1Q84 (Tập 1)

Chương 7: Aomame




Khẽ khàng thôi, chớ làm bươm bướm giật mình

Hơn một giờ chiều thứ Bảy, Aomame đến thăm “Biệt thự Cây Liễu”. Trong sân tòa biệt thự này có mấy cây liễu lớn đã trải nhiều năm tháng, mổi lần gió thổi, chúng như đám cô hồn không chốn dung thân, lặng lẽ đung đưa. Vì thế, những người xung quanh đây từ rất lâu, như một lẽ đương nhiên, đã gọi tòa biệt thự cổ theo phong cách phương Tây là “Biệt thự Cây Liễu”. Đi hết con dốc Azabu[1], tòa biệt thự ấy nằm sừng sững ở cuối đường. Có thể trông thấy một đàn chim nhỏ đang nghỉ ngơi trên tán liễu. Trên mái nhà, chỗ hướng ra ánh mặt trời, có một con mèo lớn đang nheo mắt tắm nắng. Đường sá xung quanh chật hẹp, ngoằn ngoèo khúc khuỷu, rất ít xe qua lại. Có rất nhiều cây cao, giữa ban ngày mà chúng cũng khiến người ta có cảm giác tối tăm. Lạc vào góc này, có cảm giác như bước chân của thời gian cũng chậm lại đôi chút. Xung quanh có mấy toà đại sứ quán, nhưng người ra vào không nhiều. Bình thường thì lúc nào cũng tĩnh mịch, nhưng đến hè lại hoàn toàn đổi khác, ve sầu kêu râm ran điếc cả tai.

[1] Azabu là khu vực có giá nhà đất đắt đỏ nhất Tokyo, nơi ở của nhiều nghệ sĩ, doanh nhân và thần tượng.

Aomame ấn chuông cửa, báo tên mình qua vô tuyến điện thoại, rối hướng mặt lên phía ống kính camera giám sát trên đỉnh đầu, nhoẻn miệng nở nụ cười. Cánh cửa sắt điều khiển từ xa từ từ mở ra, Aomane bước vào trong, cửa liền đóng lại sau lưng nàng. Như mọi khi, nàng đi ngang qua sân, thẳng vào tiền sảnh. Biết rõ camera giám sát ghi lại hành động của mình, Aomame ưỡn thẳng lưng, cằm khép chặt, đi thẳng trên con đường nhỏ, điệu bộ chẳng khác gì người mẫu thời trang. Hôm nay nàng mặc đồ bình thường: áo khoác gió màu xanh sẫm, bên trong mặc áo liền mũ màu xám, quần bò xanh lam. Chân đi giầy bóng rổ màu trắng. Vai đeo túi chéo. Hôm nay bên trong không có cái đục băng kia. Lúc không cần thiết, nó luôn nằm lặng lẽ nghỉ ngơi trong ngăn kéo tủ quần áo.

Trong tiền sảnh đặt mấy chiếc ghế gỗ tếch, kiểu ghế trong vườn hoa. Một người đàn ông to lớn đang ngồi trên đó, trông có vẻ khổ sở. Tuy không cao lắm, nhưng cơ bắp nửa trên thân hình của người đàn ông lực lưỡng kinh người. Anh ta tầm khoảng bốn mươi, đầu cạo trọc, dưới mũi để hàng ria mép ngắn được cắt tỉa hết sức cẩn thận. Trên người mặc bộ vest rộng màu xám, áo sơ mi trắng như tuyết, đeo cà vạt lụa xám sẫm, chân đi giày Cordoba đen bóng lộn. Hai tai đeo khuyên bạc. Trong bề ngoài anh ta không giống loại công chức ra vào các cơ quan hành chính quận, cũng không giống người bán bảo hiểm xe hơi, mà giống một vệ sĩ chuyên nghiệp. Trên thực tế đây cũng chính là nghề nghiệp của anh ta. Thỉnh thoảng anh ta còn làm tài xế. Anh ta là tuyển thủ karate, lúc cần thiết có thể sử dụng vũ khí hiệu quả, ngoài ra còn biết lộ vẻ dữ tợn, trở nên hung bạo hơn ai hết. Nhưng bình thường anh ta ôn hòa, bình tĩnh, hiểu biết. Nhìn kỹ vào đôi mắt anh ta… nếu đc anh ta cho phép làm vậy… thậm chí có thể thấy ánh ấm áp ở trong đó.

Những lúc riêng tư, sở thích của anh ta là lắp ráp các loại máy móc, và sưu tầm đĩa nhạc progressive rock[1] thời thập niên sáu mươi, bảy mươi. Anh ta cũng sống ở quận Azabu nhưng tại một khu khác, cùng một người bạn trẻ tuổi đẹp trai làm nhân viên thẩm mỹ viện. Tên anh ta là Tamaru. Không biết đó là họ hay tên, cũng chẳng rõ Hán tự chữ cái ấy viết thế nào. Tuy nhiên mọi người đều gọi anh ta là “Anh Tamaru”

[1] còn gọi là Prog Rock. Một thể loại âm nhạc phổ biến tại Châu Âu ra đời cuối thập niên 1960. Chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhạc cổ điển và Jazz.

Tamaru vẫn ngồi yên trên ghế, nhìn Aomame rồi gật đầu

“Chào anh,” Aomame nói, đoạn ngồi xuống chiếc ghế đối diện người đàn ông.

“Nghe nói ở khách sạn trong khu Shibuya hình như có gã nào đó chết,” người đàn ông vừa nói vừa kiểm tra xem chiếc giày Cordoba bóng hay chưa.

“Tôi không biết.” Aomame nói.

“Chuyện vặt vãnh ấy mà, báo cũng chẳng thèm đăng. Hình như là bệnh tim. Mới hơn bốn mươi tuổi, đáng thương thật.”

“Bệnh tim thì phải cẩn thận mới được.”

