Ai Đó (Mỗ Mỗ)

Chương 9: Ăn cơm không trả tiền




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Tiết học buổi sáng trôi qua nhanh.

Khi Chiêu Tài đang giảng về một bài văn mẫu, Cao Thiên Dương đột nhiên ngả ra sau, dựa vào bàn Thịnh Vọng thì thầm: “Chiêu Tài không dạy quá giờ.”

“Hở?” Thịnh Vọng ngả người về phía trước, thắc mắc: “Không dạy quá giờ thì sao?”

“Thì chúng mình có thể chạy tới căng tin đúng giờ.” Cao Thiên Dương bảo. “Tốt bụng nhắc nhở này, đầu tiên cậu phải xác định đường đến căng tin, chuông kêu phát phải vắt giò lên cổ mà chạy. Chỉ có vậy mới cướp được 2 món duy nhất ăn được trong căng tin.”

Trên mặt Thịnh Vọng đong đầy dấu hỏi chấm: “Vì sao phải chạy? Hôm qua vẫn đi bình thường mà?”

“Cậu nói rồi đấy, đó là hôm qua.” Cao Thiên Dương than ngắn thở dài. “Từ hôm nay trở đi, những tháng ngày tươi đẹp đã qua. Bởi vì lớp 10 đã khai giảng nên người tranh cơm sẽ nhiều hơn gấp đôi.”

Cao Thiên Dương lắc lắc ngón trỏ nói: “Đời người lắm gian truân, cậu thử một lần sẽ biết thôi, mấy đứa súc vật lớp 10 chạy nhanh hơn chó.”

Không đợi Thịnh Vọng đáp lời, Chiêu Tài đột nhiên vỗ mạnh lên bàn: “Cao Thiên Dương!”

Thịnh Vọng tức thì ngồi thẳng dậy, người ngồi trước ngượng ngập đứng lên.

“Muốn cướp đất diễn với tôi phải không?” Chiêu Tài hỏi chẳng chút nể nang: “Vừa nãy lầm bầm cái gì? Còn dám gạ gẫm Thịnh Vọng nói chuyện cùng.”

Cao Thiên Dương gãi gãi đầu nói: “Không có gì ạ.”

“Lừa ai đấy?” Chiêu Tài chống tay lên bàn hất hất cằm: “Thôi thôi nhanh lên, nào, chia sẻ những lời bạn vừa nói cho mọi người nghe.”

Cao Thiên Dương mấp máy môi, lầm rầm như muỗi kêu.

“Đau răng à?” Chiêu Tài nói: “Lặp lại ba lần! Khi nào nói xong thì tan học, không nói thì cứ ngồi đấy.”

Bốn mươi cái đầu quay phắt lại, Cao Thiên Dương dũng mãnh hô: “Em nói mấy đứa súc vật lớp 10 chạy nhanh hơn chó.

Chiêu Tài: “….”

Thịnh Vọng nhủ thầm bị phạt cũng phải thôi.

Chiêu Tài chỉ vào Cao Thiên Dương nói: “Câm miệng ngồi xuống, bạn chép phạt một lần ba bài văn mẫu ngày hôm nay cho tôi, tự học buổi tối nộp. Được rồi —- nghỉ đi!”

Nói xong, cô giáo mũm mĩm nhanh nhẹn nghiêng người nhường đường.

Chợt nghe thấy lớp học vang lên tiếng ghế rầm rầm, Thịnh Vọng còn chưa kịp đứng dậy mà phòng học đã gần như rỗng tuếch.

Học sinh lớp A lao xuống cầu thang như sóng xô biển cuộn, lúc lao được một nửa thì chuông tan học vang lên, có thêm nhiều người gia nhập đội quân chạy như điên về phía căng tin.

Đây là hình ảnh bầy sói đói trong truyền thuyết đấy ư?

Thịnh Vọng trợn mắt há mồm, bỗng nghe thấy Chiêu Tài cất cao giọng hỏi: “Ơ kìa? Sao hai bạn không chạy đi?”

“Em….hai?” Thịnh Vọng quay đầu lại mới phát hiện người số hai đằng sau lưng.

Giang Thiêm không những không chạy bạt mạng, mà hắn còn đang viết bài thi.

Chiêu Tài nhìn một góc bài thi, không kìm nổi mà xúc động: “Ôi, hôm nay mặt trời mọc đằng Tây hay sao thế này, em đang chữa bài thi thật đấy ư? Để cô nhìn xem, em đang viết câu nào trong đề mà lâu thế, có cần cô giúp gì không?”

“Không cần đâu ạ.” Giang Thiêm gập tay trái cọ cọ chóp mũi, tay phải cầm bút không dừng mà còn tăng tốc độ viết chữ.

