1976

Chương 11




Thời gian tiếp theo của chúng tôi trôi qua đặc biệt thú vị. Theo lời Lý Ngôn Tiếu nói thì anh đang kỳ nghỉ đông, có rất nhiều thời gian chơi với tôi nên không còn cảm giác nhàm chán cực độ nữa. Tôi đã thuộc khá nhiều từ vựng tiếng Anh, thỉnh thoảng còn có thể dùng tiếng Anh để biểu đạt.

Học dương cầm lại thật buồn tẻ, những khúc tôi luyện hàng ngày toàn là “Đông phương hồng”, luẩn quẩn quanh ba âm trưởng C, G, F nghe chẳng êm tai một chút nào. Thời gian chúng tôi luyện đàn phải tiến hành trong lặng lẽ, lúc đánh đàn phải dẫm lên pedal giữa, sợ bị hàng xóm nghe thấy, hơn nữa còn có thể bị bọn hồng tiểu binh đến đập vỡ đàn của chúng tôi.

Vì thế Lý Ngôn Tiếu có chút lo lắng: “Cứ dẫm pedal giữa thế này mãi sao mà luyện được, không thể luyện độ mạnh yếu của ngón tay…”

(Pedal giữa dùng cho chức năng học tập, khi giữ pedal này thì tiếng piano không còn vang nữa, được giảm xuống mức thấp nhất để giảm tiếng ồn)

Tôi hỏi Lý Ngôn Tiếu lúc trước anh đàn bài gì, anh trả lời là dân ca Xô Viết.

Tôi nói: “Em không muốn đàn những bài đang học nữa.”

Anh xoa đầu tôi, giải thích rằng những khúc tôi học bây giờ tương đối đơn giản, trước tiên phải có nền tảng vững chắc đã. Tương lai nhất định có thể đàn những ca khúc Xô Viết, còn có ca khúc Âu Mĩ, khi đó có thể sử dụng nhiều phím đen.

Vì thế tôi đành nhẫn nại học dương cầm, chỉ cần ngồi xuống băng ghế trước đàn, trong mắt tôi chỉ có hình ảnh bà nội hiền lành đang mỉm cười nhìn tôi.

Thời gian dần trôi, tôi và Lý Ngôn Tiếu trở nên đặc biệt thân thiết, trong lòng có chuyện gì đều nói ra hết. Người lớn trong nhà anh rất hoan nghênh mỗi khi tôi đến. Tôi lại một lần nữa viết thư về nhà, vừa viết vừa tra tự điển nên không bị sai nữa, sau đó liền gửi đến nhà ở Liên Vân Cảng.

Thời tiết càng lúc càng lạnh, tôi đếm ngón tay tính toán từng ngày, cuối cùng đã sắp đến giao thừa rồi, trong nhà đã trang trí được kha khá, tôi và Lý Ngôn Tiếu tạm thời gác lại việc học.

Hai ngày nay, mỗi nhà đều mua pháo đỏ, thỉnh thoảng sáng sớm có thể nghe được tiếng pháo “đùng đùng” làm tôi đang ngủ mơ cũng phải bừng tỉnh, nhưng lại cảm thấy rất vui. Chú và thím cũng mua pháo, đặt dưới giường của tôi và Vương Câu Đắc Nhi. Vì thế mà Vương Câu Đắc Nhi ngủ cũng không yên, suốt ngày cứ lo pháo sẽ phát nổ, sau đó nổ mất cái giường luôn. Thím nghe xong thì cười đến đứng không vững.

Mọi người đều mặc quần áo xanh xanh đỏ đỏ, “Ngu Cơ” mặc một chiếc sườn xám màu đỏ, tóc dài được búi lên vô cùng đẹp mắt. Ngay cả Lý Ngôn Tiếu không thích mặc đồ màu sáng nhưng cũng đổi một bộ áo lụa màu đỏ rượu. Tôi không có quần áo màu đỏ, chỉ có thể đổi sang áo bông màu xanh nhạt. Thím nhìn thấy tôi thì vỗ trán một cái: “Ah, quên mua vải đỏ để may áo mới cho Mộ Đông rồi, chờ nhé, bây giờ thím đi liền đây.”

