Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 1: Mở đầu




Lịch-sử tiểu thuyết

Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ

3 quyển - 30 hồi -1120 trang

ANH HÙNG TIÊU SƠN

Lịch sử tiểu thuyết

Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ

Chú thích của Thư Viện

Hướng dẫn độc giả đọc các tác phẩm của Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ

Các bộ lịch sử tiểu thuyết của Yên-tử cư sĩ được chia ra làm năm thời đại:

1. Thời đại Lĩnh-Nam (39-43 sau Tây-lịch)

Thuật cuộc khởi nghĩa của vua Trưng cùng 162 anh hùng, lập thành triều đại Lĩnh-Nam. Thời đại này chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn 1. Anh-hùng Lĩnh-Nam

- Về phương diện sử

Hình thành tinh thần, tức chủ đạo của người Việt sau một thời gian dài bị Bắc thuộc, hai bà Trưng cùng các anh hùng chuẩn bị cuộc khởi nghĩa, 4 quyển, mang tên Anh-hùng Lĩnh-Nam. Gồm 40 hồi, mỗi quyển 10 hồi. Ôn lại tích xưa: Thuật lại sự tích thánh Gióng. Cuộc chiến giữa vua An-Dương và Triệu Đà, tích nẫy nỏ thần. Sự tích thánh Tản, thánh Chèm

- Về phương diện văn hoá

Cách làm ám cá, luộc gà. Sự nghiệp âm nhạc của Trương Chi. Cách chữa bệnh suyễn, cảm, cúm bằng dược học.

Giai đoạn 2. Động-đình hồ ngoại sử

- Về phương diện sử

Nối tiếp giai đoạn 1, Anh-hùng Lĩnh-Nam có hai khuynh hướng. Một khuynh hướng chủ chiến, muốn khởi nghĩa quét giặc Hán khỏi đất nước gồm hai bà Trưng và ông Đặng Thi Sách. Một khuynh hương muốn hòa giải, hợp tác với Hán, gồm Trần Tự Sơn, Đào Kỳ, Hoàng Thiều Hoa, giúp Hán đánh Thục, rồi xin được trả độc lập. Khuynh hướng chủ hòa thắng thế. Anh-hùng Lĩnh-Nam kéo quân giúp Hán diệt Thục. Thục sắp bị diệt thì Hán trở mặt bắt giam thủ lĩnh người Việt. Anh-hùng Lĩnh-Nam bèn hợp tác với Thục, đánh chiếm Trung-quốc, chia ba thiên hạ thành thế chân vạc Hán, Thục, Lĩnh-Nam. Lãnh thổ Lĩnh-Nam Bắc tới hồ Động-đình. Giai đoạn này gồm 3 quyển, 30 hồi từ hồi 41 tới hồi 70, mang tên Động-đình hồ ngoại sử.

- Về phương diện văn hoá

Nghệ thuật làm chả cá, nghệ thuật làm thuốc Lào.

Giai đoạn 3. Cẩm-khê di hận

- Về phương diện sử

Anh-hùng Lĩnh-Nam khởi nghĩa thành công, tôn Trưng Trắc lên làm vua. Vua Trưng cùng chư vị anh hùng kiến tạo thành triều đại Lĩnh-Nam. Triều đình Đông Hán Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí thống lĩnh 14 đại tướng, đem quân nghiêng nước quyết diệt Lĩnh-Nam. Cuộc ra quân từ tháng 7 năm 39 sau Tây-lịch. Cuộc kháng chiến vĩ đại kéo dài đến tháng 2 năm 43. Tổng cộng 43 tháng. Cuối cùng vì dân Lĩnh-Nam ít, bị Hán dùng số đông đè bẹp, vua Trưng bị nội phản, tuẫn quốc tại Cẩm-khê. Giai đoạn này gồm 4 quyển, 40 hồi từ hồi 61 tới hồi 100, mang tên Cẩm-khê di hận.

- Về phương diện văn hoá

Rất phong phú: người Việt có văn tự là chữ Khoa-đẩu. Biết đúc trống đồng. Biết làm lịch không khác với lịch hiện đại (2001) làm bao. Triều đình soạn luật, soạn các sách sử.

Lời khuyên của viện Pháp-Á:

Quý độc giả nên đọc theo thứ tự:

Anh-hùng Lĩnh-Nam, Động-đình hồ ngoại sử, Cẩm-khê di hận. Có như vậy mới thấu hiểu hết chi tiết về thời đại này.

