Mỗi lần đến giờ tập thể dục, tôi đều nhìn chằm chằm dưới chân các bạn nữ,
hy vọng tìm thấy chiếc váy xanh lam ấy, mặc dù không biết rốt cuộc là
chất liệu gì, nhưng tôi vẫn nhớ đôi giày da nhỏ xinh cùng chiếc kẹp tóc, nhưng bọn gái đều mặc đồ giống nhau, chỉ duy có chiếc váy đó là tôi
chưa từng thấy ai mặc. Tôi cứ thế kiếm tìm trong suốt cả một mùa đông.
Trước kỳ nghỉ đông, tôi phát hiện ra rằng mình không chỉ tìm không thấy
cô bạn mặc chiếc váy màu xanh lam đó, mà tôi còn không tìm nổi cô bạn
nào mặc váy. Mẹ kiếp, tôi đã bỏ lỡ cái mùa mặc váy, nhưng lại cứ tìm cô
ấy trong cái mùa mặc áo bông. Đã không ít lần tôi tự sỉ vả mình, muốn
tìm một từ ngữ để miêu tả sự ngu si của mình, và trong giờ ngữ văn sau
đó, cuối cùng tôi đã biết hành động của mình được gọi là Mò kim đáy bể.
Dẫu sao tôi cũng phát hiện ra rất nhiều cô gái xinh đẹp khác, bọn họ là Lý
Tiểu Huệ, Lưu Nhân Nhân, Lục Mỹ Hàm và Nghê Phi Phi. Tôi cảm thấy cô gái của mình nhất định là một trong bốn người họ, có điều tôi hoàn toàn
không nhớ nổi mặt của cô ấy. Chẳng lẽ những gì tôi thích chỉ là hình
bóng của cô ấy thôi sao?
Lý Tiểu Huệ từ nhỏ đã học nhảy, mẹ cô ấy là giáo viên, cha là viên chức nhà nước, cô bạn ấy luôn là người mặc
đẹp nhất trường, mỗi khi cô nàng diện bộ nào mới, ngay tức thì sẽ trở
thành trào lưu cho đám con gái trong trường. Cô ấy là người đầu tiên đại diện cho trường tôi đi biểu diễn ở thành phố, còn tôi khi đó được chọn
vào đội cờ đỏ, tôi đã quên sạch khi đó cô ấy nhảy múa bài gì rồi, chỉ
nhớ nội dung biểu diễn là xoạc chân, cô ấy xoạc chân ở tất cả các góc
sân khấu, khiến cho tôi nảy sinh những ham muốn của tuổi dậy thì. Tôi
vẫn nhớ đối tượng trong những giấc mơ ân ái của tôi trước đây là Hoa
Tiên Tử, đó là nhân vật trong một bộ phim hoạt hình, ưu điểm của cô ấy
là trẻ mãi không già, nhưng nhược điểm chính là cho dù sau này tôi có
trở thành một đại gia thì cũng chỉ có thể quăng tiền để mời về một họa
sĩ, căn cứ vào hình dạng của tôi mà vẽ thành hoạt hình vui thú ái ân với Hoa Tiên Tử. Tiểu Huệ chính là đối tượng trong những giấc mơ tình ái
chân thật đầu tiên của tôi, nhất là màn xoạc chân đón gió cuối cùng của
cô ấy, càng khiến tôi kiên định hơn với suy nghĩ của mình.