Tôi không có hứng thú gì với màu đỏ, thấy mình mặc màu đỏ thì quá nổi bật, nhưng cũng không có ý kiến gì.

Trong nhà cần phải quét dọn nên đồ đạc đều được chuyển ra ngoài. Tuy chỉ là công việc trong nhà nhưng tôi và Vương Câu Đắc Nhi đều bận đến gần chết, Lý Ngôn Tiếu cũng chạy qua giúp. Chú từ trên nóc nhà đem xuống một cây trúc rất dài, buộc một đầu của nó vào cây chổi sau đó quét tro bụi trên mái nhà. Thanh Đảo tuy không khí trong lành nhưng vì gió lớn làm mái nhà tích một lớp bụi, cái chổi quét tới đâu là bụi đổ rào rào tới đó.

Vương Câu Đắc Nhi thật sự bị không khí vui mừng này làm cho chập mạch luôn rồi. Lúc chú đang quét tro bụi trên mái nhà thì cậu ta vọt vào, đứng trong mưa bụi mà nhảy nhót. Chú và thím cười đuổi Vương Câu Đắc Nhi đi, nhưng có đuổi thế nào cậu cũng không nghe mà càng hăng hái, khoa tay múa chân nhảy múa còn dữ hơn lúc nãy.

Tôi đứng bên ngoài nhìn Vương Câu Đắc Nhi phát điên trong nhà, cảm thấy quần áo trên người mình cũng bẩn luôn rồi. Lý Ngôn Tiếu thích thú nhìn, choàng tay lên vai tôi cười ha ha.

Trời đã đổ tuyết, tất cả đều bị trùm lên một màu trắng xóa, trông vô cùng sạch sẽ. Tôi, Ngôn Tiếu, Vương Câu Đắc Nhi, Nữu Nhi, bốn người thi nhau ăn tuyết, từ nhà chúng tôi bắt đầu thè lưỡi liếm đến nhà Lý Ngôn Tiếu, liếm tầng tuyết sạch sẽ ở trên cùng, nhìn bốn đứa như bốn con chó nhỏ bò qua, người lớn trong Lý gia đều trợn mắt há hốc mồm.

Tiệc mừng năm mới thật sự rất ngon.

Lần đầu tiên chú và thím mua thịt, cả một miếng lớn đều là mỡ. Thím cao hứng bừng bừng nói với tôi: “Tốt quá tốt quá, vợ của Tam Nhi bán thịt quen thím, thím và bà ấy thường chơi mạt chược với nhau nên lần này mua thịt được cắt cho một miếng lớn đầy mỡ!”

Lúc ấy thịt mỡ mới là tốt, nhà ai mua phải thịt nhiều nạc là tức đến đấm ngực dậm chân.

Thím đem miếng mỡ cẩn thận cắt thành từng miếng nhỏ rồi cho vào nồi nấu. Sau khi nấu một lúc lâu thì mỡ bắt đầu chảy ra hết, còn một phần gọi là tóp mỡ, từng miếng từng miếng, cái này đối với chúng tôi là vô cùng mỹ vị. Thím chuẩn bị cho chúng tôi mỗi người một đĩa nhỏ, hào phóng mà đặt vào một ít tóp mỡ, chúng tôi thấy mùi ngon liền ăn đến say sưa.

Trong nhà có một tấm rèm thần thần bí bí che đi căn phòng ở góc khuất. Chú và thím không cho chúng tôi tới gần, nhưng tôi vẫn lén nhìn – bên trong là tượng Bồ Tát. Năm mới nên trong nhà mua rất nhiều bánh nướng, bánh ngọt và hoa quả bày ở phía trước, khi đến tết âm lịch thì có thể cho bọn trẻ chúng tôi ăn.

Ngày đó chúng tôi trông mong nhìn vào căn phòng, nhưng đối với tượng Bồ Tát không có một chút kính ý nào.

