All You Need Is Kill

Chương 2-1: Trung sĩ Ferrell (1)




Dịch giả: Maththunder

“Nếu một con mèo có thể bắt chuột,” một Hoàng đế Trung Hoa từng nói, “đó là một con mèo giỏi.”

Rita Vrataski là một con mèo rất giỏi. Cô ta giết đủ phần của mình và được thưởng công xứng đáng. Ngược lại, tôi, một con mèo hoang ghẻ lở đờ đẫn lạc vào chiến trường, đã sẵn sàng để bị lột da, moi ruột và biến thành một cái vợt tennis. Thượng cấp luôn đảm bảo Rita được chải chuốt chỉnh tề, nhưng đừng hòng họ để một nửa con mắt tới chúng tôi.

Buổi tập thể hình đã kéo dài ba giờ đồng hồ rồi, và tất nhiên là nó có kèm theo bài tập chống đẩy tổng hợp như cứt rồi. Tôi quá tập trung để nghĩ xem mình phải làm gì tiếp theo nên chẳng có thời gian mà để ý tới bất kỳ cái gì lúc này. Sau nửa tiếng, Lực lượng Đặc chủng Hoa Kỳ từ bỏ việc chiêm ngưỡng màn khổ hình của chúng tôi và quay trở lại doanh trại. Tôi cố gắng không nhìn Rita, và cô ta bỏ đi cùng với những người khác, bỏ mặc tôi trên chuyến hành trình dài. Cứ như một đoạn mã lập trình vòng lặp nếu/thì vậy:

Nếu Ritathamgiatậpthểhình =đúng, thì kết thúc.

Nếu không tiếp tục vòng lặp: Chốngđẩytổnghợpchếttiệt

(Vòng lặp if/then trong lập trình Pascal)

Có lẽ đây là bằng chứng cho việc tôi có thể thay đổi tương lai. Nếu tôi nhìn chằm chằm vào Rita, cô ta sẽ tham gia tập thể hình, và bài tập sẽ kết thúc sau một tiếng. Thượng cấp có thể đùng một phát phát động đợt tập thể hình này; họ cũng có thể kết thúc nó theo cách tương tự.

Nếu tôi đoán đúng, tình huống của tôi vẫn chưa tới mức hoàn toàn tuyệt vọng. Một cánh cửa hy vọng có thể xuất hiện trong trận chiến ngày mai. Xác suất khiến nó xuất hiện hẳn là 0.1 %, hoặc thậm chí 0.01%, nhưng nếu tôi có thể tăng cường các kĩ năng chiến đấu dù chỉ một chút ­­–– nếu cánh cửa kia hé ra dù chỉ một tí ti –– tôi sẽ tìm cách ép cho nó mở toang ra. Nếu tôi có thể luyện tập để nhảy qua mọi vật cản trên đường đua mà tử thần thiết đặt, có lẽ một ngày nào đó tôi có thể thức giấc tại một thế giới có ngày mai.

Lần tới tôi chắc chắn sẽ nhìn Rita trong buổi thể hình. Tôi có hơi mặc cảm tội lỗi khi kéo cô ta vào chuyện này, cô ta chỉ đơn giản là một người qua đường trong show truyền hình solo không có điểm dừng này. Nhưng tôi cũng chả có nhiều lựa chọn. Tôi không có cả mớ thời gian để tăng cường cơ bắp, thứ chẳng thể đưa tới vòng lặp tiếp theo. Thời gian đó tốt nhất là nên dùng để lập trình bộ não của tôi cho trận chiến.

Khi buổi luyện tập cuối cùng cũng kết thúc, những người đàn ông trên chiến trường chạy như bay về doanh trại để tránh cái nóng mặt trời, lèm bèm chửi rủa cùng thở dốc. Tôi đi tới chỗ Trung sĩ Ferrell, anh ta lúc này đang cúi xuống buộc lại dây giày. Anh ta đã trụ lại trên chiến trường lâu hơn bất cứ ai, nên tôi quyết định anh ta sẽ là điểm xuất phát tốt nhất để hỗ trợ cho phần mềm luyện tập chiến đấu của tôi. Không chỉ đơn giản là người sống sót lâu nhất trong tiểu đội, tôi cảm thấy hai mươi phần trăm trung sĩ huấn luyện mà anh ta có chắc là sẽ hữu dụng.