2.Thời đại Tiêu-sơn (1010-1225)

Thuật giai đoạn thịnh trị bậc nhất của tộc Việt. Tiêu-sơn là tên ngọn núi nhỏ, nơi kết phát ngôi mộ của tổ tiên họ Lý, do đó Lý Công-Uẩn được lên ngôi vua. Tiêu-sơn cũng là tên ngôi chùa mà thủa thơ ấu, vua Lý Thái-tổ đã tu học. Vì vậy cổ văn học còn gọi thời gian triều Lý cai trị là thời đại Tiêu-sơn. Thời đại Tiêu-sơn là thời đại thịnh trị của tộc Việt: Nam bình Chiêm mở mang bờ cõi. Bắc đánh Tống.

Thời đại này chia làm 5 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1. Anh hùng Tiêu-sơn

- Về phương diện sử

Thuật, bằng cách nào mà các Thiền-sư đã giáo huấn, rồi đưa một đệ tử tên Lý Công-Uẩn lên làm vua, tức vua Lý Thái-tổ. Hào kiệt hồi đó làm cách nào để có thể giảng hòa những tranh chấp quyền lực trong nước. Những người này là Anh-hùng Tiêu-sơn. Mặc dù phía Bắc, Tống luôn tìm cách tạo ra nhửng mâu thuẫn trong nội bộ Đại-Việt. Giai đoạn này gồm 3 quyển, 30 hồi, từ hồi 1 đến hồi 30, mang tên Anh-hùng Tiêu-sơn. Anh-hùng Tiêu-sơn thiết lập kế hoạch đòi lại lãnh thổ tộc Việt cũ lên tới hồ Động-đình. Quân Việt vượt biên đánh Tống lần thứ nhất, nhưng có tính cách cục bộ. Đánh Chiêm lần thứ nhất (1020). Mượn lời các nhân vật, tác giả thuật lại cuộc khởi binh của bà Triệu, của Bố-cái đại vương.

- Về phương diện văn hoá

Lịch sử Thiền-tông Đại-Việt. Biện biệt sự khác nhau của Thiền-Hoa, ThiềnViệt. Thuật xuất hồn. Hành trạng các Thiền-sư đắc pháp thành Bồ-tát yêu nước chủ trương đem đạo pháp giúp dân tộc như La Quý-An, Vô-Ngại, Bố-Đại, Sùng-Phạm, Vạn-Hạnh, Minh-Không. Giải thích về Sấm ký. Giải thích thuật đoán giải mộng. Phương cách tế thời Lý. Thập đại danh hoa, thập đại danh hồng. Thuật nấu bún riêu. Phương thuốc kịch độc dùng luyện Chu-sa ngũ độc chưởng.

Giai đoạn 2. Thuận-thiên di sử.

- Về phương diện sử

Nối tiếp giai đoạn 1. Lý Công-Uẩn lên làm vua lấy hiệu là Thuận-thiên. Thuận-thiên hoàng đế (sau khi băng được tôn là Thái-tổ, sử gọi là vua Lý Thái-tổ). Bộ thứ nhì của thời đại Tiêu-sơn này mang tên Thuận-thiên di sử, gồm 3 quyển, 30 hồi, từ hồi thứ 31 đến hồi thứ 60. Các Anh-hùng Tiêu-sơn giúp Thuận-thiên hoàng đế chống với cuộc chiến tranh lạnh của Tống, tiêu diệt một tôn giáo ngoại nhập, đã gây ra những cuộc chém giết khủng khiếp, nhất là mưu dâng nước cho Tống. Quân Việt vượt biên đánh Tống lần thứ nhì. Anh-hùng Tiêu-sơn liên kết với những nước thuộc tộc Việt cũ: Xiêm, Đại-lý, Lưỡng-quảng... trong mưu đồ đòi lại cố thổ.

- Về phương diện văn hoá

Ý nghĩa thập đại phong lan. Phong thủy Thăng-long. Cách làm chả cá. Giải thích Thập mục ngưu đồ trong Thiền-tông. Lịch sử Sex, Nga-sơn khoái lạc. Dùng phụ nữ trẻ làm Cây-thuốc để trường thọ. Hành trạng Đào Hà-Thanh, tổ sư Hát-nói hay Ca-trù hay hát Ả-đào.