Tamaru gật đầu. “Thói quen sinh hoạt rất quan trọng. Cuộc sống không có nguyên tắc, lại nhiều áp lực, ngủ không đủ giấc. Những thói quen ấy đều gây chết người cả.”

“Sớm hay muộn, thế nào chẳng bị thứ gì đó giết chết.”

“Về lý thuyết thì đúng là như vậy.”

“Có giải phẫu kiểm tra thi thể không?” Aomame hỏi.

Tamaru khom người về phía trước, búng một hạt bụi mờ mờ gần như không nhìn thấy trên mặt ngoài chiếc giày da. “Cảnh sát nhiều việc quá, ngân sách có hạn, lấy đâu ra thời gian rảnh mà đi giải phẫu hết những xác chết chẳng phát hiện ra vết thương gì bên ngoài như thế? Người thân cũng không mong người ta cắt loạn thi thể của người đã yên nghỉ mà chẳng có lý do gì đâu.”

“Đặc biệt là nhìn từ quan điểm của người vợ bị bỏ rơi.”

Tamaru im lặng giây lát, rồi vươn bàn tay phải to dày như chiếc găng tay bóng chày về phía nàng. Aomame nắm chặt lấy bàn tay ấy. Nắm thật chặt.

“Mệt lử rồi phải không. Nên nghỉ ngơi một chút đi.” Anh ta nói.

Khóe miệng Aomame hơi nhếch sang hai bên, giống như lúc người bình thường đang mỉm cười, nhưng nụ cười không hiện ra. Chỉ là phảng phất dấu hiệu của nụ cười.

“Bun đâu, nó vẫn khỏe chứ?”

“À, khỏe lắm.” Tamaru trả lời. Bun là con chó cái, giống béc giê Đức mà nhà này nuôi. Tính khí tốt, lại thông minh. Duy chỉ có vài thói quen kì quái.

“Con chó ấy vẫn ăn rau chân vịt chứ?” Amame hỏi.

“Ăn nhiều lắm, dạo này giá rau chân vịt cứ cao vống lên, chịu không thấu. Phải biết là nó ăn nhiều lắm.”

“Tôi chưa thấy con béc giê Đức nào lại thích ăn râu chân vịt.”

“Nó chưa bao giờ nghĩ nó là một con chó.”

“Thế nó nghĩ nó là gì chứ?”

“Hình như nó coi nó là cá thể đặc biệt siêu việt hơn đồng loại của nó.”

“Siêu cẩu?”

“Chắc vậy đấy.”

“Thế nên nó thích rau chân vịt?”

“Chẳng liên quan gì cả. Nó chỉ thích ăn rau chân vịt thôi, từ lúc còn nhỏ nó đã thế rồi.”

“Nhưng có lẽ chính vì thế, nó mới sở hữu những ý nghĩ nguy hiểm.”

“Hẳn là vậy.” Tamaru nói, liếc nhìn đồng hồ, “Hôm nay hình như hẹn một rưỡi phải không?”

Aomame gật đầu. “Đúng thế, vẫn còn thời gian.”

Tamaru chầm chậm đứng lên. “Cô đợi đây một lát. Thời gian có lẽ sẽ sớm hơn một chút.” Nói xong anh ta biến mất vào bên trong tiền sảnh.

Aomame ngước nhìn cây liễu cao lớn, ngồi đó chờ đợi. Không có gió, cành liễu lặng lẽ rủ xuống mặt đất, tựa hồ như người đang đắm chìm trong suy tưởng vô tận.

Không lâu sau, Tamaru trở ra. “Mời cô đi vòng qua phía sau. Hôm nay bà nói muốn mời cô vào nhà kính.”

Hai người vòng ra sân sau, đi qua hàng liễu, vào trong nhà kính. Nhà kính ở phía sau nhà chính. Xung quanh không có cây cối, có thể hứng được đầy đủ ánh mặt trời. Tamaru cẩn thận mở hé cánh cửa kính, chỉ chừa một khe nhỏ, không để lũ bươm bướm bên trong bay ra, cho Aomame vào trước, sau đó anh cũng nhanh nhẹn lách người vào trong, rồi lập tức khép lại. Đây không phải là động tác sở trường của những người cao lớn kềnh càng, nhưng động tác của anh ta rất cơ bản, lại dứt khoát. Chỉ là không phải sở trường mà thôi.

Trong gian nhà kính khổng lồ, mùa xuân hoàn hảo đã hiện diện khắp nơi. Đủ các loại hoa đẹp đang đua hương thi sắc. Thực vật được trồng ở đây hầu hết là những thứ bình thường có thể thấy ở bất cứ chỗ nào, hoa lay ơn, cỏ bạc đầu, cúc, chỗ nào cũng thấy các giá đầy chậu hoa. Thậm chí cả loài thực vật mà Aomame nghĩ là cỏ dại cũng lẩn khuất ở đây. Tuy thế, những thứ như hoa lan đắt giá, hoa hồng giống hiếm, hoa nguyên sắc ở quần đảo Polysia, thì lại chẳng thấy đâu. Mặc dù Aomame không có hứng thú gì đặc biệt đối với thực vật, nhưng vẻ đẹp thiên nhiên trong nhà kính này vẫn khiến nàng ngưỡng mộ.

Có điều, trong gian nhà kính này có rất nhiều bươm bướm sinh sống. Trong căn phòng kính rộng rải này, bà chủ hình như không chú ý đến các loài thực vật quý hiếm lắm. Mà quan tâm nhiều hơn đến việc nuôi dưỡng các loài bướm kỳ lạ. Hoa được trồng chủ yếu là các loài có mật mà bướm ưa thích. Nuôi bướm trong nhà kính cần phải có sự chu đáo, trí thức và công sức lớn hơn bình thường gấp bội, nhưng Aomame hoàn toàn không biết sự chu đáo ấy thể hiện như thế nào.

