Anna Karenina

Quyển 7 - Chương 17




Stepan Ackađich đang ở trong tình thế quẫn bách. Hai phần ba tiền bán rừng đã tiêu hết và ông đã vay trước của gã lái buôn gần hết số phần ba cuối cùng bằng cách bớt cho y mười phần trăm. Gã lái buôn không muốn đưa tiền nữa, vả chăng Đarya Alecxandrovna, lần đầu tiên khẳng định quyền hạn đối với tài sản của mình, cũng từ chối không chịu kí cho y trả nốt số phần ba còn lại. Bao nhiêu lương của Oblonxki đổ cả vào các khoản chi tiêu trong nhà và trả nợ vặt. Họ không còn tài sản nào khác.

Thật khó chịu, phiền toái và Stepan Ackađich nghĩ tình hình không thể kéo dài như thế được. Ông cho cơ sự này là do lương lậu ít ỏi mà ra. Địa vị hiện nay của ông, trước đây năm năm có vẻ rất tốt, nhưng giờ đã khác đi rồi. Pêtrôp - giám đốc ngân hàng lương tháng mười hai nghìn rúp; Xventitxki, uỷ viên một công ty, lĩnh mười bảy nghìn một tháng; Mitin, người đã lập một ngân hàng, mỗi tháng kiếm năn vạn rúp. "Dứt khoát là mình đang ngủ say và bị bỏ quên rồi", Stepan Ackađich nghĩ thầm. Ông bèn để ý xem xét và đến cuối mùa đông mò ra được một chỗ làm lương rất cao, ông liền mở cuộc tấn công, mới đầu từ Moskva, dựa vào các bà cô, ông bác và bạn hữu; rồi khi chín muồi, ông thân hành đến Petersburg vào mùa xuân. Đó là một chân hàng năm thu lợi từ một nghìn đến năm vạn rúp và hiện nay lại có nhiều hơn những chỗ làm nho nhỏ ăn đút lót năm xưa. Tức là chân uỷ viên uỷ ban đại lí liên hợp ngành Tín dụng hỗ trợ và Cục hoả xa miền Nam. Chức trách này, cũng như tất cả các chức trách thuộc loại ấy, đòi hỏi một kiến thức rộng, một năng lực hoạt động lớn đến nỗi khó lòng tìm ra người nào đáp ứng được cả hai điều kiện ấy. Vì không có ai gồm đủ các đức tính đó, âu là giao địa vị nọ cho một người lương thiện còn hơn cho một tên đầu trộm đuôi cướp. Lương thiện thì Stepan Ackađich quả có lương thiện, theo cái nghĩa đặc biệt của tiếng ấy ở Moskva, khi áp dụng nó với một chính khách, một nhà văn, một tờ nhật báo, một tổ chức hoặc một trào lưu tư tưởng, nó không chỉ có nghĩa là người đó hay tổ chức đó không bất lương, mà còn có nghĩa khi gặp cơ hội, họ có thể đả kích vào chính phủ nữa. Ở Moskva, Stepan Ackađich thường lui tới những nhóm người đã đặt ra cái từ ấy, những nhóm này coi ông như một người lương thiện: vậy ông có quyền hưởng địa vị nọ hơn bất kì ai khác.

Việc làm đó mỗi năm thu được từ bảy đến mười ngàn rúp và Oblonxki có thể kiêm nhiệm nó cùng với những chức trách khác của ông. Công việc tuỳ thuộc vào hai Bộ, một phu nhân và hai người Do Thái, và mặc dầu tất cả những người đó đều được báo trước để nâng đỡ Stepan Ackađich, ông vẫn cần đến Petersburg gặp họ. Hơn nữa, Stepan Ackađich đã hứa với cô em Anna là sẽ vận động được Karenin trả lời dứt khoát về vấn đề li dị. Vì vậy, sau khi moi của Đôly năm mươi rúp, ông bèn đi Petersburg.