Giai đoạn 3. Anh hùng Bắc-cương

- Về phương diện sử

Nối tiếp giai đoạn 2, gồm 4 quyển, 40 hồi từ hồi thứ 61 đến hồi thứ 100, mang tên Anh-hùng Bắc-cương. Bắt đầu đi vào giai đoạn hùng tráng. Nguyên giữa biên giới Hoa-Việt có 207 bộ tộc ít người, gồm các giống Thái, Nùng, Mèo, Lô-lô v.v. đó là di tích của chế độ Lạc-hầu, Lạc-tướng thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng còn sót lại, sử gọi họ là Anh-hùng Bắc-cương. Vì theo chế độ cha truyền con nối, nên các động trưởng, trang trưởng có nhiều quyền hành. Các trang động này như hàng rào bảo vệ Đại-Việt. Khi quân Trung-quốc muốn đánh Đại-Việt, thì phải chiếm được các trang động này trước. Khi chiếm được các trang động này, thì dễ dàng chiếm vùng đồng bằng, đe dọa thủ đô Thăng-long. Vì triều Tống, khi thì đe dọa, khi thì lôi kéo, đem chức tước ra dụ dỗ các động trưởng, châu trưởng về với họ. Nhưng các trang động này cùng Anh-hùng Tiêu-sơn liên kết, lúc nào cũng trung thành với Đại-Việt. Cuộc chiến tranh lạnh diễn ra như thế nào?

- Về phương diện văn hoá

Phương pháp nấu rượu cúc, rượu tăm, rượu tắc kè.

Giai đoạn 4. Anh linh thần võ tộc Việt

- Về phương diện sử

Nối tiếp giai đoạn 3, gồm 4 quyển, 40 hồi từ hồi 101 đến hồi 140, mang tên Anh-linh thần võ tộc Việt. Đây là giai đoạn hùng tráng của tộc Việt. Tám vùng tộc Việt liên kết nhau đánh Tống lần thứ 3, giúp Nùng Trí Cao khởi binh, chiếm lại vùng Lưỡng-Quảng, lên tới Trường-sa, hồ Động-đình. Nùng Trí Cao xưng là Nhân-huệ hoàng đế, lập ra nước Đai-Nam.

- Về phương diện văn hoá

Tổ chức binh bị hồi đó khiến Tống phải học theo. Y học tiến tới chỗ cực thịnh.

Lời khuyên của viện Pháp-Á :

Quý độc giả nên đọc theo thứ tự từ hồi thứ 1 đến hồi thứ 140, tức đọc Anh-hùng Tiêu-sơn rồi tới Thuận-thiên di sử, Anh-hùng Bắc-cương. Cuối cùng là Anh-linh thần võ tộc Việt.

Giai đoạn 5: Nam-quốc sơn hà

- Về phương diện sử

Đây là giai đoạn cực kỳ hùng tráng của tộc Việt. Bấy giờ vua Tống Thần-tông dùng những cải cách về thuế khóa, canh nông, binh bị của Vương An-Thạch. Trung-quốc trở thành giầu có súc tích. Vua Tống chuẩn bị đem quân đánh chiếm Đại-Việt, đặt thành quận, huyện. Bên Việt bấy giờ vua Lý Nhân-tông mới 9 tuổi, Linh-Nhân hoàng thái hậu phụ chính. Ngài thấy rằng ngồi yên đợi giặc sao bằng tìm giặc mà đánh. Ngài sai Trung-thành vương Lý Hoằng-Chân, Tín-nghĩa vương Lý Chiêu-Văn, cùng Lý Thường-Kiệt, Tôn Đản đem quân đánh phá các kho tàng của Tống ở Hoa-Nam và chiếm các châu Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch rồi rút về. Tống đem quân nghiênh nước sang trả thù, nhưng bị quân Việt đánh bại. Bộ này mang tên Nam-quốc sơn hà, dài 50 hồi, 5 quyển, 2260 trang. Bộ này có thể đọc độc lập, không cần phải đọc trước 4 bộ trên.

- Về phương diện văn hoá

Rất đa dạng.

Trong trận đánh Ung-châu các anh hùng đã biến chế nỏ thần, pháo thăng thiên thành Lôi-tiễn, giống như đại bác ngày nay. Đây là tiền thân của thần công. Sau này người Trung-quốc học được của người Việt, rồi chế thành pháo binh cho Mông-cổ. Mông-cổ đánh châu Âu mang Lôi-tiễn sang, sau này người Đức chế thành hỏa tiễn V1-V2, và ngày nay thành phi đạn, thành phi thuyền.

Cải cách về nông nghiệp, thuế khóa, y học rực rỡ vô cùng.

