Anh Trai Em Gái

Chương 13: Nhừng lời phàn nàn của mẹ




"Dương Dương!". Mẹ vừa gọi tên tôi vừa lao đến bên giường: "Làm sao phải nằm viện? Sao không chú ý, thảo nào mẹ sốt ruột quá!". Sau đó mẹ xoa mặt tôi, lẩm bẩm: "Con gầy quá!". Bà ngắm nghía tôi rồi rút ra kết luận: "Có phải con kém ăn không?". Mẹ tôi là người hay nói, mẹ có thể nói liền mấy tiếng đồng hồ. Đương nhiên, đấy là chuyện hồi ở quê, tôi và An An đã có lần dùng đồng hồ theo dõi. Không ngờ đến bây giờ khả năng nói của mẹ vẫn không thuyên giảm.

Tôi nhớ, mẹ đã thích vuốt ve khuôn mặt tôi. Mẹ nói chỉ cần sờ là biết tôi béo hay gầy.

Ba năm tôi không về nhà, ba năm không nhìn thấy mẹ, vậy mà lần đầu gặp lại, cử chỉ đầu tiên của mẹ vẫn là sờ mặt tôi, nước mắt tôi trào ra.

"Mẹ!". Tôi ôm lấy mẹ, bây giờ mẹ đã béo hơn. Giọng tự nhiên nghẹn ngào, tôi không ngờ mẹ lặn lội đến thăm chúng tôi, đúng vào lúc tôi ốm đau, chán nản.

"Ôi dào, lớn thế này mà vẫn làm nũng! Không sợ các bạn cười ư?". Mẹ mắng yêu nhưng lại ôm tôi chặt hơn, giọng mẹ cũng lạc đi như sắp khóc. "Con cũng tệ lắm, ba năm không về nhà, làm mẹ…làm mẹ mong quá. Chắc đến khi mẹ nằm xuống con cũng không biết! Rồi lúc ấy con về quê gọi ai bằng mẹ đây?". Nói đoạn mẹ ôm tôi khóc hu hu.

"Mẹ, mẹ nói những chuyện ấy làm gì!". Không kìm nổi nước mắt, tôi vùi mặt vào cổ mẹ, đó là bến cảng an toàn, quen thuộc nhất của tôi thuở nhỏ, đến giờ trong trí nhớ của tôi vẫn lưu giữ hình ảnh đó. "Mẹ, mẹ sẽ sống trăm tuổi!". Thực ra tôi không phải là đứa trẻ hay làm nũng, từ nhỏ tính tôi đã thích độc lập, thích tự do, đây cũng là nguyên nhân tôi chọn một nơi xa như Trùng Khánh để học đại học. Trước đây, hồi ở nhà, mẹ không lúc nào để cho tai tôi được yên. Mẹ nói luôn mồm, như đọc kinh. Tôi gầy, mẹ phàn nàn bảo tôi ăn; tôi béo, mẹ giục tôi giảm béo. Mẹ nghĩ gì trong đầu lập tức nói ra miệng, chính mẹ cũng không ngờ là miệng mình cứ tự hoạt động như thế. Con nhớ, lúc xem Tây du đại thoai, tôi và An An bỏ phiếu thông qua, chúng tôi sẽ không nói gì, cứ để mẹ là phiên bản của Đường Tăng. Câu cửa miệng của mẹ là: "Nếu mày còn thế tao không nói nữa! Tao nói cho mày biết, mày…". Tôi không biết làm thế nào, đeo tai nghe lên, một tiếng đồng hồ sau bỏ ra thấy mẹ đang nói. Có lúc mẹ nói như hát, bản lĩnh này nếu không được rèn luyện suốt năm, mười năm thì nhất định không thể cao cường đến vậy.

Thực ra ba anh em tôi đều rất quý mẹ, chỉ có cái bệnh nói nhiều của mẹ làm chúng tôi không chịu nổi. Về sau, mỗi lần thấy mẹ bắt đầu nói là tôi trốn, trốn không được thì bỏ chạy. Bây giờ lâu lâu không được "nghe ca nhạc", quả là có nhớ, nhất là lúc tôi bị ốm.

