Năm năm lăm năm sáu là thời hỗn loạn nhất ở đất nước ta, lúc này miền Bắc mới xây dựng được chế độ, đi đâu cũng giăng khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam”, thành thử hầu như mười phần thì tám phần thanh niên rời quê đi chiến trường hết. Bỏ lại quê một mảnh tiêu điều, xác xơ, nói là hỗn loạn, vì thời này thật đúng là thời “Ma quỷ sống chung với người”. Khói lửa chiến tranh lan tới, người chết như rạ, lại thêm nạn đói, dịch bệnh vong quỷ càng nhiều, thanh niên lại đi hết, chỉ còn người già trẻ em nên làng quê càng thiếu đi sinh khí, ma quỷ càng lúc càng làm bậy. Nhưng hầu như cái gì riết cũng quen, người ta quen dần với ma quỷ, những ma đói, Thần vòng, ma da,.. người ta coi như đồ trẻ con, nhưng chỉ có một thứ khiến ai nhắc tới cũng phải run rẩy, chính là Trùng- Trùng tang- nó như ám ảnh tâm trí mỗi người, cắn rứt linh hồn người ta. Khiến ai ai cũng sợ hãi, lo sợ!
Tháng sáu năm nhăm sáu, cả làng lại nô nức tiễn thanh niên vào B- hầu như cảnh tượng của mọi vùng quê miền Bắc những năm tháng ấy- vui vẻ lắm, như ngày hội làng khi xưa, ai cũng vui mừng, háo hức, vì được góp phần sức cho đất nước. Mới được vài tháng, thì có tin từ chiến trường báo về, anh Tú cháu cụ An hi sinh- anh mới đi được ba tháng- vào trong chiến trường đã ngã bệnh sốt rét, cuối cùng không qua được! Cả làng như chết sững, ai nấy đều buồn, vì anh Tú xưa nay được lòng cả làng lắm, vừa đẹp trai lại học giỏi, anh được trường Đại Học giữ lại nhưng quyết ý vào Nam, ai ngờ anh mới đi được vài tháng mà đã thành ra cơ sự ấy! Những năm ấy thì liệt sĩ chết trên đường hành quân, hay chết trận trên chiến trường người ta đều không có gửi được di hài về, họa may là một số đồ dùng cá nhân, hay vài bộ qần áo, kèm theo giấy Báo tử. Cả nhà anh khóc lên khóc xuống, ngày chôn anh ai nấy cũng buồn, riêng cụ Nhĩ đứng một góc đăm chiêu lắm, ai cũng nghĩ cụ thương anh Tú, vì ngày xưa cụ cưng chiều anh Tú như cháu cụ- hai ông cháu quấn quít lắm. Rồi cụ Nhĩ thở dài, đi về, bóng lưng cụ đi lạc trong ráng chiều…
Rồi bẵng đi vài tháng, tuy mọi người vẫn tiếc anh Tú lắm, nhưng rồi bận bịu tăng gia sản xuất nên dần cũng quên bẵng đi. Rồi càng ngày làng càng có nhiều việc lạ, dạo gần đây cá từ dưới sông cứ đến khoảng đầu giờ chiều là nhảy lên mặt nước liên tục- giống như thiếu khí vậy. Dân làng thấy lạ rồi cũng tặc lưỡi nghĩ là do mấy ngày này sắp có giông, nên cá thiếu khí nhảy lên đớp khí. Nhưng rồi hai ba ngày cá vẫn nhảy, mà giời thì chẳng có con mưa nào cả, đến hôm cuối thì nguyên khúc sông chảy qua làng cá nhảy lên bờ ngáp ngáp, ộc máu đen như mực tàu rồi chết. Dân làng đã hãi lắm rồi, đánh bạo vào hỏi cụ Nhĩ thì cụ chỉ lắc đầu đáp:
– Tôi cũng không rõ ràng lắm, bắt quẻ thì vẫn là quẻ “U nhân trinh cát”- hẳn là chưa có việc gì bất lợi với làng ta!! Khó hiểu quá!! Thôi các anh chị cứ về lo làm ăn, có gì tôi sẽ báo lại ngay!
Tất cả nghe cụ Nhĩ nói vậy thì cũng an tâm lắm, hồ hởi về nhà thì lại thấy gà vịt ủ rũ hẳn đi, rồi một vài đàn thì chết rũ cả. Nghĩ là có dịch nên ai đấy cũng chỉ mang đám gà vịt ra ngoài hào tre vứt hết thôi. Rồi một đêm nọ chú Tị mới nửa đêm trốn qua hào tre để đào đám vịt gà chiều nay làng mới vứt về làm thịt, chả là túng quá làm liều, chú nghĩ là ra đào về làm thịt rồi mang ra chợ Huyện bán kiếm ít tiền mua ngô mua gạo. Vừa trèo qua lũy đất thì chú bỗng thấy phía trước có bóng người. Chú ngơ ngác ngước lên thì thấy một bóng người cao lớn, chú giật mình nên đánh tiếng hỏi:
– Ai đấy?
Thì người kia không đáp, chỉ đứng lẳng lặng nhìn chú, ánh mắt đỏ ké nhìn chăm chăm chú như con thú hoang vậy. Chú run lắm rồi, lúc này chú mới để ý là chú đang ở trên cái lũy đất, mà từ cái lũy đất đến cái hào tre của làng chênh nhau cả mét. Thế chẳng ra “cái đứa” trước mặt chú nó phải cao gần ba mét cơ à? Nghĩ đến đây chú sợ hãi lắm, người cứng đờ lại, lại thấy mắt nó đỏ ké như hòn than, chú như không thở được! Lúc này thì cái bóng đen như lướt trên mặt đất từ từ tiến lại phía chú, nó há mồm rộng, cái mồm từ từ há ra rồi kéo rách toạch cả khoang miệng, đỏ lòm lòm như chậu máu lớn. Chú Tị lúc này điếng người rồi, sắp ngất thì nó từ từ giơ tay lên, tay nó dài ngoằng ngoẵng như cái đòn gánh, vừa gầy vừa xương lại trắng ởn- trắng như củ dong riềng- vừa dài lại thon thon béo múp míp như con nhộng. Nó quơ tay lại phía chú Tị định túm lấy thì chú đờ người quên không bám vào cái cọc tre cốt củ lũy đất, thế là chú ngã lăn xuống bãi cỏ. Cái bóng kia với tay bắt hụt vào khoảng không, nó liền thét lên một tiếng rú dài rít lên như tiếng sáo tre vậy, nghe vừa đanh vừa khô vang khắp làng, lúc ấy chú Tị mới định thần nhìn vào mặt nó, tuy là nó trắng ởn với cái miệng gần như rách toạc kéo xuống cổ nhưng chú vẫn nhận ra mang máng- nó giống hệt anh Tú. Một lần nữa, chú lại đờ người, lúc này cái “thứ kia” quay lại nhìn chú, mắt nó đỏ rực lên, rồi nó lại rít lên một tiếng nữa, gầm gừ ngoài lũy đất giống như có một thứ gì ngăn cản không cho nó vào vậy, lúc này sợ quá chú ngất đi.
Lúc chú tỉnh lại thì chú đã ở nhà rồi, quây quanh chú là dân làng, cả làng nghe tiếng rít thì mới đốt đuốc chạy ngay ra. Ai ai cũng hoảng, vì lúc ra lũy đất thấy chú bất tỉnh rồi, hơi thở thì vào ít ra nhiều, may có cụ Nhĩ châm cứu cho một hồi. Lúc này chú mới thở hắt ra nói thều thào:
– Thằng Tú… nó…về…nó ở ngoài hào làng…nó định.. bắt cả cháu…
Nhà cụ An nghe thế sửng sốt lắm, mẹ anh Tú thì gào khóc lên. Cụ Nhĩ nghe vậy thì mới hỏi kỹ chú Tị, lúc nghe đến lúc da “nó” trắng ởn lại béo múp như con nhộng, cụ Nhĩ hoảng hốt lại thúc cụ An gọi hết nhà cụ lại cho kiểm tra. Cụ Nhĩ liền bắt mọi người trong nhà cụ An quệt lên ấn đường một đám bột đỏ, rồi quẹt lên lòng bàn chân nơi huyệt Dũng Tuyền, nơi trán ở Mi tâm, rồi lòng bàn tay tổng cộng năm điểm. Rồi cụ niệm chú, lúc này bắt đầu có khói bốc lên từ đám bột đỏ, cả nhà cụ An mới hãi lắm, vì đám bột đỏ của nhà cụ còn nguyên, chỉ có đám bột nơi mi tâm của em trai anh Tú là bắt đầu bốc khói như bị đốt, nó dần đen kịt lại. Cụ An sợ hãi quá, liền hỏi cụ Nhĩ việc này cớ ra làm sao, thì cụ Nhĩ mới lắc đầu đáp:
– Nói cụ bỏ quá cho, tôi vừa dùng phép “Sa Giả Thiên Nhãn” để nhìn mệnh của cả nhà cụ! Phép này Chu Sa quết ở năm huyệt Dũng Tuyền ở hai chân, Hợp Cốc ở tay, cùng với mi tâm, tựa như một vòng ngũ hành luân chuyển- từ tinh khí tiết ra để đoán lấy số mệnh. Dựa vào phép này, tôi e thằng Tú thành Trùng rồi- nó có lẽ về bắt từng người nhà cụ. Mà người dính họa này đầu tiên chắc là thằng Tuấn mất thôi!
Nghe đến trùng thôi mà cả làng ai cũng tái mặt, vì vong quỷ thì cũng chỉ một hai người thôi, nhưng trùng thì khác. Nó không có cách nào tránh, nó như con dòi trong xương, bám theo cả dòng họ, có thể làm cả họ tuyệt tự, bắt dần bắt mòn từng người cho tới người cuối cùng. Lúc này cụ An sợ hãi lắm, cụ lo cho cả họ hà mình, lo cho thằng cháu chưa hiểu chuyện đứng cạnh bên. Cụ Nhĩ thì đứng suy nghĩ một lúc, lúc này cả làng đứng quanh không ai dám thở mạnh, thì cụ Nhĩ mới lắc đầu bảo cụ An:
– Việc này khó! Cụ nghe lời tôi trước cứ về nhà đã, tôi xét thì thằng Tú nó chưa về bắt người ngay đâu, vì qua phép tôi thấy mới tắt mệnh ở mi tâm, chỉ khi tắt đi Sa mệnh ở Dũng Tuyền thì mới gấp. Tôi phải cẩn thận lo liệu mới được, tôi sẽ mời sư huynh của tôi về, cụ cứ an tâm!
Cụ An nghe thế chỉ biết thở dài, lúc này cụ Nhĩ mới bảo cả làng tản đi, rồi cụ lại trầm ngâm ngồi dưới ánh đèn một lúc.
Từ lúc nghe tin có trùng, dân làng đóng cửa lên đèn sớm, trẻ con không được ra ngoài chơi đêm nữa. Vì cứ đến giữa đêm từ ngoài làng vọng về tiếng tru rít vang vọng giữa đêm. Ai đấy đều nơm nớp lo sợ…
Rồi sư huynh cụ Nhĩ cũng đến sau đấy một ngày, cụ Nhĩ cười cười rồi ra tận cổng làng đón. Cụ Nhĩ gọi dân làng ra sân Đình rồi cười bảo:
– Xin thưa dân làng, đây là sư huynh tôi- cũng là chưởng môn của phái chúng tôi hiện nay. So với sư huynh thì Ấn Pháp của tôi không khác gì ánh đom đóm. Có ngài ấy, mọi người cứ an tâm.