3. Thời đại Đông-A.

Trong Hán tự, chữ Đông với chữ A ghép lại thành chữ Trần. Vì vậy sử gọi thời gian Trần triều cai trị là thời kỳ Đông-A. Thời đại Đông-a chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1. Anh hùng Đông-A dựng cờ bình Mông

Việc thành lập Triều Trần, đánh Mông-cổ lần thứ nhất, mang tên Anh-hùng Đông-A dựng cờ bình Mông. Gồm 5 quyển, 50 hồi, 2566 trang.

Giai đoạn 2. Anh hùng Đông-A gươm thiêng Hàm-tử

Đánh Mông-cổ lần thứ 2 và 3. Mang tên Anh-hùng Đông-A gươm thiêng Hàm-tử, gồm 5 quyển, khoảng 2500 trang, chưa xuất bản.

Những nguồn tài liệu thời đại Tiêu-sơn

Độc giả đã đọc trên chín trăm trang phần đầu bộ Anh hùng Tiêu-sơn, mang tên Thầy tăng mở nước. Đối với các độc giả cao minh, bài viết dưới đây dường như vô ích. Tuy vậy tôi thấy cần phải viết, để độc giả trẻ tuổi, thời thơ ấu ở ngoài lãnh thổ Việt-nam hiểu rõ hơn những vấn đề trong sách. Ba vấn đề cần phải nói rõ hơn.

- Một là những nguồn tài liệu mà tôi dùng để sưu khảo, lấy làm chính yếu, rồi dựa vào đó, xây dựng tác phẩm.

- Hai là những người âm thầm cộng tác với tôi trong công cuộc biên tập này, dù những người đó không muốn nêu danh ra. Nhưng bổn phận tôi phải trình bầy.

- Ba là phân giải đôi điều với độc giả, chưa có duyên hiểu về những huyền bí trong Phật-giáo.

v Nguồn tài liệu

Trước hãy nói về nguồn tài liệu.

Chia làm hai rõ rệt.

I. Tài liệu Việt-nam.

Tài liệu này gồm ba nguồn. Thứ nhất, do tiền nhân tôi để lại. Hầu hết chép tay, hoặc in mộc bản. Nguồn thứ nhì do người Pháp sưu tầm, cất tại thư viện Paris. Nguồn thứ ba, người Trung-quốc cất giữ tại thư viện Thượng-hải, Bắc-kinh, Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-nam, Quý-châu và Hồ-nam.

Đã có vị, sau khi đọc bộ Anh hùng Lĩnh-Nam, Động-đình hồ ngoại sử, Cẩm-khê di hận phát biểu rằng: Tác giả chẳng có tài cán gì. May nhờ di sản ông cha để lại cho một kho tàng mà thôi . Tuy lời phát biểu của vị này đưa ra trong lúc thiếu bình tĩnh. Nhưng nó lại rất chân thực. Tôi đã trả lời : Đúng thế. Bất cứ ai đầu thai làm cháu của ông tôi, cũng có thể được giáo huấn như tôi. Cũng thụ lĩnh di sản khổng lồ của tiền nhân tôi để lại. Không chừng viết còn hay hơn tôi nhiều. Rất tiếc tài tôi hèn, sức tôi mọn, không xứng đáng với hoài vọng của ộng cha, nên chỉ làm được có thế. Cho nên tôi luôn nhận mình là đứa con bất hiếu ».

Đấy là nói về thời đại Lĩnh-nam. Còn nói về thời đại Tiêu-sơn, tôi cần chỉ rõ :Bất cứ ai đầu thai làm con của thân phụ tôi cũng được bản sư Nam-hải Diệu-Quang, Thích Thanh-Yến, Thích Thanh-Lạp, Thích Chân-Thường phát tâm giảng về Thiền-sử Việt-Hoa kỹ càng. Không chừng ngộ tính cao, tường thuật hay hơn tôi gấp bội.

Vậy những tài liệu nào tôi căn cứ vào đó, viết bộ Anh hùng Tiêu-sơn? Dưới đây tôi xin liệt kê. Những bộ nào tôi kê trước, thì chính yếu hơn các bộ liệt kê sau.

1. Trước hết bộ Khâm-định Việt sử thông giám cương mục,do cụ Phan Thanh-Giản làm tổng tài. Nhóm sử thần bắt đầu biên tập niên hiệu Tự-Đức thứ 9 (Bính-thân, 1956). Hoàn thành niên hiệu Kiến-Phúc nguyên niên (Giáp-thân, 1884). Nội dung chia ra:

° Quyển đầu, chép các sắc chỉ, tấu chương, thể lệ , danh tính ban biên tập

° Tiền biên 5 quyển, chép từ Hồng-bàng đến Thập-nhị sứ quân.