Tôi và Lý Ngôn Tiếu đến cầu lớn chơi, lúc này trên sông đã kết một tầng băng mỏng, có vài ông lão đang ngồi thi câu cá với nhau. Tôi thấy thế liền chọt chọt Lý Ngôn Tiếu, nhìn anh cười khiêu khích, ý là: Anh xem đi, em đã nói thì đố có sai, mùa đông vẫn có người câu cá đây này!

Lý Ngôn Tiếu xoa mạnh đầu tôi, sau đó dựa vào lan can xem người ta câu cá. Tôi không biết mấy cái lỗ hỏng đó ở đâu ra, có lẽ là đập vỡ lớp băng mà có.

Từ xa nghe những ông lão kia nói chuyện, cái gì mà câu cá vào mùa đông cần phải chú trọng thứ này thứ nọ, nhưng tôi nghe không hiểu gì cả.

Trên cầu có chợ phiên, mỗi năm đến tết âm lịch là người ta tụ tập buôn bán ở đầu cầu rất náo nhiệt. Chúng tôi chen vào dòng người, Lý Ngôn Tiếu nắm tay của tôi kéo đi. Tay tôi tiếp xúc với lòng bàn tay đầy mồ hôi của Lý Ngôn Tiếu, cái cảm giác trơn mượt đó làm tôi phải giãy tay ra.

Lý Ngôn Tiếu lại nắm chặt hơn, bao kín tay tôi trong lòng bàn tay anh: “Đi theo anh, lỡ em bị lạc thì anh phải làm sao?”

Có chỗ bán vải, có chỗ bán đồ ăn, có chỗ bán đồ chơi… thật sự là rực rỡ muôn màu. Chúng tôi ngồi xổm trước một ***g gà con, tỉ mỉ ngắm nghía. Những chú gà con vô cùng đáng yêu, lông xù tròn vo không thấy cổ, co lại thành một cục kêu chíp chíp làm tim tôi muốn nhũn ra.

Tôi nói với Lý Ngôn Tiếu: “Anh có mang tiền không?”

“Có.”

Tôi nhìn tấm bảng ghi bốn hào rưỡi một con: “Mua một con nha.”

Anh có chút do dự: “Trời lạnh thế này mà gà thì còn nhỏ, chỉ sợ không bao lâu sẽ chết mất.”

“Em sẽ chăm sóc tốt cho nó mà.”

“Nhưng cuối cùng nó vẫn chết. Khi đó em sẽ khóc đấy.”

“Em tuyệt đối không khóc!”

Lý Ngôn Tiếu vẫn còn do dự. Tôi thấy anh mãi không chịu mua, bởi vì tiền của người ta nên tôi không tiếp tục đòi hỏi nữa, chỉ nói là: “Em muốn nhìn thêm một chút.” Tôi nhịn không được mà thò tay sờ đầu gà, tụi nó liền kêu lên chíp chíp, cái đầu nhỏ cọ cọ vào ngón tay tôi.

Lão bán hàng bưng một chén mì hoành thánh về tới, vừa nhìn thấy chúng tôi chỉ là hai đứa con nít lại còn dùng tay sờ sờ thì rất không vui nói: “Gọi người lớn nhà tụi mày tới mà mua.”

Tôi ngẩng đầu lên nói: “Người lớn không có tới.”

“Vậy thì đừng đụng! Lỡ gà chết thì thằng ranh như mày có đền được không?” Lão bán gà nghiêm mặt hung dữ, giọng nói cũng thay đổi, cúi người muốn đuổi chúng tôi đi.

Tôi định đứng dậy rời đi thì Lý Ngôn Tiếu lại đột ngột đứng lên, nắm cánh tay của tôi. Tôi càng hoảng sợ hơn, nhìn mặt anh không có biểu tình gì, nhưng ở chung lâu như vậy nên tôi rất rõ là anh đang tức giận.

