đợt sóng trào. Thốt nhiên, lớp bóng tối mà nàng thấy phủ lên tất cả bỗng tan đi trong khoảnh khắc, cuộc sống hiện lên trước mắt với tất cả những niềm vui sướng đã qua. Nhưng nàng vẫn không rời mắt khỏi vòng bánh toa xe thứ hai đang chạy tới. Vừa đúng lúc thấy mình ở giữa khoảng cách hai vòng bánh xe, nàng vứt cái xắc đỏ đi, rụt đầu vào vai và lao xuống gầm toa, tay nhoài ra đằng trước; rồi bằng một động tác nhẹ nhàng như định đứng dậy, nàng ưỡn người quỳ gối lên. Tới lúc đó, nàng mới thấy kinh sợ về việc mình làm "Ta ở đâu thế này? Ta làm gì thế này? Tại sao vậy? ". Nàng muốn đứng dậy và nhảy lùi về sau nhưng một khối đồ sộ và rắn chắc đã đập vào đầu và xô nàng nằm ngửa ra. "Lạy Chúa, hãy tha thứ tất cả cho con!", nàng thầm nghĩ và cảm thấy có vật lộn cũng vô ích rồi. Một gã mugich bé nhỏ vừa lầm bầm vừa gõ vào một thanh sắt. Và luồng ánh sáng đã soi cho nàng thấy rõ cuốn sách cuộc đời với bao nhiêu lo âu, phản phúc và đau khổ, lúc này càng bừng lên chói lọi hơn, rọi chiếu vào mọi vật bấy lâu nay vẫn chìm trong bóng tối; rồi nó rung rinh, mờ đi và tắt ngấm vĩnh viễn.