° Chính biên, 47 quyển, chép từ Đinh Tiên-Hoàng đến Lê Mẫn-đế.

Trong đó bút tích ngoại tổ cùng phụ thân phát biểu ý kiến, phê chằng chịt khắp mọi trang. Năm 1973, sợ để trong nhà, có khi bị mất, bị cháy. Tôi tặng cho phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá. Đầu quyển nhất, tôi dành ra mười lắm trang đánh máy, chỉ rõ cho độc giả biềt nguồn gốc bản này của gia đình tôi được lưu truyền như thế nào. Sau đó mỗi khi cần dùng, tôi lại tới mượn về sưu khảo. Từ năm 1975, tôi dùng bản của thư viện Paris. Trong bản này không thấy có những bút phê bên cạnh.

2. Bộ thứ nhì là Đại-Việt sử ký. Hàn lâm viện học sĩ, kiêm Quốc-sử viện giám tu, Bảng-nhãn đại khoa niên hiệu Thiên-ứng chính bình thứ 16 đời vua Trần Thái-tông (Đinh-mùi, 1247) Lê Văn-Hưu soạn, chép từ Triệu Đà đến Lý Chiêu-Hoàng. Bộ này hoàn tất vào tháng 6 niên hiệu Thiệu-long nguyên niên (Nhâm-thân, 1272), đời vua Trần Nhân-tông.

Niên hiệu Diên-ninh thứ nhì đời Lê Nhân-tông (Ất-hợi, 1455). Vua sai Quốc-sử bác-sĩ Phan Phu-Tiên chép sử. Phan Phu-Tiên chép nối tiếp bộ Đại-Việt sử ký của Lê Văn-Hưu, tức từ niên hiệu Kiến-trung nguyên niên đời Trần Thái-tông (Ất-dậu 1225) đến khi quân Minh bị đuổi về nước (1428). Vì vậy bộ sau này được mang tên là Đại-Việt sử ký tục biên.

Niên hiệu Hồng-đức thứ mười (Kỷ-hợi, 1479), vua Lê Thánh-tông sai sử thần Ngô Sĩ-Liên biên soạn một bộ chính sử. Ông Ngô Sĩ-Liên tu bổ bộ Đại-Việt sử ký của Lê Văn-Hưu, Đại-Việt sử ký tục biên của Phan Phu-Tiên, rồi chép thêm. Vì vậy bộ sử mới mang tên Đại-Việt sử ký toàn thư, chia làm 15 quyển. Từ Hồng-bàng đến Ngô sứ quân 5 quyển, gọi là Ngoại-kỷ. Từ Đinh Tiên-Hoàng đến Lê Thái-tổ 10 quyển, gọi là Bản-kỷ.

Bản của tiền nhân tôi để lại là bản do triều Tây-sơn in vào tháng chạp năm Canh-thân (đầu 1801).

Xét nội dung hai bộ của Lê, Ngô, tôi thấy:

° Ngô Sĩ-Liên hầu như chép lại bộ Đại-Việt sử ký của Lê Văn-Hưu từ Triệu Đà đến Lý Chiêu-Hoàng.

° Ngô Sĩ-Liên thêm vào bộ của Lê Văn-Hưu hai thiên Hồng-bàng ngoại kỷ và Thục kỷ. Để viết hai thiên này, Ngô đã mượn các truyện thần thoại trong Việt điện u linh tập của Lý Tế-Xuyên và Lĩnh-Nam trích quái của Trần Thế-Pháp.

Bản của tiền nhân tôi có rất nhiều người phê bên cạnh. Phần châu phê, ông tôi bảo đó là của Dực-Tông Anh-hoàng đế (Tự-Đức). Lời châu phê Hồng-bàng thị kỷ như sau « Ngưu quỷ, xà thần. Bất nghi tín dã ». Nghĩa là Ma trâu, đầu rắn, không nên tin.

° Ngô Sĩ-Liên chép tiếp tục từ Lý Chiêu-Hoàng đến Lê Thánh-tông.

Hồi 1962, trong khi tôi đi du học chưa về. Phụ thân tôi trao cho viện Khảo-cổ, rồi cụ phó bảng Nguyễn Sĩ-Giác mượn, để dịch thuật. Khi tôi trở về nước, thì không tìm lại được. Tôi đành cho chụp microfilm bản của thư viện Paris, và dùng bản này. Sau năm 1975, tôi lại dùng bản chính của thư viện Paris.