Ngồi trong buồng giấy của Karenin, nghe ông em rể trình bày kế hoạch cải lương nền tài chính nước Nga, Stepan Ackađich cứ rình lúc ông này dứt lời để lái câu chuyện sang công việc của bản thân mình và của Anna.

- Vâng, rất đúng, - ông nói, lúc Alecxei Alecxandrovich đưa mắt ướm hỏi anh vợ, sau khi tháo chiếc kính kẹp mũi giờ trở thành vật không thể thiếu được khi ông cần đọc, - về chi tiết thì rất đúng, nhưng nguyên lí thời đại chúng ta là tự do.

- Cho nên, nguyên lí mới tôi đề xướng bao gồm cả nguyên lí tự do, - Alecxei Alecxandrovich nói, nhấn mạnh vào hai tiếng "bao gồm" và lại đeo kính kẹp mũi lên để đọc lại cái quãng có trình bày rành rọt quan điểm ấy.

Ông giở tập bản thảo chữ viết trang nhã, mép giấy trừa rộng và đọc lại đoạn văn đầy sức thuyết phục.

- Sở dĩ tôi cổ suý chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đó không phải vì quyền lợi những tư nhân mà vì lợi ích chung cho cả tầng lớp dưới cũng như tầng lớp trên, - ông nói tiếp, đưa mắt qua gờ trên kính kẹp mũi, nhìn Oblonxki. Nhưng họ không hiểu điều đó, họ chỉ bận tâm đến lợi ích cá nhân và chỉ biết nói mồm.

Stepan Ackađich biết là khi Karenin bắt đầu nói đến những ý nghĩ và việc làm của bọn đối lập với kế hoạch của ông, gây ra tất cả tai hoạ ở nước Nga, là đã gần đến kết luận, cho nên, lúc này ông tạm từ bỏ cái nguyên lí tự do và tuyên bố hoàn toàn đồng ý với em rể. Alecxei Alecxandrovich im lặng và giở tập bản thảo, vẻ tư lự.

- À, tiện đây tôi muốn nhờ chú, - Stepan Ackađich nói, - nếu chú có dịp gặp Pomorxki, thì nói giùm tôi với ông ta một câu thôi: tôi muốn làm uỷ viên uỷ ban đại lí liên hợp ngành Tín dụng hỗ trợ và Cục hoả xa miền Nam. - Chức vị ấy luôn ấp ủ trong lòng Stepan Ackađich đến mức trở thành quen thuộc nên ông đọc trơn tru không chút sai sót.

Alecxei Alecxandrovich hỏi anh vợ là hoạt động của uỷ ban mới này nhằm mục đích gì và triền miên suy nghĩ. Ông tự hỏi cơ quan đó rồi đây có ngáng trở kế hoạch của ông không. Nhưng hoạt động của tổ chức mới này rất phức tạp và kế hoạch của Karenin bao quát một phạm vi rất rộng, nên ông không thể giải đáp câu hỏi này ngay lập tức. Ông bỏ kính kẹp mũi và nói:

- Tất nhiên tôi có thể nói với ông ta được thôi, nhưng tại sao anh lại nhăm nhe đúng vào cái chân ấy?

- Công việc này lương khoảng chín nghìn rúp, mà sinh kế của tôi thì…

- Chín nghìn rúp, - Alecxei Alecxandrovich nhắc lại và cau mày.

Con số lớn đó cho ông thấy rõ, về mặt này, hoạt động sắp tới của Stepan Ackađich va chạm với tư tưởng chủ đạo kế hoạch của ông: phục hồi chính sách tiết kiệm.

- Tôi thấy ở thời đại chúng ta, những khoản lương to lớn đó là dấu hiệu về sự thiếu sót của chính sách(1) kinh tế chúng ta, (vả chăng, tôi đã viết một bài về điểm này).

- Biết làm thế nào? - Stepan Ackađich nói. - Ngày nay, lương chủ nhà băng làm một vạn rúp mà đâu phải hắn ăn cắp. Một kĩ sư cũng kiếm hai vạn rúp. Họ đâu phải là những kẻ ngồi mát ăn bát vàng.

