Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 1: Mở đầu




Những chữ viết tắt.

Trong Anh Linh Thần Võ Tộc Việt những từ viết tắt sau:

AHBC

Anh-hùng Bắc-cương

AHLN

Anh-hùng Lĩnh-Nam

AHĐA-DCBM

Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông

AHTS

Anh-hùng Tiêu-sơn

ALTVTV

Anh linh thần võ tộc Việt

ANCL

An Nam chí lược

CEP

Coopérative Européenne Pharmaçeutique

(Liên hiệp các viện bào chế châu Âu)

CKDH

Cẩm khê di hận

CMFC

Commité Médical Franco-Chinois (Ủy ban trao đổi y học Pháp-Hoa)

DTLSVH

Di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng

IFA

Institut Franco-Asiatique (Viện Pháp-Á)

KĐVSTGCM

Khâm định Việt-sử thông giám cương mục

ĐNLTCB

Đại Nam liệt truyện chính biên

ĐNLTTB

Đại Nam liệt truyện tiền biên

ĐNNTC

Đại Nam nhất thống chí

ĐNTLCB

Đại Nam thực lục chính biên

ĐNTLTB

Đại Nam thực lục tiền biên

ĐVSKTT

Đại Việt sử ký toàn thư

MCMS

Mông-cổ mật sử

NS

Nguyên-sử

TS

Tống-sử

TTDS

Thuận Thiên di sử

Thay lời tựa

Thư viết cho tuổi trẻ Việt-Nam,

Đây là những dòng tác giả viết cho tuổi trẻ Việt, dù ở trong nước hay ở ngoài lãnh thổ Việt-Nam.

Xin các vị cao minh bỏ qua, chẳng nên bận tâm.

Các bạn trẻ thân,

Tôi ngồi viết những dòng tâm huyết này gửi đến các bạn, nhân Thư-viện Việt-Nam tại Hoa-kỳ tái bản lần thứ nhất bộ Anh-linh thần võ tộc Việt.

Tôi khởi thảo thuật công cuộc dựng nước và giữ nước của tổ tiên ta vào tuổi 29 (1968). Tính đến nay trải 33 năm. Ba mươi ba năm so với lịch sử thì không dài, nhưng so với đời người, quả đã chiếm một khoảng quá quan trọng. Suốt thời gian đó, gần như tôi vượt qua tất cả những dịp may được hưởng thụ, để hoàn thành kỳ vọng của tiền nhân, để đạt được ước nguyện.

Ước nguyện của tôi là thuật công cuộc dựng nước, giữ nước vĩ đại của tổ tiên ta trong năm nghìn năm lịch sử. Khởi thảo, tôi đã cùng phụ thân luận bàn đến gần một năm, để định rõ đoạn nào nên thuật, đoạn nào không nên thuật. Nhất, là sao trong bốn mươi năm, tôi có thể thực hiện trọn vẹn. Sau khi đẵn đo, tôi chia lịch sử làm 5 thời kỳ cần phải thực hiện:

1. Thời kỳ Lĩnh-Nam, thuật công nghiệp của vua Trưng cùng 162 tướng khởi nghĩa vào đầu thế kỷ thứ nhất. Đây là cuộc khởi nghĩa thành công, chỉ đạo bởi một những nữ anh hùng, mà trên thế gian chưa một phụ nữ nước nào có thể so sánh. Ba bộ sách thuật thời kỳ này mang tên Anh-hùng Lĩnh-Nam 4 quyển, Động-đình hồ ngoại sử 3 quyển, Cẩm-khê di hận 4 quyển, tổng cộng 11 quyển, 3510 trang. ...

Chắc có bạn hỏi tôi rằng tại sao trước vua Trưng, tộc Việt từng có những thời rực hào quang như Phù-đổng Thiên-vương đánh giặc Ân. Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung thời vua An-Dương phá quân Tần; mà không thuật? Xin thưa, những huân nghiệp đó đến thời vua Trưng đã trở thành chủ đạo của người Việt, nên được nhắc đến trong suốt 3510 trang.