3. Bộ thứ ba mang tên Việt sử lược, của một tác giả vô danh. Căn cứ vào câu Kim vương Xương-phù nghĩa là đức vua hiện tại Xương-Phù. Tra trong sử, Xương-Phù là niên hiệu vua Trần Đế-Nghiện (Đinh-tỵ, 1377). Bộ này chép trong Tứ-khố toàn thư.

Tiền nhân tôi có bản này, nhưng khuyết mất mấy trang. Từ năm 1965, tôi dùng bản của Cẩm-chướng thư cục, do chính phủ Trung-hoa dân quốc tặng Đại-học văn khoa Sài-gòn. Sau năm 1975, tôi dùng bản của Trung-hoa thư cục Thượng-hải.

4. Bộ thứ tư, tôi dùng đến là bộ Việt-điện u linh và Lĩnh-Nam chích quái. Việt-Điện u linh, Lý Tế-Xuyên thường được coi là tác giả đầu tiên. Lĩnh-Nam chích quái, Trần Thế-Pháp cũng được coi như là tác giả biên tập đầu tiên vào niên hiệu Khai-hựu nguyên niên đời vua Trần Minh-tông (Kỷ-tỵ 1329).

5. Thứ năm, phải kể tới bộ Thiền-uyển tập anh, của một tác giả dấu tên, biên soạn năm Vĩnh-thịnh thứ mười một đời vua Lê Dụ-tông (Ất-mùi, 1715). Bản của tiền nhân tôi để lại là bản in vào thời vua Tự-Đức. Nội dung chép 62 tiểu truyện các thiền sư, cùng ghi lại 67 bài thơ, 98 đoạn thơ của các ngài. Bản của bổn sư Nam-Hải Diệu-Quang là bản chép tay. Tuy có đôi chút khác biệt. Nhưng đại thể vẫn giống nhau.

6. Tài liệu thứ sáu, là các văn bia thời Lý còn lại. Đa số những văn bia này, do học giả Hoàng Xuân-Hãn phát hiện, sao, dịch, chú giải. Tổng số dùng tới có sáu văn bia:

- Bia chùa Báo-ân.

- Bia chùa Sùng-nghiêm diên khánh.

- Bia Thập Sùng-thiện-diên-linh.

- Bia chùa Hương-nghiêm.

- Bia chùa Linh-xứng.

- Bia đền Ngọ-xá.

7. Tài liệu thứ bẩy là những tập Ngọc-phả tại đền thờ anh hùng dân tộc, được chép, gửi về bộ Lễ triều Nguyễn xin phong thần. Tài liệu này, tiền nhân tôi khi làm việc tại Quốc-sử quán triều Nguyễn đã sưu tầm để lại. Thư viện trung ương Paris cũng có một số bản khác nhau. Tôi dùng đến 101 bản Ngọc-phả.

8. Tài liệu thứ tám mà tôi dùng là bộ Yên-tử di sự lục. Gồm ba mươi sáu quyển. Sách chép tay, bản sư Diệu-Quang dùng để dạy tôi từ khi qui y (Ất-dậu, 1945) cho đến ngày tôi phải xa người (Giáp-Ngọ, 19-8-1945). Năm đó, khi nghỉ hè (7-6-1954) tôi lên chùa ở nghe người giảng dậy. Ngày 20 tháng 7 được tin Việt-Nam chia đôi. Ngày 29 tháng bẩy phụ thân cho gọi tôi về để theo gia đình di cư vào Nam. Bổn sư sai các sư cô Diệu-Hoà, Diệu-Đức, Diệu-Tịnh, Diệu-Minh ngày đêm sao cho tôi một bản.

Nội dung bộ sách gồm 36 quyển. Trong đó:

° Quyển 1 : chép tâm-ấn truyền phả. Tức biểu đồ thầy truyền cho trò. Truyền pháp tại Ấn-độ khởi từ đức Thích-Ca Mâu-Ni cho ngài Ma-ha Ca-Diếp, tới ngài Bồ-Đề Đạt-Ma 28 đời. Truyền pháp tại Trung-quốc từ Bồ-Đề Đạt-Ma tới Tăng-Sán 3 đời. Tổ Tăng-Sán truyền cho ngài Tỳ-ni Đa-lưu-chi. Cộng bốn đời. Truyền pháp từ tổ Tỳ-Ni Đa-lưu-chi cho đến ngài Tiêu-Dao tại Đại-Việt trải 18 đời. Từ ngài Tiêu-Dao lập ra phái Yên-tử, truyền đến bản sư gồm 25 đời. tới tôi là đời thứ 26. Từ :

Thích-ca Mâu-Ni 1

Ấn-độ 28

Trung-quốc 3

Tiêu-sơn 18

Yên-tử 25

Cộng chung 75

° Quyển 2 đến quyển 10, chép hành trạng các tổ từ khi ngài Tỳ-Ni Đa-lưu-chi đến Đại-Việt, cho tới Vạn-Hạnh thiền sư (1018). Cộng 45 truyện.