Lưu
Nhân Nhân hát rất hay, rất nhiều bạn trai thích cô ấy, khuôn mặt bầu
bĩnh, đôi mắt hai mí rõ nét, thoáng một chút kiêu kỳ. Cô ấy hơi khó gần, không thích chuyện trò, những lần được nói chuyện với cô ấy tôi đều nhớ mãi không quên, cô ấy nói: Cậu ơi, lau cửa sổ đi, cô ấy còn nói: Cậu
ơi, lau bảng đi. Cũng phải, cô ấy thuộc tổ vệ sinh mà. Đáng lẽ cô phải
thuộc đội văn nghệ mới phải, cũng nên là đại diện cho giờ nhạc họa nữa,
thế nhưng cô ấy chẳng làm gì cả, bởi vì cô ấy không thích giao lưu bạn
bè, mối quan hệ với các thầy cô giáo cũng không được tốt. Theo lý mà
nói, một gia đình cơ bản như thế nên có mối quan hệ tốt với nhà trường
mới phải, bố cô ấy là diễn viên tên tuổi luôn được đóng vai những nhân
vật lịch sử quan trọng trong các bộ phim cổ trang, mẹ cô ấy là giảng
viên âm nhạc, điều kiện gia đình tốt như thế mà cô ấy đến đây học khiến
tôi rất lấy làm kinh ngạc. Khi cuộc đại cách mạng văn hóa nổ ra, bố cô
ấy bị lật đổ hết lần này đến lần khác, phải di dời đến cái thị trấn nhỏ
này của chúng tôi, và gặp mẹ cô ấy tại đây, khi đó mẹ cô ấy là một giáo
viên dạy dương cầm. Bố cô ấy vừa đến thị trấn này chưa được bao lâu, lại tiếp tục bị lật đổ. À, quên mất chưa giới thiệu, ông ấy chính là người
diễn vai Tưởng Giới Thạch. Sau này họ quyết định định cư tại đây. Lưu
Nhân Nhân vì đánh nhau với một bạn nữ nên bị thầy hiệu trưởng khiển
trách, khi đó bố cô ấy đến trường, không thèm nghe đầu đuôi câu chuyện
đã to tiếng quát mắng thầy hiệu trưởng: Ông có nhầm không, con gái tôi
không bao giờ đánh bạn, nhất định là do lỗi của đối phương. Hiệu trưởng
hỏi: Tại sao? Bố bạn ấy trả lời: Vì nó là con gái tôi, mang trong mình
dòng máu của tôi. Thầy hiệu trưởng cáu lên: Anh tưởng anh là hiệu trưởng à, tôi mới là hiệu trưởng. Anh diễn Tưởng Giới Thạch lâu quá rồi mà vẫn chưa xuống sân khấu hả, đây là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không
phải trường quân sự Hoàng Phố, quân đội cùa anh đã thất bại rồi, con gái của anh đang theo học tại trường của đất nước này, cho nên nhất định
phải tuân thủ quy định ở đây.
Bố của Lưu Nhân Nhân tức giận đùng
đùng, chẳng nói chẳng rằng lôi con gái về nhà tự dạy dỗ, và bây giờ cô
ấy đàn piano đã rất cừ. Sau này lãnh đạo Bộ giáo dục trên danh nghĩa
chưa hoàn thành nghĩa vụ giáo dục chín năm, nên khuyên nhủ Nhân Nhân trở lại trường học, nhưng cô ấy đã bỏ học nửa năm rồi, vậy nên cô ấy phải
lưu ban và được xếp vào lớp của bọn tôi.
Lục Mỹ Hàm thì chẳng có
năng khiếu gì, sở trường mạnh nhất là giỏi giao du với đám con trai, lại còn quen biết rất nhiều những anh lớp trên và đám nam sinh trường
ngoài, cô nàng có vẻ quen biết rộng. Bố cô lái xe chở hàng, mẹ cô là
công nhân nhà máy hóa chất, vì nhà ở ngoại thành, nên bố cô ấy rất thích lái xe tải đến trường đón con, nhưng xe tải của ông ấy to quá. Chỉ cần
đến trường một cái là y như rằng hệ thống giao thông quanh trường đều tê liệt. Chiếc xe tải hiệu Giải Phóng ấy mà dừng lại, cả con đường sẽ
không thể lưu thông được, ngay cả xe ba gác cũng không thể lèn vào nổi.
Lục Mỹ Hàm có vẻ không thích bố đến đón đưa hàng ngày. Trước cô ấy
thường giả vờ không quen biết bố, sau này bị ông ấy túm cổ lôi lên xe.
Tiếp sau đó, chỉ cần thấy bố đến đón, là y như rằng cô nàng nhiệt tình
giúp đỡ các bạn cùng lớp dọn vệ sinh, rồi nấn ná đến khi không còn ai
mới chịu ra về. Bởi vì chiếc xe hiệu Giải Phóng đó chạy bằng dầu diesel
nên tiếng nổ máy to khủng khiếp, mỗi khi chuẩn bị tan trường, chúng tôi
thường thầm thì to nhỏ: Bố của Lục Mỹ Hàm đến rồi đó.