Trừ mùa hè, thỉnh thoảng cũng có lúc bà chủ mời Aomame đến nhà kính để hai người nói chuyện riêng. Trong nhà kính không cần lo bị ai nghe trộm. Chuyện của họ không thuộc loại có thể lớn tiếng bàn luận ở bất cứ nơi nào. Vả lại, khi xung quanh là hoa tươi và bươm bướm rực rỡ sắc màu, thì thần kinh cũng được nghỉ ngơi chút đỉnh. Nhìn nét mặt của họ là biết ngay điều đó. Nhiệt độ trong nhà kính hơi nóng với Aomame, nhưng cũng chưa đến mức không thể chịu nổi.

Bà chủ là người phụ nử nhỏ nhắn chừng bảy lăm tuổi. Mái tóc bạc trắng rất đẹp được cắt ngắn. Trên người mặc áo bảo hộ lao động bằng vải thô, quần dài vải bông màu bơ, dưới chân đi đôi giày tennis đã bẩn, tay đeo găng bảo hộ màu trắng, đang cầm một cái bình ô doa bằng kim loại to tướng để tưới hoa. Quần áo trên người bà hình như thứ nào cũng rộng hơn một cỡ, nhưng có vẻ rất thoải mái. Mỗi lần nhìn thấy bóng dáng bà, tự trong đáy lòng Aomame đều không khỏi dâng lên một cảm giác kính trọng trước khí chất tự nhiên hoàn toàn không có chút gì giả tạo ấy.

Bà vốn là con gái của một nhà tài phiệt trứ danh từng thống trị giới tài chính và công nghiệp hồi trước chiến tranh, được gả vào một gia đình quý tộc, nhưng ở bà hoàn toàn không toát lên vẻ màu mè hay yếu ớt. Sau chiến tranh không lâu thì chồng mất, bà tham gia vào công ty đầu tư nhỏ do người trong gia tộc sáng lập, đồng thời cho thấy tài năng xuất chúng trong lĩnh vực quản lí cổ phiếu. Mọi người đều thừa nhận rằng đó là một tư chất thiên bẩm. Nhờ có bà, công ty đầu tư nhanh chóng phát triển, tài sản cá nhân của bà cũng tăng lên đáng kể. Bà lấy đó làm tiền vốn, đầu tư mua mấy mảnh đất thuộc hàng thượng đẳng trước đây thuộc giới quý tộc và hoàng tộc trong nội thành Tokyo. Hơn chục năm trước bà nghỉ hưu, nhắm trúng thời cơ bán hết số cổ phiếu trong tay với giá cao, tài sản lại tăng thêm gấp bội. Vì bà cố gắng tránh lộ mặt trước công chúng nên người bình thường gần như không ai biết đến tên bà, tuy giới tài chính thì không ai không biết. Nghe nói cả trong giới chính khách bà cũng có quan hệ rộng. Nhưng nếu nhìn trên góc độ cá nhân, bà lại là một người phụ nữ thông minh và hào sảng. Hơn nữa, lại không hề biết sợ. Tin vào trực giác của mình, một khi đã quyết, bà sẽ làm cho đến cùng.

Vừa thấy Aomame, bà liền đặt ô doa xuống, chỉ tay về phía chiếc ghế sắt nhỏ cạnh cửa, ra hiệu cho nàng ngồi xuống. Sau khi Aomame ngồi vào vị trí, bà cũng đặt người xuống phía đối diện. Dù làm việc gì, bà cũng không bao giờ phát ra tiếng động. Giống như một con cáo mẹ khôn lanh đang băng qua rừng sâu.

“Hai người có muốn uống gì không?” Tamaru hỏi.

“Cho tôi chút trà hương thảo nóng.” Bà nói, rồi quay sang nhìn Aomame: “Còn cô?”

“Giống bà ạ.” Aomame nói.

Tamaru khẽ gật đầu, bước ra khỏi nhà kính. Anh ta kiểm tra xung quanh, chắc chắn bên người không có con bướm nào, sau đó mới hé cửa ra một chút, nhanh chóng lách ra ngoài, rồi đóng cửa lại, như thể đang khiêu vũ.

Bà chủ tháo đôi bao tay bảo vệ bằng vải bông ra, trông như cởi găng tay lụa dùng trong đêm dạ hội, rồi cẩn thận gấp lại đặt trên bàn. Sau đó, bà hướng đôi mắt đen láy nhìn thẳng vào Aomame. Đó là đôi mắt đã nhìn thấy vô số cảnh đời thay đổi. Aomame cũng nhìn lại bà, chú ý để không đến mức thất lễ.

“Hình như vừa có một người rất đáng tiếc đã ra đi.” Bà nói. Có vẻ cũng là nhân vật có chút danh tiếng trong giới dầu mỏ. Nghe nói còn trẻ nhưng rất có năng lực.”

Bà chủ nói chuyện bao giờ cũng rất nhỏ, âm lượng ấy như thể chỉ cần nổi lên một cơn gió rất nhẹ là sẽ bị thổi tan đi. Vì vậy, đối phương lúc nào cũng phải chăm chú lắng nghe. Aomame thỉnh thoảng bị hối thúc bởi cái cảm giác muốn đưa tay ra vặn cái nút chỉnh âm lượng sang bên phải. Nhưng tất nhiên nút chỉnh âm đó chẳng hề tồn tại. Nên nàng đành phải căng tai ra mà lắng nghe.

Aomame nói: “Tuy anh ta chết rất bất ngờ, nhưng hình như cũng không có gì bất tiện cả. Trái đất vẫn quay như cũ.”

Bà chủ mỉm cười: “Trên đời này, không có người nào là không thể thay thế. Cho dù có kiến thức và năng lực siêu phàm thế nào rồi cũng tìm được người thay thế cho y ở đâu đó. Nếu đâu cũng là những người không thể thay thế thì chắc chắn chúng ta sẽ rất khó khăn. Đương nhiên...” Bà chủ bổ sung, đồng thời giơ ngón trỏ bàn tay phải chỉ lên không trung như để nhấn mạnh thêm: “Người như cô thì không dễ gì thay thế được.”