Theo các nhà khoa học nghiên cứu, sờ mũi chứng tỏ chột dạ.

Thịnh Vọng lặng lẽ quay đầu nhìn, hê, đề Vật Lý.

Chiêu Tài bước xuống bục giảng, đúng lúc Giang Thiêm viết vắn tắt xong công thức cuối cùng. Hắn đặt dấu chấm hết, nhanh nhẹn thu bài thi vào ngăn bàn, đứng lên trước khi Chiêu Tài bước tới: “Thưa cô em đi ăn cơm đây ạ.”

Dứt lời, hắn nhấc chân phi ra ngoài.

Thịnh Vọng kêu lên “Ê”, cũng vẫy tay với Chiêu Tài nói: “Thưa cô em cũng xuống tầng đây ạ.”

“À ừ, đi nhanh đi.” Chiêu Tài bị họ làm cho sửng sốt, chỉ trong chớp mắt, hai thiếu niên đã chạy tới cửa.

“Sao chạy như bị chó đuổi thế kia?” Cô lẩm bẩm, đi tới chỗ ngồi của Giang Thiêm đưa mắt nhìn, tờ đề trong ngăn bàn lòi ra một góc và bên trên là câu cuối cùng hắn vừa mới viết xong: Vậy quả cầu chịu sự cân bằng lực và chuyển động thẳng đều với vận tốc Vt.

Chiêu Tài: “….”

Cô vọt ra ngoài cửa như tên bắn, tức giận gào lên: “Giang Thiêm! Tự học tối lăn đến văn phòng nói chuyện với tôi!”

Thiếu niên mặc đồng phục rộng thùng thình lướt qua góc cầu thang, biến mất tăm.

Điều hòa trong lớp khỏe máy, Thịnh Vọng xuống tầng rồi mới nhận ra mình chạy nhanh quá, quên cả việc cởi áo khoác. Người làm đề Lý trong giờ Văn đâu phải cậu, chả biết cậu chạy theo làm gì nữa.

Mới nãy xuống tầng thì chưa cảm thấy gì, bây giờ ánh nắng gay gắt rọi xuống đầu, mồ hôi mới lũ lượt túa ra, Thịnh Vọng không chịu nổi thêm giây nào nữa bèn cởi áo khoác cầm trong tay.

Giang Thiêm đi đằng trước cậu vài bước.

Tên này cứ như không biết toát mồ hôi ý, chả thèm cởi đồng phục luôn, chỉ vén tay áo đến khuỷu tay thôi. Học sinh cúi đầu quanh năm suốt tháng, hơi lơ là chút thôi sẽ còng lưng ngay, mà hắn thì chẳng có khuyết điểm nào, sống lưng thẳng tắp, như một cây kem lon ton dưới trời nắng.

Anh đẹp trai đi đến đâu cũng bị người ta để ý, huống chi một lúc xuất hiện 2 người.

Vài tốp nữ sinh đi ngang qua đều ngoái đầu nhìn, rồi cười khúc khích xô đẩy nhau, có 2 cô gái không cẩn thận bị bạn bè trêu đùa mà đâm sầm vào Thịnh Vọng.

Thịnh Vọng nghiêng người tránh đường, mỉm cười với mấy cô nàng đang “Xin lỗi” liên hồi, rồi nhanh chân vượt qua Giang Thiêm.

“Ê, có giấy không?” Cậu quệt mồ hôi trên trán, hỏi.

Đài phun nước trên sân trường không mở, Giang Thiêm bước lên bậc thang đài phun nước [1] mà đi xuống dưới, mắt điếc tai ngơ.

[1] Bậc thang đài phun nước na ná thế này:

c9-đài phun nước

“Nói chuyện với cậu đấy.” Cậu nói tiếp.

Giang Thiêm vẫn giả điếc.

Thịnh Vọng hừ mũi, bất mãn bảo: “Tôi bị cậu liên lụy nên mới chạy hộc mặt, thế mà đến tờ giấy cậu cũng không cho?”

Bấy giờ Giang Thiêm mới trả lời, hắn nói: “Trước tiên học cách thưa gửi lễ phép đi đã rồi hẵng xin giấy của tôi.”

Thịnh Vọng căm phẫn nhìn cái gáy của hắn, môi mấp máy mấy lần, cuối cùng miễn cưỡng kéo dài giọng: “Bạn Giang Thiêm ơi, xin hãy cho mình mượn một tờ giấy, đủ lễ phép chưa?”

Bấy giờ Giang Thiêm mới móc khăn giấy trong túi quần ra ném cho cậu. Thịnh Vọng vươn tay bắt lấy, rút một tờ ra thấm mồ hôi.