Bức xạ nhiệt tỏa ra trên mái đầu đinh cắt bằng của anh ta. Dù là sau ba tiếng tập thể hình, anh ta vẫn trông đầy năng lượng cứ như thể có thể tiếp tục chạy marathon và đứng vị trí đầu mà chẳng thèm đổ một giọt mồ hôi. Anh ta có một vết sẹo kì dị trên cái cổ dày, một dấu tích từ thời họ còn đang sửa lỗi cho những chiếc Chiến giáp và phải gắn chíp vào để tăng cường thời gian phản ứng của người lính. Cái thời họ phải nhờ cậy tới biện pháp thô thiển đó cũng qua lâu rồi. Vết sẹo đó là một huân chương vinh dự –– hai mươi năm phục vụ tận tụy và vẫn còn hăng hái.

“Hôm nay lại bị phồng rộp chỗ nào à?” Ferrell vẫn không rời mắt khỏi đôi giày của anh ta. Anh ta lớn tiếng nói với cái điệu uốn lưỡi đúng chuẩn dân Brazil.

“Không.”

“Thế không dám ra trận à?”

“Sẽ là dối lòng nếu em nói em không sợ, nhưng em không định chạy trốn, nếu ý anh là vậy.”

“Với một tay lính mới chỉ vừa mới huấn luyện cơ bản xong thì chú mày cũng được đấy.”

“Anh vẫn định tiếp tục luyện tập phải không, trung sĩ?”

“Ờ.”

“Anh có phiền không nếu để em tập chung với?”

“Chú đang đùa đấy à, Binh nhất?”

“Không có gì buồn cười ở đây hết, thưa ngài.”

“Chà, cái đầu chú quả thật quá là buồn cười nếu chú mày muốn chui đầu vào trong mấy cái Chiến giáp chết tiệt kia ngay trước ngày chúng ta đi tự sát tập thể. Chú mày muốn đổ mồ hôi thì đi mà tìm gái mà luyện tập.” Đôi mắt Ferrell vẫn nhìn trên dây giày. “Từ chối.”

“Trung sĩ? Với tất cả lòng tôn trọng, em chưa thấy anh theo đuổi cô nàng nào.”

Cuối cùng Ferrell cũng ngẩng đầu dậy. Đôi mắt ẩn dưới hai hàng lông mày trên khuôn mặt dày và ngăm ngăm của anh ta như hai nòng súng trường 20mm bắn ra những viên đạn trái phá vào người tôi. Tôi như bị nướng chín dưới sự âu yếm của ông mặt trời.

“Ý chú mày bảo là mày nghĩ anh là một thằng đần thích rúc đầu vào Chiến giáp nhầy nhụa mồ hôi hơn là rúc vào háng phụ nữ à? Ý chú là thế đúng không?”

“Ý-ý em không phải là thế, thưa ngài!”

“Được rồi, vậy thì ngồi đi.” Anh ta vươn tay vuốt tóc rồi chỉ xuống đất.

Tôi ngồi xuống. Cơn gió từ biển khơi thổi qua hai người chúng tôi.

“Anh đã từng ở Ishigaki, chú mày biết đấy,” Ferrell bắt đầu. “Bèo cũng phải chục năm trước. Chiến giáp lúc đó rẻ như bèo. Hồi đó cái chỗ gần xương chậu –– ngay chỗ này này –– nơi đó giáp vẫn còn chưa khớp với nhau. Chúng cọ vào da của chú mày. Và cái nơi bị đóng vảy trong luyện tập kia sẽ lại cọ xát khi chú mày ra chiến trường. Đau tới mức vài gã còn không muốn bò trên nền đất. Họ đều đứng thẳng và chạy một mạch vào giữa chiến trường. Chú mày có thể nói với họ rằng họ chỉ đâm đầu vào chỗ chết, nhưng luôn có vài gã sống sót đi ra. Y như việc có cái bia nhắm sơn trước ngực họ rồi chạy loăng quăng ấy.” Ferrell rít lên cứ như một vỏ đạn rơi. “Whap! Cả đống thằng chết theo cách đấy.”

Ferrell mang trong mình dòng máu lai giữa Nhật Bản và Brazil, nhưng anh ta lại tới từ Bắc Mỹ. Một nửa đại lục đó đã bị Mimic tàn phá. Ở đây, tại Nhật Bản, nơi đồ công nghệ cao còn rẻ hơn cả thức ăn, những chiếc Chiến giáp của chúng tôi chỉ đơn giản là những cỗ máy. Dù vậy, vẫn có nhiều quốc gia mà tất cả những gì họ có thể làm là đưa lính ra chiến trường với một cái mặt nạ chống khí độc, một khẩu súng phóng lựu lỗi thời loại tốt, và một bài kinh cầu nguyện. Quên chuyện pháo binh hay không quân đi. Mọi chiến thắng họ gặt hái được đều chẳng kéo dài được lâu. Những con nanobot chui ra từ trong xác Mimic sẽ gặm nhấm phổi của bất kỳ người lính nào còn sống sót. Và vì vậy, từng chút một, những hoang mạc hoang vu cứ xâm thực lấy những vùng đất nơi từng được gọi là nhà.