“Dù không thể tìm được người thay thế tôi, nhưng muốn tìm ra một thủ đoạn khác thay thế chắc cũng không khó lắm đâu.” Aomame chỉ ra.

Bà chủ lặng lẽ nhìn Aomame, khóe miệng thoáng nở một nụ cười hài lòng. “Có lẽ vậy.” Bà nói. “Có điều dù là như vậy, thứ mà hai chúng ta cùng có ở đây, trong lúc này, sợ rằng không phải tìm đâu cũng có. Cô là cô, cô chỉ có thể là cô. Tôi vô cùng cảm kích cô, thậm chí không lời nào có thể bày tỏ được hết sự cảm kích này.”

Bà khom người về phía trước, vươn tay đặt lên mu bàn tay Aomame. Khoảng chừng mười giây, tay bà không hề nhúc nhích. Sau đó bà rời tay ra, khuôn mặt thoáng hiện lên vẻ thỏa mãn, thoáng có chút tự phụ. “Ngay ở Ryukyu cũng khó mà tìm được. Loại bướm này chỉ hút chất dinh dưỡng từ một loài hoa, một loài hoa đặc biệt chỉ nở trên núi ở Ryukyu. Muốn nuôi loài bướm này, trước tiên phải vận chuyển loài hoa ấy đến đây trồng trước. Cũng khá phiền phức, đương nhiên cũng phải tốn chút tiền bạc.”

“Con bướm này rất thân thiện với bà thì phải.”

Bà chủ mỉm cười: “Nó nghĩ tôi là bạn.”

“Có thể làm bạn với bướm ư?”

Muốn trở thành bạn của bướm, trước tiên cô phải trở thành một phần của tự nhiên đã. Loại bỏ hơi người, lặng yên bất động, tưởng tượng mình là một gốc cây, một ngọn cỏ, một nhành hoa. Rất tốn thời gian, nhưng khi đối phương không đề phòng cô nữa, thì tự nhiên sẽ trở thành bạn tốt của cô thôi.”

“Bà có đặt tên cho bướm không?” Aomame thấy hiếu kỳ. “Tức là, đặt tên cho từng con một, như chó mèo ấy.”

Bà chủ khẽ lắc đầu. “Tôi không đặt tên cho bươm bướm. Cho dù không đặt tên, nhưng chỉ cần nhìn hình dạng và hoa văn là tôi nhận ra được từng con một. Vả lại, dù có đặt tên cho bướm, thì chẳng bao lâu sau chúng cũng chết đi thôi. Đây là những người bạn vô danh, chỉ làm bạn với ta trong thời gian ngắn ngủi rồi sẽ ra đi. Ngày ngày tôi đều tới đây, gặp gỡ, chào hỏi, hàn huyên với lũ bướm, nhưng khi thời gian đến, lũ bướm sẽ lặng lẽ biến mất biệt tích. Tôi nghĩ chắc chúng đã chết, nhưng lại không tìm được xác bướm ở đâu, cứ như thể chúng bị hút vào hư không, hoàn toàn không còn chút tăm tích nào cả. Bướm là những sinh linh đẹp nhất trên đời. Chẳng biết chúng từ đâu đến, chỉ lặng lẽ theo đuổi thứ gì đó mà số mệnh đã định sẵn, rồi sau đó im lìm biến mất, chẳng rõ đã tới nơi đâu. Có lẽ là đến một thế giới khác thế giới này.”

Không khí trong nhà kính ấm áp nhưng ẩm ướt, đầy mùi thực vật oi nồng. Còn lũ bướm kia, tựa hồ những dấu phẩy ngăn tách dòng ý thức vô thủy vô chung, thoắt ẩn chỗ này thoắt hiện chỗ kia. Mỗi lần đi vào nhà kính này, Aomame đều thấy như thể không còn cảm giác về thời gian.

Tamaru bưng cái khay kim loại bên trên đặt ấm trà bằng sứ men xanh tuyệt đẹp và hai ly trà cùng bộ bước vào. Trên khay còn có khăn ăn và đĩa nhỏ đựng bánh quy. Mùi thơm của trà hương thảo hòa làm một cùng với hương hoa xung quanh.

“Cảm ơn anh, Tamaru. Để tôi làm nốt cho.” Bà chủ nói.

Tamaru đặt khẽ khay lên bàn, lặng lẽ gật đầu, rồi lặng lẽ lùi lại. Sau đó lại mở cửa, đóng cửa, bước ra khỏi nhà kính, bước chân nhanh nhẹn như khiêu vũ. Bà chủ mở nắp ấm trà, hít một hơi, kiểm tra xem trà đã nở đến đâu, rồi chầm chậm rót vào chén của hai người. Thật cẩn trọng để sao cho hai ly trà đầy như nhau.

“Có lẽ tôi hỏi hơi thừa, nhưng sao bà không lắp thêm cửa lưới?” Aomame hỏi.

Bà chủ ngẩng mặt lên nhìn nàng: “Cửa lưới?”

“Đúng vậy, bên trong lắp thêm cửa lưới, làm thành hai tầng cửa, vậy thì lúc ra vào không lo bướm bay ra ngoài nữa.”

Bà chủ tay trái cầm đĩa tách, tay phải cầm ly trà nâng lên môi, nhẹ nhàng nhấp một ngụm nhỏ. Thưởng thức mùi thơm, rồi khẽ gật đầu. Đặt ly trà lên đĩa, sau đó mới đặt đĩa trở lại khay kim loại. Đoạn bà lấy khăn ăn chấm chấm lên miệng, rồi đặt xuống đầu gối. Chỉ mấy động tác đó, dù có nói giảm nhẹ nhất thì cũng tốn thời gian gấp ba lần người bình thường. Cứ như các yêu tinh ở sâu trong rừng thẳm đang hút những giọt sương mai giàu chất dinh dưỡng. Aomame nghĩ.