2. Thời kỳ Tiêu-sơn, tiền nhân không khuyến khích tôi viết về thời kỳ Tiêu-sơn, vì viết về thời này thì phải thuật chiến công vượt biên Bắc phạt của Linh-nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan) và Thái-úy Lý Thường-Kiệt. Nguyên do các người đều là nhà nho. Mà nhà nho thì cực kỳ ghét việc các bà Thái-hậu cũng như hoạn quan nắm quyền. Trong lịch sử Hoa-Việt, có không biết bao nhiêu các bà Thái-hậu nhân ấu quân lên ngôi, ngồi phụ chính, rồi chuyên quyền, dâm đãng, gây cho nước loạn. Còn bọn hoạn quan, nhờ vào vị thế tôi đòi hầu hạ vua, chúa cùng cac bà trong hậu cung mà nắm quyền, gây ra không biết bao nhiêu việc loạn ly, phá hoại kỷ cương đất nước. Nhưng ngày nay những bà Thái-hậu ngu dốt, những hoạn quan không còn nữa. Vì vậy tôi quyết định viết về thời kỳ Tiêu-sơn, thuật giai đoạn triều Lý dùng đức từ bi hỷ xả của Phật-giáo để trị nước, tạo hạnh phúc cho dân, cùng chiến công phía Bắc đánh Tống, phía Nam mở rộng bờ cõi.

3. Thời kỳ Đông-a, tức thời Trần. Vì trong chữ Nho, chữ Đông với chữ A thành chữ Trần, nên sử gọi triều Trần là triều Đông-a. Nội dung thuật ba cuộc thắng Mông-cổ của quân dân đời Trần. Như các bạn biết, quân Mông-cổ thắng từ Á sang Âu, đặt nền cai trị mấy trăm năm. Họ chỉ bại duy nhất tại Nhật-bản và Việt-Nam. Họ bại tại Nhật-bản thì dễ hiểu, vì Mông-cổ là quân Kỵ. Họ bỏ ngựa đánh thủy chiến, thì cái bại đã thấy trước. Nhưng tại Việt-Nam tại sao họ bại?

4. Thời kỳ Lam-sơn, thuật cuộc khởi nghĩa đánh đuổi ngoại xâm, tái lập tự trị, do một nông dân là Lê Lợi chỉ đạo. (1418-1428)

5. Thời kỳ Tây-sơn, lại được chỉ đạo bởi những anh hùng áo vải, tái thống nhất đất nước, rồi chỉ một trận quét sạch 20 vạn quân Thanh và một trăm vạn dân phu.

Khi tôi viết những dòng này, tôi đã hoàn thành tất cả 9 bộ, 35 quyển, khoảng 13.000 trang. Năm nay (2001), tôi đã bước vào tuổi 62 rồi, tuy nhiên sức khỏe còn tốt, tinh thần vẫn minh mẫn để thuật tiếp ba bộ nữa. Một là bộ Anh-hùng Đông-a gươm thiêng Hàm-tử, nói về chiến thắng Mông-cổ lần thứ nhì và ba. Hai là bộ Anh-hùng Lam-sơn. Ba là bộ Anh-hùng Tây-sơn. Tổng cộng, tôi còn nợ Tổ-tiên, nợ Dân-tộc, nợ các bạn khoảng 7.500 trang nữa. Tôi tin rằng tôi sẽ trả xong nợ trước khi gối mỏi, trước khi linh mẫn ra đi.

Về thời kỳ Tiêu-sơn chia làm năm giai đoạn.

Giai đoạn một, thuật lại công cuộc dựng nước của các tăng ni. Bằng cách nào, các vị tăng hồi đó đã dạy dỗ, giúp đỡ một thiếu niên cùng khổ trở thành đại tướng, rồi thành một hoàng đế nhân từ bậc nhất lịch sử. Giai đoạn này mang tên Anh-hùng Tiêu-sơn dài 1120 trang, 3 quyển. Tiêu-sơn là tên ngôi chùa, cũng là tên của một ngọn núi, theo khoa phong thủy thì nhờ ngôi mộ họ Lý kết phát trên núi Tiêu-sơn mà Lý Công-Uẩn trở thành hoàng đế, lập ra triều đình họ Lý làm vua 215 năm (1010-1225). Trong thời gian này, con trai thứ của vua Lỳ Thái-tổ là Lý Long-Bồ tước phong Khai-Quốc vương, cùng 9 người bạn kết thành Thuận-Thiên thập hùng; lập chí chiếm lại lãnh thổ Đại-Việt bị Trung-quốc cướp sau khi đánh bại vua Trưng.