“Không có người lớn thì không được mua sao? Ỷ mình lớn thì muốn ăn hiếp trẻ con à!” Anh vừa nói vừa móc tiền ra, ngữ khí đặc biệt lạnh: “Tôi mua hai con, lần sau dám không tôn trọng em ấy thì tôi cho ông đẹp mặt nhé!”

Lão bán gà ngẩn người, hiển nhiên chưa từng đụng phải đứa nhỏ nào như Lý Ngôn Tiếu. Nhưng gã không phải kẻ tôn nghiêm gì, vừa thấy Lý Ngôn Tiếu có tiền thì lúng túng cười, nhận tiền xong còn thối lại tiền lẻ, sau đó đưa hai con gà con cho tôi.

Tôi vội dùng cả cánh tay ôm chúng, nghĩ thầm ông trời quả nhiên rất thương tôi, nếu không phải bị gã kia mắng thì Lý Ngôn Tiếu nhất định không chịu mua cho tôi đâu. Lý Ngôn Tiếu cũng nhìn hai con gà trong ngực tôi, một tay của anh đặt lên vai tôi, anh hỏi: “Thích không?”

Tôi gật gật đầu, nhếch miệng cười một cái.

“Thích thì phải nuôi cho tốt, lâu rồi không được thấy em cười…” Lý Ngôn Tiếu cảm khái nói vậy. Tay của anh trượt đến bên cổ tôi, khẽ vuốt một cái, sau đó nói: “Ấm thế, để anh chườm nóng tay đã.”

Tôi rất sợ nhột, lập tức cười sằng sặc, nghiêng đầu kẹp lấy tay Lý Ngôn Tiếu. Anh không biết tôi sợ nhột nên vội rút tay ra. Tôi cười một lúc lâu mới dừng lại được, vừa nhớ tới cảm giác được bàn tay anh vuốt ve an ủi lúc nãy thì hai má chợt nóng lên.

Chúng tôi bỏ thêm một hào mua một bó hương, đi đến trước cầu lớn liền diễn như thật mà lấy ra ba cây bắt đầu “tế bái.” Người xung quanh nhìn hai đứa con nít chúng tôi thì không khỏi thấy buồn cười. Bởi vì Lý Ngôn Tiếu nói chuyện không thèm để ai vào mắt, lại diễn vai tiểu sinh, cũng coi như nhân vật nổi tiếng nên có nhiều phụ nữ cười hỏi anh: “Lý tiểu thái gia?”

Tôi chờ bọn họ đi rồi mới nói với Lý Ngôn Tiếu: “Có một lần em nghịch hương đến nỗi quần áo cũng bị cháy.”

“Thế ư?” Khóe miệng Lý Ngôn Tiếu cong lên: “Rồi sau đó?”

“Sau đó may là có Canh Vân nhanh trí đạp em lăn xuống đất, lăn mấy vòng thì lửa cũng tắt luôn.”

Lý Ngôn Tiếu cười đến vui vẻ, trong ấn tượng của tôi thì quan hệ của anh và Vương Câu Đắc Nhi không có thân thiết gì mấy, không lạnh cũng không nhạt. Tôi cho rằng cái lần “thay quần áo” kia đã khiến cho Lý Ngôn Tiếu có phần không thích Vương Câu Đắc Nhi, nên trước mặt anh rất ít khi nhắc đến cậu ấy. Không ngờ anh so với trong tưởng tượng của tôi thì rộng lượng hơn một chút, không có biểu hiện ra mặt. Nói cho cùng thì Lý Ngôn Tiếu vẫn là một tiểu thiếu gia.

“Cháy như vậy cũng coi như chuyện lớn rồi, chắc hẳn sẽ gây chú ý.”

“Đúng thế, em liền…” Lời mới nói được một nửa, bất chợt sau lưng truyền tới âm thanh đốt pháo “đùng đoàng”, tiếng pháo đột ngột như thế làm tôi sợ đến mức nhảy lên, hương trong tay cũng bị ném xuống, sau đó không chút do dự liền nhào vào ngực Lý Ngôn Tiếu.