Nghe giọng phàn nàn đã lâu không được nghe của mẹ, tôi xúc động, sống mũi cay cay. Đã bao năm không biết nước mắt là gì, bây giờ không kìm được, nước mắt tôi cứ trào ra. Mẹ cũng gục lên vai tôi, nước mắt chan hoà. Mẹ vừa khóc vừa kể lể:

"Con thật là…ngần ấy năm không thèm về nhà nhìn mặt mẹ lấy một lần, có biết mẹ cô quạnh, buồn tủi lắm không!...".

"Con thấy chưa, con không biết tự chăm sóc, lại ốm nữa…làm sao mẹ yên tâm được!".

"Ô, chúng mày lớn rồi, sắp bay được rồi, làm gì còn nhớ đến mẹ? Làm gì còn nhớ mẹ nửa đêm thay tã lót, pha sữa, miếng cơm miếng cháo nuôi ba anh em chúng mày…".

Mẹ càng nói càng buồn, khóc càng to.

Cô y tá lại xuất hiện. "Không được khóc to ở bệnh viện. Bệnh nhân cần được yên tĩnh.". Lúc đó mẹ tôi mới thôi khóc, xin lỗi cô y tá. "Xin lôi, xin lỗi cô y tá, cô không biết chứ, tôi đến thăm con, nó là con tôi". Mẹ xoa đầu tôi. "Chúng nó đều học đại học ở Trùng Khánh của các cô đấy, nó học năm thứ ba rồi. Vào đại học những tưởng chững chạc hơn, ai ngờ lại không biết tự chăm sóc, không đúng thế sao? Thằng bé này tệ lắm, ba năm không về nhà….". Mẹ lại bắt chuyện với cô y tá.

Tôi ra hiệu cho mẹ. Cô y tá không có cách nào thoát ra được, thấy mẹ không có dấu hiệu dừng lại, đành ngắt lời: "À, xin lỗi bác, tôi phải đi trực bây giờ". Lúc đó mẹ mới thôi nói, dúi hai quả táo vào tay cô y tá. "Vâng, cô đang bận, tôi không quấy rầy nữa. Đây là con tôi, sau này nhờ cô quan tâm đến cháu. Lớn thế này nhưng ở bên ngoài, xe mẹ, không ai chăm nom, ốm nặng thế này mà không biết. Nếu ở nhà, tôi đã chẳng để nó ốm lâu như vậy, đã sớm đưa đến bệnh viện chữa trị rồi".

"Xin lỗi bác, tôi phải đi làm việc". Cô y tá cầm quả táo, không thể không nhắc mẹ lần nữa.

"Vâng, nhất định là cô rất bận, cô đi làm việc đi".

Sau đó cô y tá đáng yêu chuồn thẳng, nhanh như tránh bệnh dịch. Tôi dám chắc nếu bây giờ phòng tôi có mở tiệc cô ta cũng không dám đến nhắc nhở.

Tôi nằm trên giường, nhìn mẹ, tôi thấy mẹ thật đáng yêu. Trước đây tôi không nhận thấy mẹ càu nhàu mà lại thân thiết như vậy. Đây là mẹ tôi, người đã sinh ra tôi.

Mẹ nhìn tôi, lại bắt đầu: "Con xem, con lớn như vậy, tự dung sao lại cười? Đi ra ngoài phải học cách sống, mọi người đâu có như con, không thích giao thiệp, sau này sẽ bị thiệt thòi! Bây giờ mẹ không nói con nữa, nói nhiều con lại giận. Con lớn thế này, thầy giáo cũ của con gặp mẹ còn nói con ít nói…". Phần sau mẹ còn nói những gì tôi không chú ý, không nghe cũng không biết mẹ nói gì, nhưng tôi chăm chú nhìn mẹ, mảng tóc bên tai mẹ đã bạc thêm nhiều, nếp nhăn bên khoé mắt sâu hơn. Mẹ già nhanh quá. Hoá ra mẹ cũng già. Trước đây tôi không quan tâm đến điều đó. Thì ra, được nằm nghe những lời phàn nàn của mẹ thật là hạnh phúc!

Mẹ nói rất nhiều. Nhưng lại rất đáng yêu.