Giai đoạn hai, vào thời vua Lý Thái-tổ trị vì. Đất nước thái bình, dân chúng sống yên vui. Nhưng khi vua Lý Thái-tổ lên ngôi, với sự cố vấn của các tăng ni, với đức từ bi khi còn ở chùa, ngài ban chỉ ản xá cho tất cả các tội đồ trong nước. Trong đám đó, có một tôn giáo, mà thời đó gọi là Hồng-thiết. Tôn giáo này du nhập từ phương Tây Trung-quốc, rồi vào đất Việt, giáo chúng rất đông. Nhân được án xá, giáo đồ Hồng-thiết quy tụ nhau mưu dâng nước cho Tống, rồi gây loạn. Nhưng cuối cùng bị Thuận-Thiên thập hùng dùng chủ đạo của tộc Việt đánh bại. Giai đoạn này mang tên Thuận-Thiên di sử, 1080 trang, 3 quyển. Thuận-Thiên là niên hiệu của vua Lý Thái-tổ.

Giai đoạn ba, thuật lại tổ chức, sinh hoạt của 207 bộ tộc ít người nằm giữa Trung-quốc và Đại-Việt. Bằng cách nào họ luôn là hàng vào bảo vệ Đại-Việt, và họ đã chống lại cuộc xâm lăng tầm ăn đâu của triều Tống. Đây là vùng còn mang di tích sống theo chế độ Lạc-hầu, Lạc-tướng của thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng. Trên cao nhất có một vua Bà, do các động trưởng, châu trưởng bầu. Vua chỉ có tính cách tượng trưng của tôn giáo thờ các anh hùng dân tộc, đã được huyền thoại thành các vị thần. Còn thực quyền vẫn do các châu, động trưởng theo chế độ cha truyền con nối hoặc bầu cử. Các bộ tộc này, ngày nay vẫn còn tồn tại ở phía Nam Quảng-Tây, Vân-Nam và phía Bắc Việt-Nam. Trong những năm 1977-1992, nhờ công tác cho Ủy-ban trao đổi y học Pháp-hoa (Commité Médical Franco-Chinois, viết tắt là CMFC), tôi đã lặn lội hầu hết những vùng này, và tìm ra biên giới thời Lý lên phía Bắc của biên giới ngày nay chỗ thì 45 cây số. Có chỗ lên tới 143 cây số. Bộ này mang tên Anh-hùng Bắc-cương, 1556 trang, 4 quyển.

Bộ Anh-linh thần võ tộc Việt mà các bạn đang cầm trên tay, 1708 trang, gồm 4 quyển, thuộc giai đoạn bốn của thời kỳ Tiêu-sơn. Bộ này nối tiếp bộ Anh-hùng Bắc-cương. Đây là thời kỳ cực thịnh của triều đại Tiêu-sơn. Nội dung thuật bốn biến cố quan trọng: Một là cuộc đi sứ Trung-quốc của phái đoàn Việt, rồi đưa đến Lý-Tống kết thân, Hoa-Việt trải qua một thời gian dài thịnh trị. Hai là sau khi vua Lý Thái-tổ băng hà thì chư vương nổi loạn, rồi bị Thuận-Thiên thập hùng và Anh-hùng Bắc-cương đánh bại. Cuối cùng cuộc thống nhất 8 vùng tộc Việt: Đại-Việt, Đại-lý, Lão-qua (Lào), Xiêm-la, Chiêm-thành, Chân-lạp, Bắc-cương, và Nam-Việt (Lưỡng-Quảng)... thành công. Ba là Tống bỏ thỏa ước kết thân Tống-Lý, sai các biên thần Nam-phương khích Chiêm, Lào đánh vào sau lưng Đại-Việt, Bắc họ chuẩn bị đánh xuống. Đại-Việt ra tay trước, đầu tiên phá Chiêm, rồi quay lên đánh chiếm lại lãnh thổ xưa. Bốn là, quân Việt do Nùng Trí Cao thống lĩnh đánh chiếm lại được cố thổ thời Lĩnh-Nam nay thuộc Quảng-Đông, Quảng-Tây, Vân-Nam, Quý-châu, Hồ-Nam Trung-quốc lập ra nước Đại-Nam.