Ferrell đến từ một gia đình nông dân. Khi mùa màng của họ bắt đầu thất bát, họ chọn cách từ bỏ đất của mình và đi tới một trong những hòn đảo tại phương Đông, nơi được bảo vệ an toàn bởi những kỳ quan của công nghệ. Những gia đình có người phục vụ trong UDF được cấp phép nhập cư, đó là lý do Ferrell tham gia Lực lượng Nhật Bản.

Những “Người lính Nhập cư” đó thường thấy tại Lực lượng Bộ Binh Vũ trang.

“Chú mày đã từng nghe tới kiri-oboeru chưa?”

“Cái gì vậy?” Tôi hỏi, giật cả mình khi nghe thấy tiếng Nhật.

“Đó là một câu nói của Samurai từ thời xưa, nghĩa là ‘Hạ gục kẻ thù, rồi học hỏi.’ “

Tôi lắc đầu. “Nghe lạ tai quá.”

“Tsukahara, Bokuden, Itou, Miyamoto Musashi –– họ đều là những samurai nổi tiếng vào thời của họ. Chúng ta đang kể về chuyện năm trăm năm trước đấy.”

“Em nghĩ em đã từng đọc truyện tranh về Musashi một lần rồi.”

“Bọn trẻ chết tiệt. Chúng sẽ không bao giờ biết tới Bokuden từ Batman.” Ferrell thở dài đầy bực dọc. Ngồi đây là tôi, mang trong mình dòng máu Nhật Bản thuần chủng, và anh ta còn biết nhiều về lịch sử quê hương tôi còn hơn cả tôi. “Samurai là những chiến binh kiếm sống bằng cách chiến đấu, cũng như chú mày và anh ấy. Chú mày nghĩ những samurai anh vừa kể tên đã giết bao nhiêu người trong đời?”

“Em không biết. Nếu tên của họ vẫn còn được biết tới sau năm trăm năm, vậy hẳn là... mười hoặc hai mươi?”

“Trật cả dặm. Ghi chép từ thời đó còn rất đơn sơ, nhưng số lượng thì chắc khoảng từ ba tới năm trăm. Mỗi người. Họ còn chẳng có súng. Họ cũng không có bom. Mỗi người đàn ông họ giết đều là trong những trận chiến vũ-khí-lạnh-chết-tiệt. Anh nghĩ thế là quá đủ để trao một hai cái huy chương gì đó.”

“Sao mà họ làm được?”

“Mỗi tuần đưa một người tới thế giới bên kia, liên tục như vậy trong mười năm, chú mày sẽ có năm trăm. Đó chính là lý do họ được biết dưới cái danh bậc thầy kiếm thuật. Họ không chỉ giết một người và rồi ngừng lại. Họ tiếp tục. Và họ trở nên mạnh hơn.”

“Nghe như trò chơi điện tử ấy. Anh càng giết nhiều, anh càng mạnh hơn –– kiểu kiểu thế đúng không? Cứt thật, em phải nỗ lực nhiều để bù đắp chênh lệch kinh nghiệm đây.”

“Giống như vậy đấy, ngoại trừ việc đối thủ của họ không phải là những tay mơ không được huấn luyện hay những con quái vật ảo ngoài hành tinh. Những người bị họ xẻ đôi là những con người sống, với máu và thịt. Những người đàn ông đánh nhau vì mạng sống của họ, cũng như những người khác. Nếu họ muốn sống, họ phải phải khiến kẻ thù chủ quan, đặt bẫy, và thỉnh thoảng phải vắt chân lên cổ mà chạy.”

Không phải là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn mỗi khi bạn nghĩ tới những bậc thầy kiếm thuật đâu.

“Học được những điều khiến chú mày chết nhảm và cách để khiến kẻ thù chết nhảm –– cách duy nhất để biết được những điều đó là tự tay làm nó. Mấy thằng nít ranh học vung kiếm trong võ đường thì đừng hòng mà trụ được trước một gã được tôi luyện trong các trận chiến. Họ biết được, và họ cứ tiếp tục làm. Đó là cách họ xếp được một núi xác chết. Mỗi lần một cú vung kiếm.”