° Quyển 11 đến quyển 20, chép hành trạng các tổ từ sau Vạn-Hạnh cho đến ngài Huyền-Quang. Cộng 54 truyện.

° Quyển 20 tới 36, chép hành trạng các tổ từ sau Tam-tổ tới ngài Nam-Hải Diệu-Quang. Cộng 72 truyện.

Tổng cộng 171 truyện.

Bộ sách do nhiều người chép. Thường sau khi bản sư viên tịch, đệ tử sẽ chép hành trạng lại cho đời sau biết. Vì vậy số tác giả có lẽ tới 30 vị. Khi du học trở về Việt-nam (1966), tôi có ý dịch sang Việt-ngữ. Song vì bận rộn sinh nhai, lần lữa mãi tới năm 1970 vẫn chưa dịch xong phần đầu. Cư-sĩ Chánh-Trí Mai Thọ-Truyền mượn về đọc. Ông trao cho ba chuyên viên phủ Quốc-vụ khanh đặc trách văn hoá dịch. Sau biến cố 1975, tôi không rõ bộ này lưu lạc đâu? Tôi ngờ rằng nó vẫn còn ở Sài-gòn. Tuy vậy, trong thời gian viết Anh-hùng Tiêu-sơn, Anh-hùng Đông-a (1968-1975) tôi đã dùng bộ này để thuật về các Bồ-tát đắc pháp.

II. Tài liệu Trung-quốc.

Tôi dùng rất nhiều. Chỉ đơn cử ra một vài bộ chính.

1. Tống-sử

Do Thừa tướng Thoát-Thoát và A-lỗ-Đồ làm tổng tài. Cùng với bẩy người biên tập. Gồm 496 quyển. Đây là một trong 24 bộ chính sử Trung-quốc. Tiền nhân dùng cổ bản dạy tôi học. Khi rời Bắc vào Nam, tôi không mang theo được. Cho đến nay, tôi cũng không biết bản đó là bản in năm nào? Ai in? In ở đâu?. Từ năm 1965, tôi dùng bản trong Tứ-bộ bị yếu của Trung-hoa dân quốc tặng đại học Văn-khoa Sài-gòn. Sau 1975, tôi dùng bản của Trung-hoa thư cục Thượng-hải. Bộ này in chữ nhỏ, nên số trang chỉ bằng một phần ba số trang cổ bản mà tiền nhân dạy tôi. Tổng cộng có 14.238 trang. Những quyển quan trọng nhất là:

° Quyển 1-2-3, Thái-tổ bản kỷ. Trang 1 - 52.

° Quyển 4-5, Thái-tông bản kỷ. Trang 53 - 120.

° Quyển 6-7-8, Chân-tông bản kỷ. Trang 121 - 174.

° Quyển 9-10-11-12, Nhân-tông bản kỷ. Trang 175 - 252.

° Quyển 13, Anh-tông bản ký. Trang 253 - 262.

° Quyển 14-15-16 , Thần-tông bản kỷ. Trang 263 - 316.

° Quyển 290, Địch Thanh, Quách Quỳ liệt truyện. Trang 9.705 - 9.727.

° Quyển 318, Trương Phương-Bình liệt truyện. Trang 10.353 - 10.371.

° Quyển 320, Dư Tĩnh liệt truyện. Trang 10.397 - 10.413.

° Quyển 324, Phạm Trọng-Yêm liệt truyện. Trang 10.257 - 10.293.

° Quyển 327, Vương An-Thạch liệt truyện. Trang 10.541 - 10.560.

° Quyển 332, Lý Sư-Trung, Lục Sằn, Triệu Tiết liệt truyện. Trang 10.673 - 10.695.

° Quyển 334, Thẩm Khởi, Lưu Di, Hùng Bản, Tiêu Chú, Đào Bật liệt truyện. Trang 10.721 - 10.741.