Sau đó, bà chủ khẽ đằng hắng một tiếng: “Tôi không thích những thứ có hình lưới.” Bà nói.

Aomame im lặng đợi bà nói tiếp, nhưng sau đó không còn câu nào nữa. Không thích vật hình lưới, rốt cuộc là những thứ tượng trưng cho sự bó buộc, chỉ xuất phát từ quan điểm thẩm mỹ, hoặc giả chẳng có lý do gì đặc biệt, mà đơn giản chỉ là yêu ghét cảm tính? Chủ đề câu chuyện đã kết thúc một cách khó hiểu như thế. Có điều, trước mắt, đây không phải vấn đề nghiêm trọng, chỉ là ngẫu nhiên nghĩ đến, tiện thể thì hỏi.

Aomame cũng học theo bà chủ, cầm cả đĩa và ly trà lên tay, lặng lẽ nhấp một ngụm. Nàng không thích uống trà hương thảo lắm. Thứ cà phê vừa nóng vừa đặc tựa như cơn ác mộng lúc đêm thâu mới là thứ nàng ưa thích. Hiềm nỗi thứ thức uống ấy dường như không thích hợp uống trong nhà kính lúc buổi chiều. Vì vậy, mỗi lần đến đây, nàng đều uống thứ giống của bà chủ. Bà chủ mời ăn bánh quy, nàng liền cầm một cái lên ăn. Là bánh quy gừng, vừa mới ra lò, có mùi gừng rất tươi. Trước chiến tranh, bà chủ từng sống ở Anh một thời gian. Aomame chợt nhớ ra điều đó. Bà chủ cũng cầm một chiếc bánh lên, cắn một miếng nhỏ, hết sức lặng lẽ tựa hồ như không muốn làm kinh động đến con bướm quý hiếm đang ngủ trên vai mình.

“Theo lệ cũ, lúc cô về, Tamaru sẽ đưa chìa khóa cho cô.” Bà nói, “Khi nào dùng xong thì gửi lại cho tôi. Cứ như mọi lần thôi.”

“Tôi hiểu rồi.”

Khoảng lặng ấy kéo dài trong giây lát. Trong gian nhà kính kín như bưng này, không một âm thanh nào từ thế giới bên ngoài có thể lọt vào. Con bướm tiếp tục ngủ yên.

“Chúng ta không làm gì sai cả.” Bà chủ nhìn thẳng vào mặt Aomame, nói.

Aomame khẽ cắn môi, gật đầu nói: “Tôi hiểu.”

“Cô xem thứ ở trong phong bì ấy đi.” Bà chủ lại nói.

Aomame đưa tay cầm chiếc phong bì đặt trên bàn lên, lấy bảy tấm ảnh chụp bằng polaroid bên trong ra, xếp bên cạnh chiếc ấm sứ men xanh tinh xảo, như thể xếp những lá bài mang điềm dữ khi bói bài taro. Đây là ảnh chụp đặc tả một số bộ phận trên cơ thể trần truồng của người đàn bà trẻ. Lưng, vú, mông, đùi. Thậm chí cả gót chân. Chỉ không có ảnh chụp mặt. Chỗ nào cũng có dấu vết của bạo lực. Vết sẹo, vết máu, dường như bị roi da quất vào. Lông mu bị cạo sạch, gần đó còn có có dấu vết giống như bị gí tàn thuốc lá vào làm bỏng. Aomame không kìm được, chau mày lại. Trước đây nàng cũng từng xem những bức ảnh tương tự, nhưng đều không tàn nhẫn đến mức này.

“Lần đầu tiên thấy phải không?” Bà chủ hỏi.

Aomame im lặng gật đầu. “Tôi có nghe đại để tình hình, nhưng ảnh thì đúng là mới nhìn thấy.”

“Chính tên đó làm.” Người đàn bà lớn tuổi nói. “Ba chỗ xương sườn bị gãy đã được xử lý, nhưng một bên tai đã có dấu hiệu nghễnh ngãng, e là không thể hồi phục.” âm lượng giọng nói của bà chủ không hề thay đổi, nhưng đã trở nên lạnh lùng và cứng rắn hơn lúc nãy. Hình như bị sự biến đổi ấy làm kinh hãi, con bướm đang đậu trên vai bà chủ bỗng giật mình tỉnh giấc, đập đập hai cánh bay lướt lên không trung.

Bà tiếp tục nói: “Đối với hạng người như thế, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ. Dù có xảy ra chuyện gì đi nữa.”

Aomame nhặt những tấm ảnh lên, cho lại vào phong bì.

“Cô không nghĩ thế à?”

“Tôi cũng nghĩ vậy.” Aomame tán đồng.

“Chuyện chúng ta làm là rất đúng.” Bà chủ nói.

Bà đứng lên khỏi ghế, có lẽ là để tâm trạng ổn định lại, bà cầm bình tưới hoa bên cạnh lên, như thể đang cầm một thứ vũ khí vô cùng tinh xảo. Sắc mặt bà ít nhiều có phần tái đi, nhìn chăm chăm không chớp vào một góc nhà kính. Aomame cũng hướng ánh mắt theo góc nhìn của bà, nhưng không phát hiện ra thứ gì đặc biệt. Chỗ đó chỉ có một chậu hoa ké lớn mà thôi.

“Cám ơn cô đã đến. Vất vả cho cô quá.” Bà cầm cái bình tưới trống không, nói. Xem chừng cuộc gặp đã kết thúc.

Aomame cũng đứng dậy, cầm túi đeo chéo “Cám ơn bà đã mời trà.”

“Cảm ơn cô lần nữa.” Bà chủ nói.

Aomame mỉm cười.