“Kiri-oboeru.”

“Đúng vậy.”

“Vậy sao họ còn phải bỏ công ra luyện tập cho bọn em?”

“Ồ, vào ngay trọng tâm vấn đề luôn. Với đầu óc như vầy thì chú mày quá thông minh để làm một người lính đấy.”

“Nói tiếp đi, Trung sĩ.”

“Nếu chú mày thực sự muốn chiến đấu với Mimic, chú mày cần tới trực thăng hoặc xe tăng. Nhưng trực thăng thì đắt, và cũng tốn cả ối tiền để huấn luyện phi công. Và xe tăng thì một tí ti tác dụng cũng không có trên cái địa hình này –– quá nhiều núi non sông suối. Nhưng Nhật Bản thì đông lúc nhúc những người là người. Chính vì vậy họ tự bọc mình trong Chiến giáp và đưa tới tiền tuyến. Tìm đường sống trong chỗ chết.”

Xem chuyện gì xảy ra với ‘đường sống’ này.

“Mấy thứ họ nhồi nhét vào đầu chú mày trong huấn luyện là những tri thức tối thiểu. Họ đào một mớ lính mới từ cái chỗ khỉ ho cò gáy nào không biết và dạy họ không băng qua đường khi đèn đỏ. Nhìn trái, nhìn phải và giữ một cái đầu lạnh trước hoàn cảnh nóng. Những thằng khốn đen đủi nhất quên sạch sành sanh khi trận chiến nổ ra và chúng gục xuống tương đối nhanh. Nhưng nếu chú mày may mắn, chú mày có thể sống sót qua trận chiến và có lẽ còn học hỏi được chút gì đó. Cứ thưởng thức hương vị của trận chiến đầu tiên và học hỏi từ nó, chú mày sẽ có chút gì đó mà có thể được gọi là ––“ Ferrell dừng lại. “Có gì buồn cười à?”

“Hử?” Một nụ cười vừa vẽ ra trên mặt tôi khi anh ấy đang mải miết nói và tôi không hề để ý.

“Trước trận chiến mà lại cười kiểu ấy, anh bắt đầu lo không biết não chú mày có chập cheng chỗ nào không rồi đấy.”

Tôi đang mải nghĩ tới trận chiến đầu tiên của tôi, khi Wargarita Điên loạn cố giúp tôi, khi ruột non dính đầy bùn của tôi bị đốt thành than, khi tuyệt vọng và sợ hãi ào ào thác đổ trút xuống người tôi. Keiji Kiriya đã là một trong những thằng khốn đen đủi. Hai lần.

Lần thứ ba, khi tôi chạy trốn, cái số nó cũng chẳng may được hơn là bao. Nhưng không biết vì lý do gì, thế giới vẫn cứ tiếp tục cho tôi thêm cơ hội khác, thách thức tôi tìm ra cách để sinh tồn. Không phải nhờ may mắn, là nhờ vào chính mình.

Nếu tôi có thể vượt qua được khát khao chạy trốn, tôi sẽ tiếp tục thức dậy rồi huấn luyện cả ngày, sau đó là một ngày ra trận. Và còn chuyện gì tuyệt hơn vậy nữa? Gần như mặc định, tôi sẽ tiếp tục học hỏi, mỗi lần một nhát chém. Thứ một kiếm sĩ tốn mười năm, tôi chỉ cần trong một ngày.

Ferrell đứng dậy và vỗ một phát vào lưng tôi, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. “Giờ lo lắng chuyện đó cũng chẳng giải quyết được gì. Sao chú mày không đi mà tìm bạn tình ấy?”

“Em ổn, trung sĩ, em chỉ đang nghĩ ––“ Ferrell ngoảnh mặt đi. Tôi tiếp tục. “Nếu em sống sót sau trận chiến ngày mai, sẽ lại có một trận chiến khác sau đó, đúng không? Và nếu em sống sót qua trận chiến đó, em lại tiếp tục một trận chiến khác. Nếu em học hỏi được những kĩ năng cần thiết sau mỗi trận chiến, và giữa những trận chiến em luyện tập trong môi trường giả lập, xác suất sống sót của em sẽ tiếp tục tăng lên. Đúng không?”

“Chà, nếu chú mày muốn phân tích sâu hơn ––“

“Tự dưng nổi hứng huấn luyện chắc là không có vấn đề gì đúng không?”