Tôi thấy mắt Mai Mai đỏ, rõ ràng khi đi đón mẹ em đã khóc. Bây giờ em đứng im nhìn mẹ. A Thụ đi lại quanh em, đưa giấy lau và nói lời an ủi vô tác dụng.

Ăn cơm xong, mẹ kê cái ghế dài cạnh giường tôi rồi ngồi xuống. Tôi biết mẹ lại sắp nói. Quả nhiên trong lúc pha sữa cho tôi, mẹ lại bắt đầu bài ca.

Tất cả những gì cần nói mẹ đã nói hết, có điều mẹ nói đi nói lại đến ba bốn lần, nói đến lúc không thể nghĩ ra cái gì để nói, lại nhắc chuyện ngày xưa của mấy anh em chúng tôi, từ khi tôi ra đời cho đến lúc Mai Mai, An An lớn lên. Mẹ nói một mạch đến mười một giờ.

A Thụ đã trở về trường. Mẹ cũng giục Mai Mai về nhà. Mẹ nhất định đòi ở lại bệnh viện chăm sóc tôi. Mẹ bảo: "Dương Dương đang ốm, cần có người ở bên". Bất chấp sự phản đối của tôi, mẹ kiên quyết ở lại.

Bệnh viện về đêm rất yên tĩnh, giọng mẹ lên bổng xuống trầm, ngọn đèn đầu giường hắt ánh sáng màu vàng nhạt lên mặt mẹ, nhìn thật thân thiết. Nghe mẹ nói về sự bướng bỉnh của mình thời nhỏ, chốc chốc tôi lại cười, có lúc chảy cả nước mắt. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ chăm chú nghe từng lời mẹ nói như vậy. Mẹ nói, dù lẩm cẩm nhưng chan chứa yêu thương.

Bây giờ xa nhà, tìm được một người phàn nàn, ca cẩm về mình thực không dễ. Phàn nàn chứng tỏ quan tâm nhiều. Mẹ không nói: "Mẹ yêu con". Tôi cũng không nói: "Con nhớ mẹ". Trong lúc này nói yêu là thừa, là khách sáo. Yêu, không lời; kính, để trong lòng.

Mặt mẹ không tốt, bình thường mẹ không đeo kính, chỉ lúc khâu vá mới đeo cái kính kiểu cũ.

Bây giờ mẹ lại đeo cái kính cũ ấy pha sữa cho tôi dưới ánh đèn, miệng vẫn nói liên hồi: "Thấy bảo là bú sữa mẹ thì thông minh, con từ nhỏ chỉ dùng sữa bò mà cũng đỗ đại học!". Nói đến đây mẹ có vẻ đắc ý lắm; có lẽ bà cho rằng con mình đỗ đại học rồi thì rất có tương lai. Tôi nhìn vẻ thoả mãn của mẹ, hối hận đã không cố gắng hơn để mẹ được tự hào về tôi. "Có biết vì sao sau này con không uống sữa bò nữa không? Lúc con ba tuổi, chẳng biết nghe ai bỗng một hôm quẳng bình sữa đi, nói như người lớn: "Mẹ, từ nay con không uống sữa bò nữa". Quả nhiên sau đó con không uống, dỗ thế nào cũng không được, không biết tại sao hồi nhỏ con lại ương như thế chứ!".

Mẹ vừa nói vừa lấy thìa quấy sữa, làn hơi bốc lên thoảng qua mặt mẹ, tôi thấy mắt mẹ đục hơn. Tôi còn nhớ trước đây mắt mẹ rất sáng, bất kể tôi làm gì mẹ cũng biết. Lúc nhỏ tôi rất sợ đôi mắt to, nghiêm khắc của mẹ. Khi ấy tôi chẳng thể tưởng tượng sẽ có lúc mắt mẹ lại đục mờ như vậy. Mẹ già thật rồi!

"Mẹ không mệt sao?". Tôi ngắt lời mẹ, hỏi.

"Mệt? Có gì mà mệt? Không mệt tý nào! Ngày xưa phục vụ mấy anh em nhà anh còn chịu được, một tý thế này có thấm vào đâu, nhớ ngày xưa cơm không dủ ăn…". Sau đó mẹ có thể nói nửa ngày trời về chuyện "ngày xưa".