“Với tốc độ của chúng ta, liệu có còn cơm để ăn không?” Thịnh Vọng nhìn xung quanh, trong dòng người vội vàng tất tả, 2 người họ như cá lội ngược dòng.

Thực ra cậu không muốn đi ăn cơm với Giang Thiêm và dùng mắt thường để thấy Giang Thiêm cũng chả muốn đi với cậu, hình ảnh ấy nghĩ thôi đã gượng gạo khó thở rồi. Nhưng lòng háo thắng của những cậu trai mới lớn chả hiểu sao cứ xuất hiện mọi lúc mọi nơi, cứ như ai chạy trước thì thua ấy. Thịnh Vọng không muốn trở thành kẻ hèn nhát, bèn bất chấp sóng vai với Giang Thiêm.

Hai phút sau, cậu phát hiện mình càng đi càng xa căng tin.

“Gượm đã nào, căng tin ở bên kia mà, cậu không định đi ăn cơm à?” Thịnh Vọng hỏi.

“Giờ này mới tới căng tin thì cậu chỉ còn nước nhai bát đĩa thôi.” Giang Thiêm liếc mắt dòm cậu. “Thích thì đi mà ăn.”

Đương nhiên Thịnh Vọng không thích ăn, cậu theo Giang Thiêm đi qua sân bóng rổ và non nửa cánh rừng “Vườn tu thân”, bước vào một cửa hàng tiện lợi nằm trong khuôn viên trường bên cạnh cổng Tây.

Trong khuôn viên trường trực thuộc có 3 cửa hàng tiện lợi, một cái nằm sát căng tin, một cái nằm bên cạnh kí túc xá, cái còn lại là nơi đây.

Cửa hàng tiện lợi có tên là “Hân hoan”, tấm biển treo trước cửa chắc là bắt chước “C-store” [3], từ trong ra ngoài tỏa ra cảm giác như thứ hàng nhái bất cứ lúc nào cũng có thể bị 315 [4] vây quét.

[3] C-store:

c-store

[4] 315: Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cửa hàng này trái ngược với căng tin, cách tòa nhà dạy học không gần nên giữa trưa không có học sinh.

Ông chủ tên Triệu Túc, là một người đàn ông trung niên, vừa cao vừa gầy, con mắt hơi lồi như bọ ngựa. Khi ông ngước lên qua lớp kính mắt dày nặng, toát ra vẻ khôn khéo.

“Căng tin hết cơm à?” Ông chủ Triệu hỏi.

Thịnh Vọng gật gật đầu đáp: “Đi chậm ạ.”

“Ờm —- ” Ông hất hất quầy hàng bên cạnh. “Đồ ăn nhẹ, oden có cả, tự ra chọn đi, tôi đang giở tay.”

Trên bàn ông đặt một cái rổ to, bên trong đựng dưa chuột đã rửa, bên cạnh là hộp giấy dùng một lần vừa mới mở và một cuộn màng giữ tươi.

Đối diện ông có một người với vẻ bề ngoài quái gở đang ngồi. Người nọ thoạt nhìn hơn 50, vừa thấp vừa gầy, nửa người trên lom khom như một con tôm cong mình, chắc hẳn là một người gù.

Lão mặc cái áo ba lỗ trắng, sau lưng có hai cái lỗ thủng bị mọt nhấm. Phía dưới mặc quần đùi vải bông màu xanh xám, lộ ra cẳng chân màu đồng cổ do phơi nắng nhiều, gân guốc và gầy trơ xương.

Dường như lão xấu hổ vì vẻ ngoài của mình, lúc Thịnh Vọng bước vào, lão rụt sát về kệ hàng phía sau, như sợ làm người ta hãi. Nhưng lúc thấy Giang Thiêm, lão lại nhếch miệng nở nụ cười, miệng phát ra những âm tiết vô nghĩa, hai tay khua khoắng.

Trong lòng Thịnh Vọng khẽ “À”, biết đây là một người câm điếc.

Giang Thiêm gật đầu với người câm điếc, không tỏ ra quá nhiệt tình, nhưng lão câm điếc thì rất vui, còn khua tay múa chân với ông chủ Triệu.

Nhìn là biết ngay động tác của lão không phải thủ ngữ đúng chuẩn, mà chỉ dựa vào bản năng. Thịnh Vọng nhìn mà ù ù cạc cạc, còn ông chủ Triệu thì lại hiểu.

Ông bảo: “Phải phải phải, cao ráo lắm, trẻ con thời nay trổ mã là cao phải biết. Ông đừng khua khoắng nữa, đeo găng tay vào đi, tôi ngồi chờ nửa buổi rồi đấy.”