“Chú mày quả nhiên không chịu từ bỏ dễ dàng nhỉ?”

“Chẹp.”

Ferrell lắc đầu. “Nói thật, chú mày khiến anh có cảm giác rất khác biệt. Có lẽ anh mày đã quá già rồi.”

“Khác biệt thế nào?”

“Nghe này, có ba loại người trong UDF: bọn xì ke sắp chết đến nơi, những người nhập ngũ để kiếm cái ăn, và những người hụt chân ở đâu đó và bước nhầm vào UDF.”

“Em đoán anh xếp em vào nhóm cuối cùng.”

“Chuẩn đấy.”

“Thế anh thuộc nhóm nào, Trung sĩ?”

Anh ta nhún vai. “Mặc trang bị cấp một vào. Quay trở lại đây sau mười lăm phút.”

“Rõ –– uh, đầy đủ trang bị luôn ạ?”

“Lính chiến giáp thì tập thế quái nào nếu không có trang thiết bị. Đừng có lo, anh mày sẽ không dùng đạn thật đâu. Mặc đồ vào đi!”

“Thưa ngài, rõ!”

Tôi hành lễ, với đầy đủ lòng kính trọng.

* * *

Cơ thể con người quả thực là một cỗ máy buồn cười. Khi bạn muốn di chuyển một bộ phận –– ví dụ cánh tay đi –– não bộ sẽ gửi cùng một lúc hai tín hiệu: “Mạnh lên!” và “Yếu đi!” Hệ điều hành chịu trách nhiệm vận hành cơ thể tự động kiềm hãm một chút sức lực lại để ngăn không cho cơ thể vận hành quá sức và tan nát. Không phải cỗ máy nào cũng được trang bị hệ thống an toàn như vậy đâu. Giả dụ cho một cái xe mất phanh lao thẳng vào một bức tường, nó sẽ đâm sầm vào tường cho đến khi động cơ bị hủy hoặc hết xăng.

Võ thuật sử dụng toàn bộ sức lực của cơ thể một cách có chủ ý. Trong luyện võ, bạn vừa đấm vừa hét. Lệnh “Hét to lên!” sẽ chép đè lên lệnh “Yếu đi!”. Luyện tập đầy đủ và bạn sẽ có thể giảm bớt lượng sức mạnh mà cơ thể bạn giữ lại. Nói cách khác, bạn học cách để chuyển hóa sức mạnh cơ thể hòng tự hủy diệt chính nó.

Một người lính và chiếc Chiến giáp của anh ta hoạt động với cơ chế tương tự. Cũng như cơ thể con người có cơ chế hòng kìm hãm bớt năng lượng, Chiến giáp cũng có hệ thống để giữ cho năng lượng luôn ở mức cân bằng. Với một cái nắm tay chứa 370 kí lô lực lượng, một chiếc Chiến giáp có thể dễ dàng nghiền nát một khẩu súng trường chứ đừng nói tới xương người. Để ngăn những tai nạn kiểu kiểu đó không xảy ra, Chiến giáp được thiết kế để tự động tiết chế lực lượng, và thậm chí chủ động kháng cự quán tính để giữ cân bằng trong vận chuyển lực lượng. Giới kĩ thuật gọi hệ thống này là ‘tự động cân bằng’. Hệ thống tự động cân bằng trì hoãn hoạt động của hệ thống vận hành Chiến giáp khoảng vài phần giây. Khoảng thời gian kia bé tới mức phần lớn mọi người chẳng ai thèm để ý. Nhưng trên chiến trường, tí ti thời gian kia quyết định sự khác biệt giữa sống và chết.

Trong ba trận chiến với mười ngàn Chiến giáp mỗi trận, chỉ có một gã đen đủi gặp phải vấn đề với tự động cân bằng, và tự động cân bằng quyết định nấc cụt ngay khi Mimic đang bổ xuống đầu bạn thì coi như xong. Xác suất vô cùng bé, nhưng chẳng ai muốn trở thành thằng ngu đen đủi bốc phải quân Joker. Chính vì vậy, ngay khi bắt đầu mỗi trận chiến, những tay kỳ cựu như Ferrell luôn tắt hệ thống tự động cân bằng đi. Họ không hề dạy chúng tôi chuyện này trong huấn luyện. Tôi phải học cách bước đi khi hệ thống tự động cân bằng bị tắt. Ferrell nói tôi phải có năng lực di chuyển mà không suy nghĩ.

Phải mất bảy lần thử thì tôi mới đi cho thẳng được.