Lý Ngôn Tiếu bị tôi đột ngột xông vào thì ngẩn người một thoáng, sau đó vươn tay vỗ lưng tôi, nói: “Này này này, gà con bị em đè rồi kìa…”

Lúc này tôi mới nhớ tới hai con gà còn ôm trong ngực, liền vội vã đứng lên. Quả nhiên tụi nó bị đè thật, lông trên người cũng xẹp xuống luôn rồi.

Lý Ngôn Tiếu nhẹ vỗ lưng tôi: “Ôi cha mẹ ơi, dọa chết anh rồi… Cũng may vừa rồi em ném bó hương đi, lỡ như đốt lên mặt anh mấy vết thì hết cách hát hí khúc luôn rồi.”

Tôi nhìn anh cười: “Mặt bị đốt thì cũng hết cách cưới vợ!”

Lý Ngôn Tiếu cũng vui vẻ: “Em cũng biết… cái này sao?”

Tôi gật đầu, thật ra tôi cũng không rõ mình có hiểu hay không.

“Không phải anh hỏi em chuyện cưới vợ.”

“Thế là chuyện gì?”

Anh không trả lời mà hỏi tôi: “Sao em sợ pháo dữ vậy?”

“Lúc em vừa sinh được mấy tháng thì đến tết âm lịch, lúc đó bị dọa sợ đến mấy ngày sau hồn vía vẫn chưa chịu về, sau này cũng không được an ổn gì, cứ mỗi khi nghe thấy tiếng động lớn là sợ hú vía.”

Tôi nhớ lúc còn bé, cứ có người đốt pháo là bà nội giúp tôi bịt lỗ tai lại, mà tôi nghe thấy tiếng pháo cũng theo thói quen trốn trong ngực bà nội, cả cái đầu đều vùi vào người bà. Nhưng bây giờ bà đã không còn, cũng chỉ có Lý Ngôn Tiếu có thể bảo vệ tôi thôi.

Chúng tôi đi đến quảng trường, ở đó có người hát hồng ca, có người múa lân, có người đang diễn thuyết ca tụng Chủ tịch. Tôi cảm thấy tất cả các hoạt động này đều không đẹp bằng một khúc dương cầm. Có chơi dương cầm mới cảm giác được nó ưu nhã làm sao, ngón tay thon dài lướt trên phím đàn trắng đen phân biệt, cảm giác đầu ngón tay mát lạnh như nước. Điểm này thì tôi biết, nhưng tiếc là tôi không thật sự thích dương cầm.

Bên cạnh có người đồng thời đốt ba dây pháo, tôi đã sớm chuẩn bị tốt tâm lý nên che lỗ tai lại trước. Pháo nổ tung trên bầu trời mùa xuân se lạnh, màu vàng của lưu huỳnh làm tôi chói muốn mờ mắt, rồi từng hạt sáng màu đỏ tung bay ngập trời.

Tôi dùng sức bịt tai lại, nhìn thấy Lý Ngôn Tiếu đứng cách vài bước mấp máy nói gì đó với tôi, nhưng tôi không nghe rõ.

“Anh nói cái gì thế?” Tôi hô lớn hỏi anh.

“…”

“Cái gì hả?”

Dường như anh có chút bất đắc dĩ, hô lớn với tôi: “không có gì cả!” Rốt cuộc tôi cũng nghe rõ một câu này.

Chúng tôi ở bên ngoài chơi đùa cả ngày, về nhà lại được ăn một bữa cơm phong phú. Ngày tết quả nhiên rất tốt, có rất nhiều món ăn ngon. Con nít trong thôn đều đi chơi với nhau, ăn được lửng dạ thì chạy đi tìm đồng bọn chơi tiếp, lại nhà này ăn một miếng, tới nhà kia ăn một chút, rồi còn cầm pháo chọi nhau, nói rằng đó là thuốc nổ.