Mỗi khi đến phiên mình trực nhật, tôi rất mong bố cô ấy sẽ đến đón, một mặt là vì
tôi được ở bên người đẹp lâu hơn một chút, mặt khác là bản thân cũng bớt đi một chút việc. Chỉ khổ người dân trên con phố này. Vì Lục Mỹ Hàm
thích đi chơi với đám con trai trường ngoài, nên bố cô ấy vô cùng lo
lắng, đến mức ngày nào cũng phải đưa đón, khiến cho chính quyền địa
phương đã phải cắt cử các đồng chí xuống đo kích thước của xe, rồi đặc
biết trồng hai cái cột bê tông ngăn không cho chiếc xe tải biển Giải
Phóng ấy đi vào. Bố của Lục Mỹ Hàm rất ngoan cố, cột bê tông trồng đến
đâu, ông ấy đỗ xe ngay tại đó. Bố cô nàng là nguyên nhân trực tiếp dẫn
đến dự án mở rộng con đường ở trước cổng trường chúng tôi, vài trăm hộ
gia đình cũng vì thế mà phải di cư đi nơi khác. Và thế là trong công
cuộc mở rộng đường chiếc xe tải của bố cô ấy vẫn cứ nằm lẫn trong đám
thiết bị công trình ngày đêm nối nhau ra vào tấp nập.
Vì cả
trường đã biết chuyện, nên Lục Mỹ Hàm đành chấp nhận hiện thực này, mỗi
khi tan trường đều ngoan ngoãn lên xe về, việc này ngẫu nhiên mang đến
chuyện vui mừng cho đám con trai về cùng đường với cô ấy, cả lũ đu lên
chiếc xe tải, ngồi vào trong thùng xe. Mỗi khi xe đến bến đều dừng lại,
và đám nam sinh sẽ trèo xuống từ thùng xe khiến mấy bác tài xe buýt nhìn thấy mà kinh ngạc. Sau này ông ấy được chính quyền địa phương trao tặng huy chương Cư dân tiêu biểu trong phong trào khuyến học Lôi Phong.
Và cũng chính trong buổi lễ trao tặng huy chương đó, Lý Tiểu Huệ đã phụ trách màn biểu diễn múa.
Ngải Phi Phi là một cô gái trầm tính, bố cô ấy kinh doanh trên biển, buôn
bán rất có lộc, hoàn cảnh gia đình có thể nói là khá nhất trong tứ đại
mỹ nhân lớp tôi, thế nhưng cô ấy lại có một cậu em trai cùng cha khác mẹ nữa, bố mẹ cô ấy mặc dù không ly hôn, nhưng ông ta lại ngoại tình với
cô thư ký, vấn đề là cô thư ký kia vẫn không phải là mẹ của em trai Phi
Phi, bây giờ năm người gia đình họ chung sống cùng nhau trong một căn
biệt thự ngoại ô. Ngải Phi Phi cũng không thích nói nhiều, nhưng cô ấy
rất thích văn thơ. Cô ấy tham gia cuộc thi kể chuyện Chú ếch xanh do
công ty văn phòng phẩm Chú ếch xanh tài trợ, tổ chức tại từng địa bàn
trong toàn thành phố, hôm ấy Ngải Phi Phi kể chuyện Hoàng tử ếch, bởi vì câu chuyện vô cùng phù hợp với hình ảnh của nhà tài trợ, nên cô ấy bất
ngờ đạt giải nhất. Đây là học sinh đầu tiên của trường tôi đạt giải nhất trong cuộc thi Chú ếch xanh, vậy nên tên tuổi của cô ây nhanh chóng nổi như cồn trong trường. Ngải Phi Phi còn thường xuyên gửi bài cho các
báo, bài viết của cô ấy được đăng trên tập san Khăn quàng đỏ. Có một
lần, cô ấy đã nói trong buổi thuyết trình sinh hoạt lớp, rằng: Chúng ta
đã không còn là những đứa trẻ, đã sắp trở thành học sinh trung học, suy
nghĩ của mỗi người đã trở nên chín chắn, cảm xúc cũng trở nên phong phú
hơn, tôi sẽ cố gắng viết càng ngày càng tốt, phản ánh chân thực tâm tư
nguyện vọng của các bạn học sinh tiểu học. Thầy cô nói rằng tôi có thể
thử nghiệm gửi bài cho những tờ báo tầm cao hơn, tập san Khăn quàng đỏ
đã không còn là mục đích của tôi nữa rồi, tôi sẽ đạt được những thành
tích cao hơn cho các bạn thấy.