"Mẹ, bố có khoẻ không?". Tôi lại ngắt lời.

"Ôi dào, đừng nhắc đến ông lão lẩm cẩm ấy, suốt ngày nốc rượu, đã biết huyết áp thấp, vậy mà cứ tối ngày rượu chè, để xem bao giờ ông ấy bỏ được rượu! Say khướt lại về nhà gây phàn nàn về bố. Tôi bịt tai, nghĩ sao trên đời lại có người phụ nữ lắm lời đáng yêu như mẹ.

Mẹ thổi sữa cho nguội bớt rồi đưa cho tôi, bảo cẩn thận kẻo nóng. Tôi không nói không rằng ngửa cổ uống hết cốc sữa. Ngọt, sánh, thơm…hoà quyện cả tình mẹ.

"Mẹ, sau này có tiền, con sẽ xây cho mẹ cái nha thật to!". Đây là lời hứa đầu tiên của tôi với mẹ. Rõ ràng mẹ rất phấn khởi nhưng vẫn nói: "Xây nhà làm gì, chỉ cần anh kiếm được tiền đủ nuôi vợ con là tốt rồi. Mẹ không định lấy một đồng của anh, chỉ cần Tết đến anh về ăn bữa bánh do mẹ làm là mẹ vui lắm rồi". Mẹ nói vậy nhưng rõ ràng bà rất vui, cuối cùng bà đã được nghe những lời hiếu nghĩa của đứa con trai.

"Mặc dù mới chỉ hứa, nhưng mẹ vẫn tin con là đứa có hiếu, ngoan, học được, không hút thuốc, không rượu, khá hơn ông lão nhiều".

Mẹ nói một hồi, bỗng nhớ ra điều gì, liền hỏi tôi, vẻ bí mật: "Con đã có bạn gái chưa?".

Tôi cười, nói: "Mẹ lo hão gì thế?".

Nhưng mẹ không chịu, thấy tôi lảng, mẹ giống như trẻ con nhằng nhẵng hỏi bằng được.

Tôi nói chưa có. Mà chưa có thật. Chỉ có điều khi nói như vậy, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh của Hồ Khả.

"Thật chứ, con không dối mẹ chứ?’.

"Thật, chưa có thật".

Mẹ có vẻ vẫn chưa tin, chăm chú nhìn vào mặt tôi, tôi mạnh dạn nhìn lại. Tôi chưa có thật, việc gì phải giấu, mẹ ngẫm nghĩ một lát, rồi nhìn tôi mỉm cười, có lẽ bà đã tin.

Nếu mẹ biết tôi có bạn gái, chắc chắn sẽ lại giáo huấn, nào là bây giờ hãy còn sớm, phải tập trung học hành, sau này công thành danh toại tìm đâu chẳng được vợ, vân vân và vân vân. Nhưng thấy tôi chưa có bạn gái mẹ cũng không vui: "Sao con gái Trùng Khánh làm cao thế, con tôi có gì không tốt? Sao lại coi thường người ta thế! Dương Dương, đừng sốt ruột, con đâu có kém ai!".

Tôi cười sự đáng yêu của mẹ, tôi bảo không phải họ làm cao mà là con trai mẹ làm cao. Im lặng một lát, tôi nói tiếp: "Bây giờ chưa có nhưng sau chưa biết thế nào.". Trong lòng tôi vang lên cái tên Hồ Khả - cô gái tràn ngập ánh mặt trời nhưng vẫn toát ra hơi lạnh.

Mẹ đã quên chuyện đó, lại bắt đầu bài ca của bà, nghĩ gì nói nấy.

Đêm đó tôi ngủ thiếp trong tiếng phàn nàn của mẹ, thật lạ là tôi ngủ rất say. Mẹ tốt quá, tuy nói hơi nhiều. Những lời phàn nàn của mẹ làm tiêu tan nỗi nhớ nhà bấy lâu của tôi.

Tôi nghĩ mình đã là chàng thanh niên hai mươi hai tuổi, có sự nghiệp và suy nghĩ riêng. Nhưng trước mặt mẹ, tôi vẫn chỉ là đứa trẻ.