Lý Ngôn Tiếu đã sớm ăn cơm xong, cầm một hộp pháo muốn cùng chơi với tôi. Tôi đối với cái này không có chút hứng thú nào, hơn nữa còn có tâm lý sợ hãi với lửa. Đốt xong rồi ném ra, sau đó nổ “đoàng” một tiếng cực lớn, rủi mà ném chậm một chút thì không biết thành ra cái dạng gì luôn.

Lý Ngôn Tiếu hừ một tiếng nói: “Sợ lửa, sợ tiếng động lớn, không thích mặc màu đỏ, thế em là con thú hoang nào à?”

Tuy biết là đang chê cười tôi nhưng tôi vẫn cảm thấy rất vui, liền cùng anh cười lên ha hả.

Lý Ngôn Tiếu liền đi tìm Vương Câu Đắc Nhi và Nữu Nhi chơi cùng, ném đến mức bên trong đại viện toàn là thuốc pháo đen thui. Nữu Nhi trốn sau lưng Vương Câu Đắc Nhi, Lý Ngôn Tiếu ném pháo một cái cậu ta cũng hét lên một tiếng, tôi nghe đến hai tai cũng bắt đầu ong ong. Mà Vương Câu Đắc Nhi lại dốc sức liều mạng che chở cho Nữu Nhi, một bộ không sợ trời không sợ đất, bộ dáng như con gà trống lớn đó làm tôi không khỏi cảm thấy buồn cười, nhưng cũng chỉ cười Vương Câu Đắc Nhi ngây thơ thôi.

Tôi có thể nhìn ra Vương Câu Đắc Nhi rất thích Nữu Nhi, nhưng cậu ta lại sống chết không thừa nhận.

Mà tôi cũng nhìn ra đối với Nữu Nhi thì Vương Câu Đắc Nhi chỉ như một người bạn bình thường, có thể cùng nhau chơi nghịch bùn, chơi đồ hàng. Ngược lại Nữu Nhi cứ mỗi lần gặp tôi thì luôn thẹn thùng liếc mắt, làm tôi rất không được tự nhiên. Vì thế bình thường tôi rất ít tìm Nữu Nhi, cố gắng tránh chạm mặt với cậu ấy.

Chú và thím đều phát lì xì, tôi mừng rỡ mở bao ra, trông thấy bên trong có năm hào tiền giấy, bên trên vẽ đồng chí binh công nông, thím nói tinh thần bọn họ bừng bừng phấn chấn, nhưng tôi nhìn sao cũng thấy là đang diễu võ dương oai.

Năm hào này so với hơn một trăm đồng của tôi thì không đáng là bao, nhưng đối với những đứa trẻ khác đã là rất nhiều rồi, có thể mua được năm mươi khối kẹo đường đấy.

Sau khi xa nhà, phải tự sắp xếp chi tiêu mới thấy cuộc sống quả thật không dễ dàng, cũng hiểu được cha mẹ cho tôi mang theo số tiền này đã là chi mạnh tay rồi. Cha mẹ chỉ đơn giản là không muốn tôi tủi thân, hơn nữa hy vọng tôi có thể đọc sách, học tiểu học, cấp hai, cấp ba, thậm chí có thể đến đại học, du học Canada như mẹ lúc trước.

Tôi cảm ơn chú và thím xong liền chạy đến nhà Lý Ngôn Tiếu. Tôi thầm thấy may mắn vì không cần phải dập đầu, bằng không thì tôi không biết phải xử lý làm sao, nhỡ mà có dập đầu thật chắc chắn sẽ bị Lý Ngôn Tiếu cười cho.

Thím đã may xong áo khoác ngắn màu đỏ, bảo tôi mặc vào nhưng tôi giả bộ không thấy mà chạy đến nhà Lý Ngôn Tiếu, trên người vẫn là áo trắng như thường ngày. Người nhà anh nhìn thấy tôi vẫn mặc quần áo thế này thì sững sờ một chút, có lẽ họ cảm thấy màu sắc trang nhã này là điềm xấu.