Ngải Phi Phi nhẹ nhàng khiêm tốn,
rất nhanh sau đó, tác phẩm của cô ấy được đăng trên báo Khăn quàng đỏ,
nói về những trải nghiệm khi được chứng kiến viên đá trong tủ lạnh đã
tan chảy như thế nào khi đặt dưới ánh nắng mặt trời.
Ngải Phi Phi là tài nữ và mỹ nữ của ngôi trường này, hầu hết đám nam sinh nhìn cô ấy đều cảm thấy rất hổ thẹn, nhất là vì mấy cô gái dậy thì quá sớm, cô nào cũng đều cao hơn chúng tôi. Thậm chí tôi còn cảm thấy, chỉ có những anh học sinh cấp ba phong trần lãng tử cưỡi con Sandy bóng loáng mới có
quyền được hưởng thụ họ.
Nhưng tôi nhất định phải đợi mùa hè đến, tôi nhất định phải biết trong số mấy cô gái ấy, ai là hình bóng mà tôi
yêu thương. Tôi mở đĩa Đàn ông không khóc của Tiểu Hổ Đội và dần chìm
vào giấc ngủ, đĩa này tôi đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần. Khác với
đám bạn luôn thích những bài hát tiết tấu nhanh, rõ ràng tôi có chiều
sâu hơn, tôi thích nghe những bài hát nhạc nhẹ. Tôi nghĩ có lẽ chúng nó
chưa biết yêu, cho nên chỉ thích nghe những bài có tiết tấu nhanh, còn
khi đã yêu một người rồi, thì bạn sẽ thích những bài hát nhẹ nhàng, chậm rãi, bởi vì bạn hiểu rõ rằng họ đang hát những gì, có phù hợp với tâm
trạng của mình hay không.
Khi ấy tôi thích nhất là bài hát Nỗi
muộn phiền của anh, vì từ sâu trong tiềm thức tôi cảm thấy mối tình này
bi đát quá, hồi ấy tôi cao chưa đến một mét tư, còn mấy cô ấy ai cũng
cao hơn một mét rưỡi. Đó chính là nỗi muộn phiền của tôi. Thời gian đó
trong đám bạn bè mà tôi quen biết có người sắp bị mất chức, có người bị
đuổi việc, trong cái mớ bòng bong nỗi muộn phiền ấy, tin vui duy nhất đó chính là một người anh khác của tôi được ân xá trước thời hạn, đáng
tiếc là tôi chả có tí tình cảm nào với ông anh này, anh ấy bị bắt vào
thời điểm tôi còn nhỏ hơn bây giờ một chút. Sau lần đập tan băng nhóm
tội phạm năm 1983, các phần tử phạm tội và mưu đồ phạm tội đều im bặt
như ve sầu mùa đông, nhưng qua một vài năm, thành phố tôi đang sống xảy
ra vài vụ hung sát, đi đến đâu cũng đều nghe phong thanh về vụ con gái
của thị trưởng bị mấy tay thanh niên xã hội đen cưỡng hiếp, vì thế cả
thành phố đã mở cuộc truy quét cục bộ các băng nhóm tội phạm, đẩy mạnh
công kích tất cả những tội phạm hình sự, cố gắng duy trì đảm bảo đồng bộ với các họat động giữ gìn môi trường sống. Anh ấy là con trai bác hàng
xóm của hàng xóm nhà tôi, anh ấy tên là Tiêu Hoa. Cũng là đối tượng được bọn tôi hay bàn tán nhiều nhất. Hàng xóm của hàng xóm là một tay đồ tể, sinh sống bằng nghề giết mổ lợn. Một đêm năm 1987, anh Tiêu Hoa bỗng
dưng có nhã hứng đi dạo phố, kết quả là bị đội cảnh sát nhân dân giữ lại tra hỏi, đồng thời tìm thấy trên người anh có một chiếc tuốc nơ vít.