Anna Karenina

Quyển 5 - Chương 13




Mikhailovna bán bức tranh cho Vronxki và nhận lời vẽ chân dung Anna. Đúng ngày hẹn, ông đến và bắt đầu làm việc.

Ngay từ buổi vẽ thứ năm, bức chân dung đã làm mọi người và nhất là Vronxki phải kinh ngạc vì không những nó giống mà còn đẹp lạ lùng. Kì lạ thay, Mikhailov đã nắm được tất cả đặc điểm vẻ đẹp của người mẫu. "Phải hiểu nàng và yêu nàng như mình mới có thể khám phá được vẻ duyên dáng tuyệt vời đó, nó là một phản ánh của tâm hồn nàng", Vronxki thầm nghĩ. Nhưng thực ra, chính bức chân dung đã chỉ cho chàng thấy vẻ duyên dáng tuyệt vời đó, phản ánh tâm hồn Anna. Nhưng cái vẻ đó xác thực đến nỗi những người khác, cũng như chàng, đều tưởng đã biết từ lâu rồi.

- Tôi hì hục bao lâu nay mà không đi đến đâu cả, - Vronxki nhắc đến bức chân dung chàng vẽ, - còn ông ta chỉ cần nhìn qua một cái là thể hiện được ngay. Thế mới thật sự là kĩ thuật.

- Cái đó rồi sẽ đạt được thôi, - Golenichsev nói để khuyến khích Vronxki, ông cho rằng chàng có tài năng và nhất là có trình độ văn hoá giúp chàng nâng cao quan điểm nghệ thuật. Golenichsev càng tin chắc như vậy, vì ông đang cần Vronxki đồng tình và khen ngợi công việc của chính mình, và theo ông, việc khen ngợi và ủng hộ phải có đi có lại.

Khi ở nhà người khác, và đặc biệt là trong biệt thự 1 của Vronxki, Mikhailov là một người khác hẳn khi ở xưởng vẽ. Ông tỏ ra lễ độ một cách gườm gườm như sợ gần gũi thân mật với những người mà ông không coi trọng. Ông gọi Vronxki là "Quan lớn", và bất kể lời mời mọc của Anna và Vronxki, không bao giờ ông ở lại ăn uống hoặc đến thăm ngoài những buổi Anna ngồi làm mẫu vẽ. Anna đặc biệt ân cần và biết ơn ông về bức chân dung, Vronxki lại càng lịch thiệp hơn đối với ông và rõ ràng muốn biết ý kiến của nghệ sĩ về bức tranh của mình. Golenichsev không bỏ lỡ dịp nào để nhồi vào đầu óc ông ta những ý kiến lành mạnh về nghệ thuật. Nhưng Mikhailov đều lạnh lùng với mọi người. Xem cách nhìn, Anna cảm thấy ông thích ngắm nàng; nhưng ông tránh không chuyện trò. Khi Vronxki nói với ông về bức tranh của mình, ông một mực làm thinh và vẫn giữ nguyên vẻ trầm lặng cố tình đó khi bức tranh được đưa ra cho ông xem; và rõ ràng ông chán ngấy những câu chuyện của Golenichsev nhưng không hề cãi lại.

Tóm lại, khi hiểu kĩ Mikhailov hơn, họ đâm phật ý vì thái độ dè dặt và không thân thiện, gần như thù địch của ông. Họ lấy làm bằng lòng khi các buổi vẽ kết thúc: họ đã có một bức chân dung đẹp và Mikhailov thôi không đến nữa… Golenichsev là người đầu tiên nói đến cái ý kiến mà mọi người đều đồng tình, tức là Mikhailov ghen ghét với Vronxki, có thế thôi.

- Ta không dùng chữ ganh tị, vì ông ta có tài năng: nhưng ông ta tức tối vì một người giàu có, địa vị cao sang, lại là bá tước nữa (anh chị cũng biết bọn họ ghét tất cả cái đó) không phải vất vả quá đáng mà cũng làm được, nếu không hơn, thì cũng bằng ông ta, trong khi ông ta phải bỏ cả cuộc đời vào việc đó. Cái chính là trình độ văn hoá, mà ông ta lại không có văn hoá.