“Cô không phải lo lắng gì cả.” Bà chủ nói. Ngữ điệu không biết từ lúc nào đã trở lại vẻ bình tĩnh ban đầu, trong mắt thoáng hiện lên ánh nhìn ấm áp. Bà nhẹ nhàng đặt bàn tay lên cánh tay Aomame. “Bởi vì chuyện chúng ta làm là rất đúng.”

Aomame kiểm tra lại để chắc rằng xung quanh mình không có con bướm nào, khẽ hé cửa nhà kính ra một chút, bước ra, rồi đóng lại. Bà chủ vẫn cầm bình tưới, ở lại bên trong. Từ trong nhà kính bước ra, nàng cảm thấy không khí mát lạnh và tươi mới, lan tỏa trong không gian mùi hương của cây cối hoa cỏ. Nơi đây là thế giới của hiện thực. Dòng thời gian vẫn chảy như bình thường. Aomame hít đầy bầu không khí hiện thực ấy vào hai buồng phổi.

Bên ngoài tiền sảnh, Tamaru vẫn ngồi trên chiếc ghế làm bằng gỗ tếch, đợi để đưa chìa khóa hòm thư cá nhân cho cô.

“Nói chuyện xong rồi à?” anh ta hỏi.

“Tôi nghĩ thế.” Đoạn ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh anh ta, nhận chìa khóa, cho vào ngăn bên của cái túi đeo.

Hai người im lặng giây lát, ngước nhìn đàn chim bay vào trong sân. Không gian vẫn hoàn toàn lặng gió, cành liễu im lìm rũ xuống, vài cành gần như chạm sát xuống mặt đất.

“Người đàn bà ấy vẫn ổn chứ?” Aomame hỏi.

“Người đàn bà nào?”

“Vợ của cái tên bị bệnh tim chết trong khách sạn ở Shibuya ấy.”

“Hiện nay thì vẫn chưa nói là ổn được.” Tamaru nhíu mày, đáp. “Vẫn ở trong trạng thái bị kích động, không thể nói chuyện, vẫn cần thêm một thời gian nữa.”

“Là người như thế nào?”

“Chưa đến ba lăm tuổi. Không có con. Xinh đẹp, đáng mến. Dáng dấp cũng rất khá. Đáng tiếc là mùa hè năm nay không mặc được bikini. Mà có khi cả sang năm cũng không được. Xem ảnh chưa?”

“Vừa xem xong.”

“Tệ quá đúng không?”

“Cũng hơi thái quá.” Aomame nói.

Tamaru nói: “Trường hợp này rất thường thấy. Xét trên các tiêu chuẩn thông thường của người đời thì người đàn ông đó tài giỏi, được người xung quanh đánh giá cao, gia đình gia giáo, học vấn cao, lại có cả địa vị xã hội nhất định

“Nhưng về đến nhà là như biến thành người khác.” Amame tiếp lời anh ta, bổ sung thêm, “Đặc biệt hễ uống rượu là trở nên hung bạo. Nhưng chỉ dám ra tay với đàn bà, chỉ dám đánh vợ. Nhưng do bề ngoài tốt đẹp, người khác đều ngỡ y là người chồng tốt, đáng mến. Dù người vợ có tố cáo thế nào, nói mình bị đối đãi tàn bạo phi nhân tính ra sao, thì cũng chẳng ai tin. Người đàn ông cũng hiểu rõ điều này, nên hắn chỉ nhằm vào những chỗ người khác không nhìn thấy mà đánh đập, hoặc là không để lại dấu vết gì. Phải vậy không?”

Tamaru gật đầu nói: “Cũng gần như thế. Nhưng thằng khốn này không uống giọt rượu nào, hơn nữa chỉ toàn hành hung vợ giữa ban ngày ban mặt, tính chất nặng hơn. Cô vợ muốn ly hôn, nhưng hắn kiên quyết phản đối. Có lẽ vẫn còn yêu vợ, hoặc có lẽ không muốn buông tha cho vật hi sinh trong tay mình, mà cũng có khả năng là thằng khốn ấy thích hành hung vợ.”

Tamaru khẽ giơ chân lên, kiểm tra xem đôi giày da đã bóng lộn lên chưa, sau đó tiếp tục nói.

“Chỉ cần trưng ra được chứng cứ bạo hành gia đình, đương nhiên là có thể ly hôn. Nhưng làm vậy quá tốn thời gian, lại tốn cả tiền nữa. Hơn nữa, nếu đối phương thuê được luật sư giỏi thì không đơn giản cho cô ấy. Tòa án gia đình thì nhan nhản, nhưng thẩm phán lại nhiều. Mà dù ly hôn được, rồi tòa xử cho nhận tiền bồi thường tổn thất tinh thần và tiền hỗ trợ sinh hoạt, thì cũng ít gã đàn ông nào chịu trả tiền một cách tử tế. Bởi vì muốn tìm cớ để chối thì dễ lắm, bao nhiêu cũng có. Ở Nhật Bản, gần như chẳng có trường hợp nào chồng cũ phải vào tù vì không bồi thường tổn thất tinh thần. Chỉ cần làm ra vẻ muốn làm vậy, rồi trả một ít tượng trưng, thì tòa án sẽ rộng lượng bỏ qua cho. Xã hội Nhật Bản này vẫn dung túng đàn ông thế đấy.

Aomame nói: “Nhưng mấy hôm trước, vừa may là gã chồng tàn bạo ấy phát bệnh tim chết trong khách sạn ở khu Shibuya rồi.”