Các bạn trẻ thân mến,

Tôi sống ở Pháp, một nước thuộc Cộng-đồng châu Âu (CĐCA). Đọc sử các nước của CĐCA, tôi thấy trong quá khứ họ cũng chém giết nhau khủng khiếp như Việt-Nam với Trung-quốc, như Việt-Nam với Cambodge, Lào-quốc, Thái-quốc; thế mà họ bỏ qua tất cả, để kiến tạo một Cộng-đồng khiến cho dân chúng hạnh phúc. Từ đó tôi nhìn về cố quốc và tôi nảy ra ước vọng: Biết đâu một ngày nào đó, các nước trong ASEAN không trở thành một Cộng-đồng Nam-á châu?

Riêng đối với Trung-quốc, tôi dám tự hào là một trong những người Việt từng đi khắp lãnh thổ rộng lớn này, kể cả Nội-Mông, Thanh-hải, Tân-cương, Tây-tạng, dĩ chí Mông-cổ, Nam-Bắc Hàn. Suốt 25 năm qua, khi thì tôi công tác cho Institut Franco-Asiatique (IFA) (Viện Pháp-á), khi thì tôi đi cho CMFC, khi thì tôi đi cho Coopérative Europénne Pharmaçeutique (CEP) ( Liên hiệp các viện bào chế dược phẩm châu Âu). Nhờ phương tiện tài chánh rộng rãi, nhờ hiểu biết tình hình Trung-quốc từ trung ương đến địa phương... tôi thành công trong mọi nhiệm vụ. Có thể nói, tôi từng tiếp xúc, mạn đàm, đối ẩm với hầu hết những người cao cấp nhất của Trung-quốc (1977-2001), tôi thấy rất ít người có tư tưởng bành trướng như người ta chụp mũ. Trung-quốc không phải là một thế giới huyền bí. Chỉ cần đọc thực kỹ Tứ-thư, Ngũ-kinh, Nhị thập tứ sử (24 bộ chính sử), cùng theo dõi những biến cố gần đây, rồi suy nghĩ như người Hoa, thì lập tức có cái chìa khóa mở được mọi cánh cửa Trung-quốc.

Khi biết tôi là người Pháp gốc Việt, một vị (bậc nhì trong quyền lực Trung-quốc 1990) hỏi tôi rằng:

" Nếu anh cầm quyền ở Việt-Nam, thì anh sẽ đối xử với Trung-quốc như thế nào?"

Tôi trả lời:

" Giống như anh và tôi hiện thời. Chúng ta ngồi ngoài vườn mà hoa đào, hoa mận đang nở. Chúng ta uống rượu Ngũ-gia bì, Thiệu-hưng và ăn xoài nhập cảng từ Lái-thiêu. Khi đàm đạo, chúng ta luôn nhắc tới những danh ngôn của Khổng, của Mạnh. Hơn nữa bà mẹ anh, tôi không thấy khác bà mẹ tôi làm bao. Cung cách của các con anh đối với anh không khác cung cách các con tôi đối với tôi. Nhất là gương mặt anh với tôi càng giống nhau. Chúng ta kính yêu nhau, tin tưởng nhau, thông cảm nhau. Tôi nghĩ là nếu tất cả người Hoa, người Việt có dịp gặp nhau, họ cũng sẽ đối xử với nhau như anh và tôi."

Tôi nhấn mạnh:

"Khổng-tử nói: Ta hồ binh đao chi sự, thánh nhân bất đắc dĩ dụng chi. Trung-quốc coi Việt-Nam như anh em, thì Trung-quốc có người bạn tốt ở Nam-thùy. Còn như Trung-quốc cứ gây hấn, thì Trung-quốc có một kẻ thù ở sau lưng".

Các bạn trẻ thân,

Những gì mà người bạn Trung-quốc với tôi đàm đạo không có tính chất ý tại ngôn ngoại. Câu nói trên đây của tôi, tôi xin lấy bộ Anh-linh thần võ tộc Việt để dẫn chứng.

Thân chào các bạn.

Paris ngày 15 tháng 4 năm 2001.

Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ.