Âm Khách

Chương 16




Trên đời chắc chỉ có tầm ba người đã từng thấy hình dáng Tạ Bạch thuở ban đầu, hai người trong đó là Ân Vô Thư và chính Tạ Bạch.

Còn phiên bản mà Lâu Hàm Nguyệt và ông chủ Lạc Trúc Thanh của tiệm cầm đồ Đào Hoa Ổ nghe được chính là, ngày xưa Ân Vô Thư đi dạo ở hồ Vân Nhiêu thì nhặt được một đứa bé con trong rừng Hồng Mai ở bên cạnh, khi nhặt được đứa bé đã gần như đông cứng, cả người tím tái, Ân Vô Thư rảo hết một vòng mà không tìm được căn nhà nào gần đó nên đã đem đứa bé về.

Với Lâu Hàm Nguyệt và ông chủ Lạc mà nói, họ chỉ thấy Ân Vô Thư khóa cửa viện rõng rã một năm, không cho bất kỳ một ai bước vào. Một năm sau, bên cạnh Ân Vô Thư độc lai độc vãng đã có thêm một chấm nhỏ kề bên.

Đứa bé kia vừa gầy vừa nhỏ người, mới chừng ba bốn tuổi, nó sợ người lạ vô cùng, trừ Ân Vô Thư ra ai nói chuyện nó đều ngó lơ cả. Mỗi khi có người hỏi tới là nhóc ta lại níu vào vạt áo Ân Vô Thư, nép người ra sau lưng Ân Vô Thư không chịu ló đầu ra. Lâu Hàm Nguyệt và ông chủ Lạc sống đã không biết bao năm đều thấy việc nuôi trẻ con là chuyện lạ kỳ vô cùng, kể cả khi đứa trẻ này mặc kệ sự tồn tại của họ.

Họ gần như phải sử dụng hết kiên nhẫn của cả đời mình, ngày ngày vòng vòng quanh Ân Vô Thư suốt hai năm ròng, cuối cùng Tạ Bạch mới quen mặt họ và không xem họ như không khí nữa.

Trong ký ức của Lâu Hàm Nguyệt, thân thế Tạ Bạch là như thế, không còn điểm đặc biệt nào khác nữa.

Nhưng sự thật không phải như vậy.

Việc Ân Vô Thư đến hồ Vân Nhiêu cũng không phải ăn no rỗi việc đến hồ đi dạo, mà y cảm nhận được thời gian của Âm khách đương nhiệm không còn nhiều nên ra ngoài tìm người kế nhiệm.

Từ khi y tiếp quản Trực Phù Linh Động giới, mỗi đời Âm khách đều nhờ y gieo quẻ vào một thời điểm đặc biệt mà tìm về, và cũng chỉ đến thế thôi. Trừ việc tìm người ra thì y và các đời Âm khách đều không liên can gì đến nhau, còn có khi cả trăm năm mới gặp được hai ba lần.

Y đến Vân Nhiêu ngay đúng dịp trời đổ tuyết lớn, tuyết rơi liên tục ba ngày ba đêm. Vân Nhiêu vốn là một vùng hồ lạnh lẽo và ẩm ướt, vào những ngày tiết trời như vậy thì lại càng rét buốt đến thấu xương, màu trắng trải dài trong tầm mắt. Rừng Hồng Mai trước kia từng là một bãi tha ma nên hiếm có người sinh sống, thành thử tuyết phủ nơi này dày đặc hơn, chỉ có vài cành hồng mai bị gió tuyết thổi rơi nằm lác đác trên nền đất như máu đọng.

Năm đó, Tạ Bạch cuộn mình nằm dưới gốc hồng mai rụng nhiều nhất, cả người hắn chôn vùi trong tuyết, nhô lên mỗi một đụn nho nhỏ. Nhìn từ bên ngoài chỉ thấy một cánh tay và mái tóc đen lộ ra bên ngoài nền tuyết.

Tóc hắn đen nhánh, tương phản cùng cực với nền tuyết trắng xóa đến độ Ân Vô Thư chỉ đi dọc đường liếc mắt thôi đã nhìn thấy hắn.

Nhưng khác với lời kể ở chỗ, khi Ân Vô Thư đi đến dưới gốc cây và phủi tuyết đọng ra thì trông thấy đứa trẻ gầy còm chỉ còn da bọc xương bên dưới gốc cây này đã chết.

Y vốn tưởng đây là trẻ con nhà ai không nuôi nổi nên vứt bỏ, xui xẻo gặp phải tuyết lạnh giá nên không cầm cự được mà chết cóng giữa núi rừng. Song khi y đứng dậy toan rời đi thì thấy máu đen đặc quánh bất chợt trào ra từ miệng, mũi và tai đứa trẻ đã chết.