Vronxki bênh vực Mikhailov, nhưng trong thâm tâm, chàng cũng đồng ý, vì theo chàng, một người ở tầng lớp thấp hèn hơn thì tất phải ghen ghét.

Hai bức chân dung Anna, bức của chàng và bức của nghệ sĩ, đáng lẽ phải chỉ cho Vronxki thấy sự cách biệt giữa chàng và Mikhailov, nhưng chàng không nhìn thấy. Tuy nhiên, sau Mikhailov, chàng thôi không vẽ tiếp chân dung Anna nữa, viện cớ nay nó thành ra thừa rồi. Chàng vẽ tiếp bức tranh lấy đề tài ở thời Trung cổ. Cũng như Golenichsev, và nhất là Anna, chàng thấy bức này rất đẹp vì so với những bức của Mikhailov, nó giống những tác phẩm lớn thuở xưa hơn rất nhiều.

Về phía Mikhailov, mặc dầu rất thích được vẽ chân dung Anna, ông còn hài lòng hơn cả họ khi các buổi vẽ chấm dứt, khi không còn phải nghe những lời bình luận của Golenichsev về nghệ thuật và có thể quên đi cái trò vẽ vời của Vronxki. Ông biết không thể cấm Vronxki tiêu khiển, ông biết Vronxki cũng như tất cả những kẻ mê hoạ khác đều có quyền vẽ gì tuỳ thích, nhưng ông vẫn lấy thế làm khó chịu. Ta không thể ngăn cấm một người nặn một con búp bê lớn bằng sáp và ôm ấp hôn hít nó. Nhưng nếu người đó lại ôm con búp bê đến ngồi trước một cặp tình nhân mà vuốt ve nó như anh chàng si tình vuốt ve người yêu, thì thật khó chịu cho chàng si tình kia. Mikhailov cũng có cảm giác khổ tâm như vậy khi phải xem tranh Vronxki: ông thấy nó thật lố bịch, đáng bực, thảm hại và chướng mắt.

Vronxki ham mê hội hoạ và thời Trung cổ không được bao lâu. Chàng cũng tạm đủ ý thức thẩm mĩ để dừng lại không vẽ nốt bức tranh nữa. Thế là nó bị dở dang. Vronxki mơ hồ cảm thấy rằng những chỗ kém của mình lúc đầu còn chưa rõ rệt, sẽ càng hiển nhiên, nếu vẽ tiếp. Chàng cũng giống Golenichsev, ông này cảm thấy mình không có gì đáng nói ra, bèn tiêu thời giờ để tự lừa dối bằng cách thầm nhủ là tư tưởng mình chưa đạt tới trình độ chín muồi đầy đủ và còn phải bồi dưỡng đến nơi đến chốn, đồng thời thu thập tài liệu. Nhưng điều đó làm Golenichsev tức tối và đau khổ, còn Golenichsev thì không thể tự lừa dối, tự giày vò mình và nhất là không thể vì thế mà cay cú được. Với tính quả quyết sẵn có, chàng liền ngừng không vẽ nữa, chẳng cần giải thích, hoặc thanh minh gì cả.

Nhưng thiếu sự bận bịu đó (Anna ngạc nhiên về sự tỉnh ngộ của chàng), cuộc sống của chàng và nàng hình như vô vị trong cái thành phố Ý này; chàng thấy cái biệt thự 2 đột nhiên trở nên bẩn thỉu và điêu tàn; những vết bẩn ở màn cửa, những kẽ nứt sàn nhà, những gờ tường rạn lở bỗng có vẻ nhớp nhúa; quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có độc Golenichsev và vị giáo sư người ý cùng nhà du lịch người Đức làm bạn, tất cả đều chán ngấy không chịu được: phải thay đổi cuộc sống thôi. Họ quyết định trở lại nước Nga, về ở nông thôn.

Tại Petersburg, Vronxki dự định sẽ chia gia tài với anh, còn Anna thì muốn đến thăm con trai. Họ sẽ ở một trang trại lớn của Vronxki đến hết mùa hè.

--- ------ ------ ------ -------

1 Palazzo (tiếng Ý trong nguyên bản).

2 Palazzo (tiếng Ý trong nguyên bản)