“Dùng chữ vừa may như thế hơi trực tiếp quá.” Tamaru khẽ chép miệng. “Trời có mắt. Tôi thích cách nói này hơn. Sao cũng được, nguyên nhân cái chết không có điểm gì đáng nghi, tiền bảo hiểm cũng không nhiều đến mức khiến người ta chú ý, công ty bảo hiểm nhân thọ cũng không ngờ vực gì, chắc là sẽ nhanh chóng thanh toán. Là nói vậy, nhưng xét cho cùng cũng là một khoản đáng kể đấy. Dùng số tiền bảo hiểm này, cô ta có thể đi bước đầu tiên trong cuộc sống mới. Cô ta có thể tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc cho việc ly hôn, tránh được thủ tục pháp lý vừa phức tạp vừa vô nghĩa, rồi cả những dằn vặt tinh thần sau khi vụ việc kết thúc nữa.”

“Chẳng những vậy, tên khốn kiếp không thể chạy rông ngoài kia để đi tìm một vật hi sinh khác được nữa.”

“Trời có mắt.” Tamaru nói. “Cũng may là bệnh tim phát tác, tất cả đều kết thúc một cách viên mãn. Chỉ cần kết thúc ổn, thì tất cả đều sẽ ổn.”

“Nếu thật sự có cái kết thúc như thế.” Aomame nói.

Khóe miệng Tamaru nhếch lên, tạo thành một nếp nhăn ngắn khiến người ta liên tưởng đến một nụ cười. “Thế nào cũng tồn tại ở đâu đó một kết thúc như vậy. Chỉ là không chỉ rõ ra ‘đây chính là kết cục’ mà thôi. Trên bậc thang cuối cùng có bao giờ viết ‘đây là bậc cuối cùng rồi, xin đừng leo lên nữa’ không?”

Aomame lắc đầu.

“Thì chuyện kia cũng vậy.” Tamaru nói.

Aomame nói: “Chỉ cần vận dụng kiến thức thông thường, mở to mắt ra nhìn, tự nhiên sẽ biết đâu là kết cục.”

Tamaru gật đầu, “Mà nếu không biết,” anh ta lấy ngón tay làm động tác rơi xuống, “Đằng nào cũng thế, đây chính là kết cục rồi.”

Trong ít phút, hai người không ai nói gì, lắng nghe tiếng chim hót. Một buổi chiều tháng Tư yên tĩnh. Không hề thấy dấu vết của bạo lực và ác ý.

“Giờ có mấy người đàn bà sống ở đây?” Aomame hỏi.

“Bốn.” Tamaru lập tức trả lời.

“Hoàn cảnh giống nhau cả chứ?”

“Đại khái cũng tương tự.” Tamaru nói, sau đó hơi nhếch mép, “Có điều trường hợp của ba người còn lại không nghiêm trọng đến thế. Bọn đàn ông kia chỉ là mấy thằng ranh vô dụng, không đến nỗi tệ hại như thằng khốn chúng ta vừa nói. Toàn là bọn vớ vẩn huênh hoang, không cần đến phiên cô. Bọn tôi cũng xử lý được rồi.

“Hợp pháp không?”

“Đại để là hợp pháp. Cùng lắm cũng chỉ dọa một chút. Tất nhiên, phát bệnh tim cũng là một nguyên nhân tử vong hợp pháp.”

“Dĩ nhiên.” Aomame phụ họa.

Tamaru im lặng một lúc, hai tay để trên đầu gối, lặng lẽ ngước nhìn những cành liễu rủ là là mặt đất.

Aomame thoáng ngần ngừ, đoạn cất tiếng nói: “Anh Tamaru này, tôi muốn hỏi anh một việc.”

“Việc gì vậy?”

“Sắc phục và súng của cảnh sát thay đổi từ mấy năm trước thế?”

Tamaru hơi nhíu mày, dường như trong ngữ điệu của nàng có chút âm hưởng gì khiến anh ta phải dè chừng. “Sao đột nhiên cô lại hỏi vậy?”

“Cũng không có gì đặc biệt, chỉ là đột nhiên nghĩ đến thôi.”

Tamaru nhìn thẳng vào mắt Aomame, đôi mắt anh ta lúc nào cũng giữ thái độ trung lập, bên trong không hề có cảm xúc. Luôn để lại chỗ trống để có thể ngả theo bất kỳ hướng nào.

“Trung tuần tháng Tám năm 1981, cảnh sát Yamanashi đã đọ súng với phần tử quá khích ở vùng núi gần hồ Motosu, năm sau đó, lực lượng cảnh sát đã tiến hành cải tổ quy mô lớn. Chuyện xảy ra đã được hai năm rồi.”

Aomame gật đầu, nét mặt không hề thay đổi. Nàng hoàn toàn không có ký ức gì về vụ việc này, chỉ đành gật đầu phụ họa theo đối phương.

“Một sự kiện đẫm máu. Năm khẩu AK47 Kalashnikov, súng lục ổ quay bắn sáu phát kiểu cũ không thể là đối thủ của món ấy. Ba viên cảnh sát đáng thương bị bắn lỗ chỗ như cái sàng, khắp người toàn vết đạn. Lính đặc chủng của lực lượng phòng vệ lập tức cho trực thăng tới hiện trường, cảnh sát mất hết thể diện. Sau vụ đó, Thủ tướng Nakasone Yasuhiro lập tức quyết định phải tăng cường sức mạnh của cảnh sát. Họ tiến hành cải cách trên diện rộng, lập ra các đơn vị vũ trang đặc chủng, cảnh sát thông thường cũng chuyển qua đeo loại súng lục tự động có tính năng ưu việt hơn, Beretta 92. Cô bắn thử bao giờ chưa?”

Aomame lắc đầu. Làm gì có chuyện ấy? Đến súng hơi cô còn chưa dùng bao giờ nữa là.