Mặc dù như thế nhưng mọi người vẫn rất nhiệt tình với tôi. Ông nội Lý Ngôn Tiếu kéo tay tôi, đặt vào tay tôi một bao lì xì, tôi cúi người cảm ơn ông, cũng không có mở ra xem. Lý gia có thể coi là thế gia vọng tộc, tôi đoán chắc số tiền bên trong sẽ không nhỏ. Bà nội từng nói với tôi khi nhận quà của người khác thì không được mở ra trước mặt họ, như vậy là không tôn trọng họ.

Lúc này thím cũng đến trước cửa Lý gia, mọi người trong nhà đứng dậy khách sáo nói với nhau lời chúc mừng. Thím nhìn thấy trong tay tôi có bao lì xì thì giật mình một cái, vội vàng đoạt lấy rồi nhét vào tay “Ngu Cơ”, thím nói: “Ai nha, sao lại không biết xấu hổ như vậy…”

“Ngu Cơ” lại đem tiền lì xì đưa cho tôi: “Chị này, nhà mình làm hàng xóm bao nhiêu năm rồi, sao chị lại nói như xa lạ vậy? Chúng tôi cũng xem Mộ Đông như con cháu nhà mình mà!”

Ông nội Lý Ngôn Tiếu cười cười nói: “Một ít tiền tiêu vặt ấy mà, để cho Mộ Đông mua kẹo hay đồ chơi này nọ, nó còn chưa đính hôn thì ta còn cho nó.”

Lúc này thím mới im lặng không nói. Lý Ngôn Tiếu liếc mắt nhìn tôi cười cười, nụ cười của anh dưới ánh đèn vàng ấm áp trông thật đẹp, tôi cảm thấy anh có chút giống với mẹ mình. Nhưng tôi không biết anh cười là có ý gì.

Thím bỗng nhiên vỗ đùi một cái: “Đúng rồi, xem cái trí nhớ của thím này, chớp mắt cái đã quên rồi, Mộ Đông!”

Tôi càng hoảng sợ nhìn xem thím định làm gì.

“Cha mẹ con gửi thư tới này, vừa tới luôn đấy, chúng ta còn chưa có xem, con mau về xem đi!”

Tôi cả kinh, lòng thầm kêu “trời” một tiếng, tiền lì xì gì đều không còn quan trọng nữa, tim đập bịch bịch muốn nhảy ra ngoài, đầu óc thì trống rỗng, cũng không kịp quay đầu lại mà chỉ nói một tiếng “tạm biệt” rồi vọt về nhà. Lúc tôi chạy tới trong sân thì nghe Lý Ngôn Tiếu cũng muốn theo, nhưng bị ông nội anh gọi lại, đường như cảm thấy thư của nhà tôi thì để một mình tôi xem sẽ tốt hơn.

Về đến nhà liền thấy chú và Vương Câu Đắc Nhi đang chờ tôi. Tôi nhìn mọi người một lượt, khẽ cắn môi dưới – đúng vậy, trên bàn có một phong thư màu trắng, còn chưa được mở ra, trắng tinh giống như trời tuyết ngoài kia vậy. Tôi rõ ràng thấy được nó đang nằm đấy, nhưng lại giống như có sinh mạng – mang theo nỗi nhớ mãnh liệt của chúng tôi.

Mọi người đều không nói gì, tôi mở bao thư, thấy trên đó còn dính keo sữa. Tôi cố gắng khiến mình trấn tĩnh lại, nhưng ngón tay vẫn không kiềm chế được mà run rẩy. Tôi rút thư bên trong ra, bàn tay run run nâng lên, sau khi đọc kỹ từng câu từng chữ thì tay tôi càng run kịch liệt hơn.

Đọc thư xong, thật lâu tôi vẫn chưa thể chấp nhận được sự thật, trong lòng lại kêu một tiếng “trời ạ”, tim vẫn như trước đập rất nhanh. Tôi cắn môi nén nước mắt xuống dưới, bức thư mà tôi mong chờ lâu như vậy không ngờ lại là có nội dung thế này.

263138136c5a859f53b1

pedal đàn piano

Chương sau →