Lão câm điếc lập tức ngồi nghiêm chỉnh, có nề có nếp đeo đôi găng tay. Ông chủ Triệu chọn dưa chuột ngon bỏ vào hộp, lão bèn kéo màng giữ tươi bọc giúp ông. Không được nhanh nhẹn lắm, nhưng được cái nhiệt tình.

Thịnh Vọng đi đi lại lại xem xét xung quanh, cảm giác Giang Thiêm thường đến đây hoặc quen biết ông chủ Triệu và lão câm điếc từ trước rồi.

Trong lúc ngây người, Giang Thiêm đột nhiên nói với cậu: “Cậu ăn ở đây, tôi đi đây.”

“Ơ….Cậu không ăn à?” Thịnh Vọng còn chưa kịp phản ứng, cánh cửa thủy tinh của cửa hàng tiện lợi đã kêu lên “leng keng”, bóng lưng Giang Thiêm khuất dần ngoài cửa.

“Nó không ăn ở đây.” Ông chủ Triệu thuận tay chỉ chỉ. “Nó ra ngoài trường.”

Thịnh Vọng càng thêm thắc mắc. Ban ngày muốn ra khỏi trường trung học trực thuộc cần đơn xin nghỉ học, cậu không thấy Giang Thiêm xin chữ kí thầy cô nào cả.

“Chỗ nào ngoài trường thế bác?” Cậu hỏi.

“Nhà người quen.” Ông chủ Triệu nói với vẻ nghiêm khắc của bậc cha chú. “Hỏi lắm thế, một mình cậu thì không ăn cơm được à? Quan tâm nó làm gì. Thời gian nghỉ trưa của mấy đứa không dài, ăn nhanh lên còn về lớp chứ.”

Thịnh Vọng nghĩ đến một đống đề thi chưa làm, không lắm mồm nữa, chọn hai món rồi bưng ra bàn ngồi ăn.

Chim sẻ tuy nhỏ nội tạng đủ đầy, quán này tuy nhìn như hàng nhái, nhưng cái gì cửa hàng tiện lợi cần có thì đều có cả, quan trọng là đồ ăn rất ngon.

Thịnh Vọng hiếm khi không kén ăn, ngoan ngoãn đánh sạch bữa cơm. Cậu bỏ khay cơm vào đúng chỗ quy định, trong lòng hơi hơi nghĩ khác về Giang Thiêm. Chí ít hắn đã dắt Thịnh Vọng đến cửa hàng này, không phải chen chúc và không cần nhịn đói.

“Ăn no chưa?” Ông chủ Triệu tháo găng tay ra, hỏi cậu: “Mùi vị thế nào, có phải kĩ thuật ổn hơn căng tin không?”

Thịnh Vọng khen ngợi không tiếc lời, tâng bốc thêm: “Không khác gì cơm nhà nấu ạ.”

Ông chủ Triệu bật cười ha ha, được nịnh sướng rơn. Cười xong, ông chìa tay nói với Thịnh Vọng: “Trả tiền.”

“À vâng, suýt quên mất.” Thịnh Vọng nhoẻn miệng cười sờ sờ túi quần, nụ cười dần tắt.

Ông chủ Triệu cảnh giác hỏi: “Sao đấy?”

Thịnh Vọng cười gượng, nói: “Không mang tiền ạ.”

Cậu không có tiền mặt, di động thì vứt trong balo ở ngăn bàn, không xu dính túi.

Ông chủ Triệu túm tay cậu nói: “Không được, không trả tiền không cho đi.”

“Hay là bác ghi nợ cho cháu, trưa mai cháu tính một thể?” Thịnh Vọng đề nghị.

“Không được.” Ông chủ Triệu cự tuyệt.

“Hay giờ cháu chạy về phòng học lấy nhé?”

Ông chủ Triệu vẫn bảo: “Không được.”

“Châm chước chút đi mà.”

“Không.”

“Sao bác bủn xỉn thế!”

Mắt thấy giờ nghỉ trưa sắp hết, Thịnh Vọng không chạy nổi mà sắp sụp đổi tới nơi rồi.

Ông chủ ngẫm nghĩ rồi bảo: “Gấp lắm à? Thôi được rồi.”

Ông rút điện thoại ra tìm một dãy số nào đó, rồi tiện tay ấn loa ngoài và đặt lên bàn.

Tiếng tút tút kêu hồi lâu mới nối máy, giọng nói của Giang Thiêm qua điện thoại vang lên: “Chú Triệu có việc gì à?”

Ông chủ Triệu đáp: “Có, mang tiền tới đây, chuộc bé học sinh đi ăn cơm không trả tiền của cháu về.”

Giang Thiêm im lặng một lát rồi cúp máy.