° Quyển 336, Tư-mã Quang liệt truyện. Trang 10.757 - 10. 779

° Quyển 349, Yên Đạt, Diêu Tự liệt truyện. Trang 11.049 - 11.064

° Quyển 350, Vương Quân-Vạn, Hòa Mân, Lưu Trọng-Võ, Khúc Chẩn liệt truyện. Trang 11.067 - 11.090.

° Quyển 446, Tô Giám liệt truyện. Trang 13.149 - 13.172.

° Quyển 480, Ngô-Việt Tiền-thị thế-gia. Trang 13.897 - 13.917.

° Quyển 481, Nam-hán Lưu-thị thế-gia. Trang 13.919 - 13.951.

° Quyển 485, Ngoại quốc truyện ,Hạ-quốc thượng. Trang 13.991 - 14.006.

° Quyển 486, Ngoại quốc truyện, Hạ-quốc hạ. Trang 14.007 - 14.034.

° Quyển 488, Ngoại quốc truyện, Giao-chỉ, Đại-lý . Trang 14.057 - 14.076.

° Quyển 489, Ngoại quốc truyện, Chiêm-thành, Chân-lạp, Bồ-cam. Trang14.077 -

° Quyển 495, Man-di truyện, Quảng-nguyên châu. Trang 14.214 - 14.220.

2. Tư-trị thông giám cương mục của Tư-mã Quang chép theo lối biên niên. Bộ này gồm 294 quyển. Mục lục 30 quyển, khảo dị 30 quyển. Khởi từ Chiến-quốc, Ngũ-đại, trải 1362 năm. Hồi nhỏ tiền nhân chưa giảng cho tôi bộ này. Hồi 1963, nhân giúp cho người bạn Hòa-lan soạn luận án tiến sĩ văn chương Phương pháp chép sử của người Trung-quốc. Tôi mới để ra hơn tháng nghiên cứu. Bản tôi nghiên cứu của Cẩm-chương thư cục Thượng-hải. Năm 1975 về sau, tôi dùng bản của Trung-hoa thư cục Thượng-hải.

3. Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đào.

Chép theo lối biên niên. Khác với chính sử. Ở chính sử; các sử thần triều đại sau chép triều đại trước, nên có nhiều điểm không đúng sự thực. Lý Đào chép ngay sự kiện đang diễn ra.

Bộ Tục tư trị thông giám trường biên chép từ Tống Thái-tổ lên ngôi vua, cho đến lúc nhà Tống phải dời đô xuống Lâm-an, trải 166 năm (960-1126). Tương đương với bên Đại-Việt, niên hiệu Ngô Xương-Văn (Canh-thân, 960), đến niên hiệu Xương-phù Duệ-vũ thứ bẩy đời Lý Nhân-tông ( Bính-ngọ, 1126). Thời gian này bao gồm tất cả bộ Anh hùng Tiêu-sơn. Tổng cộng có 4.400 sự việc của 9 đời vua Tống. Sách chia làm 520 quyển.

Khi ông tôi qua đời, tôi tiếp nhận số sách của người để lại có bộ này. Bấy giờ tôi mới mười lăm tuổi, chưa đủ kiến thức khảo cứu, thành ra chỉ đọc qua, thấy đó là mộc bản, chữ lớn. Khi di cư vào Nam, tôi không mang theo được. Đây là mối ân hận đeo đẳng suốt đời tôi. Vì trong đó ông tôi phê chằng chịt khắp mọi trang.

Năm 1968, khởi sự viết lịch sử tiểu thuyết, tôi dùng bản của Trung-hoa dân quốc tặng đại học văn khoa. Từ sau năm 1975 tôi dùng bản của Trung-hoa thư cực Thượng-hải.

4. Ngoài ra tôi dùng rất nhiều sách khác, như:

° Đông-đô sự lược của Vương Xung.

° Lĩnh ngoại đai đáp của Chu Khứ-Phi.

5. Những năm 1976-1990, trong khi du hành sang Trung-quốc công tác y khoa cho nước Pháp, tôi sưu tầm được rất nhiều tài liệu chép trong điạ phương chí, mộ bia, của những vùng biên giới Hoa-Việt, mà trước đây thuộc Việt. Những tài liệu này tôi sao chụp bằng scaner mang về.

Tại thư viện Thượng-hải, Bắc-kinh, Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-nam, Quý-châu, Hồ-nam, tôi tìm được không biết bao nhiêu tài liệu liên hệ đến lịch sử Hoa-Việt giai đoạn 1010-1225 tức thời đại Tiêu-sơn.