- Tôi cho rằng tiền lương là giá một món hàng và do đó phải tuân theo luật cung cầu. Nếu việc trả lương tách rời khỏi quy luật đó, chẳng hạn khi hai kĩ sư tốt nghiệp cùng một trường, với kiến thức và khả năng y như nhau mà một người lĩnh bốn vạn rúp, trong khi người kia chỉ có hai vạn; hoặc giả khi một nhà luật học hay một anh lính phiêu kị không có kiến thức chuyên môn gì được bổ nhiệm đứng đầu một ngân hàng, hưởng những khoản tiền lương kếch xù, thì tôi sẽ kết luận lương anh ta không được đánh giá theo cung cầu mà chỉ đơn thuần do thiên vị thôi. Và bản thân cái đó đã là một sự lạm dụng nghiêm trọng, có hại cho công việc nhà nước. Tôi cho rằng…

Stepan Ackađich vội ngắt lời em rể.

- Phải, nhưng đây là một tổ chức tân lập và rõ ràng hữu ích. Người ta cần nhất công việc được tiến hành một cách "lương thiện", - Stepan Ackađich nói.

Nhưng Alecxei Alecxandrovich không hiểu cái nghĩa mang màu sắc Moskva của từ ấy.

- Sự lương thiện ấy chỉ là một đức tính tiêu cực, - ông nói.

- Dù sao tôi cũng đội ơn chú rất nhiều, nếu chú rỉ tai với Pomorxki một tiếng, - Stepan Ackađich nói. - Nhân chuyện nào đó, nói qua một tiếng thôi mà.

- Tôi thấy hình như việc đó chủ yếu tuỳ thuộc ở Bongarinov, Alecxei Alecxandrovich nói.

- Bongarinov hoàn toàn đồng ý rồi, - Stepan Ackađich đỏ mặt nói.

Stepan Ackađich đã đỏ mặt khi nghe nhắc đến tên Bongarinov vì ngay sáng hôm đó, ông đã đến tìm cái lão Do Thái này và cuộc đến thăm để lại ấn tượng nặng nề trong kí ức ông.

Stepan Ackađich đinh ninh cơ quan ông mong muốn cộng tác là một tổ chức lương thiện và hữu ích; nhưng sáng nay, khi Bongarinov rõ ràng cố ý để ông phải ngồi hai tiếng đồng hồ ở phòng đợi cùng những người đến cầu cạnh khác, ông đột nhiên cảm thấy khó chịu.

Phải chăng cảm giác khó chịu ấy là do ông, công tước Oblonxki, người nối dõi Rurich, đã phải ngồi hai tiếng đồng hồ trong phòng đợi một tên Do Thái hay do lần đầu tiên trong đời, ông đã vi phạm truyền thống tổ tiên xưa nay vẫn phụng sự nhà nước, khi ông chọn một nghề khác? Muốn thế nào mặc lòng, ông vẫn thấy không thoải mái. Suốt trong hai tiếng đồng hồ chờ đợi ở nhà Bongarinov, Stepan Ackađich vừa ra vẻ ung dung đi đi lại lại trong phòng đợi, vuốt râu má, nói chuyện với những người cầu cạnh khác, vừa nghĩ những câu chơi chữ về chặng dừng chân này tại nhà tên Do Thái, cố tự giấu mình và giấu cả người khác cái cảm giác xâm chiếm lòng ông.

Nhưng suốt thời gian đó, ông cảm thấy bực bội và khó chịu mà không rõ nguyên nhân vì đâu: phải chăng vì ông không soạn được câu chơi chữ đến nơi đến chốn hay vì cớ nào khác? Cuối cùng, khi Bongarinov tiếp ông hết sức lịch sự với vẻ đắc thắng ra mặt, và gần như cự tuyệt yêu cầu của ông, Stepan Ackađich vội quên ngay nỗi sỉ nhục đó càng nhanh càng tốt. Giờ đây, chính vì nhớ lại điều đó mà ông đã đỏ mặt.