Ân Vô Thư nhíu mày dừng bước rồi ngồi xuống lần nữa, y cởi lớp áo ngoài đã đông cứng trên người đứa trẻ ra, để lộ làn da trắng xanh cứng ngắc với một vài vết bầm đây đó, một số chỗ còn có vệt máu tụ đáng sợ…

Mà kỳ dị hơn cả, y trông thấy trên tim đứa trẻ có cắm ba cây đinh đồng. Khi y lướt tay qua, đinh đồng hiện lên những đường chú văn phức tạp. Đọc hết chú văn khắc trên ba cây đinh đồng, nét mặt Ân Vô Thư tức thì sa sầm —

Ba cây đinh đồng này không phải đinh thông thường, bên trên chúng được khắc bát tự âm của hàng trăm lệ quỷ vô danh, kế đến rèn luyện gần trăm ngày bằng máu trong tim tràn đầy dương khí, từ đó lập nên một trận có tên Bách quỷ dưỡng thi, tác dụng đúng như tên gọi — dùng để tụ hồn dưỡng thi. Hơn nữa loại trận pháp này không phải hồn nào cũng tụ thi nào cũng nuôi, nó chỉ có thể tụ hồn mới sinh và dưỡng thai nhi.

Nói cách khác, đứa trẻ đang cuộn mình trong đất tuyết này không chết vì cái lạnh của đợt bão tuyết, mà vừa ra đời đã chết, chẳng qua linh hồn vẫn chưa hoàn toàn rời khỏi thể xác mà thôi.

Có một ai đó không biết vì lý do gì mà đóng ba cây đinh đồng này vào tim của thai chết, đính kèm chú văn hòng bày ra trận Bách quỷ dưỡng thi này. Thai nhi chết sẽ lớn dần theo thời gian, nếu nuôi đủ bốn năm trong trạng thái không sống không chết thì đến cuối đông đầu xuân của năm thứ năm sẽ mở mắt, xem như sống sót. Nhưng cái giá phải trả là mỗi ngày mỗi đêm của bốn năm trước đó đều phải nhận lấy đau đớn như núi đao biển lửa thân đoạ vạc dầu thay cho hàng trăm tên lệ quỷ kia, không nửa khắc ngơi nghỉ.

Trận tụ hồn dưỡng thi là lệ quỷ nuôi người và cũng là người nuôi lệ quỷ, hai bên tồn tại tương hỗ lẫn nhau.

Thời điểm đó, sáu đồng tiền treo bên hông Ân Vô Thư đột ngột rung lên, trời không gió mà nó réo rắt vù vù.

Sáu đồng tiền này chắc phải cách trăm năm y mới dùng đàng hoàng một lần, công dụng để tìm Âm khách đời tiếp theo, và nó cũng chỉ xuất hiện dao động thế này trước mặt vị Âm khách theo định mệnh kia mà thôi.

Ân Vô Thư sống từng ấy năm, đấy là lần đầu tiên gặp phải trường hợp Âm khách là một thai chết, kỳ quái hơn nữa chính là Âm khách là thai chết và còn bị người lập thành trận nuôi thi tà ma cực độ, xem chừng chẳng mấy lâu nữa sẽ sống lại. Nếu nhổ đinh đồng ra chắc chắn mấy trăm con lệ quỷ kia sẽ gây hoạ khắp nơi, còn nếu tiếp tục nuôi Âm khách đã chết này thì có ai đoán được kẻ sống đến sau cùng sẽ là ai?

Vẫn nên trừ khử thì hơn.

Khi đó, Ân Vô Thư dường như không hề do dự mà quyết định nhổ đinh đồng. Ngặt nỗi phải rút ba cây đinh đồng ra cùng lúc, không thể sớm hơn muộn hơn một khắc nào. Y phủi tuyết rơi trên quần áo và đứng dậy, vừa định duỗi tay hút cả ba cây đinh đồng ra thì đứa nhỏ đã cứng đờ người kia bất ngờ cử động ngón tay, nắm lấy áo bào của Ân Vô Thư.

Bàn tay kia nhỏ nhắn non nớt, màu da trắng bệch hơi ám xanh, nắm lấy áo bào xong còn siết chặt lại và khẽ run rẩy, không biết do lạnh, do sợ hãi hay do đau đớn.

Ân Vô Thư nhìn hai dòng máu đen chảy ra từ đôi mắt nhắm chặt kia rồi chợt đổi ý, y ngồi xuống ôm đứa bé ra khỏi đất tuyết, cởi áo bào ra bọc kín nó lại rồi mang về tiểu viện Thái Huyền đạo năm xưa, sau đó niêm phong cửa và ở bên trong suốt một năm.

Ân Vô Thư không biết đứa trẻ kia rốt cuộc bao nhiêu tuổi, vì nó quá mức gầy gò nên không so với trẻ con thông thường được. Khi đó y sờ vào khung xương yếu ớt của đứa trẻ và ước tính rằng nó cùng lắm ba tuổi.

Sự thật chứng minh y tính rất chuẩn xác, đứa trẻ không sống không chết kia ngủ yên trong căn viện của y ròng rã một năm trời, cho đến cuối đông đầu xuân của năm thứ hai, khi khí trời còn đang se lạnh. Đứa trẻ kia hóa xác chỉ trong một đêm, làn da từ xám xanh trở về trắng như sương, tất cả vết bầm và vết máu ứ đọng trên người đều biến mất tăm.

Ngày đứa bé mở mắt, gốc hồng mai trong sân vừa rụng, tuyết đầu xuân rơi đêm qua hãy còn chưa tan, phủ một lớp trắng xoá trên nền sân đã vắng dấu chân người từ lâu.

Ân Vô Thư đặt cho đứa bé cái tên: Tạ Bạch (1).

(1) Tạ là ‘rơi’ trong hoa rơi (谢), Bạch là ‘trắng’ trong tuyết trắng (白)

Hồng mai dưới tuyết.

– Hết chương 16 –