“Tôi bắn rồi đấy.” Tamaru nói. “Kiểu tự động bắn liền một lúc mười lăm phát, dùng đạn chín ly Parabellum. Đây là loại súng được đánh giá rất cao, lục quân Mỹ cũng sử dụng. Giá cả không rẻ lắm, nhưng cũng không đắt như SIG hay Glock, đây chính là điểm khiến nó bán chạy. Chỉ có điều, đấy không phải là loại súng tay mơ xài được. Khẩu ổ quay kiểu cũ chỉ nặng có bốn trăm chín mươi gam, còn loại này lại nặng đến tám trăm năm mươi gam. Đám cảnh sát Nhật Bản không được huấn luyện tới nơi tới chốn, dù có đeo loại súng này cũng chẳng làm được trò trống gì. Ở chỗ đông người chật chội mà dùng loại súng có tính năng cao thế này bắn loạn lên thì chỉ tổ giết nhầm người dân thôi.”

“Anh bắn thử cái đó ở đâu thế?”

“Ồ, cũng thường xuyên lắm. Có lần, tôi đang chơi đàn hạc bên bờ suối, chẳng hiểu từ đâu xuất hiện một cô tiên, đưa cho tôi một khẩu Beretta 92, rồi nói: “Ngươi bắn con thỏ trắng ở kia một phát xem nào.”

“Nói chuyện nghiêm chỉnh đi.”

Tamaru để nếp nhăn nơi khóe miệng mình hơi sâu một chút. “Tôi chỉ nói chuyện nghiêm chỉnh thôi.” Anh ta nói. “Tóm lại, thay đổi sắc phục và súng lục là chuyện từ mùa xuân hai năm về trước, đâu như vào quãng đó thôi. Vậy đã coi là trả lời câu hỏi của cô chưa?”

“Cách đây hai năm.” Nàng nói.

Tamaru lại hướng ánh mắt sắc bén về phía Aomame. “Tôi bảo này, nếu có tâm sự gì, cứ nói với tôi. Hay là cô có dính dáng gì đến cảnh sát rồi?”

“Không phải vậy.” Aomame nói, các đầu ngón tay khẽ đung đưa trong không trung. “Chỉ là tôi chợt nhớ đến trang phục của cảnh sát, đang nghĩ xem là đổi từ lúc nào.”

Im lặng thêm giây lát, rồi cuộc trò chuyện của hai người cũng kết thúc ở đó. Tamaru một lần nữa đưa tay phải ra: “Chúc mừng cô, công việc kết thúc thuận lợi.” Anh ta nói. Aomame nắm lấy bàn tay đối phương, người đàn ông này hiểu được: sau khi hoàn thành một việc quan trọng liên quan đến tính mạng con người, sự cổ vũ lặng lẽ mà ấm áp thông qua tiếp xúc cơ thể là hết sức cần thiết.

“Nghỉ ngơi mấy ngày đi.” Tamaru nói, “Có lúc cũng cần dừng chân đứng lại hít thở thật sâu, thả cho đầu óc trống rỗng. Hay là đi chơi đảo Guam với bạn trai cũng được.”

Aomame đứng dậy, đeo túi lên vai, chỉnh lại mũ của áo jacket. Tamaru cũng đứng dậy. Dáng anh ta không thể xem là cao, nhưng khi đứng lên thì chẳng khác nào một bức tường đá sừng sững ở đó. Aomame thường hay bị cảm giác dày đặc ấy làm cho kinh ngạc.

Tamaru ở phía sau dõi theo bóng Aomame đi xa dần. Nàng tiến về phía trước, sau lưng vẫn cảm nhận được ánh mắt anh ta đang nhìn. Thế nên nàng thu cằm lại, ưỡn thẳng lưng, bước vững vàng theo một đường thẳng tắp. Thế nhưng, ở nơi ánh mắt không nhìn tới được, nàng lại đang chìm đắm vào trong hỗn loạn. Ở những nơi nàng không hề hay biết, đang liên tiếp xảy ra những sự việc nàng không hề hay biết. Chỉ vừa mới đây thôi, thế giới vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của nàng, không có sơ hở và mâu thuẫn. Song giờ đây, thế giới ấy đã bắt đầu sụp đổ và tan vỡ.

Đấu súng ở Motosu? Súng lục Beretta 92?

Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Tin quan trọng như thế, Aomame không thể bỏ sót được. Hệ thống của thế giới này đã bắt đầu xuất hiện hỗn loạn ở đâu đó. Nàng vừa bước đi vừa tiếp tục ngẫm nghĩ. Dù xảy ra chuyện gì, cũng cần phải tìm cách sắp xếp lại thế giới này, nhất định phải làm cho nó hợp lý. Mà phải thật nhanh. Bằng không, ai biết sẽ còn xảy ra những chuyện gì nữa.

Có lẽ Tamaru đã nhìn thấu tâm trạng bối rối của Aomame. Anh ta là người thận trọng, có trực giác nhạy bén. Đồng thời cũng là một nhân vật nguy hiểm. Tamaru vô cùng kính trọng bà chủ và tuyệt đối trung thành. Để bảo vệ cho sự an toàn của bà, có lẽ không việc gì anh ta không dám làm. Aomame và Tamaru đều mến tài nhau, và có tình cảm tốt với nhau. Hay ít ra là thứ gì đó gần với tình cảm tốt. Nhưng nếu Tamaru xét thấy sự tồn tại của Aomame vì một lẽ nào đó gây bất lợi cho bà chủ, hẳn anh ta sẽ không chút do dự ra tay xử lý nàng. Hết sức thực dụng, nhưng chuyện này cũng không thể trách Tamaru được, nói cho cùng, đó cũng là chức trách của anh ta mà thôi.

Aomame đi qua sân, cánh cửa mở ra, nàng hướng về phía ống kính camera giám sát gắng hết sức nở một nụ cười thân thiện, vẫy tay nhè nhẹ. Như thể chưa từng xảy ra chuyện gì. Nàng vừa bước ra bên ngoài tường bao, cánh cửa liền chầm chậm đóng lại sau lưng nàng. Vừa bước đi trên con đường dốc của khu Azabu, Aomame vừa sắp xếp lại những việc cần làm gấp trong đầu, liệt kê thành một danh sách. Một cách kỹ càng và khéo léo.